Multimedia

Ngày xưa yêu dấu. Truyện ngắn của Vũ Bình lục

Đọc truyện
07:22 | 21/11/2022
​Nhìn qua cửa kính, thấy có hai người khách, một già, một trẻ, hình như đang có ý định mở cái cổng sắt khép hờ để bước vào sân, tôi vội vàng bước ra đón khách. Chao ôi! Có phải anh Sơn đấy không? Thôi đúng rồi. Anh Sơn chứ còn ai nữa! “Mình ơi! Anh Sơn đây này! Anh Sơn đến thăm nhà ta đây này”!
aa

Nhìn qua cửa kính, thấy có hai người khách, một già, một trẻ, hình như đang có ý định mở cái cổng sắt khép hờ để bước vào sân, tôi vội vàng bước ra đón khách. Chao ôi! Có phải anh Sơn đấy không? Thôi đúng rồi. Anh Sơn chứ còn ai nữa! “Mình ơi! Anh Sơn đây này! Anh Sơn đến thăm nhà ta đây này”!...

Vợ tôi từ phía nhà sau, nghe tiếng tôi gọi, cũng sấp ngửa chạy lên. “Ôi anh Sơn! Lâu lắm rồi bữa nay mới lại gặp bác. Mời bác vào trong nhà đã. Thế còn ai đây? Thằng cu con nhà bác có phải không? Chà! Lớn cao hơn bố cả rồi. Thật quý hóa quá”!

Anh Sơn, vị khách quý của gia đình chúng tôi hôm nay, chính là thầy giáo Phạm Ngọc Sơn, người bạn đồng nghiệp của tôi từ cách đây hơn hai mươi năm, hồi chúng tôi còn dạy học ở trường cấp 3 Tây Thụy Anh, tỉnh lúa Thái Bình.

Minh họa: Ngô Xuân Khôi

Qua câu chuyện tâm giao, tôi biết anh Sơn vừa mới nghỉ hưu, rồi từ Thái Bình lặn lội vào thành phố Hồ Chí Minh thăm cậu con trai lớn đang làm việc tại Tân Cảng. Xong việc ở Sài gòn, anh lại dắt dìu theo cậu con trai út bươn bả lên Tây Nguyên thăm gia đình chúng tôi. Anh kể, ở Sài gòn, học trò cũ của chúng tôi làm việc khá đông, phần nhiều đã thành đạt. Cả hai đứa con mình đều do các cậu học trò cũ cưu mang cả đấy. Giọng anh trầm xuống có vẻ xúc động. Đời mình, ông biết rồi đấy, cả đời cùi cũi dạy học mà rút cục vẫn nghèo. May mà nhiều thế hệ học trò còn đó, mà cũng còn rất nhiều người tử tế. Bây giờ họ trưởng thành mới có điều kiện giúp đỡ thầy, cưu mang, tạo việc làm cho những đứa con của thầy. Anh Sơn cười cảm động. Giọng anh hình như hơi méo đi. Tôi biết thế và tự nhiên thấy nghẹn ngào…

Những năm cuối thập niên 70 của thế kỷ trước, chúng tôi cùng dạy học ở một vùng quê rất nghèo, thuộc phía tây huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình. Sau chiến thắng 30/4/1975, giang sơn thu về một mối, nhưng cả nước đều ở trong hoàn cảnh cực kỳ khó khăn. Chiến tranh biên giới chống bọn Khơ Me Đỏ Pôn-Pốt. Mĩ thua cay đắng, nên họ tức giận bao vậy cấm vận ta. Nguồn viện trợ ở cả hai miền đất nước khoảng 4 tỷ đô la mỗi năm, coi như chấm dứt hoàn toàn. Chưa hết, ông bạn đồng chí láng giềng Trung Quốc quay mặt xua mấy chục vạn quân tấn công xâm lược các tỉnh biên giới phía Bắc nước ta. Đất nước vừa ra khỏi chiến tranh, lại phải đối mặt với vô vàn khó khăn chồng chất khác.

Tôi dạy học xa nhà chừng gần hai chục cây số nên phải ở nội trú, chiều thứ bảy mới “cắt cơm bơm xe nghe thời tiết”, rồi guồng xe đạp lóc cóc về nhà. Anh sơn trước dạy ở Cao đẳng sư phạm Thái Bình, sau anh xin chuyển về cùng tổ chuyên môn với tôi. Hồi ấy tôi là tổ trưởng tổ Văn. Nhà anh ở xã Thụy Dân, cách trường chừng ba bốn cây số về hướng tây. Làng anh cũng là làng quê của nhà văn Vũ Bão nổi tiếng đấy!

Một bữa anh mời tôi về nhà chơi. Nhà anh nghèo lắm, mà vợ anh lại đau ốm kinh niên. Hai cậu con trai còn nhỏ, đứa lớn mới cao bằng chiếc chum đựng nước, nhưng cũng phải ráng sức phụ với bố đào đất đóng gạch. Thế anh đóng gạch để chuẩn bị xây nhà phải không? Thấy tôi hỏi vậy, anh Sơn cười nhỏ nhẹ mà tươi lắm:

- Đâu có! Mình chỉ tranh thủ đóng gạch mộc bán cho người ta để kiếm thêm chút tiền mua gạo cho cháu, chứ nhà mình đây cái ăn còn chưa đủ, lấy đâu ra tiền mà xây với chả cất! Đóng gạch tranh thủ ban đêm đấy ông ạ! Rỗi lúc nào là bố con mình xoay lưng ra đóng gạch. Ở trường về, cởi cái áo ra, lại cầm lấy cái mai xén đất, vật đi vật lại mấy lần, ủ cho nó tơi đều. Đất đóng gạch phải xén, phải đảo đi đảo lại nhiều lần thì nó mới mịn và dẻo ông ạ! Tôi bảo với anh rằng cái nghề đóng gạch này thì tôi cũng đã từng làm, từ hồi còn nhỏ cơ. Chả là nhà tôi trước đây cũng có cái lò gạch ở ngoài cánh đồng Đông, ngay mép con kênh ven đê phân ranh giới địa lý hai xã Thụy An và Thụy Trường. Anh sơn nghe tôi nói thế, lại cười rất sảng khoái. Hóa ra cậu cũng lắm nghề đấy nhỉ. Chúng mình quả là có nhiều điểm tương đồng! Nghe nói gia đình anh Sơn trước kia từng giàu có, bị quy thành phần địa chủ hồi Cải cách ruộng đất. Bây giờ thì trên cái nền nhà cũ khang trang ngày xưa chỉ còn là ngôi nhà tranh nhỏ bé này thôi.

Bữa cơm tối có đĩa cá rô kho với quả chay khô cắt lát mỏng. Chiều khách, chẳng biết từ lúc nào, nhoáng một cái, chạy đi đâu đó một tý, anh Sơn đem về cút rượu trắng để chúng tôi cùng nhâm nhi mà lấy thêm đảm khí và cảm hứng cho cuộc hội ngộ bạn bè. Đêm ấy trăng sáng. Anh Sơn sai con đem chiếc chiếu ra giải ngoài sân. Mảnh sân đất nện, rộng chừng dăm bảy chiếc chiếu cói. Chúng tôi ngồi khoanh chân chắp bằng quanh cái mâm gỗ nhỏ, vừa nhâm nhi chén rượu quê, vừa lai rai bàn chuyện văn chương. Anh khen thơ Vương Duy đẹp nhưng hơi xa mặt đất. “Lạc hà dữ cô vụ tề phi/ Thu thủy cộng trường thiên nhất sắc”. Ráng chiều với cánh cò cùng bay, nước xanh và trời xanh hòa làm một sắc. Tuyệt lắm. Quả là trong thơ có họa. Đỗ Phủ gần đời hơn, nhưng nước mắt nhiều quá. “Chu môn tửu nhục xú/ Lộ hữu đống tử cốt”. Nơi cửa son rượu thịt (thừa thãi) để ôi thiu, ngoài đường (kẻ ăn mày) chết khô. Đời lắm. Đau lắm chứ. Nhưng dẫu sao thì với kiếp người, nỗi buồn bao giờ cũng nhiều hơn, nên văn chương viết về nỗi buồn mới ở lâu với con người đến vậy. Mà thường thì đó lại là những áng văn bất hủ. Anh Sơn là người mê văn, lại còn mê luôn cái nghề dạy học mà anh đang gồng gánh. Anh là người rất chịu đọc, do vậy, kiến văn của anh khá sâu rộng.

Nhắp một ngụm rượu đế, bỗng dưng anh lại thả ra một nhận xét, cũng hơi bất ngờ. Anh bảo, văn chương ở ta, mình thích thơ Cao Bá Quát hơn. Ông ấy tài hoa đã đành, nhưng còn là một nhân cách lớn. Con người vĩ đại ấy, yêu ghét trắng đen rõ ràng và bao giờ cũng đứng về phía nhân dân, lớp người dưới đáy xã hội. Thầy Cao tự tin vào tài năng của mình đến mức kiêu hãnh.

“Nhập thế chích thân thiên lý mã/ Khán thư song nhãn vạn niên đăng” (Vào đời thân ví ngựa ngàn dặm/ Xem sách mắt muôn đèn sáng soi). Đấy! Thầy Cao yêu đến tận cùng, và ghét cũng đến tận cùng. Tâm hồn Cao Chu Thần kỳ vĩ lắm. Và cũng gần đời lắm. Thơ Nôm Nguyễn Du hay hơn thơ Nôm họ Cao, nhưng thơ chữ Hán thì họ Cao tài hoa hơn. Xét riêng về nhân cách chính trị, Nguyễn Du thấp hơn họ Cao một bậc. Đây nhé! Tố Như đã chạy theo Lê Chiêu Thống sang Tàu khi bị Tây Sơn lật đổ vương triều, không kịp mới phải quay về, rồi trốn tránh cả chục năm ở Quỳnh Hải, Quỳnh Côi (nay là Quỳnh Phụ, Thái Bình), quê vợ của ông. Nguyễn Ánh lật đổ triều Tây Sơn, Tố Như lại đến đầu quân cho Nguyễn Ánh. Thế chẳng phải là gió chiều nào che chiều ấy ư? Trong lòng Tố Như vì thế lúc nào cũng không yên. Tuy làm quan tới chức Tham tri bộ Lễ, nhưng nhà thơ vẫn bị các công thần thế hệ khai quốc triều Nguyễn coi thường, nên chả thấy tiên sinh vui vẻ bao giờ. Làm quan mà chỉ biết dạ dạ vâng vâng, nên có lúc ông còn bị Nguyễn Ánh quở trách. Chắc trong lòng thi nhân chất chứa nhiều tâm sự lắm, nên khi sắp từ biệt cõi đời, tiên sinh chỉ hỏi người nhà rằng đã lạnh đến đâu rồi. Hỏi xong thì nhà thơ thiên tài quay mặt vào tường, không nói gì thêm nữa.

Đêm ấy, tôi ngủ lại nhà anh Sơn. Hai anh em nằm chung một giường, nói chuyện văn, chuyện đời mãi đến gần sáng. Chuyện nhỏ dần, thưa dần rồi tắt hẳn. Chủ nhà nằm quay mặt ra ngoài, khe khẽ ngáy. Tôi thì chả làm sao chợp mắt được, vì lạ chỗ nằm đã đành một nhẽ, nhưng phần nhiều là vì muỗi. Nhiều muỗi quá. Màn thì có đấy, nhưng gọi là màn cho nó oai thôi, chứ nó vừa cũ, lại vừa rách tứ tung. Riêng phía vách tường trộn rơm trát đất phía tôi nằm thì xem như bỏ trống. Đúng hơn là mảng rách quá lớn, chủ nhà hình như chưa đủ sức lo được mảnh vải màn nào để “điền” vào cái chỗ trống hoang trống hoác ấy, thành ra chiếc màn chỉ chung chiêng có ba manh đấy thôi. Độ dài thân thể tôi vào loại “thường thường bậc trung”, mà khi duỗi chân ra vẫn phải cầm lòng thò đoạn cuối ra ngoài. Anh Sơn cao hơn tôi đến gần một tấc nên anh phải ngủ cong vỏ đỗ. Chắc anh khổ quen rồi, cho nên dứt chuyện là anh ngủ vô tư. Đời lính tôi cũng đã khổ vô cùng, nhưng bây giờ đâu phải là cuộc sống trong rừng nữa, mà đêm nay không sao chợp mắt được. Thương anh Sơn lắm, nhưng tôi mới ra trường, đồng lương thầy giáo trẻ còn eo hẹp, gồng gánh cái gia đình be bé của mình cũng còn chưa nổi, huống hồ còn giúp được ai! Sao trí thức nước mình khổ vậy? Con người một khi chưa có cái gì nhét vào trong bụng, phải đánh vật với miếng cơm manh áo, hỏi còn sáng tạo được gì? Chao ôi! Con đường đến với hạnh phúc nó xa xăm diệu vợi đến thế…

Anh Sơn tuy gầy ốm nhưng nhanh nhẹn đáo để. Ở với anh sáu bảy năm trời, tôi chưa thấy anh buồn hoặc tỏ ra buồn bao giờ. Hoặc giả là anh có cái tài cất giấu đi nỗi buồn riêng thăm thẳm của mình chăng? Lúc nào gặp anh cũng thấy anh cười vui, đôn hậu và chân thành. Anh sẵn sàng giúp đỡ mọi người, nếu như anh có thể giúp được. Anh dạy học say mê và lúc nào cũng nghiêm cẩn trong nghề nghiệp. Một người như anh thật hiếm có trong đời. Tôi làm nghề dạy học cũng đã gần ba chục năm, đã nhiều lần chuyển dịch, lặn lội khắp chân trời góc bể, gặp gỡ rất nhiều đồng nghiệp, đến đâu tôi cũng thường kể chuyện về anh với mọi người, là vì trước sau tôi vẫn nghĩ về anh như một nhà giáo hoàn hảo, một con người khả kính, trong veo…

Bây giờ bỗng dưng lại thấy anh xuất hiện ngay trước mặt tôi đây. Anh vẫn ăn mặc xềnh xoàng giản dị như xưa, lại vẫn giọng cười sang sảng hào hiệp như xưa, đôn hậu và nồng ấm như xưa, thử hỏi làm sao mà không sung sướng cho được!

- Thầy Ba bây giờ thế nào hả anh? Chắc thầy còn sống khỏe đấy chứ? Tôi vội hỏi anh Sơn khi đã ngồi đối diện nhau bên bàn nước trà.

- Thầy ba mất rồi ông ạ! Mới năm ngoái đây thôi. Ông còn nhớ cái bếp ăn tập thể của trường mình, có bà Tỏ làm chủ bếp không?

- Tất nhiên rồi! Ý anh muốn nhắc tới những ngày sinh hoạt “bảy phần khoai ba phần gạo” chứ gì? “Bảy nổi ba chìm với nước non” phải không? Ồ! Làm sao mà quên cho được! Dạy buổi sáng 5 tiết văn liền liền, hết giờ thì mọi người cùng nhau xuống bếp ăn tập thể. Mỗi khẩu phần ăn giáo viên chỉ một đĩa khoai lang luộc, ấy thế mà chuyện trò cười nói râm ran. Nghỉ trưa, chiều lại lên lớp. Cuối năm học sinh lớp 10 (lớp 12 bây giờ) thi thử hai ba vòng, thường là vào buổi tối. Bấy giờ lại chưa có điện đóm gì sất. Học trò mỗi đứa một ngọn đèn Hoa Kỳ, nhiều em còn chưa có dép mà đi. Thầy chả thêm một đồng thù lao nào cả. Vậy mà thế hệ ấy rất nhiều trò thành đạt. Này bác! Gia cảnh thầy Ba bây giờ ra sao rồi? Anh Sơn bảo rằng gia đình thầy Ba bình thường thôi. Con cái đều có gia đình riêng cả. Cái di sản mà thầy Ba để lại cho con cháu, không thấy ở chỗ cửa cao nhà rộng, mà chính là ở cái đức của một nhà giáo mẫu mực đấy ông ạ !

- Đúng vậy! Một nhân cách trong veo và một tấm lòng bao dung đôn hậu. Tôi còn nhớ một lần họp chi bộ nhà trường có bàn đến việc phụ đạo cho học sinh, để cũng cố và tăng cường thêm kiến thức cho học trò, giúp các em vững vàng hơn trong kỳ thi tốt nghiệp sắp tới. Có người nêu ý kiến nên thu mỗi em một vài hào, gọi là để bồi dưỡng thêm cho thầy cô có sức khỏe mà giảng dạy. Thầy Ba phát biểu thẳng thừng, rằng chúng ta không nên thu tiền của học sinh. Phụ đạo thêm cho học sinh thì xin sẵn sàng, nhưng thu tiền của các em thì không nên. Ai lại đi thu tiền của học sinh, nó làm sao ấy. Gia đình các em chủ yếu là nông dân, mà phần lớn còn nghèo lắm! Chắc anh Sơn vẫn nhớ cái tạng thầy ba chứ? Gầy ốm, lại cao lêu nghêu. Cái xe đạp cà tàng, cõng trên lưng nó một ông thầy giáo già, lóc cóc lăn bánh trên con đường quê miên man ổ gà, nom tội nghiệp lắm. Lại còn cái “đức” thờ ơ với mọi chuyện ngoài đời sống xã hội mới lạ nữa chứ! Hễ ai có chuyện gì mới nhặt nhạnh được ngoài kia đem về kể với nhau cho vui, đại loại như giá thịt lợn hôm nay bỗng dưng nhảy tót lên những ba đồng một cân; ông A mới mua được chiếc xe đạp Thống Nhất giá phân phối; bà B mới nhảy lên chức cửa hàng trưởng cửa hàng thực phẩm..., thầy Ba đều trợn mắt ngạc nhiên rồi sửng sốt kêu lên: “Thế cơ à!”… Lâu dần chúng tôi định danh cho thầy Ba là THẦY THẾ CƠ À!...

Nhắc lại những giai thoại về thầy Ba, chúng tôi lại có dịp được cười. Cười ra nước mắt. Sau giải phóng miền Nam, thầy ba được điều động vào dạy toán ở trường Cao đẳng, sau này là Đại học Quy Nhơn. Được mấy năm thì thầy xin về quê, rồi được bổ nhiệm làm hiệu trưởng trường cấp 3 bổ túc văn hóa của huyện. Sau thầy bỏ luôn chức hiệu trưởng, chuyển về cấp 3 Tây Thụy Anh làm giáo viên dạy toán cho gần nhà. Vợ tôi xen vào câu chuyện: “Mẫu người như thầy Ba thì thiên hạ cũng hiếm thấy phải không bác Sơn! Ông thầy ngày ấy chỉ có ăn khoai mà công tác thì nhiệt tình thật sự. Như nhà em đây, một tuần chỉ về với vợ con có mỗi ngày chủ nhật. Có khi vui thể thao lại đi đá bóng giao lưu với các trường khác, có ở nhà trọn một ngày bao giờ đâu. Sao ngày ấy chả có ai nghĩ đến chuyện làm giàu bác nhỉ? Mấy lại lấy đâu ra mà giàu. Cả nước đều “hoàn cảnh” như nhau, đủ ăn là giỏi lắm rồi. Ông cán bộ nào mà có cái xe đạp pavơrít của Tiệp là đã nổi tiếng về cái sự giàu sang, còn hơn cả ô tô bây giờ ấy chứ! Bọn nữ sinh sư phạm chúng em hồi ấy nhiều cô chết mệt về cái anh chàng pavơrít ấy đấy!”… Lại cùng nhau cả cười.

- Đã đành rằng thế, nhưng thầy giáo thì mấy ai có cái xe Pavơrít mà cưỡi, mà mơ với chả mộng? Kiểm kê các thầy trường mình, tôi nhớ không nhầm thì có tới hơn chín chục phầm trăm đều mặc quần vá mông hoặc vá đầu gối. Lý do đơn giản là vì cứ cưỡi con ngựa sắt trường kỳ trên những con đường thiên lý miên man ổ gà, ngay cả quần bò Mĩ bây giờ chắc chi đã chịu thấu. Ai chả biết chứ như mình đây, cái yên xe đạp cũng chỉ còn độc một chiếc lò so! Anh Sơn vừa kể vừa cười, vừa lấy khăn lau nước mắt. Những chuyện đời thường thật mà như đùa, tưởng như chưa hề có trên đời. Bây giờ bọn trẻ nghe bố mẹ kể, cứ cho là chuyện cổ tích. Các cụ cứ ngày xửa ngày xưa cơ hàn cơ khổ… Đất nước còn nghèo, nhưng dẫu sao cũng đã có bát ăn bát để. Nhìn lên thì chửa bằng ai, nhưng so với ngày xưa thì cũng đã khá hơn nhiều lắm…

Tôi rót thêm ly rượu nhẹ mời anh Sơn đưa đẩy cho câu chuyện thêm phần lãng mạn. Sắc diện anh tươi hẳn lên, chả bù cho ngày xưa da anh tái xám và khô. Này ông! Thế sao ngày xưa sống nghèo nhưng vẫn thấy vui đáo để? “An bần nhi lạc”. Tôi cho rằng Lão Đam là chúa biết bụng người. Ấy thế mà được giầu thì ai cũng chả chê. Giàu rồi, lại muốn giầu thêm nữa. Ngồi trên đống vàng mà than thở, chết rồi thì ai “chuyển xéc” xuống âm phủ cho đây! Bạn tôi nói câu ấy, lại phá lên cười, như thể biện minh cho cái nghèo ngày xưa, xưa lắm…

Vũ Bình lục

Nguồn Văn nghệ số 47/2022


Thông cáo báo chí số 23, Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội khóa XV

Thông cáo báo chí số 23, Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội khóa XV

Baovannghe.vn - Thứ Sáu, ngày 22/11/2024, Quốc hội tiếp tục ngày làm việc thứ 23 (Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV) tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội.
Quà tặng của chiến tranh - Truyện ngắn của Hoài Hương

Quà tặng của chiến tranh - Truyện ngắn của Hoài Hương

Baovannghe.vn - Chiến dịch thần tốc như một cơn lốc không ngày không đêm, đơn vị vừa đánh vừa hành quân gần như xuyên dọc theo Quốc lộ 13 hướng về Sài Gòn mỗi ngày một gần thêm.
Lĩnh vực báo chí cần có những ưu đãi về thuế

Lĩnh vực báo chí cần có những ưu đãi về thuế

Baovannghe.vn - Quốc hội tiếp tục chương trình làm việc ngày 22/11 với phiên thảo luận tổ về dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) và dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi).
Trôi giữa hương sen nghịch mùa - Truyện ngắn của Đinh Thành Trung

Trôi giữa hương sen nghịch mùa - Truyện ngắn của Đinh Thành Trung

Baovannghe.vn - Mây đen tan. Nắng nhẹ. Hương sen còn sót hòa cùng hương bùn đánh dạt mùi khói xe, đưa nụ cười của hai người đàn ông lấp đầy mi mắt đang nhìn về phía mặt trời.
Nhà thơ Anh Ngọc bình thơ "Thề non nước"

Nhà thơ Anh Ngọc bình thơ "Thề non nước"

Baovannghe.vn - Bài thơ Thề non nước không chỉ là lời tự tình đằm thắm của một tâm hồn thủy chung, tin cậy mà còn cất giấu trong mình một bức tranh thiên nhiên tráng lệ và quyến rũ mê hồn vì một vẻ đẹp như sinh ra bởi con người và cũng chỉ dành để cho con người.