Diễn đàn lý luận

Nguyễn Hữu Nhàn - Nhà văn của nông dân, nhà khảo cứu văn hóa làng

Đỗ Ngọc Dũng
Chân dung văn học
08:37 | 08/01/2025
Baovannghe.vn - Nguyễn Hữu Nhàn là nhà văn của nông dân, nông thôn. Ông đã xây dựng tính cách, ngôn ngữ riêng cho từng nhân vật rất tài tình, khiến người đọc luôn bị lôi cuốn bởi lời ăn tiếng nói riêng của chính họ: chân thật mà hấp dẫn đến thú vị; ám ảnh người đọc bởi cái chất quê mùa nguyên sơ, chất phát, mộc mạc... Đây chính là thành công, là nét riêng nhất, không lẫn với ai, tạo nên một Nguyễn Hữu Nhàn - nhà văn của nông dân, của làng quê.
aa
Nguyễn Hữu Nhàn - Nhà văn của nông dân, nhà khảo cứu văn hóa làng
Nhà văn Nguyễn Hữu Nhàn

Hình ảnh chiếc xe đạp Phượng Hoàng không còn mới, được cuốn chằng chịt bởi những dây lá chuối khô vào bánh xe, chủ nhân của nó còn cẩn thận cột chiếc xe vào gốc cây táo, cũng bằng những dây chuối. Hình ảnh lạ mắt này tôi bắt gặp khi lần đầu tiên theo nhà viết kịch Trịnh Hoài Đức đặt chân đến Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh (năm 1983). Tiếng đập cửa, cùng tiếng gọi liên hồi từ lúc 4, 5 giờ sáng, dù hẹn ông đi đâu đó vào lúc 6 giờ, bất kể là ngày nắng hay mưa rét ông đều đến sớm một, hai tiếng. Ông thường chủ động trả tiền trước trong bất kỳ cuộc vui ăn nhậu nào đó cùng bạn bè, đồng nghiệp.

Với văn chương, trước đây mỗi khi đọc truyện ngắn của ông trên Báo Văn nghệ, vợ chồng tôi, các con tôi đều rất thích thú, cùng luận bàn sôi nổi... Có lần, đứa con gái bé của tôi khi ấy thấy bố mẹ và chị nói về truyện ngắn mới đăng báo của ông - Chuyện nhà Tuất, nó vô tư hỏi: "Ông ấy viết về nhà bá Tuất hả mẹ?" Chả là vì bên cạnh nhà tôi khi ấy là nhà chị Tuất, chị Tuất cùng làm ở Hội Văn học nghệ thuật tỉnh, nên cháu tưởng thế. Hình ảnh người đàn ông mảnh dẻ, may ô ba lỗ, quần đùi thùng thình, ngồi phệt dưới sàn nhà viết cả ngàn trang bản thảo... Đó chính là mấy nét đặc trưng, khi tôi nghĩ về ông - nhà văn Nguyễn Hữu Nhàn.

Sinh năm 1938 tại Tứ Xã, Lâm Thao, vùng đất khoa bảng; từng làm công nhân ở Công ty Vận tải thủy Vĩnh Phú. Năm 1962, ông được điều về Ban Kiến thiết thành phố. Với tình yêu văn chương, đam mê sáng tác và đã có một số tác phẩm được in báo, nên khi tỉnh Vĩnh Phú có chủ trương thành lập Hội Văn học nghệ thuật, ông rất hào hứng tham gia Ban vận động. Hào hứng đến mức, ông cùng nghệ sĩ nhiếp ảnh Vân Trang nhá nhem tối đi kéo trộm tre và phên nứa của một công trường đang xây dựng về sửa chữa nhà của Hội mới được phân khi ấy. Hôm khác còn tháo trộm cả cái biển sắt của một cơ quan khác về cho họa sĩ Hoàng Hữu sơn lại, làm biển cơ quan Hội. Sau đó, ông được họa sĩ - Trưởng ty Ngô Quang Nam mời về công tác tại Ty Văn hóa Thông tin, rồi làm trưởng Phòng Xuất bản (1984).

Sống chan hòa giản dị, vừa công việc, vừa mải mê sáng tác. Đến nay ông đã cho ra đời gần 20 đầu sách gồm truyện ngắn, tiểu thuyết, cùng nhiều kịch bản phim, công trình nghiên cứu về văn hóa... được dư luận bạn đọc cả nước, giới khoa học đánh giá cao; trở thành nhà văn tiêu biểu, hàng đầu của quê hương đất Tổ; được lãnh đạo tỉnh nể trọng, các thế hệ văn nghệ sĩ đồng nghiệp trân quý. Bạn văn luôn dành cho ông những cụm từ như: Nguyễn Hữu Nhàn - nhà văn, nhà văn hóa; Nhà văn tốp đầu của "Tam nông"; Người cày xới miền đồi; Người giàu có trên cánh đồng văn hóa. Cõi văn của ông thấm đẫm hồn quê Việt... Ông được Chủ tịch nước tặng giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2022 sau nhiều lần lận đận...

Nguyễn Hữu Nhàn - Nhà văn của nông dân, nhà khảo cứu văn hóa làng
Nhà văn Nguyễn Hữu Nhàn nhận giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2022

Năm 1985, sau gần 4 năm kể từ ngày ra trường về công tác ở Ty Văn hóa, tôi chuyển về Hội Văn học nghệ thuật tỉnh, từ đó quen thân nhà văn Nguyễn Hữu Nhàn, rồi càng thân tình hơn với cả gia đình ông. Năm 1998, ông nghỉ hưu, sang làm Thường trực Hội Văn nghệ Dân gian tỉnh. Năm 2000, tôi được bầu làm Chủ tịch Hội. Tôi đã mời ông cùng nhà thơ Kim Dũng, nhà thơ trẻ Ngô Kim Đỉnh về Hội làm việc, giúp tôi trong xây dựng và phát triển Hội. Đặc biệt là làm biên tập Tạp chí Văn nghệ đất Tổ cũng như ấn phẩm khác của Hội, giúp đón tiếp trao đổi văn chương, nghệ thuật với các hội viên, cộng tác viên, tiếp các đoàn văn nghệ sĩ, báo chí trong và ngoài tỉnh mỗi khi ghé đất Tổ... Có thể nói, có các ông mà không khí văn nghệ ở Hội luôn sôi động và ấm áp.

Nhà văn của nông dân, nông thôn

Trong tư duy của Nguyễn Hữu Nhàn, nhân vật là những người xung quanh, thậm chí cả những người trong họ tộc, hằng ngày ông bắt gặp họ trong sinh hoạt, trong đời sống lao động, ông rất giỏi quan sát, nắm bắt tính cách, cả những bản chất tốt đẹp của nông dân, đồng thời chỉ ra thói hư, tật xấu, tính trưởng giả, hách dịch, hiếu thắng, bệnh sĩ diện, thói học đòi, thói quen chửi bậy, tính keo kiệt, bần hàn, nhỏ nhen... Nó như những cá tính truyền thống còn "di căn" cho đến mãi sau này. Có thể nói, nhà văn Nguyễn Hữu Nhàn đã nhìn thấu cái căn nguyên, cốt lõi quê nhất, như đi guốc trong bụng những người nhà quê. Có điều không thấy ông thù oán, hay ghét bỏ, kỳ thị họ. Mà nhìn họ bằng thái độ cảm thông bởi xuất phát điểm của họ, bởi những hoàn cảnh xã hội, gia đình, dòng họ... Để bằng một giọng văn hóm hỉnh, chân thực, có phần hài hước. Ông lột tả thành những điển hình hóa, rồi phê bình, hướng họ đến sự đổi thay tiến bộ.

Với thái độ nhân văn độ lượng, cái nhìn tích cực, nhà văn vẫn hướng họ đến các giá trị tốt đẹp, đến ánh sáng của đổi mới, của niềm tin, khơi gợi cái bản chất nhân hậu, tốt đẹp nhất của người dân quê, văn hóa làng quê Việt.

Bên cạnh đó, nhà văn cũng thể hiện trách nhiệm công dân, sứ mệnh của văn học, lo lắng trước sự suy thoái của đạo đức xã hội, nếp nghĩ cổ hủ, lạc hậu đã ăn sâu, bám rễ trong tâm tính của con người làng quê, bần hàn. Hoặc đám người giàu lên chóng mặt, khi gặp may của cơn lốc thị trường. Có khi lại là những kẻ vơ vét được tiền "chùa". Tiền của kiếm được trở thành lố bịch, kệch cỡm. Đồng nghĩa với nó là sự tụt hậu về văn hóa, về các giá trị đạo đức, thuần phong mỹ tục bị đảo lộn, sự nhố nhăng pha tạp, lấn át cái diện mạo thanh bình yên ả của nhiều làng quê trung du. Được thể hiện khá rõ nét trong các truyện ngắn: Phố làng, Làng phần, Đám cưới làng, Làng quê yên ả, Làng nghèo, Tết sớm, Người quê, Không chóng thì chầy... Tuy vậy, cuối cùng với thái độ nhân văn độ lượng, cái nhìn tích cực, nhà văn vẫn hướng họ đến các giá trị tốt đẹp, đến ánh sáng của đổi mới, của niềm tin, khơi gợi cái bản chất nhân hậu, tốt đẹp nhất của người dân quê, văn hóa làng quê Việt. Dù là gàn dở, trịch thượng, trưởng giả, xấu tính, hay thói quen thiếu văn hóa đến đâu. Cuối cùng cũng phải chấp thuận bởi sự văn minh, tiến bộ của vận động xã hội, của lớp trẻ có tri thức.

Một ông bố nặng tư tưởng phong kiến, gàn dở, sĩ diện, lắm điều lại hay lên mặt dạy đời, cuối cùng cũng vui vẻ, chấp thuận cho con gái lấy người mà nó chọn (Lão Thật). Một bà vợ của một ông chồng gốc Hà Nội, khi về quê sinh sống, luôn có tư tưởng khinh người nhà quê, rồi cũng tự nhận ra rằng "Có một người quê như ông bạn của chồng mình, thì đó là người có tấm lòng nhân hậu, sống chí nghĩa, chí tình..." (Người quê). Một cặp vợ chồng quen mồm chửi nhau, vào mỗi sớm mai khi gà cất tiếng gáy đầu tiên, như một nhu cầu tự nhiên, chửi nhau như hát hay, như gà gáy báo bình minh. Chỉ vì quên cái chổi quét xong bỏ ngoài sân: "Bố mày chết hay sao mà để chổi dầm mưa dãi nắng!/ Ừ, bố người ta đang chết đấy. Vì vô phúc mới chết trẻ/ À, ra mày chửi bố ông chết trẻ chứ gì? Mẹ tiên sư nhà mày!/ Đứa nào chửi đứa ấy tự nghe, á đây đếch thèm nghe/ Ra mày xưng tao với ông à? Thế mày bảo ai là đứa - Mẹ bố tiên nhân nhà mày!" Không chửi không được, rồi cũng phải nghe lời con cái, tự thay đổi mình (Vợ chồng Hò Hẹn). Hoặc nhân vật cụ Nhất, cứ sểnh ra là xả trộm đất vườn của đứa cháu họ ở liền kề, đến lúc cô con dâu phải kêu lên, phải van nài mãi ông mới chịu dừng (Làng nghèo). Rồi chuyện ông Hoán mới phất lên đã xây nhà có cổng sắt, lại nuôi cả chó béc-giê cho oai. Nhưng mỗi khi có người thân quen tới chơi, trước khi mở cổng, bao giờ cũng đưa cho mỗi người một que tăm, khẽ bảo "Coi như nhà mình vừa ăn cơm xong rồi nhé" (Hồi kết). Hay trong truyện Lão gàn, một lão già bủn xỉn lại sĩ, thấy người khác giàu thì tức tối, thù ghét; đang trưa nắng bắt cả nhà ra đồi hái sim bán kiếm tiền, cô con dâu say nắng bị ngất, thằng cháu chạy về báo ông cứ dửng dưng. Rồi chị Lương trong hoàn cảnh Mẹ góa con côi chỉ trông vào mấy sào ruộng khoán, cái ăn chưa đủ, mơ gì con trai đi đại học; lấy đâu ra tiền mà đi học, tưởng không lối thoát. Nhưng họ hàng, bà con xóm giềng mỗi người một tay, giúp đỡ cho người đàn bà góa nhân hậu. Vì "thằng Nghĩa đậu đại học là vinh dự cả làng đâu phải riêng nhà chị" (Ngày mai). Cái nghèo đã không làm cho người ta hèn đi, mà biến thành động lực, ý chí đùm bọc nhau, chia ngọt sẻ bùi vươn lên.

Nguyễn Hữu Nhàn - Nhà văn của nông dân, nhà khảo cứu văn hóa làng
Từ trái qua: Nhà báo Nguyễn Sản; nhà văn Nguyễn Hữu Nhàn; nhà thơ Kim Dũng; nhà văn Xuân Thu; Giám đốc Vườn quốc gia Xuân Sơn - Trần Đăng Lâu; họa sĩ Đỗ Ngọc Dũng trong chuyến đi thực tế tại Thanh Sơn năm 2007

Hầu như mạch chuyện của nhà văn Nguyễn Hữu Nhàn có cấu trúc như vậy. Nó khác với những người nông dân xưa tội nghiệp, hèn kém, bất lực của Ngô Tất Tố, Nam Cao hay Kim Lân... Bên cạnh đó, Nguyễn Hữu Nhàn đã xây dựng tính cách, ngôn ngữ riêng cho từng nhân vật rất tài tình, khiến người đọc luôn bị lôi cuốn bởi lời ăn tiếng nói riêng của chính họ: chân thật mà hấp dẫn đến thú vị; ám ảnh người đọc bởi cái chất quê mùa nguyên sơ, chất phát, mộc mạc... Đây chính là thành công, là nét riêng nhất, không lẫn với ai, tạo nên một Nguyễn Hữu Nhàn - nhà văn của nông dân, của làng quê.

Ông thạo tính cách, tâm lý con người nhà quê không chỉ người có tuổi mà cả cánh trẻ. Sự đổi đời nhờ có con đường chạy qua, mà anh nông dân bán đi mấy sào đất, có cục tiền, thuê thợ xây cái nhà, sắm điện thoại di động về tận Thủ đô sắm comple, cà vạt để ra oai với thiên hạ. Nhưng ít học vẫn không giấu được cái vẻ quê mùa kệch cỡm (Tèo - Vĩ đại). Hoặc nhân vật Hem trong truyện Mây gió vùng cao. Hem chê vợ xấu, bí bách lắm hắn mới chịu ngủ với vợ. Mỗi lần ngủ với vợ, lúc lấy gối, lúc gấp gáp kéo gấu váy che mặt vợ, rồi tưởng tượng ra mặt con cave đã ngủ trước đó. Một lần đi nương buổi sớm, "thằng Hem đi sau vợ. Vừa đi vừa buộc quai dao vào người. Vợ nó đi trước, vừa đi vừa giắt cạp váy cao lên cho đỡ vướng cây rừng. Nhìn bắp chân vợ nó cứ mỉm cười một mình. Nó nghĩ vợ mình xấu cái mặt, nhưng chân cũng trắng đẹp như chân con cave người Kinh. Nhớ đến cảnh rúc mặt vào ngực con cave hôm nọ, người nó lại rực lên. Đến bãi cỏ nó bảo: Mụi à. Nghỉ tý. Trưa rồi lấy sắn về thôi, lợn đói rồi. Nhưng Hem khỏe như con gấu lôi giật vợ ngã ngửa ra, cái áo chàm đen đã cởi sẵn, hắn đắp luôn lên mặt vợ rồi tốc váy lên. Hắn hùng hục như trâu húc mả. Cái đầu vợ hắn cựa quậy, bùng nhùng trong áo, bảo: Anh khỏe thế, bỏ áo che mặt đi cho tôi thích mà. Không, bịt vào để tao còn tưởng tượng ra con cave chứ".

Thảo nào với kinh nghiệm này, mà nhà văn Nguyễn Hữu Nhàn có lần bảo với cánh trẻ chúng tôi: "Các cậu thích ngủ với đứa nào, tốt nhất về nhà ngủ với vợ, rồi tưởng tượng ra nó, coi như đã ngủ với nó. Thế là xong mà lại an toàn và không phải tốn tiền".

Ấy thế mà có lần đi du lịch tắm biển cùng cơ quan. Tôi chứng kiến ông cứ như bị thôi miên, cứ ngây người ra nhìn chằm chằm mấy em trắng nõn mặc đồ tắm lướt qua. Vợ ông - bà Hương phải đập bốp một cái vào người, ông mới giật mình bừng tỉnh, bà bảo: "Nhìn cái gì mà nhìn mãi, vợ mình mà cởi ra thì kém gì?"

Nguyễn Hữu Nhàn - Nhà văn của nông dân, nhà khảo cứu văn hóa làng
Từ trái qua: TS Nguyễn Anh Tuấn, nhà thơ Hữu Thỉnh, họa sĩ Đỗ Ngọc Dũng chủ trì hội thảo

Đánh giá và viết về ông đã có cả chục, cả trăm bài viết, nghiên cứu giới thiệu phê bình... Nguyễn Hữu Nhàn được coi là niềm tự hào của miền đất Tổ cội nguồn, một tên tuổi xứng đáng của văn học Việt Nam đương đại, bởi một giọng điệu riêng. Ông là bạn thân tình với các nhà văn tên tuổi như: Hữu Thỉnh, Ma Văn Kháng, Nguyễn Khắc Trường, Nguyễn Trí Huân, Ngô Ngọc Bội, Sao Mai, Nguyễn Khắc Xương, Mai Quốc Liên... Đã từ lâu tôi rất mê đọc truyện ngắn của Nguyễn Hữu Nhàn. Một thời trên Báo Văn nghệ thường xuyên xuất hiện truyện ngắn của ông: Phố làng, Đám cưới làng, Lão thật, Làng Phần, Vợ chồng Hò Hẹn, Người quê, Làng quê yên ả, Chuyện nhà Tuất... Mỗi khi đọc xong một truyện ngắn của ông, những nhân vật luôn ám ảnh cuốn hút tôi một cách kỳ lạ khó quên.

Nhà thơ Hữu Thỉnh khi còn là Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam trong một Hội thảo về văn chương Nguyễn Hữu Nhàn, Ngô Ngọc Bội do Hội Văn học nghệ thuật Phú Thọ và Hội Nhà văn Việt Nam phối hợp tổ chức từng nhận xét:

Nguyễn Hữu Nhàn muốn viết về nông dân, nông thôn như một cái cớ để viết về linh hồn dân tộc. Đó là văn hóa. Khi đã đặt nhân vật trong bình diện với những tương quan văn hóa ông được tự do hơn trong việc lựa chọn các hệ quy chiếu. Nguyễn Hữu Nhàn không chia nhân vật theo tuyến xấu - tốt, trung nịnh, cao thấp. Ông quan sát con người như chính con người nghĩa là nó có tất cả nhiều thứ trong một. Lúc thì nó gắn với phong tục, lúc thì nó giẫm đạp lên cái phong tục ấy, lúc thì nó nhập với hoàn cảnh, lúc thì nó lại muốn nhảy qua hoàn cảnh ấy... Nguyễn Hữu Nhàn. Ông gần với Nguyễn Minh Châu qua những chuyển động xã hội. Đấy chính là tầm cao tư tưởng trong văn phong của ông.

Tôi còn nhớ, những năm đầu thập kỷ 80-90 của thế kỷ trước, khi tôi đang học ở Hà Nội, ngày ấy từng diễn ra một số cuộc hội thảo, tọa đàm giới thiệu về tiểu thuyết Dốc nắng, Làng Cói Hạ, Không cô đơn của ông gây dư luận. Trước sự đổi thay của đất nước, nhằm loại bỏ lối làm ăn cũ trì trệ, bảo thủ, một lớp người trẻ tuổi, tiến bộ dám nghĩ, dám làm nhằm đưa sản xuất tiến lên tạo ra bước đột phá. Nhưng họ luôn bị một lực cản, thậm chí phá hoại của tư tưởng tiêu cực, bảo thủ, chủ nghĩa cá nhân, nông dân tư hữu... Tiêu biểu trong tiểu thuyết Dốc nắng là nhân vật Hà Sự, Hà Sự ngày càng dấn sâu vào con đường tha hóa, biết nịnh cấp trên, đe nẹt cấp dưới: Con người thô lỗ, trưởng giả này lại luôn tỏ ra mình có uy quyền. Nguy hiểm hơn, sự tha hóa, biến chất bị các phần tử gây rối lợi dụng, nhưng lại luôn mang danh nghĩa tập thể... Nhưng cuối cùng cái tích cực vẫn thắng thế cái tiêu cực. Tiểu thuyết của Nguyễn Hữu Nhàn nhìn chung có cấu trúc theo hướng như vậy. Điều này tôi cũng bắt gặp trong một số tiểu thuyết của nhà văn Vũ Quốc Khánh như: Seo Sơn, Keo đỏ, Vùng xoáy...

Nhà khảo cứu văn hóa làng

Sinh ra từ vùng đất Tổ cội nguồn dân tộc, thấm đẫm văn hóa truyền thống những lễ hội dân gian đặc sắc. Vì thế, ngoài viết văn Nguyễn Hữu Nhàn còn là nhà khảo cứu văn hóa làng Vĩnh Phú, Phú Thọ, văn hóa dân gian, văn hóa dân tộc người Mường, người Dao ở Phú Thọ, những lễ hội diễn xướng dân gian phồn thực, tục chài nèm, tục ngủ thăm, múa mỡi, lễ cấp sắc, diễn xướng phồn thực Trò Trám, hiện tượng thơ Bút Tre... đã làm cho bản sắc văn hóa vùng đất Tổ thêm phong phú và đầy huyền bí. Thông qua những tác phẩm, công trình nghiên cứu, phim ảnh của ông được xuất bản, đã quảng bá lan tỏa khắp trong và ngoài nước. Những chuyến đi điền dã về các huyện miền núi xa xôi của tỉnh Phú Thọ. Bằng những luận cứ khoa học, giọng văn dân dã, từ những cuộc tiếp xúc, gặp gỡ những người già nói về chài nèm, tục ngủ thăm, những câu chuyện đậm màu sắc dân gian, ly kỳ, thú vị...

Nguyễn Hữu Nhàn - Nhà văn của nông dân, nhà khảo cứu văn hóa làng
Họa sĩ Đỗ Ngọc Dũng - Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Phú Thọ tặng hoa chúc mừng hai nhà văn Ngô Ngọc Bội và Nguyễn Hữu Nhàn tại hội thảo (năm 2009)

Chuyện bùa ngải, chuyện chài nèm, ngủ thăm, hay tháo khoán Trò Trám là có thật, có nèm tình để cho anh nọ yêu cô kia, cô kia thích anh nọ... Có nèm chữa bệnh giòi cho trâu bò, nèm hợp duyên cho đôi trẻ, nèm cắt duyên ngang trái... Về những độc đáo của văn hóa dân gian vùng đất Tổ. Nhiều tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước về Phú Thọ tìm hiểu, nghiên cứu không gian văn hóa vùng đất Tổ. Họ được biết nhờ đọc những tác phẩm, công trình nghiên cứu của ông. Ông còn bỏ cả thời gian, kinh phí hỗ trợ họ thực hiện các chuyến đi khảo sát trải nghiệm.

Có thể khẳng định, Nguyễn Hữu Nhàn đã đóng góp xứng đáng trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa vùng đất Tổ, góp phần quan trọng cho việc hình thành và xây dựng các hồ sơ di sản văn hóa vật thể, phi vật thể của tỉnh để trình tổ chức UNESCO công nhận. Không chỉ với tư cách là một nhà văn tên tuổi cả nước, nhà khảo cứu văn hóa dân gian (folklore) uy tín. Nguyễn Hữu Nhàn còn là tác giả của nhiều kịch bản phim phát trên VTV1, tiêu biểu là bộ phim dài tập Gió thổi qua rừng...

Nhà văn nông dân giản dị, gần gũi

Hơn hai mươi năm gắn bó cùng ông ở Hội, có mười ba năm làm Chủ tịch từ năm 2000 đến hết năm 2013, mọi công việc tôi luôn được ông cùng nhà thơ Kim Dũng hỗ trợ. Tiếp xúc với ông, thấy ở ông luôn toát lên một tính cách hồn nhiên, dân dã, dễ gần, dễ mến, khiến tôi càng kính phục. Nguyễn Hữu Nhàn luôn quan tâm vô tư chia sẻ kinh nghiệm, giúp đỡ bạn bè, đồng nghiệp nhất là cánh trẻ, dìu dắt, động viên họ trong sáng tác... Chi hội Nhà văn Việt Nam tỉnh Phú Thọ, lớn mạnh như ngày nay, chính có công lớn của ông. Tất nhiên ở đời "Nhân vô thập toàn", cũng có những người không thích ông bởi những lý do khác nhau, âu cũng là điều dễ hiểu. Trong con người Nguyễn Hữu Nhàn, yêu - ghét như hai thái cực bất biến đến cực đoan, không có độ chuyển. Yêu ai, ông yêu hết lòng, yêu ở mọi lúc, mọi nơi. Nếu ai đó chọc giận, làm ông phật lòng thì sẽ là ngược lại. Một câu nói hồn nhiên, nói như không nói cũng khiến đâu đó phải giật mình... Nguyễn Hữu Nhàn có một đức tính rất đáng nể. Đó là ông luôn bảo vệ, đấu tranh công bằng cho người khác. Ông từng bênh vực cho dòng thơ Bút Tre, hay tác giả của nó - ông Đặng Văn Đăng, chịu nhiều thiệt thòi khi nghỉ hưu được đền đáp xứng đáng. Luôn nhận phần thiệt về mình, điều mà người khác khó có thể làm được. Ở cơ quan Hội mọi người quý mến ông, nhất là các cháu trẻ coi ông gần gũi như người ông, người cha. Nhiều khi chúng còn tếu táo, vui đùa với ông không có khoảng cách: "Anh Nhàn ơi anh Nhàn, anh còn làm được gì nữa không, hay bánh cuốn vắt cạp rổ rồi, anh ngoẻo củ tẻo rồi hả, em cho anh đây này, đây này, làm tý không anh?"... Ông cứ cười khì bảo: "Chúng mày có khỏa thân hết tao cũng chịu". Thi thoảng các "nàng hậu" lại bá vai, níu cổ ôm yêu ông, thơm yêu ông một cái...

Lại nhớ những tiếng gọi "Dũng ơi! Dũng ơi!", tiếng đập cửa liên hồi từ trước lúc gà gáy của ông hôm nào. Chả là ngày ấy tôi hay kính ông đi cùng trong mỗi chuyến công cán, hay họp hành, hội thảo cho mình thêm phần sang trọng. Rồi những chuyến hẹn hò cùng ông, Ngô Kim Đỉnh... thăm thú một nơi nào đó mà điểm tập kết luôn là nhà Đỉnh. Ngày ấy nhà riêng Ngô Kim Đỉnh còn ở phường Thọ Sơn, mặt đại lộ Hùng Vương, nơi cánh văn nghệ sĩ chúng tôi thường hay hội tụ, giao lưu, đàm đạo: Nguyễn Hữu Nhàn, Nguyễn Đình Ảnh, Trịnh Hoài Đức, Trần Dư, Đỗ Thiện Ân, Đỗ Ngọc Dũng, Điền ngọc Phách, Nguyễn Hưng Hải, Nguyễn Thiện Kế, Bá Đạo, Nguyễn Lưu... Nhà Đỉnh coi như trạm đón tiếp bạn văn nghệ cả nước. Nào là: thi sĩ Hoàng Tá từ Vĩnh Phúc ghé, nhà Hán Nôm Đào Thái Tôn từ Hà Nội ngược, nhà thơ Inrasara từ Ninh Thuận ra, thi sĩ Trịnh Bửu Hoài từ An Giang vô, nhiều khi lại cả "đại" danh họa Lưu Công Nhân tạt ngang trong mỗi chuyến đi vẽ... Cứ qua lại, cứ tửu quán, nhà hàng, cứ tá túc nhà bạn xuyên đêm, xuyên ngày mỗi khi đến với Phú Thọ, hay dừng chân để lại đến đâu đó, vì Đỉnh lúc đó còn kiêm cả lái taxi. Có lần tôi phải nói vui: "Nhà Ngô Kim Đỉnh, cô Hải vợ Đỉnh xứng đáng nhận Kỷ niệm chương Văn học nghệ thuật Việt Nam".

Cũng hơn hai mươi năm, kể từ ngày ông gắn bó với Hội, biên tập cho tạp chí, chủ nhân của căn phòng tầng ba mà tôi đã bố trí riêng cho các ông làm việc, kiêm luôn là văn phòng thường trực của Chi hội Nhà văn Việt nam tỉnh. Nay tuổi đã cao, sức đã giảm Nguyễn Hữu Nhàn xin nghỉ thật đúng lúc. Vắng ông cùng nhà thơ Kim Dũng, không khí văn chương, nghệ thuật ở Hội Văn nghệ tỉnh như có phần giảm hẳn.

Những ngày này, lại nhớ hình ảnh hai ông già đôn hậu, người Honda 50, người xe đạp Peugeot, gương mẫu hôm nào cũng đến văn phòng sớm nhất, tranh thủ trao đổi bài vở với Tổng Biên tập Hồng Chính. Quây quần bên ấm trà, tiếp các hội viên, đôi khi chỉ vì yêu quý ông mà đến: Giang Châu, Nguyễn Đình Phúc, Vũ Quốc Khánh, Bùi Ngọc Quế, Nguyễn Đình Xán, Nguyễn Thông, Vũ Khắc Bình... hay thời sự, chuyện thường ngày... cùng anh chị em cơ quan Hội: Đỗ Ngọc Dũng, Xuân Thu, Trần Nhật, Xuân Hương, Thu Quân; sau này là Đỗ Quốc Long, Cao Hồng Phương, Hồng Chính, Lê Hương, Minh Nguyệt, Trần Liên, Trần Hoa, Đức Huy, Kim Dung... rồi cặm cụi đọc, cặm cụi viết, sửa chữa bản thảo... Tất cả những điều đó, cùng với tác phẩm, tư cách nhà văn của ông, đã làm cho Hội sang lên. Góp phần đưa Hội Phú Thọ trở thành một địa chỉ uy tín cả nước. Bởi có thêm những giá trị tinh thần, tô thắm bản sắc văn hóa miền đất Tổ cội nguồn, từ nhà văn, nhà khảo cứu văn hóa Nguyễn Hữu Nhàn.

Hướng tới kỷ niệm 50 năm thành lập Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Phú Thọ (1975-2025)

Giải thưởng Văn học Hội Nhà văn Việt Nam 2024

Giải thưởng Văn học Hội Nhà văn Việt Nam 2024

Baovannghe.vn - Căn cứ Nghị định số 126/2024/ND-CP ngày 8/10/2024 của Chính phủ, Quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý Hội; Căn cứ Điều lệ Hội Nhà văn Việt Nam khóa X (2020-2025); Căn cứ kết quả xét chọn của Hội đồng Chung khảo tại phiên họp ngày 12/12/2024 và cuộc họp Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam ngày 29/12/2024, Chủ tịch Nguyễn Quang Thiều đã thay mặt Ban Chấp hành Hội ký Quyết định số 104/QD-HV, ngày 31/12/2024 về Giải thưởng Văn học Hội Nhà văn Việt Nam năm 2024 cho 07 tác phẩm.
Là người Việt, là nhà văn Việt

Là người Việt, là nhà văn Việt

Baovannghe.vn - Văn hóa lúa nước sinh ra một người Việt là một người nông dân. Để giữ nhà, giữ nước, một người Việt sinh ra là một người lính.
Vơi - Thơ Lê Vi Thủy

Vơi - Thơ Lê Vi Thủy

Baovannghe.vn- Khói hong chiều một khoảng đơn côi/ anh bạc tóc bên cơn giông bão
Mưa Xuân - Thơ Lê Nhi

Mưa Xuân - Thơ Lê Nhi

Baovannghe.vn- Li ti như đám mây trắng rải trên cọng ti gôn ngoài ban công/ làm ẩm ương lũ sẻ biếng lười ủ mình trong tổ
Hồi ký Khắc đi… khắc đến của nhà văn, đạo diễn Xuân Phượng giành giải Mai vàng

Hồi ký Khắc đi… khắc đến của nhà văn, đạo diễn Xuân Phượng giành giải Mai vàng

Baovannghe.vn - Hồi ký Khắc đi… khắc đến của nhà văn, đạo diễn Xuân Phượng giành Giải Mai Vàng lần thứ 30 cùng với 2 tác phẩm văn hóa nghệ thuật xuất sắc khác