1. Những tia nắng ấm vén màn sương mai, rạng rỡ nhìn xuống khu vườn. Không gian bắt đầu xao động. Huân ngồi dậy, nhìn ra ngoài trời. Anh cảm thấy lòng nhẹ lâng. Từ ngoài sông, từng cơn gió mang theo hơi nước mát lạnh trườn qua mấy luống rau xanh, mát dịu. Huân thoáng nghe đâu đây mùi hương quen thuộc. Anh định thần, nhìn ra sân, mắt dừng lại ở mấy khóm hoa dọc lối đi. Thì ra đấy là mùi hương còn sót lại từ đêm qua. Nồng nàn và đằm dịu. Hương của hoa cau. Hương của hoa nhài. Hương của hoa nguyệt quế. Sương còn giăng trên những nhánh cây thấp ở mé vườn, phảng phất.
![]() |
Minh họa Đỗ Dũng |
Mỗi năm, Huân về quê vài lần. Ngôi nhà từ đường vắng tanh. Cơ ngơi hơn trăm tuổi vẫn còn nguyên trạng, ngăn nắp nhưng đồ đạc nhiều thứ lâu không dùng, trông cũ kĩ. Huân hay loanh quanh trong ngôi nhà như thể tìm lại những kí ức xa xưa. Này là mái ngói âm dương nâu xỉn. Này là cột kèo bằng gỗ quý, đôi chỗ nham nhở vết mọt gặm. Này là bộ trường kỉ cỡ đại đục hoa sen bằng gỗ gụ đặt ở gian chính phủ một lớp bụi mờ...
Huân hít một hơi dài rồi khoan khoái tản bộ ra đầu ngõ. Mẹ đi chợ vừa về, bước đi tập tễnh nhưng dáng vẻ vẫn như thời trẻ, nhanh nhẹn. Mẹ nhìn Huân cười, bảo sao không ngủ thêm, dậy làm gì cho sớm!
Huân đỡ chiếc giỏ nhựa đầy ụ thực phẩm, nằng nặng. Anh chạnh lòng nghĩ đến dì khi nghe phảng phất vị mồ hôi trên vai áo mẹ. Mồ hôi của dì cũng y hệt thế. Khó quên. Nhưng giờ thì Huân không còn cơ hội hít hà mỗi lần ngồi bên dì nữa. Tại bậc cửa kia. Chỗ thềm giếng nữa. Cả khi dì đang thoăn thoắt gánh nước tưới mấy luống rau. Những kỉ niệm mờ nhòa theo thời gian.
Huân biết nhiều lần dì muốn trở về Huế, về ngôi nhà xưa, xuôi ngược dòng sông cũ, ngắm mưa. Nhưng rồi dì chần chừ, viện đủ lý do, nhất là thời tiết ở quê thất thường, nắng rỡ ràng đấy thoắt cái đã mưa triền miên, tối đất tối trời. Mà dì lại bị chứng viêm mũi dị ứng. Ngày còn nhỏ Huân đã tin là thế.
Mẹ kể, dì từng khóc vì nhớ Huế. Dì cố giấu những giọt nước mắt đầy tủi hờn vào trong. Cây hoàng lan mang từ quê vào trồng ở mé vườn, lúc giao mùa, từng chiếc lá rơi trong thinh lặng cũng cời xới tâm tư của dì. Dì bảo ngày trước trong khu vườn rợp bóng cây nằm cạnh bờ sông cũng có mấy cây hoàng lan, bông nở trắng, thơm dịu dàng. Đêm khuya, mùi hương lan tỏa, trộn vào không gian rời rợi bóng trăng rồi lén phả vào ô cửa sổ đưa giấc mơ bồng bềnh trôi. Kỉ niệm khó phai một thời thiếu nữ của dì là con sông An Cựu “nắng đục mưa trong”, là những buổi chiều ngồi trên thuyền ngắm từng công trình kiến trúc lướt qua hai bên bờ như đền thờ Đức Thánh Trần Hưng Đạo, Phủ Tùng Thiện Vương, cung An Định. Dì thích nhất là ghé thăm những phủ đệ đã rêu phong mái cổng vòm và nghe tí tách từng giọt mưa trĩu nặng thời gian.
- Hôm nào con đi, mẹ gửi cho dì mớ tôm, mớ cá. Hải sản xứ mình tươi ngon lắm!
Mẹ treo nón lên chiếc móc sau cánh cửa. Điệu bộ, giọng nói cũng không khác gì dì khiến Huân càng thêm nhớ dì.
- Chợ xã họp sớm, phải tranh thủ chứ đi muộn sẽ hết hàng mua.
Mẹ phân bua khi xếp mấy con mực nang vào tủ lạnh. Mẹ nói thêm điều gì đấy mà Huân không nghe rõ. Lúc này anh đang bận nhớ lại ngày xưa khi nhìn gương mặt mẹ đã đầy nếp nhăn và vệt đồi mồi. Hình như đây là lần đầu tiên anh nhìn kĩ mẹ cũng như anh từng ngạc nhiên khi thấy vết bỏng dài trên cánh tay của mẹ vậy. Sự vô tâm của đứa trẻ bao giờ cũng được tha thứ từ những người thân yêu. Huân tự biện minh để lòng khỏi áy náy, ân hận. Trong căn bếp đầy bồ hóng này, mẹ đã lụi hụi lo cho anh từng bữa ăn. Căn bếp này bao năm vẫn thế, mọi vật dụng còn nguyên.
2. Nỗi nhớ thương vốn dĩ vô hình nhưng lại được chuyển hóa thành hình ảnh, thanh âm, cả màu sắc nữa nên cứ lênh loang trong lòng mỗi khi kí ức có dịp vuốt ve, gợi thức. Sáng nay, nỗi nhớ của Huân là về dì, về dòng sông và con đò nhỏ. Anh không hiểu sao lại như thế, phải chăng ba hình bóng này luôn đồng hành là bởi trên dòng sông ấy, con đò chênh chao mặt nước và dì đã sống một quãng đời thanh xuân trọn vẹn cho tình yêu, cho cuộc đời này. Nhưng rồi, anh không thể cắt nghĩa được thứ tình cảm mà dì anh đã trao đi đã nhận lại được gì ngoài sự bẽ bàng, xấu hổ. Anh thường trở về quê, ra ngồi bến sông, nhìn con đò cũ cũng chỉ để tìm câu trả lời còn bỏ ngỏ.
Kí ức có thể đứt gãy, lu mờ theo năm tháng. Nhưng cũng chính khoảng thời gian xa chốn cũ đã giúp Huân cân bằng cảm xúc và nghiệm ra rằng mọi chuyện hãy để nó thuận theo tự nhiên, luôn nghĩ nó theo hướng tích cực và giản đơn. Mọi chuyện theo Huân nghĩ thì đều có lí do của nó. Ngay cả việc Huân gặp lại chú Thành ở bến nước lúc chiều phai nắng. Chú đang cong người kéo mấy chiếc ghe vào bờ.
- Về khi nào vậy nhỏ? - Nụ cười của chú Thành hiền xuất hiện rạng rỡ trên khuôn miệng rộng, trông thật sang.
Hai chú cháu ngồi hướng ra sông, chỉ vài lời hỏi thăm chiếu lệ. Hình như mỗi người đều đang đuổi theo một suy nghĩ, cố gắng che giấu, sợ đối phương phát hiện thì phải.
- Chú này... - Huân ngập ngừng, nhìn chú Thành. Ánh mắt người đàn ông luống tuổi hằn vệt chân chim sáng lên, chờ đợi. Nhưng Huân không nói thêm gì nữa. Cảm thấy khó khăn khi nói lên sự thật rằng dì chưa kết hôn, rằng chưa một ngày dì thấy hạnh phúc, rằng dì đang sống trong túng thiếu, khó khăn và suốt nhiều năm gần đây dì muốn tạ lỗi cùng chú...
Cố kiềm lòng để nước mắt tức tưởi không trào ra, Huân đăm đắm nhìn ra xa, xa đến bờ bên kia có mấy rặng cây phác hình đen thẫm trên nền trời bàng bạc.
3. Con sông với cái dáng cong cong, mềm mại, vắt ngang doi đất trù phú như người mẹ ôm ấp đứa con trong nỗi nhớ tận cùng. Huân chưa thấy con sông nào đẹp và đáng yêu như thế. Trong kí ức của dì, con sông càng đẹp hơn nhiều. Trên sông, dưới bóng chiều tà là lời sóng vỗ, là nhịp đong đưa của con đò và miên man nỗi chờ qua trùng trùng ánh mắt. Bến nước trước mặt Huân nữa. Xôn xao niềm nhớ. Ngày anh vào lớp Một, chú Thành đưa qua bên kia bờ mua dụng cụ học tập. Ngày anh tập bơi, con chuồn chuồn cắn rốn được chú Thành bắt ở vạt cỏ may ngoài trảng. Hoa cỏ găm đầy ống quần. Hai chú cháu ngồi gỡ, trời tối lúc nào chẳng hay.
- Bến sông bị khoét lõm dần sau mấy mùa lũ lụt. Người thì biền biệt phương xa, đã lâu không thấy quay về!
Chú Thành thốt lên mấy lời nhẹ tênh mà buồn thắt thẻo. Chú đang trách cái người sinh ra Huân, cái người không dám về thăm quê chỉ kí thác nỗi niềm vào những chuyến đi về chớp nhoáng của đứa cháu trai?
- Dì không nên làm khổ mình nữa, mọi chuyện đã thành xưa. Chú ấy bây giờ thoải mái lắm rồi!
Huân từng nói cho dì an lòng nhưng thực tế chú Thành vẫn mãi canh cánh nỗi bận tâm. Rằng cái hôm đầy trăng ấy, dì đã từ biệt tình yêu trong vô vọng. Dì chờ chú Thành trên bến nhưng dì đâu biết con đò đứt neo, sấp ngửa ở cửa đầm. Nước lũ lại tràn về. Đầm Hà Trung mênh mông nước.
- Người ta đã lấy vợ rồi, còn chờ còn đợi làm gì!
Lời riết róng của bà ngoại, sự an ủi của mẹ khiến dì đã quyết định nhanh như chớp. Dì rời quê, xa dòng sông An Cựu vào buổi sáng mùa đông. Mưa rét lê thê. Chuyến tàu xình xịch rời ga, mang theo trái tim chất chứa muộn phiền. Nhưng mọi chuyện không như dì nghĩ. Chú Thành bị nhiễm nước, vết thương từ chiến trường K trở trời lại hành hạ, đau nhức. Chú phải nằm viện. Cũng chính sự biến mất đột ngột của chú mà người ta thêu dệt đủ điều. Dì mong ngóng, sốt ruột, muốn gọi đò qua bên kia sông nhưng là phận gái, rồi sự cấm đoán khó hiểu của bà ngoại ngay từ đầu khiến dì sợ. Nếu dì không nghe lời, bà ngoại sẽ từ mặt. Chỉ có người chị gái thiệt thòi cứ tối tối là vô ôm đứa em gái thút thít.
4. Huân nằm im lắng tai để hình dung tiếng rì rầm của sóng. Tiếng gió thổi. Con đò neo ở bến chênh chao. Quãng sông này đã cho anh nhiều kỉ niệm. Ngày còn nhỏ xíu, trong kí ức Huân là mẹ và ông bà ngoại chăm sóc. Có nhiều lần, mẹ qua đò lên thị trấn. Huân đòi theo, cứ ôm chặt lấy cổ mẹ. Mẹ dỗ dành khi Huân bù non bù nước rằng để mẹ đi làm kiếm tiền nuôi con.
Mỗi chiều mẹ dắt Huân ra bến sông, anh đều gặp chú Thành, người lái đò tốt bụng. Chú thương Huân lắm, hay mua bánh kẹo cho Huân. Mẹ thấy chú Thành chiều Huân quá, sợ anh được trớn sinh hư nên hay làm mặt lạnh, có lần mẹ dọa sẽ không cho Huân gặp chú Thành nữa. Rồi mẹ cũng cấm thiệt, suốt cả tuần mẹ không đưa Huân ra bến đã khiến chú Thành phải thập thò trước cổng nhà.
Chú Thành đã gửi nỗi nhớ nhung vào tình thương, chăm sóc đặc biệt với Huân thì phải. Mẹ là người hiểu rõ nhất. Hầu như ngày nào hai chú cháu cũng quấn quýt bên nhau. Chú Thành bày nhiều trò chơi. Chú đi tìm cỏ gà. Chú cõng Huân qua cồn cát giữa sông bắt con nghêu, con hến. Mặt mũi Huân lúc nào cũng tèm lem nhưng niềm vui luôn ngời lên trong mắt, qua nụ cười. Trong giấc ngủ, đôi khi Huân bật cười khanh khách khi những hình ảnh ban ngày hiện về trong mơ.
5.
Chú Thành vẫn miệt mài trên bến, làm những công việc không tên. Con đò cũ chao theo nhịp sóng. Khách đi đò không còn đông như trước. Thỉnh thoảng chỉ có vài người nhờ chở qua cồn chăm luống khoai, vạt bắp.
Huân trầm tư khi nhớ về sông. Vẫn còn đây, dòng sông bên lở bên bồi, nhưng làm sao anh có thể tìm lại những gì yêu thương năm cũ. Bến nước không còn xôn xao hình ảnh các bà, các cô tắm giặt mà trở nên vắng lặng. Không còn tiếng gọi ơi đò vang trên sông, rồi con đò lững thững rẽ nước cập bến. Anh thường nhớ về những chuyện mẹ kể. Cũng tại bến sông này, xa xa trên kia là chiếc cầu quen thuộc. Hình như mỗi lần nhớ về, mẹ luôn để lòng mình chùng xuống, đầy nỗi niềm. Vào năm Mậu Thân 1968. Mảng kí ức luôn quay về lúc như thác cuộn, khi lại như một mảnh chai sắc lẹm cứa vào lòng mẹ. Một góc nhà thờ bị bom dội, đổ sập. Tiếng chuông giục giã. Cầu Phủ Cam người xe chen chúc. Bà ngoại tất tả chạy ngược chiều mưa tìm mẹ và dì lạc giữa dòng người. Tiếng loa phát thanh vang lên. Những thông tin gấp gáp. Ông ngoại tham gia kháng chiến. Biền biệt nhiều năm. Từ khi dì còn ẵm ngửa. Bà ngoại mua hàng khắp nơi gánh lên chợ Đông Ba bán. Thanh xuân vèo nhanh như con nước trôi qua chân cầu. Chiếc áo dài tím thướt tha của cô nữ sinh Đồng Khánh một thời đành xếp lại. Mái tóc dài vấn gọn sau ót. Đôi quang trĩu nặng trên vai ngoại. Mấy dòng nhật kí của ông ngoại ghi vào những ngày cuối cùng năm 1972. Chiến trường miền Tây Thừa Thiên đỏ lửa. Rồi bặt tin từ đó. Mãi sau giải phóng bà ngoại mới nhận được tin mộ ông ngoại nằm lẫn khuất cùng đồng đội tại một cánh rừng xa xôi.
6. Huân thấy mẹ hay thẫn thờ khi hoàng hôn vừa xuống. Chốc chốc lại nhìn ra khu vườn im ắng. Nơi khu vườn ấy, Huân nhớ có dạo mẹ trồng đủ các loại rau từ mồng tơi, diếp cá, tía tô đến rau sâm và mấy bụi huệ mưa. Rau ăn không xuể, mẹ cho hàng xóm, có khi bó thành bó mang ra chợ bán. Mẹ coi vườn là bạn. Ngày nắng cũng như mưa, mẹ không ra vườn là chịu không được thì phải. Thỉnh thoảng chú Thành tình cờ ghé qua, phụ mẹ nhổ choái đậu hay phá vạt bắp đã khô râu. Huân biết nhiều loại rau mẹ trồng, đến nỗi cứ nhắc tên là anh nghĩ ngay đến mùi vị của nó, cả công dụng điều trị ho, cảm của một số loại nữa.
Trong không khí man mác của ngày chớm đông lòng Huân chợt lắng lại những suy tư tình cờ. Bốn mùa dần đi qua theo quy luật tuần hoàn của tự nhiên, con người ta cũng khó lòng thoát ra khỏi những mắc mứu của cuộc đời sắp đặt, gặp gỡ rồi chia xa. Trong khi đấy, mùa vẫn là hương nắng, vị mưa, vẫn là những mầm lá non khẽ nhú, những tơ sen vương lại trong sự biến đổi của đất trời.
Huân nhấc ghế đến ngồi cạnh mẹ.
Góc nhà chỉ leo lắt mấy hột sáng từ những bóng đèn công suất nhỏ. Mẹ tiết kiệm, bảo cần sáng ở nhà ngang được rồi. Huân pha trò mấy câu nhưng cảm giác lạc lõng nên anh với tay bật chiếc quạt để xua bay muỗi.
Hình như gió ngoài sông đang ào ạt thổi, thoáng vị phù sa lẫn với mùi đất ẩm, cứ miên man. Mẹ lúi húi khâu lại chiếc áo cũ mặc ngoài khi ra vườn nhổ cỏ. Dáng mẹ bé nhỏ, quắt lại già nua, hệt như chiếc đòn gánh cong xuống vạt đất bồi sau lũ. Bên kia sông là bãi cồn, tiếp bãi cồn là khu dân cư mới quy hoạch, nhà chú Thành ở trong đấy.
- Chú Thành chưa biết chuyện của dì con phải không?
Mẹ vén làn tóc che nửa mặt, nhìn Huân.
- Đúng rồi mẹ. Con định báo tin mà sao khó mở lời quá!
- Để thư thư rồi mẹ nói với chú ấy. Tội nghiệp, cứ trách người ta mà đâu biết...
- Mà mẹ ơi... - Huân ngập ngừng. Anh chợt nhớ về người dì thân thiết đã ôm ấp anh từ nhỏ. - Sao dì không đến với chú Thành hả mẹ?
Mẹ nhìn sát mặt Huân, rồi rất nhanh, quay đi, bồi hồi:
- Nói thì dễ nhưng khó lắm con à!
Cả Huân và mẹ đều biết chuyện giữa chú Thành và dì chưa thể khép lại mà đang được mở ra... Mở ra trong nghĩ suy và hoài vọng khi thực tế thì ai cũng biết khó cho nhau cơ hội. Có một sự vô hình nhưng chắc chắn là rào cản khó để chú Thành và dì bước lại gần. Để rồi, dù có thể hàng ngày hai người gặp nhau, nói đủ chuyện nhưng lại không thể mở lòng để hiểu tận biết tường nội tâm cả hai đang muốn gì.
Có một lần, sau khi học hết cấp hai, anh hỏi mẹ sao chú Thành không chịu lấy vợ, đẻ con. Mẹ chỉ mỉm cười, lảng tránh bằng hỏi con có nghe con chim gì đang kêu không. Rồi hai mẹ con ra vườn sau. Huân cũng hỏi chú Thành y hệt vậy. Chú Thành xoa đầu Huân bảo con nít biết gì!
7. Trong tâm tưởng của mẹ và dì, Huế luôn bình dị và cổ kính. Xứ thần kinh có một vẻ đẹp vừa hữu tình vừa thơ mộng. Mẹ đã đi qua những tháng năm đẹp nhất cùng Huế, cùng khúc cuối của dòng sông An Cựu để nhận ra rằng ở xứ sở thâm trầm và sâu lắng, ở cái nơi những triều vua quyền quý từng cai ngụ đã tạo nên chất người đặc trưng, dù có đi đâu người ta vẫn phân biệt được. Dì đã giữ gìn giọng nói đậm chất Huế dù mấy chục năm lăn lộn ở đất phương Nam. Mẹ bảo dì yêu Huế lắm nhưng phải đành xa, nhưng đấy là một quyết định đúng, ngay thời điểm đấy.
Những ngày trọ học tại nhà dì, Huân biết cuộc sống mưu sinh ở xứ lạ không dễ dàng gì đối với dì. Dì phải tiết kiệm, chắt chiu từng đồng. Dù thế cốt cách kinh kì vẫn không hề mất đi ở dì qua phong thái khoan thai, nhã nhặn. Căn phòng tiếp khách nhỏ thôi nhưng được trang trí đúng chất Huế từ ấm trà đến lọ hoa hay bức sơn dầu cũ sưu tầm được.
Dì từng kể Huân nghe về sông An Cựu, về những ngày tháng thanh xuân của dì gắn với quê hương, gắn với ngôi nhà từ đường của dòng họ nhưng lại hoang vắng quanh năm, chỉ thui thủi vào ra mấy bóng đàn bà buồn hơn cả sự cô độc. Huân không có nhiều kí ức về dì nhưng lại bao la kí ức về người mẹ có đôi chân lúc mùa đông thường nhấc lên không được. Huân sống trong tình yêu vô bờ bến của mẹ, đến nỗi cứ nghỉ hè anh lại về quê, đến khi đi làm là anh mong ngóng đến ngày lễ Tết.
Con nước vơi lại đầy, bến sông bồi lại lở. Như cuộc đời con người, khó lường trước được. Dì đã qua bao khúc đận, thỏa hiệp với nỗi cô đơn, một mình nơi xứ lạ. Huân là đứa trẻ sớm hiểu chuyện bao lần nhìn vết sẹo bỏng ở cánh tay dì rồi thút thít khóc. Những trận đòn oan dì chịu, những lần Huân lao vào đỡ đòn cho dì. Tiếng khóc nghẹn đầy bất lực khi người đàn ông là chồng dì cướp đi món tiền dì dành dụm để về quê xây mộ cho ông bà ngoại. Thế là dì hận. Nỗi hận ấy truyền sang Huân. Anh khước từ mọi sự quan tâm của người đàn ông từ đó. Ngày đưa dì vô chùa theo tiếng mõ, lời kinh, anh cảm thấy lòng mình thanh thản, khi biết dì đã tìm được sự bằng an cho tâm hồn mình.
8. Rồi một chiều mưa đổ trên sông, một chiều rạc rài thương nhớ, mẹ gọi báo cho Huân rằng dì sắp có chồng. Lúc này Huân đã chuyển công tác ra Hà Nội được hai năm. Đêm ấy, trong giấc mơ, Huân thấy mẹ trang điểm thật lộng lẫy cho dì. Hai chị em nói cười với nhau, trông rất hạnh phúc. Huân còn thấy một con đò đầy hoa đưa chú Thành qua bến. Khi vừa lên bờ, chú tần ngần nhìn xuống sông, nơi con đò nhấp nhô theo nhịp sóng.
Cũng trong giấc mơ ấy, Huân thấy những điều mà mẹ và dì cố giấu đã diễn ra như anh từng nghĩ.