Nội dung được cho là đã làm nóng phiên thảo luận ở hội trường ngày 10/5 chính là Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo. Những quy định liên quan hoạt động quảng cáo của người nổi tiếng, người có ảnh hưởng nhận được sự quan tâm của các đại biểu Quốc hội.
Theo dự thảo luật quy định, ngoài nghĩa vụ chung của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo, người có ảnh hưởng khi quảng cáo còn phải thực hiện một số nghĩa vụ đặc thù, gồm: Xác minh về độ tin cậy của người quảng cáo; kiểm tra tài liệu liên quan đến sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ quảng cáo; nếu chưa sử dụng hoặc chưa hiểu rõ về hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ thì không được giới thiệu về hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ.
Người có ảnh hưởng phải thông báo trước cho người tiêu dùng về việc mình thực hiện hoạt động quảng cáo.
Cho ý kiến về nội dung này, đại biểu Huỳnh Thị Phúc (Đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) nêu rõ, vấn đề này không chỉ được xã hội quan tâm mà ít nhất đã có hai lần thể hiện trong các phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Quốc hội khóa XV. Người có tầm ảnh hưởng, người nổi tiếng là những người truyền cảm hứng, dẫn dắt dư luận chủ chốt, có khả năng ảnh hưởng đến quyết định của người khác. Nên lần sửa luật này, cùng với quy định về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ quảng cáo, người chuyển tải sản phẩm quảng cáo cần phải tăng cường xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quảng cáo bởi những tác động trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng của người dân.
![]() |
Đại biểu Trần Khánh Thu (Đoàn Thái Bình). Ảnh Internet |
Bà Huỳnh Thị Phúc đề nghị, Chính phủ sớm sửa đổi Nghị định về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực quảng cáo, nâng cao mức phạt để bảo đảm tính răn đe góp phần bảo vệ sức khỏe, tính mạng tài sản và quyền lợi của người tiêu dùng. Đồng thời, tạo ra môi trường quảng cáo lành mạnh và bình đẳng. Cũng theo đại biểu, cần rà soát các quy định về đạo đức, trách nhiệm, nghề nghiệp, trách nhiệm pháp lý của đối tượng này nhất là những người có ảnh hưởng. Cho rằng cần thiết phải có cơ chế quản lý nghiêm những người nổi tiếng, người có ảnh hưởng trong xã hội, bà Huỳnh Thị Phúc nhận định sẽ hạn chế được những sự việc đáng tiếc xảy ra.
Đồng thời, đại biểu kiến nghị, cần sửa đổi bổ sung quy chế hoạt động nội bộ quy định cụ thể về trách nhiệm đạo đức nghề nghiệp khi tham gia quảng cáo cũng như quy định rõ các hình thức xử lý vi phạm.
Cùng có chung quan điểm, đại biểu Trần Khánh Thu (Đoàn Thái Bình) đề nghị Ban soạn thảo xem xét, bổ sung quy định về kiểm soát, quản lý trong hoạt động quảng cáo đối với những người nổi tiếng quảng cáo sản phẩm không đúng sự thật dẫn đến thiệt hại cho người tiêu dùng. Đồng thời, có chế tài xử lý nghiêm đối với các trang tin điện tử đăng tải quảng cáo sai sự thật, không đúng theo công dụng, nội dung của sản phẩm để công tác quản lý, kiểm soát đối với nội dung và hoạt động quảng cáo được chặt chẽ.
Bà Trần Khánh Thu cũng đề nghị bổ sung quy định yêu cầu các trang tin phải chịu trách nhiệm kiểm duyệt quảng cáo trước khi đăng tải nội dung, thay vì chỉ dựa vào hệ thống quảng cáo tự động như hiện nay. Đồng thời cần quy định rõ hơn trong luật cơ chế bồi thường với hoạt động quảng cáo sai của người chuyển tải quảng cáo, nhất là những người nổi tiếng. Theo đó, có thể bổ sung thêm nghĩa vụ phải chịu trách nhiệm liên đới bồi thường vì hành động quảng cáo sai.
Cũng tại phiên thảo luận, nhiều đại biểu đề nghị siết hoạt động quảng cáo đối với người nổi tiếng, người có ảnh hưởng trong xã hội; cần tăng mức xử phạt hành chính với người chuyển tải sản phẩm quảng cáo sai nội dung, đặc biệt là với người có ảnh hưởng, người nổi tiếng.