Ông là một tên tuổi lừng lẫy trong làng báo Việt Nam, thuộc lớp người hoạt động từ thời kỳ trước Cách mạng Tháng Tám, được Bác Hồ và đồng chí Trường Chinh trực tiếp hướng dẫn, rèn luyện trong đấu tranh cách mạng cũng như trong nghề nghiệp làm báo. Ông đã tham gia phong trào đấu tranh của công nhân Cẩm Phả từ khi mới 15 tuổi, tham gia Đoàn Thanh niên Dân chủ, tổ chức tập hợp thanh niên của Đảng Cộng sản Đông Dương từ khi 17 tuổi.
Năm 1940, Hoàng Tùng bị thực dân bắt đưa đi đày tại Sơn La. Trong nhà tù đế quốc, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương, trở thành biên tập viên của báo Suối reo, báo của Chi bộ Đảng nhà tù Sơn La. Tháng 4/1945, ông được tự do và trở về hoạt động, tham gia công việc chuẩn bị Tổng khởi nghĩa. Ông tham gia chỉ đạo khởi nghĩa ở Hà Nội, được chỉ định làm Chủ tịch Ủy ban nhân dân cách mạng, Bí thư Thành ủy Hà Nội khi mới 25 tuổi. Trong cuộc đời hoạt động của mình, Hoàng Tùng đã giữ nhiều trọng trách trong bộ máy Đảng, Nhà nước: Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa III, Ủy viên Trung ương Đảng khóa IV và Bí thư Trung ương Đảng khóa V, 5 khóa đại biểu Quốc hội (từ khóa III đến khóa VII), Bí thư Thành ủy Hải Phòng, Phó Bí thư Khu ủy khu III (Khu Tả ngạn Sông Hồng), Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban rồi Trưởng ban Tuyên huấn Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Giám đốc Nhà xuất bản Sự thật, v.v.. Nhưng chức vụ mà Hoàng Tùng giữ lâu nhất là Tổng Biên tập báo Nhân Dân - cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Việt Nam, từ tháng 02/1954 đến năm 1982. Đây cũng chính là giai đoạn tài năng làm báo của ông được thỏa sức tung hoành để trở thành một ngòi bút chính luận bậc thầy, cây đại thụ trong làng báo nước nhà, một tên tuổi không thể thiếu trong lịch sử báo chí Việt Nam.
Trong cuộc sống đời thường, Hoàng Tùng là một người thông tuệ, rất hóm hỉnh, đôi khi pha chút hài hước. Khi viết báo, ông là một cây bút sắc sảo với lối tư duy rất riêng, không chấp nhận lối mòn, luôn hướng tới sự mới mẻ, độc đáo. Đó cũng chính là những đặc điểm làm nên phong cách chính luận Hoàng Tùng, không thể lẫn với những cây bút nổi tiếng đương thời. Cuối năm 1971, giữa lúc cuộc đấu tranh ở miền Nam đang rất khốc liệt thì ở miền Bắc, lũ lụt đã phá nát nhiều đoạn đê sông Hồng, tràn ngập nhiều làng mạc, gây nên những thiệt hại to lớn cho nhân dân ta. Để động viên sức người, sức của chống lại hai kẻ thù lớn tàn bạo là địch họa và thiên tai, báo Nhân Dân số ra ngày 02/9/1971 đăng xã luận “Sức mạnh của thời đại”. Trong bài viết này, Hoàng Tùng đã điểm lại tiến trình cách mạng Việt Nam từ 2/9/1945 với những thử thách khắc nghiệt từ sức mạnh hủy diệt của kẻ thù và sự phá hoại nặng nề của trận lũ lịch sử năm 1945. Ông khẳng định: “Vượt lên tất cả mọi thử thách, cách mạng phát triển không ngừng. Nhiều quá trình biến đổi sâu sắc đã diễn ra trên đất nước ta. Cách mạng Việt Nam chứng tỏ năng lực chiến đấu và năng lực xây dựng của nhân dân ta. Sức mạnh của cách mạng Việt Nam thật kỳ diệu!”. Từ kinh nghiệm lịch sử, tác giả chỉ ra sức mạnh to lớn của dân tộc tất sẽ vượt khó khăn, thử thách để đưa cách mạng đến thắng lợi. “Địch họa và thiên tai là những kẻ thù lớn. Nhưng chúng đã vấp phải sức mạnh vô cùng vô tận của nhân dân ta. Sự thử thách càng gay gắt, khí thế cách mạng càng sôi nổi”. Trong suốt bài xã luận, Hoàng Tùng luôn đặt “địch họa” với “thiên tai” song hành với nhau để phân tích, đánh giá, làm nổi lên tính chất khắc nghiệt và phức tạp của thử thách. Trên cơ sở đó, ông minh chứng và động viên sức mạnh to lớn của nhân dân kết hợp với những yêu cầu mang tính chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương trong việc huy động sức người, sức của nhằm vượt qua “thiên tai”, chiến thắng “địch họa”. Logic kết cấu của bài xã luận chặt chẽ nhưng mạch phát triển ý lại tự nhiên, nhẹ nhàng, có phần phóng túng.
Sự sắc sảo, độc đáo trong tư duy của Hoàng Tùng càng có ý nghĩa khi nó được gắn bó chặt chẽ với một tinh thần cách mạng, luôn hướng tới sự đổi mới để đạt được sự tiến bộ, hiệu quả trong công việc, không khoan nhượng với sự bảo thủ trong tư duy, trì trệ trong hành động. Năm 1979, giữa lúc những chính sách kinh tế - xã hội theo lối mòn của nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung quan liêu, bao cấp đang giữ vị thế độc tôn, gây nên những rào cản cho sự phát triển kinh tế của đất nước, chậm cải thiện đời sống nhân dân, Hoàng Tùng viết bài xã luận “Nhiệt tình cách mạng và quy luật khách quan” đăng trên báo Nhân Dân số ra ngày 13/10/1979. Bằng nhãn quan khoa học, cách nhìn trực diện vào thực tế lịch sử, ông khẳng định: “Nhiệt tình cách mạng là một điều kiện quan trọng của thắng lợi”. Song, nhiệt tình cách mạng chỉ trở thành “sức mạnh thay đổi thế giới” khi nó là “biểu hiện của giác ngộ cách mạng, hành động tự giác phù hợp với quy luật khách quan”. Thực tế quá trình cách mạng Việt Nam đã cho thấy, do nhiệt tình cách mạng nhưng không hiểu biết về “quy luật khách quan” nên “đã từng xuất hiện những cuộc phiêu lưu, những hành động vội vã, khinh suất, những bước thụt lùi không tất yếu hoặc những hiện tượng bảo thủ, trì trệ, không thay đổi kịp tình hình thực tế đã biến đổi sâu sắc”. Từ thực tế đó, Hoàng Tùng cho rằng, cách mạng xã hội chủ nghĩa là một cuộc cách mạng sâu sắc và rất khó khăn. Cuộc cách mạng đó không nằm ngoài những quy luật khách quan của sự tiến hóa và phát triển, “không thể đốt cháy bằng ý chí cuồng nhiệt của con người”. Ông khẳng định dứt khoát: “Cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa không thể hoàn thành trong mấy năm chỉ bằng ý chí của một số người có nhiệt tình muốn thay đổi cả trời đất. Nhiệt tình cách mạng không thể làm nên tất cả. Kết hợp với đầu óc khoa học, hành động hợp với quy luật khách quan, nó sẽ là một sức mạnh cách mạng vĩ đại”. Trên cơ sở nhận thức đó, ông cho rằng: “duy trì sự tồn tại của nhiều hình thức kinh tế khác nhau trong thời kỳ quá độ là một tất yếu do những nguyên nhân khách quan quyết định”. Đó cũng chính là con đường, giải pháp để “tăng cường lực lượng kinh tế, khuyến khích sử dụng tốt mọi khả năng sản xuất của xã hội, làm ra nhiều của cải có lợi cho chủ nghĩa xã hội”. Đồng thời với quan điểm trên, ông thẳng thắn phê bình việc xây dựng các hợp tác xã nông nghiệp một cách vội vã, không chuẩn bị tốt cán bộ quản lý. Theo ông, “Trong khi nông trường và hợp tác xã chưa tổ chức tốt chăn nuôi trâu, bò, lợn, gà, lại thi hành những chính sách và biện pháp ngăn chặn các gia đình nông dân nuôi là hành động độc đoán phi kinh tế”.
Có thể nói, trong điều kiện khi mà những khẩu hiệu như “bát cơm, quả cà và tấm lòng cộng sản”, “xoay trời, chuyển đất, sắp đặt lại giang sơn”, “xây dựng nền sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa”, v.v., đang là câu nói cửa miệng của cán bộ, đảng viên và nhiều người dân, những quan điểm của Hoàng Tùng trong bài “Nhiệt tình cách mạng và quy luật khách quan” không chỉ là thể hiện của một phương pháp tư duy khoa học, độc đáo, mà còn phản ánh bản lĩnh và sự dũng cảm của nhà báo Hoàng Tùng, của tờ báo Đảng. Nhìn rộng ra, đó cũng là một trong những tinh thần, sức lực không nhỏ tham gia vào cuộc đấu tranh nhằm đổi mới tư duy, tạo ra sự chuyển biến trong thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội để đến Đại hội VI, Đảng đã khẳng định thành đường lối đổi mới có tính cách mạng, mở ra một thời kỳ phát triển đạt tới những thành tựu có tính lịch sử, mang lại sự đổi mới toàn diện của đất nước và con người Việt Nam.
Ngòi bút Hoàng Tùng sắc sảo, độc đáo bao nhiêu khi viết về cuộc đấu tranh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, về công cuộc phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng đất nước theo con đường xã hội chủ nghĩa, thì cũng tha thiết, xúc cảm bấy nhiêu khi viết về Đảng, về nhân dân và đặc biệt là về Lãnh tụ Hồ Chí Minh. Có thể nói, trong di sản báo chí của Hoàng Tùng có hàng chục bài viết về Hồ Chí Minh, bài nào cũng sâu sắc, thể hiện sự kính trọng với Người, đánh giá cao công lao to lớn, sự nghiệp vĩ đại của Người vì đất nước, vì dân tộc, ngợi ca đạo đức trong sáng, nhân cách mẫu mực, trí tuệ mẫn tiệp, lối sống giản dị, tình yêu nhân dân, yêu đất nước đến cháy bỏng của Người. Nhưng bài xã luận “Dũng cảm tiến lên kế tục sự nghiệp vĩ đại của Hồ Chủ tịch” đăng trên báo Nhân Dân ngày 06/9/1969 là một tác phẩm đặc biệt viết về Lãnh tụ Hồ Chí Minh. Bài viết ra đời trong những ngày cả nước đau thương vĩnh biệt Người.
|
Bài xã luận “Dũng cảm tiến lên kế tục sự nghiệp vĩ đại của Hồ Chủ tịch” được Hoàng Tùng viết trong sự xúc động không thể kìm nén trước thực tế nghiệt ngã: “Hồ Chủ tịch kính yêu của chúng ta không còn nữa! Trái tim của người thầy, lãnh tụ vĩ đại, anh hùng dân tộc vĩ đại của chúng ta đã ngừng đập!”. Bài xã luận được triển khai theo logic chặt chẽ, trên cơ sở những đánh giá cơ bản về sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Hồ Chí Minh, từ một người yêu nước đến một chiến sĩ cộng sản, người cổ vũ và tổ chức mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam, một lãnh tụ vĩ đại song rất khiêm tốn và giản dị, một người đã hiến dâng cả cuộc đời mình cho thống nhất đất nước, cho độc lập của dân tộc, cho tự do, hạnh phúc của nhân dân. Và phần kết của bài viết là tình cảm sâu nặng, tinh thần quyết tâm, ý chí sắt đá của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân “giương cao ngọn cờ bách chiến, bách thắng của Hồ Chủ tịch, đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc, tiến tới hòa bình thống nhất nước nhà”. Toát lên từ bài viết là một tình cảm yêu thương vô hạn, sự trân trọng và ngưỡng mộ tuyệt đối đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong xúc cảm dào dạt, ngòi bút Hoàng Tùng vẫn tỉnh táo, tinh tế, bao quát được bề rộng của toàn bộ vấn đề, đạt tới sự sâu sắc khi nhận định, đánh giá về những chi tiết cụ thể. Câu văn của ông có khi rất cân đối, kết hợp với việc khai thác những tính chất tương khắc để tạo nên sự so sánh, ấn tượng rõ rệt về nhận thức. “Đối với bọn đế quốc, phong kiến, bóc lột, phản động, bọn việt gian bán nước, Người căm thù sâu sắc. Đối với đồng chí, đồng bào, đối với quần chúng nhân dân, Người yêu thương vô hạn”. Khi cần thiết để khắc sâu ý về đạo đức nhân cách Hồ Chí Minh, ông lại sử dụng những câu văn ngắn, cô đọng, chặt chẽ với những yếu tố được lặp lại liên tục như sự nhấn mạnh, khắc sâu vào cảm nhận của người đọc. Hoàng Tùng viết:
“Người làm việc cần cù, thận trọng; việc lớn không coi thường, việc nhỏ không bỏ sót. Người gương mẫu về mọi mặt, sáng suốt trong mọi việc. Người gần gũi quần chúng, tin tưởng ở quần chúng, chăm lo đời sống quần chúng. Người đoàn kết đồng chí, thương yêu cán bộ. Người rất ghét những thói kiêu ngạo, tự mãn, phô trương, hình thức. Người chuộng thiết thực và ghét lối viển vông.
Người là một lãnh tụ cách mạng vĩ đại, song rất khiêm tốn, giản dị.
Công lao của Người bao la như biển cả.
Đạo đức của Người sáng như mặt trời”.
Hoàng Tùng là bậc thầy về ngôn ngữ trong báo chí. Nói về ngôn ngữ trong các tác phẩm của Hoàng Tùng, có lẽ có hai từ có thể biểu đạt chân xác nhất, đó là nghệ thuật và phong cách. Nghệ thuật ngôn ngữ của Hoàng Tùng ở sự linh động, biến hóa, đôi khi phá vỡ cả những quy tắc, khuôn thức mực thước thường có, nhưng lại đạt tới sự chuẩn xác về ngữ nghĩa và tối đa về hiệu quả. Phong cách ngôn ngữ Hoàng Tùng trước hết là chiều sâu của tri thức, tinh thần cách mạng đổi mới, vốn hiểu biết rất rộng được tinh kết từ những trải nghiệm thực tế cách mạng vô cùng phong phú cộng với sự thông minh, hóm hỉnh như một phẩm chất thiên phú riêng có. Không có chiều sâu về trí tuệ, không có sự uyên bác, phong phú về tri thức, không có tinh thần cách mạng đổi mới quyết liệt, không có tư chất thông minh trời cho của Hoàng Tùng, hẳn không thể có nghệ thuật và phong cách ngôn ngữ đặc sắc của Hoàng Tùng, một yếu tố quan trọng sống còn làm nên chất “bậc thầy” của nhà báo Hoàng Tùng. Bản chất ấy thể hiện lồ lộ trong từng tác phẩm báo chí của Hoàng Tùng, không ai có thể giấu đi hoặc phủ nhận.
Một ví dụ, bài báo “Cách mạng và đổi mới” đăng trên báo Nhân Dân ngày 15 và 16/8/1988. Trong phần đầu của tác phẩm, Hoàng Tùng luận giải về tiến trình cách mạng giải phóng dân tộc, chỉ ra động lực làm nên sức mạnh kỳ diệu và những thắng lợi to lớn của cuộc cách mạng ấy. Tác giả cho rằng, “Nguồn gốc sự vô địch cuộc chiến đấu của chúng ta là ở một động lực to lớn... Động lực ấy là mục đích giải phóng của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội khỏi ách nô dịch, áp bức, bóc lột, xây dựng một xã hội tự do, công bằng”. Theo ông, về bản chất, động lực đó chính là “sự thống nhất giữa lý tưởng và lợi ích của cả cộng đồng và của từng người”. Và động lực ấy đã “động viên được cả một dân tộc, một xã hội”, tạo thành sức mạnh vĩ đại chưa từng thấy, “đánh tan những thế lực xâm lược hung hãn bậc nhất của thời đại, xóa bỏ tàn dư những thế lực trung cổ đã từng thống trị xã hội hàng nghìn năm”.
![]() |
Nhà báo Hoàng Tùng. Ảnh tư liệu: Báo Nhân dân |
Từ nhận thức ấy, Hoàng Tùng đi tìm sự lý giải cho câu hỏi, tại sao chuyển sang giai đoạn mới của cuộc cách mạng, giai đoạn xây dựng phát triển đất nước trong hòa bình, động lực cách mạng không được phát huy, nhiều phẩm chất tốt đẹp đã được hình thành “lại bị xói mòn”, “có những hiện tượng suy thoái rất nhanh và phổ biến”. Thực ra, chính nhận thức về động lực của cách mạng giải phóng dân tộc, bài học thành công của công cuộc đấu tranh vì độc lập, tự do mà ông chỉ ra đã là câu trả lời. Chỉ có điều, sự thể hiện cụ thể của “sự thống nhất giữa lý tưởng và lợi ích” trong giai đoạn mới đã thay đổi và vì thế làm thế nào để hiểu đúng, hành động đúng là vấn đề không đơn giản. Ông phê phán những luận điệu cố tình xuyên tạc bản chất tốt đẹp của chủ nghĩa xã hội, nhưng cũng phê phán lối mòn trong tư duy, sự bảo thủ trong những quan điểm, chính sách kinh tế - xã hội. Ông không ngần ngại khi nói rằng: “Nhưng cuộc sống thực tế lại chứng minh rằng nhiều cái chủ nghĩa tư bản làm tốt hơn chủ nghĩa xã hội, như ứng dụng nhanh hơn, tốt hơn những thành tựu của cách mạng khoa học - kỹ thuật, thích nghi nhanh hơn trước những biến đổi của tình hình... Và không ít cái tư nhân và cá thể làm giỏi hơn, có hiệu quả hơn những cái thuộc sở hữu nhà nước và tập thể”(1). Ông chỉ ra trực diện, thẳng thắn những bất hợp lý trong các chính sách kinh tế của đất nước, nhất là về nông nghiệp, nông dân đã dẫn đến tình trạng những người nông dân yêu nước, đi theo cách mạng lại thờ ơ với công việc tập thể, chỉ chăm chút cho mảnh đất riêng nhỏ bé. “Làm ruộng tập thể một nắng hai sương, cuối cùng chỉ nhận được trên dưới 20% lúa gạo làm ra, 80% kia cũng không phải để dành cho lợi ích chung của đất nước và xã hội, mà rơi vào túi và miệng những người khác. Chủ nghĩa xã hội chân chính không hề dạy người ta làm như thế”(2). Lý lẽ xác đáng, bằng chứng rõ ràng và do đó tất yếu luận điểm có sức thuyết phục. Hoàng Tùng rất tinh tế khi sử dụng những từ ngữ để diễn đạt ý. Khi cần, ông không ngần ngại sử dụng những ngôn từ mạnh, thô để phản ánh đúng bản chất của sự vật, hiện tượng. Ông là bậc thầy khi vận dụng cách nói của dân gian để tăng sức biểu cảm cho câu văn. Khi luận giải những luận điểm lý luận, ông thường phát hiện những lát cắt mới mẻ, những chứng cứ đặc sắc. Cái chất làm nên phương pháp tư duy như thế, phần hồn làm nên những câu chữ như thế chính là trí tuệ, kinh nghiệm thực tiễn và tài năng rất riêng của Hoàng Tùng. Với phong cách riêng có ấy, nếu tinh ý người đọc có thể phát hiện ra cái gì của Hoàng Tùng ngay cả trong những bài ông ký tên chung với các tác giả khác.
Hoàng Tùng là bậc thầy trên các diễn đàn thời sự chính trị. Ông có giọng nói chuyện trầm ấm, cách nói chậm rãi, có nhịp điệu, khi nhắc từng từ một cách khắc khoải, lúc lại dồn dập như tuôn trào những ngôn từ mạnh mẽ. Ông là người có khiếu hài hước và thường nói về những điều hài hước với khuôn mặt tỉnh bơ hoặc một cái nháy mắt đầy ý nhị. Với sự hiểu biết bách khoa của một nhà báo, nền tảng lý luận cơ bản và phương pháp tư duy sắc sảo của một nhà chính trị, Hoàng Tùng hút hồn người nghe bằng những thông tin mới mẻ, những bình luận đặc sắc nhiều khi bất ngờ, sự hài hước có chút pha trò đôi khi ngay cả với những chủ đề thời sự nghiêm chỉnh về quan hệ quốc tế.
*
Hoàng Tùng là một chiến sĩ cách mạng mà cả cuộc đời ông gắn bó với báo chí như là số phận, là duyên nghiệp tiền định. Ông làm báo trong một đoạn lịch sử đặc biệt, gian khổ, ác liệt nhưng vinh quang, hào hùng của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Hiện thực vĩ đại của dân tộc cùng với tài năng, nhân cách cá nhân đã làm nên một nhà báo bậc thầy Hoàng Tùng. Và nhà báo bậc thầy Hoàng Tùng cũng trở thành một chân dung không thể thiếu của nền báo chí cách mạng Việt Nam, một tấm gương sáng về nghề nghiệp và tài năng cho các thế hệ nhà báo nước nhà.
-------------------------
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Hoàng Tùng: Những bài báo chính luận, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001.
2. Nhiều tác giả: Nhớ một thời làm báo Nhân Dân, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996.
3. Hồng Vinh (Chỉ đạo biên soạn): Sơ thảo lịch sử 50 năm báo Nhân Dân 1951-2001, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001.
4. Hà Minh Đức (Chủ biên): Thời gian và nhân chứng (Hồi ký của các nhà báo), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1997.