Diễn đàn lý luận

Nguyễn Thành Tuấn - Người đang trên đường

Đào Bá Đoàn
Chân dung văn học
17:21 | 09/10/2024
Baovannghe.vn - Nguyễn Thành Tuấn, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, còn có bút danh Hiến Văn, sinh năm 1965. Ông nguyên là Tổng biên tập Tạp chí Phố Hiến, Phó chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Hưng Yên.
aa

Đó là những năm ngoài 2000.

Đâu như khoảng 2003 – 2004 gì đó.

Sau khi ra trường, trong lúc chờ việc, tôi về Hưng Yên làm cho Hiểu vừa trốn khỏi báo Hưng Yên ra lập tạp chí Doanh nhân Hưng Yên. Duyên do Phùng Văn Khai dẫn mối khi Hiểu nhờ tìm một người về làm giúp. Cả Hiểu và Khai đều chơi với Nguyễn Thành Tuấn cho nên tôi bắt đầu quen anh kể từ bấy.

Thì thế nào?

Hiểu uống rất khủng. Uống khắp Hưng Yên. Trong con người Hiểu có dòng máu pha trộn, nên Hiểu chơi với đủ kiểu người, từ quan chức chính khách cho đến công an, nghệ sĩ, và cả… xã hội đen. Mà còn với cả thầy chùa, đánh bạc với thầy chùa, thậm chí từng rủ thầy chùa quyền lực số một nơi đây xách cả cặp va li tiền đi đánh bạc.

Cho nên ngày ấy, tôi với Hiểu rượu tràn cung mây.

Phùng Văn Khai khi đó ở Như Quỳnh. Tôi ở hẳn Hưng Yên với Hiểu. Nên tôi và Hiểu uống với Nguyễn Thành Tuấn rất nhiều. Thỉnh thoảng Khai mới tạt xuống uống cùng thôi, nhưng Khai mà đã xuống thì thùng bất chi thình, rượu như tràn xuống mương máng cống rãnh lấp đầy ao hồ sông lạch mỗi lần nghĩ lại vẫn thấy kinh người và tự mình không tin lại có lúc uống được nhiều như thế, bất chấp như thế, mà cũng thoát chết như thế.

Một lần, rượu và trời rất sương khói, tít mù đủ kiểu, tôi thấy Nguyễn Thành Tuấn đi với một người phụ nữ, rồi cứ bỏ mặc cho tôi nói chuyện cùng, Tuấn mải mê uống rượu với bạn. Tôi thì giai chưa vợ, nơi đất khách, tình vài ba mối vừa đứt, thường buồn thấu xương. Ôi…

Một khuya khuya Khai xuống, Hiểu vốn là người gầy cuộc, cùng thêm vài người nữa, rượu đã gần hồi tê tái, cả bọn từ quán nhìn ra đèn đường thấy ánh vàng khè, Tuấn gân cổ lên đọc thơ. Bao nhiêu câu chìm lấp, mà rơi tõm vào trong đầu tôi câu này:

“Mặt đầm đìa máu bởi cú đạp của một con đỏng đảnh…”

Tôi đang đưa chén. Hớp rượu trong miệng đắng ngắt, suýt thốc ra ngoài. Trong lồng ngực như thể có hai bàn chân đạp thốc chỉ muốn bung cả khung đỡ. Tôi cộc chén xuống bàn và lòi mắt ra nhìn Tuấn, ghi thơ Tuấn vào tâm tưởng mình, cùng với thưởng lại nỗi đau tình phụ mà trời bay đậu sương khuya mí mắt hay tôi khóc, rân rấn cho hiện hữu nỗi mất ngày nào…

Sau này Tuấn in, và tôi đã đọc lại toàn bộ bài thơ như thế này:

SỰ THẬT

sự thật có ích gì không?

ích cho người này và hại cho người khác!

cỏ hoa không cần sự thật

ngựa đực trắng không cần sự thật

bóng đêm không

mặt trời cũng không

bởi nó nở khắp miền không có dấu chân

nó tìm đúng đường tới bầy ngựa cái phởn phơ thung lũng

mặt đầm đìa máu bởi cú đạp của một con đỏng đảnh

nó che chở những sinh sôi

và vực sinh sôi lớn dậy

chúng ta không cần sự thật

nó là mặt kia của sự giả dối.

Tôi không biết Tuấn có thích bài thơ này không nhưng với tôi nó khắc sâu, nó ấn tượng, nó làm tôi thấy lại tôi, thấy lại Tuấn, thấy lại những kỷ niệm, thấy lại những tình nhân, yêu đương và hạnh phúc, dâng hiến và phụ bạc, và tôi bảo thơ Tuấn hay tự bấy. Cũng rất có thể cả bài thơ mang nghĩa khác hoặc rất nhiều nghĩa nhưng trong cơn chếnh choáng mù trời đó chỉ găm vào tôi một câu thơ đó: “mặt đầm đìa máu bởi cú đạp của một con đỏng đảnh…”.

Sau này nhiều lần gặp lại, nhiều lần rượu lại, tôi khen thơ Tuấn hay trước mặt Tuấn và bạn bè và lại đọc: “mặt đầm đìa máu bởi cú đạp của một con đỏng đảnh…”. Cũng vẫn chỉ một câu như thế rồi ậm ậm ờ ờ hỏi lại Tuấn “ở bài gì ấy ông nhỉ”. Bao giờ cũng vậy, Tuấn chỉ cười, nhiều khi lảng chuyện, đôi khi có nói tên bài thơ, và tôi nhớ có duy nhất một lần Tuấn đọc lại hết cả bài thơ đó, nhưng lần đó hình như là say lắm. Loanh quanh thế, Tuấn không thích thú và cũng không cáu, nhưng bạn chúng tôi là Phùng Văn Khai thì có lần cáu, hắn goằm mặt, mắt đỏ sọng quát tôi: “ông thì biết gì về thơ mà hay với dở, một câu thơ mà cũng không thuộc được; thơ Tuấn hay và hay số một Việt Nam ông biết chưa? Đây này, ông nghe đây này, thơ Tuấn đây này:

bố dắt con ra đường làng

cho con nhận từng viên gạch

cho bầu trời xanh như sông

trôi giữa đôi bờ tre trúc

bố dắt con qua sân đình

nơi bố khai trường thuở nhỏ

bây giờ làng chưa mở hội

tứ linh bùn đất lấm lem

bố dắt con qua ngõ chùa

tiếng mõ gõ vào quên lãng

lũ chào mào chẳng quên mùa

mổ trái ổi thơm gọi bạn

bố dắt con ra cổng làng

tít xa kia là bến nước

năm nao bố mới hai mươi

trang nghiêm trong màu quân phục

trong bao gái làng đưa tiễn

có người vừa độ trăng tròn

tan giặc bố về bến cũ

và người ấy hóa... mẹ con

nào ta về thôi con gái

ngoài kia sông nước mênh mang

lớn lên rồi con bước tiếp

bắt đầu từ đây cổng làng

(Đường làng)

Tôi chỉ biết im lặng nghe và gật gù tán thưởng, hé mắt sang Tuấn thấy trong cái nhòa đi của rượu Tuấn vẫn chỉ hơi cười vẻ như e ngại, lại hầu như bẽn lẽn, mũi hơi hẩy lên khịt khịt, cổ họng hơi è è như có gì đó mắc nghẹn…

Viết tới đây, tôi định sẽ nói sâu vào dịp khác, nhưng đã nói chút rồi thì nói thêm cho trọn, về tình yêu với thơ Nguyễn Thành Tuấn mà Phùng Văn Khai dành cho người anh, người bạn mình. Mấy mươi năm bạn bè biết nhau, trải qua biết bao cơn ấm lạnh, lúc gần người gần việc, lúc xa hình xa bóng tưởng như bặt hơi nhau; thì dù thế nào, những lúc cơn say lương sương hay túy lúy, cần lôi thơ ra để đọ hay dở với thiên hạ, cần mắng một ai đó về khả năng làm thơ hay tài làm thơ, hoặc đơn giản một không khí thơ chợt hiện người ta cần cất lên những tiếng thơ tuyệt mỹ - Khai lại gằm ghè đe dọa: các ông nghe đây này chưa góp được gì cho đất tổ / tóc đã nở hoa giữa xuân sang / cái ngày danh lợi tan mây khói / ta ở đâu trong ký ức làng. Thế nào cả bọn cũng im lặng, nể Khai hay nể thơ, hoặc không muốn gây sự thêm với Khai kẻo Khai lại gầm lên thì tôi không rõ; nhưng tôi được chứng kiến chuyện ấy nhiều lắm. Có lần, qua điện thoại, khi câu chuyện đề cập đến Phùng Văn Khai, tôi đã nói với Nguyễn Thành Tuấn: “Khai nó yêu ông ghê lắm, và nể thơ ông lắm, rất hay đọc thơ ông và luôn bảo thơ ông hay nhất...”. Và tôi chỉ nghe Tuấn khẩy cười buông một câu: “Tôi chả biết” rồi lảng sang chuyện khác.

Nguyễn Thành Tuấn - Người đang trên đường
Sách của nhà thơ Nguyễn Thành Tuấn.

Khi bảo rằng qua điện thoại chúng tôi nhắc về Phùng Văn Khai có nghĩa là chúng tôi đã qua (xa những ngày “say quắc cần câu” ấy lắm rồi. Xứ Hưng Yên, Phố Hiến mà tôi biết sâu nhờ một tháng làm tạp chí, một tháng rượu chè, một tháng đú đởn chơi bời làng nhàng cùng Hiểu, Khai, Tuấn... lùi đi, lùi xa, đôi khi có thể là phủ bụi, nhưng không khuất và không lấp. Ký ức chúng tôi có, và hiện hữu những khi chập bạn nhắc nhớ lại bốc điện thoại gọi cho nhau hỉ hả nhắc ngày tháng cũ. Tôi gần Khai hơn, chơi với nhau chặt hơn vì hai thằng làm việc cùng phố, cùng những trận lên bờ xuống ruộng mụ mị cả người vì rượu, vì bạt mạng giang hồ vặt gầm gừ thơ văn. Hiểu vẫn ở đấy, làm nhiều thứ khó biết, từng có lúc có biệt thự sang ở khu đô thị mới giữa lòng thành phố trẻ Hưng Yên và thỉnh thoảng vẫn tạt vào nhau, vài cơn rượu, dăm trận cười, mà khi hơi rượu bay đi, bay lên, trời kia như mở mắt, thấy bạn, thấy đời, rúc vào vài kỷ niệm hoặc rú lên không được mãnh liệt cho lắm vài dự định chưa thành. Ba thằng tôi, lúc cả ba, khi có hai, vẫn nhắc Tuấn, nhiều khi Khai thảng thốt “không biết Thành Tuấn giờ phiêu bạt nơi nào”. Rất dài, có lẽ quãng thời gian phải đến dăm bảy năm, chúng tôi chỉ biết Nguyễn Thành Tuấn sau cơn cáu tiết đã bỏ Hội văn nghệ quê nhà, bỏ tờ tạp chí văn chương mà Tuấn làm lãnh đạo và đang có chiều hướng làm hay, muốn bung tỏa và vì văn chương đích thực; lên Hà Nội, nghe đâu cùng vài người bạn lập công ty về văn hóa du lịch gì đó, làm ăn xa xôi lắm, những tận miền núi Tây Bắc Đông Bắc hiểm trở mông lung kỳ bí... Đang kết nối, và sắp mạnh, vào cái vòng văn chương và tạo lập tên tuổi, Nguyễn Thành Tuấn cũng biệt tăm luôn, như bỏ đi là bỏ hẳn, không muốn dấu vết còn lưu, như hận thù gì lắm cõi làm văn nghệ. Vài lần, vẫn có người nhắc, lại bảo thơ Thành Tuấn hay lắm, mà liền ngay cũng lại thảng thốt như Khai “không biết Tuấn đi đâu?”. Lạ thế, số điện thoại thì vẫn đó, a lô thì sẽ hiện diện, và tôi trong cả quãng đó vì những việc thế nào đó vẫn vài lần kết nối với Nguyễn Thành Tuấn, nhưng vẫn cứ biệt nhau thăm thẳm, và cái chính mỗi khi tôi lái vào thơ, vào văn chương là Nguyễn Thành Tuấn lại lảng đi, tránh đi, mũi khịt khịt rất rõ qua điện thoại, như không hiện diện, như không liên quan, như người xa lạ, như chẳng ích gì...

Đã vài lần tôi ngạc nhiên, tôi tò mò, tôi muốn tìm hiểu vì sao một người uống rượu như thế, rong chơi giang hồ vặt, ngạo mạn khinh khi như thế, làm thơ đến như thế lại cứ quyết tâm lao vào cuộc thế du, cứ quyết tâm “dìm mình” thành một “người xa lạ” với văn chương. Nhưng, trong tôi những lúc đó lại chợt hiện một gương mặt gày gò gân guốc rắn đanh trong đêm tối năm nào Tuấn hét tôi trong hoang vu những tiếng người của rượu, của bạn bè, của loang thoang, hình như cả mùi tình ái... Và tôi e ngại. Tôi thôi. Tôn trọng sự biến hình, thậm chí là sự cố tình làm mất mình trong những thời khắc của Tuấn. Rí rích đôi khi trong loang loang hơi men vài câu thơ Khai đọc lên để rồi im lặng, và nào, uống đi, những ngày tháng cũ...

Tôi không nhớ nữa, ngày tôi gặp lại Nguyễn Thành Tuấn. Lúc đó hình như Facebook bắt đầu rộn. Một cuốn sách cho công việc cuối cùng của Tuấn nơi công ty văn hóa cũ? Một kết nối nào đó của anh với nhóm Faybach trong tươi mới hình hài, tự tin tri thức, và, cơn hào hứng trẻ trung sáng tạo nghệ thuật? Chỉ thấy, gặp lại mà không bất ngờ, cũng không thăm dò, không hề tìm hiểu. Vẫn thấy như cũ, con người như thế, tính khí ấy, kiểu cách nọ, khủng khỉnh, lại bạn bè, một kẻ nhỏ bé thanh mảnh mà trời kia cứ bé tí và nhân sinh thì vô thường. Chúng tôi không lạ và không xa nhau. Nhưng chúng tôi uống thì khác trước... Không còn gằm ghè ngạo mạn khinh khi. Không còn cuồng lên hét “những lời quan trọng”. Không dễ văng tục như bên này, cạnh ta ồn ào cả đống mà cứ coi như chẳng có ai. Không còn hắt rượu lên trời, kéo lùi mây xuống mà ngạo thế cuộc nhân gian cái cỏn con tí mọn bõ gì cho một cuộc ra tay chỉ bằng vài vần vài nhịp...

Nhìn đầu nhau thấy những sợi bạc, trong ánh mắt nhau chúng tôi thấy, nhưng chúng tôi cố tình tránh đi, lờ đi, chúng tôi hầu như chẳng nhắc về thời gian, chỉ cười và hỉ hả, cụng bia cụng rượu, câu chuyện văn chương, những ý thơ vút lên như chưa hề có quãng thời gian chìm đi, dìm đi, như chưa hề có cuộc chia xa hầu như mất hút có đến gần thập kỷ. Nhưng, đó lại là lúc đã ngàn xa vạn dặm, vì ngừng hết, Tuấn xoay chuyển đến không ngờ: vào Đồng Nai làm trang trại bưởi, kéo hết gia đình vợ con vào đó; bạn bè tự bấy chịu cảnh kẻ Bắc người Nam. Chúng tôi gặp nhau chủ yếu trên Facebook, qua Messenger, hoặc điện thoại. Tôi và anh bị lỡ nhiều cuộc rượu khi anh hạ cánh Bắc. Anh say, có khi những trận rượu sớm trưa hoặc khuya khoắt cùng cánh bạn Faybach. Nhưng, quan trọng là thơ, anh trở lại, và in nó, việc mà đã một thời gian dài anh khinh khỉnh, anh tránh né, và tôi nhận thấy những biến đổi trong tri thức, quan niệm và sáng tạo nơi anh. Hình như, cùng với việc sắp xếp gia đình khác đi, cùng với việc chọn một không gian sống khác, anh bắt đầu một cuộc chinh phục tri thức và sáng tạo nghiêm túc, khó tính nhất từ trước đến giờ...

Tập thơ “Đi” như một cuộc chào anh em, như sự tái xuất của một kẻ sĩ ẩn thân đầy kiên nhẫn. Ở đâu đó, con đường mười năm, những chặng mưu sinh, ấm lạnh nhân gian, ngọt bùi và những suy tư thế sự. Nhưng, cũng chính ở đó, bạn bè hiện hữu, bạn văn ẩn hiện, trẻ con làm ấm lòng lữ khách... Trong những gần gũi của cỏ cây hoa lá, của sóng gió biên cương, hay rạ rơm đồng bằng, thì vẫn phảng một cổ điển, cho hay những qui chiếu về ngày đầu sáng tạo. Hơi hé lộ một chút gì thao thức mới, một băn khoăn tìm hướng, nhưng không vật vã giày vò mất ăn mất ngủ hoặc văng thân cho – vì một độc đạo.

Khi nói đến tập thơ, Nguyễn Thành Tuấn không tránh né bàn đến nó, nhưng, vẫn như tính anh cố hữu, cứ muốn vừa muốn nhắc đến vừa muốn gạt đi, ngay sau khi câu nói coi thơ và thơ mình chả ra sao là một sự bắt lửa chỉ chực bùng lên những da diết, đam mê, thậm chí có tính ý hướng của nỗi đau – sự bực bội bứt rứt trong cuộc ràng rịt thơ và cõi sống.

Tôi mặc anh, vì hiểu, sự lột vỏ không chỉ đơn thuần là những điều người ta nghĩ, hoặc muốn. Cũng không thể cơ bắp, hoặc bắt “trend” thời thế cho phù hợp. Một người trọng thơ, và tự trọng, anh sẽ ngắm mình, và đọc, rồi có thể tiếp tục hay không...

Nhớ cái đêm bốc trời trở lại nơi Hà thành tôi biết anh đang theo đuổi con đường thạc sĩ triết học với người hướng dẫn là một người anh cùng trong cõi văn chương. Chúng tôi một đêm có những hơi men nói về bạn bè, về nghệ thuật, về triết học, tri thức... Bây giờ quên hết, chỉ còn nhớ cái hơi cái vía, những nghiêm trọng cuồng si như tung đi, vứt đi, đáng gì trong những bước chân mà chính mình bước mà đâu cần phương hướng, đâu cần bến bờ, cũng đâu cần ích gì, lợi gì, mất gì và được gì. Con đường học và tập của Nguyễn Thành Tuấn rất lạ và khó hiểu. Với những ngắt quãng khác nhau, anh cứ lao vào “con đường học hành chính thống” và cũng lấy bằng nọ cấp kia nhưng hầu như sau đó cứ như vẻ anh coi thường, chả thấy nó ra gì, chả muốn dùng nó vào đời sống, nhất là cái đời sống thịnh hành ở Việt Nam hiện thời đang nhan nhản dùng bằng cấp mà tiến thân, mà kiếm tiền. Nói như vậy là bởi tôi chả rõ cái thiết thực của thạc sĩ đối với con đường mưu sinh của anh ra sao mà đến một ngày lại biết cái ý đồ làm tiến sĩ triết học của anh khi hành phương Nam. Tôi đang ủng hộ, chuẩn bị nhiệt liệt ủng hộ thì một ngày nọ anh gọi điện bảo “ông Đoàn ạ, có lẽ tôi thôi không làm tiến sĩ nữa, công trình về Nguyễn Bỉnh Khiêm tôi sẽ chuyển thành sách, tiền để làm tiến sĩ tôi sẽ dùng để in sách, và, tôi vẫn cứ đọc, vẫn học tập tiếp, rồi vẫn có cái trình độ tiến sĩ tự thân đào tạo thì có sao...”. Không đắn đo, tôi đồng tình ngay tắp lự, và nhiệt tình chia sẻ với anh về sự đọc, sự “ngâm cứu”, nhiệt tình khuyến khích, thậm chí kích động anh dành tâm sức để hoàn thành một cuốn mà tôi bảo nó nên là một cuốn quan trọng của đời anh. Tôi còn nhớ, một ngày tháng giêng, một buổi sớm tôi đang trên chuyến xe xuyên mọi ngóc ngách đón người quê tôi để lên Thủ đô, là lúc nhận cuộc điện ruột gan dài dặc của anh chia sẻ về công trình đang trên đà trở thành một cuốn sách nặng ưu tư với nhiều mong cầu sẽ tìm được ra những điều mới mẻ về Nguyễn Bỉnh Khiêm. Xe cứ đông dần, người thì đủ kiểu, mà tôi cứ oang oang với anh những điều nghiêm trọng về triết học, về văn chương, về một “ngài” tiên tri số một của nước nhà. Có lúc tôi ngại, cả ngại làm ồn, cả ngại người ta hiểu lầm mình làm dáng, nhưng tôi không thể ngưng cơn hứng của anh, vả, cũng dần tôi bị cuốn theo những say mê của anh mà chia đi sẻ lại...

Kể từ bấy, chúng tôi kẻ Bắc người Nam hay chuyện với nhau trên điện thoại về việc viết, việc đọc, về tri thức, và đôi khi có xen chuyện bạn bè.

Bưởi Tân Triều thế nào, đất Đồng Nai thế nào, cù lao thế nào... anh làm đất cát bất động sản ra sao tôi không biết, mặc dù tôi nhớ anh có mô tả sơ lược khiến tôi từng có lần trong cơn say với “ngài Chủ tịch Faybach” Trần Hưng đã rủ “ngài” làm một chuyến “vô trỏng” đi cù lao rượu lương sương mà tít cung mây quyết ném đi mấy cái chuyện đời tầm phào hòng thử một lần giang hồ thơ, giang hồ chữ, cuồng triết cuồng văn, ngạo cho bõ, cho khoái tỉ nhân gian, kiếp người. Ấy thế mà, bất đồ Covid. Tuấn đành ở im đó. Chúng tôi bị trói chân. Những cơn rượu bạn bè không còn thực hiện được. Nơi này uống nơi kia nghe, những lần say lên, chúng tôi gọi cho nhau hàn hàn huyên huyên, nhân tình này nọ, thế thái lương bương; rồi ông nọ bà kia, cuốn này cuốn khác, biết bao thứ Tuấn đọc – tôi chia, đôi khi chúng tôi thiết tha, đôi khi chúng tôi cố tình như khinh nó, ngạo vật, tửng tưng cái khí vừa như của một ông đồ gàn lại như anh giáo quèn mà cũng chẳng kém cái chất ngất của một thi tiên thi thánh, của một triết gia... Cô đơn không? Có. Có nỗi buồn không? Có. Có niềm tin không? Có. Có chán nản không? Có. Có hết. Nhưng, cái mãnh liệt kia, những ánh như thép cần thiết của kẻ biết dùng trí ép mình vào con đường đào luyện trau dồi không chỉ tri thức, mà là sự lựa chọn... Tuấn lập thời biểu cho việc đọc những tri thức tầm cao một cách tổng thể, hệ thống, đồng thời cũng lập biểu luôn cho công việc sáng tạo. Liên tục trong hai năm anh ra sách, mà sách phê bình. Anh viết cho bạn. Nhưng lại bảo, tôi học tập ấy mà. Nghe trong âm điệu lời anh vừa có đùa vừa có thật. Đùa là để che chắn nhỡ nó chưa đạt tầm. Thật là đúng rằng ấy là quãng thời gian anh đọc lý thuyết và bây giờ ứng dụng. Cũng cập nhật thời số hóa, anh đăng dần trước đó ở Facebook. Cho nên khi in anh lấy một cái tên rất “công nghệ”: Mượn từ mở khóa. Cũng lại chủ yếu bàn thơ của nhóm anh em Faybach. Cho đến khi, một lý thuyết mới tạo cảm hứng cho anh hơn, và anh “tìm” được một “đối tượng” thích hợp cả ở trong thơ và ngoài đời thì anh dành cả một cuốn sách để bàn. Một cuốn sách với một cái tên rất ngộ, rất đùa vui: Thạc sĩ Fây-bút. Có những thông minh, có những mới mẻ từ cả ở cách viết, ở cá tính độc đáo và không ít ẩn ý. Nhưng trên hết là đồng cảm sáng tạo của kẻ cùng làm thơ, mà những người làm thơ đã nhận ra nhau là không phải dễ, hoặc phục tài, liên tài, hoặc có một tấm lòng bạn bè chí cốt... Sau cuốn này anh còn viết một cuốn nữa bàn về thơ của hai người bạn. Tên tập ghép từ tên hai tập thơ. Nhưng, “Quá một mùa xa” cũng chính là tên riêng, như một ẩn ý hoặc chơi chữ nào đó. Và, anh bảo sau cuốn này tôi thôi cách viết này. Có viết nữa, bàn về tác phẩm cũng sẽ viết khác. Tôi tin điều anh tuyên bố. Bên lá, bên hoa, trà trưa rượu sớm phần lớn một mình, anh đang vùi vào sách, mà toàn những “hàng khủng”, không chỉ mộng mơ thi sĩ bẩm sinh, mà “cái đầu triết học” được đào tạo bài bản đang vào lúc thích hợp. Thì một “Khúc hạ yên” như chào ngày tháng cũ, cách nghĩ cũ, quan niệm cũ, sáng tạo cũ. Martin Heidegger hay Jack Kerouac đã từng thời danh: Trên đường. Vậy, có ở đó, ở kia, hay ở đâu, mà tinh thần hùng mạnh, ý chí quyết liệt, suy tư mải miết, lại thêm cái điềm tĩnh của “mặt hồ Đông phương”, thì anh cũng sẽ ở trên đấy: Trên Đường.

Nguyễn Thành Tuấn - Người đang trên đường
A night walker của họa sĩ František Hudeček
Trịnh Hoài Đức - Nhà thơ, nhà viết kịch tài hoa

Trịnh Hoài Đức - Nhà thơ, nhà viết kịch tài hoa

Baovannghe.vn - Kịch Trịnh Hoài Đức ngoài chất hài ý nhị, sâu cay, cười ra nước mắt còn bao hàm cả triết lý sâu sắc về thế giới quan, nhân sinh quan... Thơ của ông như gieo vào lòng người cái tình sâu lắng, ngôn ngữ giản dị mà nhân văn đa nghĩa đầy tính bác học...
Microsoft ra mắt nhà xuất bản sách in truyền thống

Microsoft ra mắt nhà xuất bản sách in truyền thống

Baovannghe.vn - Tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới - Microsoft đã chính thức bước chân vào ngành xuất bản sách với việc ra mắt 8080 Books, một nhà xuất bản được thiết kế để thúc đẩy sự đổi mới trong xuất bản và kể chuyện. Được đặt tên theo bộ vi xử lý Intel 8080 – nền tảng cho sự khởi đầu của Microsoft trong thập niên 1970 – 8080 Books không chỉ là một cột mốc mới trong chiến lược đa dạng hóa của công ty mà còn đại diện cho tham vọng đưa công nghệ vào thay đổi ngành xuất bản vốn còn nhiều hạn chế.
Trong y, một tảng băng trôi. Truyện ngắn của Hiền Trang

Trong y, một tảng băng trôi. Truyện ngắn của Hiền Trang

Baovannghe.vn- Đối diện nhau, con cá mập và Tử thần, kẻ bị giết và kẻ giết, con mồi và gã thợ săn, đối tượng của cái chết và tay sai của cái chết, con cá mập nằm sóng soại trên sàn thuyền, Tử thần thì đứng thẳng hiên ngang, một trục hoành - một trục tung, tạo thành một hệ tọa độ bất đắc dĩ giữa biển xanh sâu thẳm, mỗi kẻ đeo đuổi những huyễn tưởng khác nhau, nhưng sau rốt đều xuất phát cùng từ một gốc: ám ảnh về những trò ảo thuật.
Khai mạc: Hội nghị về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam

Khai mạc: Hội nghị về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam

Baovannghe.vn - Trong hai ngày 21 và 22/11, tại thành phố Đà Nẵng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Hội nghị triển khai Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam.
Trượt - Thơ Vũ Thanh Hoa

Trượt - Thơ Vũ Thanh Hoa

Baovannghe.vn- Đám mây chiều sũng nước/ trùm lên thành phố