Diễn đàn lý luận

Theo dấu 30 năm bản quyền truyện tranh tại Việt Nam

Sỹ Hiếu
Lý luận phê bình
16:09 | 07/10/2024
Baovannghe.vn - Sự kiện “Bàn tròn: Bản quyền truyện tranh ở Việt Nam qua ba thập kỷ” thuộc khuôn khổ triển lãm “Từ Đôrêmon tới Doraemon” diễn ra vào ngày 22/9
aa

Sự kiện đã hé mở nhiều câu chuyện thú vị xung quanh vấn đề bản quyền bộ truyện Doraemon nói riêng, thị trường truyện tranh Việt Nam nói chung.

Bồi hồi những kỉ niệm “nặng gánh”

Câu chuyện bản quyền của Doraemon không còn là điều mới mẻ đối với bạn đọc yêu mến bộ truyện tranh “tuổi thơ” này. Ta còn có thể nói gì về vấn đề đó? Tất nhiên là còn nhiều, chừng nào đời sống của Doraemon tại Việt Nam còn tiếp diễn. Và có lẽ, đó vẫn sẽ là câu chuyện được đem ra để “vắt” thêm đôi ba lần. Trong sự kiện lần này, đa số khách mời đều là những người gắn bó với bộ truyện từ thời kỳ đầu, xem đó như là dấu ấn không thể phai trong kí ức của mình.

Nhà nghiên cứu độc lập ChuKim (Nguyễn Anh Tuấn) nhớ về ngày được bố mình mua cho hai cuốn Đôrêmon, anh đã “bị sốc” khi lần đầu được cầm trên tay một thứ truyện tranh mà mình chưa từng biết đến. Cậu bé ChuKim nhanh chóng bị bộ truyện cuốn hút, hăng say đắm đuối với những nhân vật trong truyện. Anh nói rằng, Đôrêmon xuất hiện và trở nên “duy nhất” trong bối cảnh xuất bản lúc bấy giờ. Cứ như vậy, bộ truyện dần trở thành món ăn tinh thần của mọi em nhỏ đương thời.

Từ vị trí biên tập viên đầu tiên của bộ truyện, bà Lê Phương Liên đã hé mở nhiều câu chuyện hậu trường trong suốt quá trình Nhà xuất bản Kim Đồng thực hiện bộ truyện. Bấy giờ, khi lần đầu biết tới Đôrêmon (thông qua một biên tập viên người Thái), nội bộ nhà xuất bản đã tranh cãi suốt 6 tháng về việc có hay không thực hiện bộ truyện; bởi (như cậu bé ChuKim đã sốc) kiểu truyện tranh như Đôrêmon chưa từng xuất hiện ở Việt Nam trước đó. Liệu rằng trẻ em Việt Nam đón nhận? Sau nhiều hồi thương thảo và “đánh liều”, nhà xuất bản quyết định thực hiện bộ truyện. Đôrêmon (của Việt Nam, dịch theo bản tiếng Thái) ra đời với đúng một mục tiêu là để trẻ em Việt Nam có thể thích bộ truyện. Về vấn đề bản quyền, bà chia sẻ rằng ngay từ đầu nhà xuất bản cũng đã nghĩ tới, liên hệ với tác giả theo số cá nhân (nhưng khi đề cập tới việc xin phép xuất bản thì tác giả không phản hồi); rồi khi có kinh phí từ việc xuất bản, nhà xuất bản đã liên hệ với Shogakukan bằng fax (nhà xuất bản bên Nhật phụ trách bộ truyện) thì có nhận được yêu cầu một khoản phí bản quyền (nhưng tất nhiên có trả hay không thì độc giả cũng đã biết). Nhưng bà Liên khẳng định ngay từ ban đầu, Nhà xuất bản Kim Đồng đã có ý thức về bản quyền của bộ truyện.

Anh Đặng Cao Cường, Trưởng ban Comics của Nhà xuất bản Kim Đồng, người tiếp nối chặng đường “bản quyền” của Doraemon cũng chia sẻ rằng: “Khi tiến hành xuất bản lại bộ truyện, chúng tôi coi đó là một phiên bản độc lập với bản trước đó. Càng về sau, với thế hệ độc giả đã thay đổi, việc xuất bản cũng dựa vào đó mà chuyển đổi.”

Có thể thấy, Đôrêmon hay Doraemon vẫn mãi là kỉ niệm tuổi thơ “nặng gánh” tại Việt Nam. Bộ truyện nghiễm nhiên trở thành tác phẩm ghi dấu những kí ức bồi hồi nồng đượm tiếng cười của một thời thơ ngây đã qua của độc giả Việt Nam thời kì đó. Và, dẫu có là “bộ truyện toàn cầu”, bộ truyện “quốc dân” tại Việt Nam, Doraemon vẫn gặp thất bại khi du nhập tới một số quốc gia khác.

Theo dấu 30 năm bản quyền truyện tranh tại Việt Nam
Diễn giả, khách mời và khán giả trong sự kiện “Bàn tròn: Bản quyền truyện tranh ở Việt Nam qua ba thập kỷ”. Ảnh: FB Chukim

Một điểm nhìn đối thoại từ quốc tế

Khi bàn về câu chuyện toàn cầu hoá của Doraemon, TS. Alisa Freedman (chuyên gia về văn hoá đại chúng Nhật Bản) chia sẻ rằng, khi cô gặp gỡ các sinh viên quốc tế đến từ Nhật Bản, Việt Nam, Thái Lan… và hỏi rằng “Bạn có biết Doraemon không?” thì câu trả lời đều là “Có, tôi rất thích Doraemon!” Còn tại Mĩ, khi cô hỏi câu tương tự, các sinh viên đều đáp rằng “Doraemon là gì vậy?”

Theo cô Alisa, khi được xuất bản ở Mĩ, Doraemon chỉ đi được 7, 8 tập là phải dừng bước. Bởi trong bộ truyện, từ cảnh quan cho tới văn hoá, lối sống, tính cách nhân vật đều mang đậm tư duy của người Nhật, và điều đó là không hợp với văn hoá Mĩ. Tại đây, nhân vật Nobita vốn tạo được sự đồng điệu với hầu hết trẻ em (như ở Việt Nam chẳng hạn), còn với người Mĩ, đó chỉ là một cậu bé lúc nào cũng khóc, khi muốn làm gì hay muốn có được thứ gì thì đều phải nhờ tới Doraemon bởi cậu ta không có đủ khả năng tự thân thực hiện. Đó là những biểu hiện cho sự phụ thuộc, yếu đuối của một cậu bé.

Anime Doraemon thì có phần khá khẩm hơn khi thời gian xuất hiện của chúng tại Mĩ có phần lâu hơn manga, thông qua sự trình chiếu của Disney. Thế nhưng, vẫn là bởi cách biệt văn hoá mà các hình ảnh trong anime đã bị can thiệp. Chẳng hạn, trong một tập phim, Nobita (như thường lệ) lại khóc và tìm tới Doraemon, vậy là toàn bộ cảnh Nobita khóc đã bị xóa, khiến cho bộ phim trở nên khó hiểu. Dẫu sao, hình ảnh “crying boy” là thứ bị xem là không phù hợp và không nên để cho những cậu bé nước Mĩ nhìn thấy. Cứ như vậy, đời sống của Doraemon tại Mĩ chẳng thể bền lâu.

Vẫn là một định hướng mờ cho truyện tranh Việt

Sau khi bàn luận về Doraemon, sự kiện mở rộng vấn đề sang những định hướng tiếp theo trong tương lai đối với bản quyền manga và truyện tranh Việt Nam. Một vấn đề được gợi mở là mối tương quan giữa độc giả - nhà xuất bản đã thay đổi khi độc giả đã có thể phần nào tác động tới xu hướng bản quyền của các nhà xuất bản. Từ phía độc giả, vẫn là những tâm nguyện (muôn thuở) về loại thể, ấn phẩm được cho là “khó nhằn” có cơ hội được xuất bản. Từ phía nhà xuất bản, vẫn là những chia sẻ trong việc sẽ tích cực hợp tác, phát triển ngành xuất bản, đa dạng hoá ấn phẩm trong lĩnh vực truyện tranh.

Bàn thêm về vấn đề sức mạnh của độc giả, TS. Alisa Freedman đề cập tới thể loại Doujinshi (truyện do fan sáng tác dựa vào nguyên mẫu), về cái kết của Doraemon mà fan viết ra đã tạo nên hiệu ứng ra sao; về mối tương hỗ hai bên (cùng hưởng lợi) trong bối cảnh đại chúng hóa các sản phẩm thương mại hiện nay giữa nhà xuất bản và tác giả phóng tác. Cùng chia sẻ vấn đề với cô Alisa, một khán giả có ý kiến về câu chuyện “cái kết giả nhưng vô cùng hợp lí” của Doraemon đã khiến luật bản quyền đối với Doujinshi thay đổi ra sao.

Mở rộng vấn đề để tìm về bản địa, TS. Phạm Hoàng Hưng (Khoa Đông phương học, Đại học KHXH&NV Hà Nội, cùng tham gia sự kiện) tiếp lời cô Alisa để chia sẻ về cách mà Nhật Bản kiến tạo hình ảnh quốc gia bằng văn hoá thông qua việc “đồng hóa hình ảnh” mà Doraemon là một ví dụ tiêu biểu. Từ đó, ông cũng đặt câu hỏi (và mong muốn) rằng Việt Nam có thể có những tác phẩm truyện tranh riêng sau quá trình hấp thu, học hỏi từ ngoại quốc.

Nhìn vào những câu chuyện được đưa ra bàn luận, có thể thấy, khi nhắc tới “truyện tranh” ở Việt Nam là đa số nghĩ tới manga của Nhật Bản. Cộng đồng manga ở Việt Nam có thể nói là “hùng hậu”, rất yêu mến loại thể văn hoá đại chúng này. Các nhà xuất bản cũng tích cực đa dạng hóa thị trường manga tại Việt Nam. Cũng đã có các nhà nghiên cứu (độc lập) dành sự quan tâm tới lĩnh vực còn vô cùng sơ khai này ở Việt Nam. Có điều, mỗi người mỗi việc, phong phú nhưng không nhất quán, việc dựng nên hệ thống tri thức (hay hệ sinh thái truyện tranh mà mọi người thường nhắc tới) là một định hướng mờ, khó có thể tỏ rạng ngày một ngày hai. Nhưng dẫu sao ta vẫn có quyền hi vọng vào thế hệ độc giả, tác giả, nhà xuất bản, phê bình - nghiên cứu manga (độc lập) hiện nay sẽ tạo nên (nhiều) “cú sốc” cho văn hóa manga tại Việt Nam, như cách mà Doraemon đã làm vào 30 năm trước.

Sỹ Hiếu | Báo Văn nghệ

---------

Bài viết cùng chuyên mục:

65 năm một bộ truyện trẻ thơ: Lấp lánh những sắc huyền diệu Bản quyền truyện tranh ở Việt Nam nhìn từ Đôrêmon đến Doraemon Bản tin Văn nghệ: Công tâm, chính xác - nâng tầm điện ảnh Quốc gia và Quốc tế Manga – Một giá trị văn hóa đáng được đánh giá cao hơn Từ “Đôrêmon đến Doraemon” nhìn về 30 năm manga và nền truyện tranh Việt Nam
Sửa Luật Quảng cáo để ngăn chặn việc lừa dối người tiêu dùng

Sửa Luật Quảng cáo để ngăn chặn việc lừa dối người tiêu dùng

Baovannghe.vn- Dự kiến Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ Tám khai mạc ngày 20/10. Hiện, cơ quan soạn thảo đang tập trung sửa đổi theo hướng bảo vệ tối đa người tiêu dùng.
Gỡ khó để phát triển sáng tác, quảng bá tác phẩm Văn học, nghệ thuật

Gỡ khó để phát triển sáng tác, quảng bá tác phẩm Văn học, nghệ thuật

Baovannghe.vn - Hội nghị giao ban công tác VHNT và hoạt động của Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật (VHNT) Việt Nam, các hội VHNT chuyên ngành Trung ương quý III năm 2024 đã được Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Li
Bản tin Văn nghệ: “Tầm nhìn mới, cơ hội mới xây dựng Thủ đô”

Bản tin Văn nghệ: “Tầm nhìn mới, cơ hội mới xây dựng Thủ đô”

Baovannghe.vn - Hội thảo “Tầm nhìn mới, cơ hội mới xây dựng Thủ đô”; Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội và ABBA hội ngộ miền di sản là những sự kiện nổi bật...
Hậu bão Yagi: Hãy ứng xử với thiên nhiên phù hợp

Hậu bão Yagi: Hãy ứng xử với thiên nhiên phù hợp

Baovannghe.vn - Nước Việt Nam ở vào khu vực thời tiết nhiệt đới gió mùa, đã thế lại có vị trí địa lý “mặt tiền”: nằm trải dài đến hơn ba ngàn ki lô mét dọc theo chiều Bắc - Nam bên bờ Thái Bình Dương, một đại dương vốn nổi tiếng nhiều bão tố. Bởi thế như một hệ quả tất yếu, hằng năm nước ta thường phải hứng chịu khá nhiều cơn bão từ biển đổ bộ vào đất liền. Và bão dĩ nhiên là kèm theo mưa, nên lũ lụt là câu chuyện cũng thường tình với những người sống trên đất này, từ nhiều đời rồi.
Nắng trên hiên nhà. Truyện ngắn của Cao Nguyệt Nguyên

Nắng trên hiên nhà. Truyện ngắn của Cao Nguyệt Nguyên

Baovannghe.vn - Đường xuống làng đi qua đầu hồi nhà ông Bẩy. Căn nhà lụp xụp, ngói đã mục nát thành từng mảnh nhỏ giắt trên mái nhà. Tôi buộc phải chú ý đến ông cụ chỉ vì trong vườn nhà ông có một cây khế ngọt vô cùng.