Sáng tác

Người Dơi - Truyện ngắn của Quyên Gavoye

Quyên Gavoye
Truyện
08:02 | 13/11/2024
Baovannghe.vn - Người Dơi! Chỉ riêng từ đó đã khiến đám người yếu bóng vía rùng mình. Hình như ai cũng sợ chỉ cần gọi tên cô ta là cô ta sẽ xuất hiện. Nhưng tối nay thì khác, tận mắt Hoàng Văn Giang đã nhìn thấy cô ta. Nghĩa là cô ta đã quay trở lại và đang ở đây, dân làng đang bị đe dọa. Họ cần biết tại sao cô ta trở lại sau nhiều năm không xuất hiện.
aa

Quyên Gavoye mới viết nhưng sớm trưởng thành và vững tay. Có lẽ bởi nỗ lực và năng lượng sáng tạo rất lớn, dù ở xa Tổ quốc hàng nghìn cây số nhưng chị vẫn muốn thấm đẫm vào hồn cốt văn hóa Việt. Người Việt có đi xa thì cũng không bao giờ quên được quê hương bản quán và những câu chuyện từ thời ấu thơ của mình, với người viết thì còn hơn thế... (Uông Triều)

1.

Con đường từ nông trại về làng Vực bết bát bùn đất, ngoằn ngoèo những khúc gấp mở, cỏ cao ngút đầu người. Tiết trời cuối thu lạnh tê tái, sương mù phủ đặc quánh những khoảnh đất trống. Tiếng quạ quàng quạc bay rợp khoảng trời phía trên. Không gian mờ ảo, chợn rợn, người đàn ông lững thững bước. Sau lùm cây, cách đó khoảng hơn vài trăm mét, những mái nhà thấp lè tè nhấp nhô ẩn hiện sau màn sương như những chiếc mai rùa. Mặt trời xuống núi. Đêm bắt đầu di chuyển về phía làng.

Làng Vực nằm ở phía đông tỉnh Thanh Hóa, được hình thành từ thời Lê Sơ. Lịch sử của làng ghi lại rằng những người dân Nghệ An theo lạch Cờn chở nước mắm ra Thanh Hóa bán, đến đoạn cửa lạch, những người thương lái thấy phong cảnh hữu tình bèn dừng chân và lập thành làng. Làng Vực nằm gọn giữa ba ngọn núi, núi Bà, núi Ông và núi Ngọc Nữ. Nằm chênh chếch về phía Tây, núi Ông sừng sững che chắn cho làng. Buổi chiều, khi hoàng hôn phủ xuống, cả làng Vực cuộn mình vào bóng núi.

Hoàng Văn Giang co ro trong chiếc áo bông, tiếng mõ từ xa vọng lại khiến bước chân trở lên luýnh quýnh. Đó là một người đàn ông cao to, vạm vỡ, bờ vai vững chắc, khuôn mặt góc cạnh cùng đôi mắt sáng long lanh tỏa ra một sức hút kỳ lạ, một khuôn mặt đáng để gửi vàng. Giang vốn cần cù và nhanh nhẹn, chỉ cần nhìn vào nông trại của anh ta, người ta sẽ thấy công sức bỏ ra mỗi ngày. Người trong làng tất thảy đều công nhận tính chịu khó của Giang. Mồ côi cha mẹ từ nhỏ, không ai biết Giang đến từ đâu. Người ta chỉ nhớ, ông chủ nông trại nhặt anh ta trên một chiếc ghe rách nát bỏ lại ở cửa lạch Cờn tím tái không một mảnh vải che thân. Giang về ở đợ trả ơn nuôi dưỡng của ông chủ. Hai mươi năm qua, những cái cây Giang trồng đã đơm hoa kết trái và nảy mầm non, nhưng anh ta thì vẫn là con nợ.

Giang sống một mình ở nông trại, cách làng Vực vài trăm mét. Cuộc sống của Giang xoay quanh những gốc cây quanh năm xanh mướt. Giang chăm chúng như chính những đứa con của mình rứt ruột đẻ ra, ban ngày nói chuyện với cây, tối về gác đầu lên đất ngủ.

Tối tối, sau khi mọi việc đã xong xuôi, Giang có thói quen đi bộ vào làng. Anh ta biết làng Vực như chính lòng bàn tay của mình, những lối đi lắt léo, những lùm cây gai góc, những hòn đá lăn lóc cạnh con lạch chảy quanh làng và cả những câu chuyện truyền thuyết từ đời này sang đời khác của người làng.

Sau vài khúc quanh, làng Vực không còn xa, khẽ rụt cổ vào trong chiếc áo khoác, sương chiều xuống mỗi lúc một thấp, những hình thù quái dị vẽ lên từ những lùm cây hoang ven đường lun lút như đang há miệng nuốt chửng kẻ lữ khách, liếc mắt nhìn về phía bầu trời Giang khẽ rùng mình. Tiếng quạ kêu càng lúc càng thảm thiết. Bầu trời chuyển màu tối sẫm. Có chuyện gì đó không bình thường. Giang ngước mắt nhìn lên bầu trời một lần cuối trước khúc quanh cuối cùng vào làng. Bất ngờ anh ta đứng lại đưa tay dụi mắt thêm lần nữa. Trước mắt Giang, những vì sao lấp lánh kết nối tạo thành vệt sáng uốn lượn vụt qua rất nhanh.

Thánh thần ơi, cô ta đã quay lại.

Giang đã nhận ra cô ta, đôi cánh sải rộng uốn lượn ngợp bầu trời. Không nghi ngờ gì nữa. Chắc chắn là cô ta. Cô ta đã quay trở lại.

Bất ngờ với sự phát hiện không thể lường trước, Giang quắn giò chạy thục mạng về phía làng, đôi mắt không rời quái thú. Ở ngôi nhà đầu tiên Giang đẩy cửa bước vào, mọi người đang ngồi quanh bếp lửa trố mắt nhìn Giang trong bộ dạng kỳ quái, hoảng hốt, thất thần.

Lúc này chúng ta đang ở những năm đầu 1900. Buổi tối người dân trong làng có thói quen tập trung quanh bếp lửa của nhà người già trong làng, cùng ăn và cùng trò chuyện. Buổi tối hôm đó, khi Giang xuất hiện, quanh bếp lửa đã có vài gia đình tập trung, gia đình cụ Năm, gia đình cụ Hạnh và gia đình Hán và một vài gia đình trẻ khác. Cụ Năm năm nay ngót nghét một trăm, cụ Hạnh cũng ngoài tám mươi, ông Hán là con cụ Hạnh. Đám đàn ông truyền tay nhau chiếc điếu cày được làm từ khúc tre đen bóng màu bồ hóng, đám phụ nữ túm tụm bên những cuộn len làm từ sợi đay trên ổ rơm gần cửa ra vào, lũ trẻ con xúm xít bên bếp lửa đun nồi ngô luộc, mỗi người mỗi việc. Thằng Tí, chín tuổi và con Nhài, mười tuổi, phùng má thổi mồi củi, khói bếp bay mù mịt khắp gian nhà, tiếng rít thuốc lào sòng sọc, mùi lá cây ẩm đốt dở bay sộc vào mũi khi Giang đẩy cửa bước vào.

- Anh Giang nay như thể bị ma ám vậy?

Cụ Năm lên tiếng đầu tiên khi thấy Giang hổn hển, mặt cắt không còn giọt máu. Giang cúi đầu chào mọi người rồi kéo chiếc chổi rơm dựng ở góc bếp đặt xuống đất cạnh đám đàn ông làm ghế ngồi. Giang khẽ thều thào vào tai cụ Năm.

- Cụ có tin vào câu chuyện của người Dơi không?

Câu hỏi của Giang dù đã thẽ thọt cũng khiến mọi người ngẩng mặt, bởi ở làng Vực và có lẽ là cả những làng xung quanh, không ai không biết đến truyền thuyết người Dơi. Cụ Năm dù tuổi đã cao nhưng dáng người vẫn sừng sững như vách núi Ông, trả lời không đắn đo.

- Tin chứ! Chỉ có những kẻ điên mới không tin.

Rồi cụ ngưng bặt, ngước đôi mắt trắng đục nhìn Giang.

- Tại sao anh lại hỏi ta điều đó?

- Chả là lúc vừa rồi trên đường vào làng, con đã nhận ra cô ta với bộ cánh...

- Không thể nào, chắc anh nhìn nhầm, cụ Hạnh cắt ngang câu nói của Giang. Lâu lắm rồi không ai nhìn thấy cô ta. Cả đời tôi mới chỉ nghe truyền thuyết chứ chưa từng được tận mắt chứng kiến.

Đám phụ nữ vẫn ngồi đan trong im lặng từ trước khi Giang xuất hiện bỏ lửng những cây kim đan ngước mắt nhìn nhau, lũ trẻ con bỏ dở nồi ngô luộc đến ngồi xúm xít bên cạnh đám đàn ông vểnh tai lên hóng chuyện. Người Dơi! Chỉ riêng từ đó đã khiến đám người yếu bóng vía rùng mình. Hình như ai cũng sợ chỉ cần gọi tên cô ta là cô ta sẽ xuất hiện. Nhưng tối nay thì khác, tận mắt Hoàng Văn Giang đã nhìn thấy cô ta. Nghĩa là cô ta đã quay trở lại và đang ở đây, dân làng đang bị đe dọa. Họ cần biết tại sao cô ta trở lại sau nhiều năm không xuất hiện.

Thằng Tí không thể nén nổi sự tò mò hơn nữa hỏi.

- Người Dơi trông như thế nào?

Cụ Năm nhấp miệng một ngụm nước trà trước khi chậm rãi trả lời.

- Đó là một người con gái có khuôn mặt người nhưng hai tai nhọn hoắt như tai mèo và bộ cánh của loài dơi. Đó là một con dơi mang bộ mặt của con người hay cũng có thể là một con người trong hình hài của một con dơi.

- Cô ta sống ở đâu hả cụ?

- Theo như cha ta kể lại, người Dơi ẩn náu trong núi phía sau làng. Người già kể rằng, cô ta rất đẹp và đang canh giữ một kho báu vô giá khiến cho bao kẻ tham lam thèm muốn. Nhưng bao kẻ vào núi săn lùng, bấy nhiêu người không trở lại.

- Chúng cháu có thể gặp cô ấy được không? - Cái Nhài bất ngờ chen ngang.

- Khó lắm. Giống như loài dơi, ban ngày cô ta ngủ và chỉ ra khỏi núi vào ban đêm. Nhưng vì bộ cánh của cô ta gắn những chín mươi chín viên kim cương nên hành tung trong đêm của cô ta rất dễ bị phát hiện.

- Đúng thế! - Giang vội vã khẳng định. Những vệt sáng của những viên kim cương... Con chắc đó là người Dơi.

- Bộ cánh ấy, cụ Năm chậm rãi nói, bản thân nó là một kho báu tuyệt mỹ.

- Kho báu? - Hai đứa trẻ đồng thanh nhắc lại.

- Đúng thế, chín mươi chín viên hồng ngọc. Truyền thuyết kể rằng, đó là những viên ngọc vô giá mà không gì trên thế gian này sánh được. Nhưng không dễ để lấy được một viên. Chưa ai chạm được vào người của cô ta. Đôi cánh ấy vừa là điểm yếu vừa là vũ khí tồn tại của người Dơi.

Nồi ngô trên bếp sôi ùng ục, những giọt trào ra từ nồi bắn vào bếp nghe xèo xèo. Giang ngồi rụt cổ sâu hơn, hai đầu gối đua ra chạm vào tai. Câu chuyện của cụ Năm bao giờ cũng chất chứa những điều huyền hoặc, gợi mở.

- Có người đã từng nhìn thấy người Dơi ngủ. Cô ta ngủ như một con dơi, treo mình trên vách đá, nhưng bộ cánh thì không ngủ.

- Người Dơi có ác không? - Thằng Tí hỏi tiếp.

Cụ Năm lặng im, đôi mắt lim dim. Cụ Năm là cây cổ thụ của làng Vực đã sống qua hết thảy những chuyện buồn vui của xóm làng, cụ thuộc nằm lòng những câu chuyện về người Dơi.

Năm ấy, khi ta còn nhỏ, làng Vực bất ngờ bị đại dịch, rất nhiều người ốm và ra đi trong thời gian rất ngắn. Người già ốm rồi chết là lẽ thường tình, đằng này cả những trai tráng đang khỏe mạnh, những đứa trẻ đang lớn sức khỏe phơi phới bỗng nhiên lăn ra sốt trước khi phát ban những chiếc mụn gớm ghiếc rồi ra đi. Vài ngày trước khi đại dịch làng Vực xảy ra, người ta thấy người Dơi bay lượn trên bầu trời tối sẫm, tiếng quạ quàng quạc suốt đêm. Người làng khi đó quả quyết rằng, dịch bệnh do người Dơi gây ra để trả thù làng Vực.

- Tại sao lại trả thù làng? - Không có câu trả lời, thằng Tí đổi câu hỏi.

Cụ Năm không trả lời, thằng Tí cũng không thắc mắc thêm, nó đã quen với kiểu kể chuyện lấp lửng của cụ. Cụ Năm nhấp thêm ngụm trà, xoay người hướng về phía ngọn lửa đang bập bùng cháy, ngồi xếp bằng ngay ngắn trước khi kể tiếp bằng một giọng trầm trầm, chậm rãi, giọng của một người trở về từ một cuộc phiêu lưu xa xôi.

Người làng đồn rằng người Dơi là chúa tể của tất cả loài dơi trong vùng núi này, những căn bệnh của làng đều do cô ta và lũ dơi gây ra. Ta không tin điều đó. Người Dơi dù quyền năng cũng không thể gây ra nhiều oán thù đến thế. Người ta buộc tội người Dơi về đại dịch của năm ta còn bé, nhưng không phải chỉ có làng ta có dịch, nghe đâu cả cõi trời Nam, đâu đâu cũng có dịch.

Cụ Năm dừng lại, nhấp thêm một ngụm trà, đưa tay vuốt những vệt trầu trên khóe miệng. Đám đàn bà bỏ lửng những cây kim đan trên ổ rơm, ngồi im lặng nhìn cụ Năm. Đám đàn ông thôi không rít thuốc, thằng Tí chạy vội về phía cuối bếp lấy thêm vài cây củi to để giữ mồi lửa cho gian nhà. Ánh lửa bùng lên, khuôn mặt cụ Năm trở nên mơ hồ xa xôi. Sau khi uống thêm ngụm trà, cụ tiếp tục cất giọng.

Trước đây trong làng có gia đình phú ông hiếm muộn giàu có, tất cả những mảnh đất của làng đều thuộc sở hữu của vợ chồng nhà họ. Vợ chồng phú ông giàu có nhưng vô cùng tàn bạo và tham lam. Bao nhiêu của cải đối với họ cũng không đủ. Phú ông tìm mọi cách để bóc lột những người làm thuê đến cùng kiệt thể xác trước khi đuổi họ ra khỏi làng. Một hôm, một người ăn xin qua làng vào đúng lúc trời tối, không thể đi tiếp, người ăn xin đến trước cổng nhà phú ông xin một chỗ tá túc qua đêm. Phú bà khi đó đang ngồi niệm Phật ở trong nhà, nghe tiếng chó sủa vội vàng đi ra, nhìn thấy người ăn xin, phú bà liền thả chó ra cắn. Người ăn xin sức khỏe yếu không thể chạy thoát lũ chó hung dữ. Trước khi nhắm mắt người ăn xin buông ra lời nguyền, con cái của nhà phú ông lớn lên sẽ biến thành loài dơi sống chui lủi trong hang đá và bị săn lùng đến hết đời.

Một vài năm sau, vợ chồng phú ông cũng sinh được một người con gái. Càng lớn cô bé càng xinh đẹp. Vợ chồng phú ông sợ hãi khi sực nhớ đến lời nguyền năm nào.

Năm cô gái vừa tròn mười sáu cũng là năm hạn hán thất bát, người làng chết đói khắp nơi. Phú ông tổ chức một bữa ăn thết đãi dân làng, coi như là một hành động cứu tế để hóa giải lời nguyền. Nhưng cũng chính hôm đó, trước mắt dân làng, lời nguyền đã biến hành thiện thực. Cô con gái của gia đình phú ông đã mọc cánh và bay đi trong sự hả hê của dân làng. Phú bà vì quá đau buồn lăn ra ốm rồi chết không lâu sau đó.

Những người đàn bà ngồi trên ổ rơm nãy giờ ngồi im nghe câu chuyện rồi buông tiếng thở dài.

- Đáng đời vợ chồng phú ông.

- Vậy là người Dơi là kẻ ác. Thằng Tí lên tiếng.

Trong một hành động vô thức, cụ bà Hạnh giơ kim đan lên rồi hạ xuống với tay lấy thêm miếng trầu.

- Nhưng cũng khổ thân cô gái trẻ phải trả nợ đời thay cho cha mẹ.

Mọi người im lặng, sự im lặng chiêm nghiệm những bài học mà câu chuyện vừa khêu gợi. Cụ Năm nghĩ đến những người nông dân bị bóc lột, cụ bà Hạnh nghĩ về số phận người ăn xin xấu số, Giang thu người trên chiếc cán chổi nghĩ về cô gái. Sẽ thật bất hạnh cho một sinh linh phải sống cô độc xa bầy đàn, chui lủi trong hang hốc và mang trên mình mỗi nỗi lo bị truy sát bất kể ngày đêm. Cũng như Giang, cô gái đó đơn độc giữa bạt ngàn cây rừng. Bất chợt, tim Giang nhói đau.

2.

Câu chuyện tạm lắng xuống, lũ trẻ gắp ngô ra rổ, vừa gắp vừa thổi, đám đàn ông tiếp tục rít thuốc, đám đàn bà lại cúi đầu vào những mũi đan. Chỉ lũ trẻ là vẫn háo hức chờ phần tiếp theo của câu chuyện.

- Tại sao người ta không giết cô ấy?

Giang bất ngờ quay trở lại câu chuyện.

- Có chứ. Dân làng đã thử nhiều lần, cụ Năm kể tiếp, nhưng cô ta rất ma mãnh, bộ cánh của cô ta là một vũ khí lợi hại.

Nói đoạn, cụ Năm lại nhấp thêm ngụm trà rồi thủng thẳng kể.

Từ khi người Dơi xuất hiện, những cuộc đại dịch liên tiếp xảy ra, dân làng lo sợ nếu không giết người Dơi sẽ còn nhiều đại dịch khác thảm khốc hơn. Đêm xuống, thanh niên, người già ở yên trong nhà, không ai dám ra đường. Nhà nào cũng chuẩn bị sẵn dao rựa đề phòng cô ta xuất hiện, họ sẵn sàng chặt đầu người Dơi. Rất nhiều cuộc săn lùng được tổ chức, không ai tìm ra dấu vết của cô ta. Một số kẻ khoác lác khoe khoang rằng đã tóm được đôi cánh của cô ta, nhưng tất cả đều giống như cụ Hoàng.

Cụ Hoàng là bạn của cha ta, một chàng trai có sức khỏe vô biên nhưng tính tình bột phát, sau một trận đại dịch phát ban giết chết toàn bộ gia đình của anh ta, Hoàng quyết đi tìm người Dơi để trả thù. Anh ta rêu rao khắp nơi sẽ đích thân giết chết người Dơi. Người làng bảo anh ta rằng không chừng chính cô ta sẽ làm hại anh. Hoàng cao ngạo cười đáp nếu cô ta xuất hiện, tôi sẽ dùng cuốc bổ đầu của cô ta.

Hoàng một mình tiến về phía dãy núi. Anh ta đi rất lâu, soi từng hang động, lần từng vách núi. Một buổi chiều Hoàng nhận ra người Dơi đang treo lửng lơ trên một vách đá.

Thánh thần ơi! Hoàng lẩm bẩm, chính là cô ta!

Hoàng đứng lặng ngắm nhìn người Dơi một lúc lâu. Cô ta đẹp, rất đẹp, một tiên nữ giáng trần. Trong lúc tiến lại gần, Hoàng nhận ra trên khuôn mặt non tơ của người thiếu nữ đang chìm trong giấc ngủ ấy phảng phất một nỗi buồn và sự cô đơn khiến Hoàng chùn tay. Nhưng nỗi lo sợ mơ hồ về dịch bệnh và tính tự cao khiến Hoàng quên luôn chút thương cảm dành cho cô gái. Anh ta giơ cao chiếc cuốc nhằm vào đầu người Dơi. Nhát cuốc chưa kịp bổ xuống, bên tai Hoàng vang lên những tiếng rào rào vỗ cánh, bầu trời tối sầm. Hoàng ngước mắt nhìn lên. Người Dơi và bầy đàn của cô ta đang ngự trị ngay trên đầu. Chúng nhe những chiếc răng nhọn hoắt, đôi mắt giận dữ nhìn Hoàng. Thật may, anh ta kịp chạy về đến làng trước khi trời tối hẳn. Kể từ đó Hoàng luôn ngẩn ngơ như một người điên cho đến cuối đời.

Người Dơi - Truyện ngắn của Quyên Gavoye
Tranh của họa sĩ Việt Thị Kim Quyên

Cụ Năm ngừng giọng, lũ trẻ co rúm người rón rén lại ngồi gần bếp lửa hơn. Đám đàn bà lần tìm ấm nước chè ủ trong tro nóng. Cô Hán rót đầy vào cốc của những ngời đàn ông rồi rót cho những người phụ nữ. Tiếng lửa tí tách. Bên ngoài, tiếng quạ kêu ràn rạt. Giang ngồi im lặng, chiếc bóng in nghiêng lên vách tường đăm chiêu.

- Tuy vậy, tất cả điều này cũng không thể chứng minh được rằng cô ta đã quay trở lại, rất có thể anh Giang đã nhầm? Cụ Hạnh lên tiếng.

- Không, cháu không nhầm, cháu nhìn rất rõ bộ cánh đó.

- Anh Giang không nhầm đâu. Cụ Năm lên tiếng. Tôi đã từng nhìn thấy cô ta khi bằng tuổi thằng Tí bây giờ.

Mọi người ồ lên. Cụ Năm kể chậm rãi.

Cụ Hán cũng biết cha tôi nhỉ, một người đàn ông thật thà chỉ tin vào những điều mắt thấy tai nghe, những câu chuyện về người Dơi chỉ là những câu chuyện cổ tích đối với ông. Nhưng một tối trở về làng, chúng tôi đã đối mặt với người Dơi.

Buổi chiều hôm đó, hai cha con chúng tôi đi sang làng bên xem một con trâu lái, khi trở về đúng khúc quanh cuối cùng dẫn vào làng, chúng tôi đã nhìn thấy người Dơi. Cô ta đang bị thương và mắc vào cành cây, máu từ cổ chân chảy dài xuống đôi cánh rồi nhỏ xuống đất. Lúc đó, nếu cha tôi muốn giết cô ta thì chúng tôi đã thành công. Cha tôi cầm theo một viên đá, tiến về phía người Dơi, trong một khoảnh khắc, chúng tôi nhận ra ngoài bộ cánh và đôi tai nhọn hoắt, cô ta là một con người. Cô ta không có vẻ độc ác. Sự đau đớn hiển hiện trên khuôn mặt, nhưng cô ta không kêu cứu. Có lẽ cô ta nghĩ rằng phút cuối cùng của mình đã tới, cô ta bảo cha tôi. Hãy giết tôi đi! Làm như thế nghĩa là ông giải thoát cho tôi kiếp sống ngục tù. Nhưng cha tôi đã không thể ra tay. Cô gái đó quá đáng thương. Sự đáng thương hiển hiện trên khuôn mặt của con người khốn khổ. Cha tôi đã giúp gỡ chiếc bẫy găm ở cổ chân và giải phóng cho cô ta.

- Cụ đã nhìn thấy những viên kim cương đó chứ? Cô Hán hỏi.

- Ta đã nhìn thấy chúng. Chúng rất đẹp, đẹp như đôi mắt buồn của người Dơi.

Những ngọn lửa vừa bùng lên đã chùng xuống, có lẽ là do củi còn ẩm quá. Hai đứa nhỏ bắt đầu nhai ngô, đám đàn bà cúi mặt xuống kim đan, đám đàn ông ngồi nhả khói thuốc lào. Giang thấy mằn mặn khóe môi.

Cuối cùng cụ bà Hạnh lên tiếng.

- Tôi sống ở làng bên nhưng về làm dâu ở làng Vực đã hơn sáu chục năm. Ngày còn bé, tôi cũng được các cụ bên nhà kể chuyện về người Dơi.

Chuyện về bộ cánh của cô gái đó. Ở làng tôi ngày trước có anh Mùng rất dũng mãnh. Chỉ có ma quỷ sợ anh ta chứ anh ta không sợ bất cứ một loài ma quỷ nào. Mùng là chàng trai rất giỏi giang nhưng anh ta lại là người ham của. Từ lâu, anh ta đã có ý định cướp đôi cánh của người Dơi để chiếm đoạt những viên kim cương. Sau rất nhiều ngày ăn rừng ở hang, anh ta cũng phát hiện ra người Dơi.

Mùng thận trọng đợi cho người Dơi ngủ say, anh ta rón rén lại gần giơ dao định chặt đôi cánh. Nhưng điều anh ta không thể ngờ tới đó là những viên kim cương đó chính là những con mắt của người Dơi. Cô gái đó có thể ngủ, nhưng những con mắt thì vẫn thức canh chừng. Trong một khắc, Mùng buông dao chạy bán sống, bán chết về đến làng. Đến đầu làng, anh ta quỵ xuống bất tỉnh. Khi tỉnh dậy Mùng quên hết mọi việc đã xảy ra. Anh ta sống khép kín hơn và không còn quan tâm đến tiền bạc.

Khúc củi cháy đến đẫn cuối cùng bùng lên, thằng Tí đứng dậy lấy thêm một vài khúc củi khác thêm vào trước khi lửa tắt. Khi lửa đượm lại, cụ bà Hạnh tiếp tục kể.

Một câu chuyện khác, người vợ của quan tri huyện lúc bấy giờ là một người phụ nữ kiêu ngạo. Bà huyện luôn muốn có tất cả những thứ quý báu nhất trong vùng, bộ cánh của người Dơi chính là một trong những thứ vô giá đó. Sau nhiều năm treo giải mà bà huyện vẫn không có được bộ cánh, bà ta quyết định tự mình sẽ đi bắt người Dơi. Cũng như anh Mùng, sau một thời gian ăn hang ở hốc, bà ta cũng tìm ra người Dơi.

Đó quả là một vận may ngàn năm có một. Hôm đó, người Dơi tháo bộ cánh để trên bờ trước khi xuống lạch Cờn tắm. Nghĩ rằng người Dơi mải ngụp lặn không để ý bộ cánh, bà huyện rón rén lại gần đưa tay khẽ khàng nhấc bộ cánh lên. Một cú sải cánh bất ngờ, bà huyện rơi tõm xuống suối. Khi vùng vẫy lên khỏi lạch nước, bà huyện ba chân bốn cẳng chạy thẳng về làng. Về đến đầu làng, trước những con mắt chế nhạo của người dân, bà huyện nhìn xuống cơ thể của mình. Một cơ thể lõa lồ. Từ sau lần đó, người ta không còn thấy bà huyện ngạo mạn trước công chúng.

- Vậy có nghĩa là người Dơi không phải kẻ ác? - Con Nhài thỏ thẻ hỏi.

- Ta không nghĩ cô gái đó đáng trách. Cụ Năm một lần nữa khẳng định lại ý kiến của mình. Ta chỉ nghĩ cô ta thật đáng thương. Bản thân sinh ra làm người mà phải sống cuộc đời hoang thú bị truy sát đến hang cùng thẳm cốc, vậy mà cô ta chưa một lần xuống tay với những kẻ muốn hãm hại cô.

- Còn những đại dịch thì sao? - Con Nhài hỏi.

- Bản thân ta đã sống gần hết thế kỷ, chứng kiến rất nhiều đại dịch, lần nào người ta cũng đổ tại người Dơi.

Những thanh củi mới cho thêm vào dường như còn quá ẩm, khói bếp bay lên mù mịt cay xè mắt, lồng ngực tưng tức.

Hằng ngày sống cùng những gốc cây, nói chuyện với cây, Giang đã từng ước được làm một trong những gốc cây đó. Ít ra những cái cây còn có đám chim đến làm bạn. Chúng không giống Giang. Tuy Giang nói tiếng người nhưng cuộc đời anh ta thì tệ hơn cả cái cây, chẳng có gì, không đơm hoa, không kết trái, một tấc đất cắm dùi cũng không, đến họ Hoàng của Giang cũng là do ông chủ trang trại cho mượn. Người chủ nông trại có thể đuổi Giang đi bất cứ lúc nào, anh ta sẽ trở thành kẻ trắng tay. Bất chợt Giang ước, giá như Giang có được bộ cánh như người Dơi để mà bay lượn. Giang sẽ bay thật cao, tít trên cao, nơi những con người tham lam không thể chạm tới, họ chỉ có thể ngắm nhìn những viên kim cương từ xa. Nhưng Giang không thể là người Dơi. Lời nguyền dành cho Giang chính là sống kiếp con nợ.

- Làm thế nào hóa giải được lời nguyền?

Giang cúi đầu nhìn xuống chân, hỏi mà không hỏi.

- Ta chưa từng được nghe về cách hóa giải lời nguyền, cụ Năm trả lời. Nhưng ta được nghe cha ta nói rằng, nếu ai đó chạm vào người cô ta vào đêm trăng sáng, người đó có thể thực hiện bất cứ lời ước nguyện nào của mình.

Giang cúi đầu mỗi lúc một thấp, chiếc bóng trên tường nghiêng sang một bên im lặng.

Câu chuyện kết thúc. Những thanh củi cuối cùng cũng đã đốt, lũ trẻ lăn ra ổ rơm ngủ từ lúc nào không ai để ý. Giang đứng dậy, dựng chiếc chổi vào góc nhà trước khi chào mọi người ra về.

3.

Con đường từ làng về nông trại ngoằn nghèo những khúc quanh co. Mây đã tan. Giang ngước nhìn bầu trời không một gợn mây. Mùa đông năm nay hẳn sẽ rất lạnh, nông trại sẽ khó đạt được năng suất mà ông chủ yêu cầu. Giang thở dài bước vội.

Trăng mười bốn tròn vành vạnh, sáng dịu dàng. Đám quạ sau một hồi quàng quạc đã bay hết. Sương xuống mỗi lúc một dày. Con đường vắng ngắt độc một mình Giang.

Ở khúc quanh cuối cùng trước khi rời khỏi làng là một cây đa cổ thụ. Những đêm hè nóng bức, Giang vẫn hay mang võng ra đó nằm ngủ. Đêm nay lạnh quá, Giang không nghĩ sẽ nán lại gốc cây đa. Bất chợt một tiếng rên khe khẽ khiến Giang giật mình. Ngước mắt nhìn lên cành đa đua về phía nông trại, anh ta nhận ra khuôn mặt non tơ treo ngược, hai cánh rũ xuống gần chạm đất.

Thánh thần ơi! Chính là cô ta!

Đừng lại gần! Người Dơi cầu xin. Hãy để tôi chết đi!

Cảm giác tưng tức ở lồng ngực trở lại, Giang nghĩ đến lời cụ Năm, cô gái ấy đáng thương hơn đáng sợ. Vừa nghĩ Giang vừa bước lại gần.

Thánh thần ơi! Những đôi mắt thật thánh thiện.

Giang chợt hiểu ra tại sao năm ấy, cha con cụ Năm đã không xuống tay với người Dơi. Cô gái tội nghiệp này không thể là mầm họa reo rắc cái chết ở làng Vực.

Đừng chạm vào tôi! Người Dơi van vỉ. Chỉ cần anh chạm vào tôi lúc này, anh sẽ biến thành người Dơi.

Giang mỉm cười. Nếu điều cô ấy vừa nói là sự thật thì Giang đã sẵn sàng để trở thành người Dơi.

Sau tất cả, Giang nói, chúng ta sẽ tự do.

Khuôn mặt đầy đau đớn, người Dơi ngước nhìn người đàn ông đang đứng trước mặt trước khi khép chín mươi chín con mắt còn lại. Giang đưa tay vuốt ve gương mặt của thiên thần.

Từ hôm đó, không ai trong làng thấy Hoàng Văn Giang xuất hiện ở nông trại. Người làng Vựa đồn rằng ông chủ nông trại đòi lại mảnh đất và Giang đã bỏ đi. Không ai biết anh ta đi đâu.

Sau khi cụ Hạnh mất, những câu chuyện của người Dơi cũng dần biến mất. Thằng Tí và con Giang chỉ còn nhớ mang máng những câu chuyện về những đôi cánh nạm kim cương lấp lánh. Bây giờ có ai qua làng Vực, người ta vẫn thấy ba ngọn núi ấp ủ ngôi làng, núi Bà, núi Ông và núi Ngọc Nữ. Vào những đêm tối trời, người ta có thể nhìn thấy những vệt sáng lung linh uốn lượn trên nền trời, người già trong làng bảo đó là dải ngân hà.

Văn nghệ, số 1+2/2022
Thông cáo báo chí số 23, Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội khóa XV

Thông cáo báo chí số 23, Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội khóa XV

Baovannghe.vn - Thứ Sáu, ngày 22/11/2024, Quốc hội tiếp tục ngày làm việc thứ 23 (Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV) tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội.
Quà tặng của chiến tranh - Truyện ngắn của Hoài Hương

Quà tặng của chiến tranh - Truyện ngắn của Hoài Hương

Baovannghe.vn - Chiến dịch thần tốc như một cơn lốc không ngày không đêm, đơn vị vừa đánh vừa hành quân gần như xuyên dọc theo Quốc lộ 13 hướng về Sài Gòn mỗi ngày một gần thêm.
Lĩnh vực báo chí cần có những ưu đãi về thuế

Lĩnh vực báo chí cần có những ưu đãi về thuế

Baovannghe.vn - Quốc hội tiếp tục chương trình làm việc ngày 22/11 với phiên thảo luận tổ về dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) và dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi).
Trôi giữa hương sen nghịch mùa - Truyện ngắn của Đinh Thành Trung

Trôi giữa hương sen nghịch mùa - Truyện ngắn của Đinh Thành Trung

Baovannghe.vn - Mây đen tan. Nắng nhẹ. Hương sen còn sót hòa cùng hương bùn đánh dạt mùi khói xe, đưa nụ cười của hai người đàn ông lấp đầy mi mắt đang nhìn về phía mặt trời.
Nhà thơ Anh Ngọc bình thơ "Thề non nước"

Nhà thơ Anh Ngọc bình thơ "Thề non nước"

Baovannghe.vn - Bài thơ Thề non nước không chỉ là lời tự tình đằm thắm của một tâm hồn thủy chung, tin cậy mà còn cất giấu trong mình một bức tranh thiên nhiên tráng lệ và quyến rũ mê hồn vì một vẻ đẹp như sinh ra bởi con người và cũng chỉ dành để cho con người.