Đọc Nguyễn Đức Tùng, thấy thơ và văn hóa Mỹ đã vào anh rất sâu. Cái nhìn của anh không còn đơn thuần là cái nhìn của một người Việt đọc thơ Mỹ nữa. Nó hòa trộn (melánge) giữa cảm tính của người Việt và lý tính của người Mỹ, thơ trừu tượng - cụ thể của người Việt và thơ cụ thể - trừu tượng của người Mỹ. Nó tìm đến chiều sâu của câu thơ, hoặc vài ba từ trong câu thơ bằng “kỹ thuật thăm dò” của phương Tây, và bằng cảm xúc của phương Đông, chứ không đơn thuần bằng cách phân tích của người Mỹ và bình tán của người Việt. Điều đó khiến những bài viết về các nhà thơ Mỹ rất khác nhau của Nguyễn Đức Tùng lại mang được một phong cách thống nhất. Vì anh vẫn là người Việt.
Tuy vậy, anh đã là người Mỹ (Bắc Mỹ). Hai cái này không hề chỏi nhau trong cách bình thơ của Tùng. Ngược lại, nó tạo ra sự khác biệt trong phong cách của anh. Cái này, người Việt đọc thấy thích thú, và tôi nghĩ, có lẽ người Mỹ đọc cũng vậy. Ở Việt Nam người ta hay nói: “Hòa nhập nhưng không hòa tan”. Tôi lại nghĩ khác. Khi hòa nhập, chúng ta phải hòa tan, thì sự hòa nhập ấy mới tạo ra được giá trị mới, phẩm chất mới. Chứ nếu cứ trơ trơ ra, cứ “cái gì ra cái ấy”, không tạo nên bất cứ phản ứng nào, thì làm sao có được sự “hòa huyết” để có những “đứa con” là kết quả của hai dòng máu?... Đọc Nguyễn Đức Tùng, thấy anh hòa nhập khá nhanh vào văn hóa Mỹ, và khó hơn, nhưng thú vị hơn, là hòa nhập được vào thơ ca Mỹ (chủ yếu là Bắc Mỹ). Thơ Mỹ khác với thơ châu Âu, khác cả với thơ Anh-dù chịu ảnh hưởng “nguồn” của nền thơ này. Nhưng khi thơ Mỹ là của người Mỹ, được sáng tạo bởi người Mỹ, thì nó lại được đón nhận như thơ của phần nhân loại ngoài Mỹ, được đón nhận như một phần độc đáo của thơ nhân loại, chủ yếu là trong thế kỷ hai mươi. Bởi đó là thế kỷ chín rộ của thơ Mỹ.
Những nhà thơ Mỹ mà Nguyễn Đức Tùng chọn giới thiệu và phê bình ngẫu hứng trong tập sách này đều tiêu biểu về nhiều mặt của thơ ca Mỹ. Mỗi người mỗi kiểu, thơ họ rất khác nhau, nhưng đều là thơ Mỹ chính hiệu. Đọc vào là thấy ngay.
Bất cứ cái gì di chuyển đều trắng muốt
(Leonard Cohen)
Và Nguyễn Đức Tùng bình luận: “Một ngôn ngữ thơ nặng về xúc cảm ít làm ngạc nhiên. Nhưng Cohen chống lại quy ước ấy. Ngôn ngữ dù rõ ràng, hình ảnh vẫn mờ ảo”. Đó là lời bình ngắn gọn và chính xác. Ngôn ngữ rõ ràng thuộc về phong cách thơ, còn hình ảnh mờ ảo thuộc về bản thể của thơ.
Văn học trong sáng và sòng phẳng. Trong lĩnh vực này, anh tới đâu thì là tới đó. Không ít hơn. Cũng không nhiều hơn. Vì thế, phải hết sức bình tĩnh.
Tôi đã học sự bình tĩnh trong nhiều năm, nhưng tôi biết, đây là bài học không dễ dàng. Có những bài thơ khi mới viết, mình cảm thấy hay. Rồi qua nhiều tháng năm đọc lại, hình như không còn hay nữa. Ngược lại, có những bài thơ ban đầu mình không để ý nhiều, thậm chí mình vứt đâu đó trong những cuốn sổ tay nhỏ. Bao năm sau, chợt lấy ra đọc lại, như có gì hút mình vào nó, hay một va đập mới từ nó khiến mình bồn chồn. Bài thơ như tự lột xác trước mắt mình. Nó đòi mình phải nhìn nó bằng ánh nhìn khác, chấp nhận nó bằng giác cảm khác. Đó không chỉ là thơ mình, mà thơ người khi mình đọc nhiều khi cũng vậy. Tôi có cảm giác Nguyễn Đức Tùng đã “đọc lại” nhiều nhà thơ Mỹ, nhiều bài thơ Mỹ, như anh đã viết về xuất xứ của tiếp xúc với bài thơ, dù là nghe hay đọc. Hầu hết là tình cờ, như ngẫu nhiên. Nhưng chính những lúc ấy, thơ vào ta trọn vẹn nhất.
Bản năng gốc của nhà thơ chi phối thơ họ. Nhưng cũng còn bản năng gốc của cộng đồng, nơi cư trú, cũng góp phần rất lớn chi phối thơ của nhà thơ. Bản năng gốc của cá nhân nhà thơ tạo nên sự khác biệt riêng và bản năng gốc của cộng đồng và nơi cư trú tạo nên sự khác biệt chung cho nhà thơ. Nguyễn Đức Tùng đã tinh tế khi so sánh Cohen với Bob Dylan: “Thơ Cohen đầy thành thị”. Lại một nhận xét ngắn gọn nữa của Nguyễn Đức Tùng, không quá khó, nhưng đúng. Từ đó phăng ra, ta sẽ gặp thơ Leonard Cohen.
“Có một vài tương tự giữa Leonard Cohen và Bob Dylan, người bạn của ông, thi sĩ, người soạn nhạc, cùng Do Thái. Tuy nhiên Dylan càng công chúng chừng nào thì Cohen càng riêng tư chừng ấy, một bên là sân khấu, một bên là gác đêm, ngọn đèn mờ bí ẩn. Ví dụ, trong âm nhạc, tôi nghĩ, Trịnh Công Sơn gần với Cohen hơn là Dylan. Trong thế hệ ngay sau Đệ nhị thế chiến, con người vẫn còn gắn bó với địa chỉ cư trú, nơi lớn lên. Chủ nghĩa hiện đại, và sự nối dài của nó, trong thơ, xuất phát từ mối gắn bó với đời sống đô thành. Thơ Cohen đầy thành thị”.
Có thể dẫn chứng nhiều nhận xét xác đáng của Nguyễn Đức Tùng khi bình và soi chiếu thơ Mỹ bằng trái tim của một người Việt, bằng sự hội nhập vào văn hóa bản địa Mỹ của một người Việt biết “hòa tan” để tạo ra giá trị mới cho kiến văn và kiến giải của mình. Lại xin trích một đoạn của Nguyễn Đức Tùng:
“Thơ tự do dùng ngôn ngữ gần với văn xuôi. Tuy nhiên sự khác nhau giữa văn xuôi và thơ là trong thơ không có một trật tự thứ hai. Trật tự của các chữ chính là hiện thân thực thể của một cấu trúc cao hơn. Ví dụ như là nhạc điệu. Nhạc điệu là một vấn đề riêng tư, cá nhân, như vân tay, như tiếng nói, là cái nền của bất kỳ sự đổi mới nào, nơi các nhà thơ từ bỏ các truyền thống. Những hình thức thật sự mới bao giờ cũng phản ánh nhận thức mới. Hơn thế nữa, nhịp điệu trong thơ của một nhà thơ chính là nhịp điệu của đời sống thật của anh ta, của hơi thở, của nhịp đập trái tim. Nó là phương cách duy nhất mà nhà thơ giữ gìn các sự vật, đời sống, các ý tưởng và cảm xúc, cố gắng bảo tồn chúng như hoá thạch trong thời gian.”
“Trong thơ không có một trật tự thứ hai. Trật tự của các chữ chính là hiện thân thực thể của một cấu trúc cao hơn”. Đúng như thế. Thơ bị qui định một lần và duy nhất bởi một cấu trúc chữ, ẩn bên trong nó là nhạc điệu, còn cao hơn nó, trùm lên nó là nhịp điệu. Đó là sự vận động của hình tượng thơ, mà hướng của sự chuyển động nhiều khi khó xác định, nhất là trong thơ của nhiều nhà thơ Mỹ. Nó tạo nên sự bất ngờ trong cái giản dị, thậm chí, trong cái tối giản:
“Một kẻ không nhà
Tháo giày ra
Trước căn phòng bằng giấy các tông của mình”
(thơ Naomi Nye)
Còn có thể trích dẫn nhiều đoạn trong cuốn sách này của Nguyễn Đức Tùng. Tôi chỉ muốn nói: anh đã quá tâm huyết với thơ, nhất là với thơ Mỹ. Anh đã yêu thơ bằng một tình yêu cụ thể, giản dị, sống động, một tình yêu như nắm lấy được, sờ thấy được mà chúng ta luôn cảm nhận trong thơ Mỹ.
Cuốn sách này, vì vậy, rất có ích cho những ai muốn tìm hiểu ở một chiều sâu về thơ Bắc Mỹ và những nhà thơ tiêu biểu của nền thơ ấy. Nó cũng cần thiết cho những người Việt muốn hiểu sâu hơn về ngôn ngữ Anh qua thơ, về những khác biệt và tương đồng trong một câu thơ giữa tiếng Anh và tiếng Việt. Cuối cùng, nó đưa ta đến với những nhà thơ Mỹ mà lâu nay ta ngưỡng mộ nhưng ít có dịp hiểu sâu về họ và thơ của họ.
______
* Về chuyên luận THƠ CẦN THIẾT CHO AI của Nguyễn Đức Tùng, Nxb Hội nhà văn, 2015
Nguồn Văn nghệ số 7/2022