Diễn đàn lý luận

Kẻ lạc thời

Trần Vũ Long
Chân dung văn học
08:00 | 14/08/2024
Baovannghe.vn - Thú thực, cho đến giờ, khi đang ngồi viết những dòng chữ này, tôi chưa hiểu hết về hắn. Hắn bí ẩn? Không hề. Tôi không hiểu hết về con người hắn
aa

Tôi cũng không hiểu hết về văn chương của hắn. Nhưng, dường như có sợi dây vô hình nào đó cứ buộc tôi lại với hắn. Có nhiều lúc tôi khó chịu vì hắn. Thậm chí cười mỉa hắn. Rồi tôi lại nhận ra rằng chẳng thể bỏ hắn. Hắn chẳng hẳn sâu sắc. Cũng không nhạt nhẽo. Vậy thì tôi gắn bó với hắn vì lẽ gì. Không thể giải thích được. Chẳng bao giờ giải thích được. Và rồi, tôi nhận ra rằng tôi may mắn có hắn làm bạn. Mặc dù chơi với hắn chỉ làm cho tôi, một thằng vốn cô đơn tự bản năng, càng thêm cô đơn mà thôi. Tôi khó chịu với hắn vì điều đó. Tôi cũng biết ơn hắn vì điều đó.

Đã có lần tôi đọc truyện của hắn. Tôi khóc. Tôi khóc chẳng phải vì câu chuyện hắn viết ra. Tôi khóc cho hắn. Tôi khóc cho cái thân phận khốn nạn của kiếp người. Tôi khóc cho sự lựa chọn vào con đường văn chương của hắn. Hắn đã chấm dứt cuộc đời mình kể từ đó. Và, hắn cũng đã mở ra cho mình một đường đời khác kể từ đó. Công bằng mà nói, không làm văn chương tôi tin chắc hắn chẳng thể làm được gì cho ra hồn. Gấp sách của hắn lại. Tôi phi xe ra phố. Chẳng biết đi đâu. Vừa đi vừa lấy tay chùi nước mắt. Cuối cùng tôi lại mò đến cổng cơ quan hắn. Dựng xe. Vào quán nước chè. Bấm máy gọi hắn xuống, để rồi nhận được câu trả lời rất nhạt: "Anh đang bận họp, không xuống được". Tôi cười nhạt. Tắt máy. Phi xe về.

Đào Bá Đoàn sinh năm 1971 tại Thanh Miện, Hải Dương.

Tốt nghiệp Trường Viết văn Nguyễn Du khóa VI.

Đã in:

Mảnh vỡ (tiểu thuyết, NXB Lao động, 1997; NXB Hội Nhà văn 2011);

Rượu của thời chưa sinh (tập truyện ngắn, NXB Công an nhân dân, 2007);

Chỉ để bay qua một bình minh (tập truyện ngắn, NXB Văn học, 2012).

Nhiều người khi mới gặp hắn cảm thấy tức mắt. Tôi cũng vậy. Cái bộ dạng của hắn hình như không được tử tế cho lắm. Nhưng ẩn sâu trong con người hắn là sự tử tế bản năng. Cái sự bản năng cũng toát lên trong văn chương của hắn rất rõ nét. Nếu ai đó bảo hắn là nhà văn tầm thường cũng được. Và, ai đó bảo hắn là nhà văn có tài cũng chẳng sai. Gạt đi mọi sự hay dở, tốt xấu, có thể nói chắc nịch rằng hắn là kẻ dám đi đến tận cùng của sự sáng tạo. Cái đó thì tôi và hầu hết những kẻ đang sống vì chữ không thể làm được. Giời đã đày hắn và hắn phải viết như vậy. Không thể khác được. Đó là điều ám ảnh tôi khi đọc văn của hắn. Khen. Chê. Hắn mặc kệ. Hắn cứ viết như một sự tuyên ngôn với đồng loại: "Tôi đấy. Tôi viết thế đấy. Có sao không? Chẳng sao cả". Chưa bao giờ hắn bận tâm ai đọc truyện của mình. Báo nào đăng truyện của mình. Hắn cũng chẳng bao giờ gửi bất cứ đâu. Trừ khi bạn bè tự lấy đăng. Hắn tránh xa mọi sự ồn ào, mọi sự lăng xê, quảng cáo, cánh hẩu. Hắn muốn sống với văn chương một cách tự nhiên nhất, bình đẳng nhất. Hắn bảo hắn đã sa lầy vào cuộc đời này, sa lầy vào chữ nghĩa. Có nhiều lúc hắn mơ ước mình thành người khác, sống cuộc đời khác, làm công việc khác nhưng không may đấng bề trên đã chọn hắn, bắt hắn phải là hắn như bây giờ. Hắn chấp nhận tất cả mọi chuyện trong cuộc đời, trong văn chương. Hắn không đổ thừa cho ai, không đổ thừa cho bất kì điều gì, không đổ thừa cho số phận, mà chỉ có thể đổ thừa cho chính mình. Thành thật mà nói, truyện hắn viết chẳng mấy người nhằn được, thậm chí là khó chịu. Thời buổi người viết văn nhiều như vỏ hến, hơi đâu đi đọc rồi đăng truyện của một kẻ lạc loài kiểu đấy, vừa ôm sự khó chịu lại vừa mang họa vào thân chứ chẳng chơi. Có nhiều bạn bè thân thiết cũng không chịu nổi truyện của hắn viết. Thậm chí, tôi đã từng được đọc những lời nhận xét về văn chương của hắn là bệnh hoạn là điên rồ, nếu xã hội này ai cũng như hắn thì sẽ trở nên đen tối, bẩn thỉu. Thực ra, họ mới chỉ đọc được cái xác chữ.

Kẻ lạc thời
Nhà văn Đào Bá Đoàn

Hắn đã từng nhiều lần đốt bản thảo chép tay của mình. Đó là những cuốn tiểu thuyết và tập truyện ngắn. Hắn đốt chẳng phải vì nó dở. Tôi tin điều đó. Tôi tin cái sự dở của hắn cũng đáng để cho ít nhất cái thằng tôi đọc trong thời buổi văn chương thị trường này. Hắn đốt đơn giản vì thấy chán trong người. Chán gì. Chưa bao giờ hắn giải thích được điều đó. Hắn đốt những tác phẩm đã nhọc công viết ra một cách thích thú. Có lần, trong một đêm đông lạnh giá, hắn đem tập bản thảo của mình ra đầu con ngõ sâu hun hút của nhà hắn. Hắn châm lửa, rồi sảng khoái khi đứng ném từng trang bản thảo vào đống lửa đang cháy bùng bùng. Hắn lại thích thú khi thấy những cơn gió cuốn tung đám tro tàn. Tàn tro lập lòe bay giữa trời mùa đông đầy vẻ ma quái. Tro tàn bị hút sâu vào con ngõ, đổ bộ vào nhà hắn. Cả gia đình hắn hoảng hốt không hiểu có chuyện gì. Cảnh tượng đó tạo cảm xúc cho hắn. Nói thật tôi rất nể hắn về điều đó. Nể hành động đốt bản thảo như sự thăng hoa của hắn. Vào cái thời buổi, khi người ta viết một nhưng lại tự quảng cáo lên mười thì hành động đốt bản thảo của hắn kể cũng điên. Hắn bảo: "Thì tao điên mà". Đúng là có những quãng hắn điên thật. Nhưng nhiều lúc hắn lại khôn như một lão tuyên giáo. Nhiều lần tôi mắng vào mặt hắn. Hắn cười trừ, lẩm bà lẩm bẩm mắng lại tôi. Trong sáng tạo hắn là một gã điên. Điên thật. Với bạn bè hắn cũng không ít những cơn điên. Nhưng ngược lại, trong công việc là một biên tập viên của Nhà xuất bản thì hắn cực kì chỉn chu. Chỉn chu đến khó hiểu. Chỉn chu đến đối nghịch với nhiều quãng điên rồ của hắn. Có thể nói hắn là kẻ sẵn sàng bạt mạng, sẵn sàng vong thân, nhưng với gia đình hắn lại cũng chỉn chu không kém phần long trọng. Đặc biệt là với cô con gái nhỏ của hắn. Mẹ và con gái, đó là một cõi thiêng liêng ở trong hắn. Nếu không có mẹ thì có lẽ hắn chẳng đặt được chân vào con đường văn chương. Cũng như bao người đàn bà nông dân chân lấm tay bùn khác, bà đâu biết gì về văn chương chữ nghĩa, nhưng lại là chỗ dựa, động viên tinh thần hắn. Trong khi đó, bố hắn lại cấm tiệt, không cho hắn viết văn. Xé bản thảo. Chửi mắng. Thậm chí nhiều lần không chịu được, ông cầm ghế để phang vào đầu hắn. Lần nào hắn cũng bỏ chạy được. Rồi đến một hôm, ông cũng cầm ghế phang thằng con, hắn bình thản đưa đầu ra và bảo: “Thầy đã cho con ra với đời thì bây giờ thầy có quyền lấy đi”. Thế rồi bố hắn dừng ngang chừng: “Thôi, từ nay kệ mày”. Bố hắn chỉ muốn con trai mình làm một anh cán bộ xã hay một anh giáo. Ai đời lại đi viết lách phù phiếm. Vì chuyện đó mà bố con hắn có những quãng gần như không nhìn mặt nhau. Hắn còn quyết định đưa mẹ đi khỏi nhà. Anh chị em xúm vào mắng hắn. Mẹ hắn thì lặng lẽ. Bà bảo: "Mẹ tin con". Chỉ có vậy thôi hắn cảm thấy được an ủi và có động lực. Hắn bảo vì sự cấm đoán của ông bố nên nhiều lần hắn đã phải lén lút trốn nhà mang tập bản thảo của mình lên thành phố để gửi cho nhà xuất bản. Hôm đó, hắn dậy thật sớm, từ bốn giờ sáng, khi bố hắn vẫn đang ngủ. Một tay cầm dép, tay kia cầm tập bản thảo, hắn rón rén trốn ra khỏi nhà. Mẹ hắn cũng rón rén theo sau ra đến đầu ngõ rồi dặn dò: "Con ơi, con nhớ đi rồi về sớm, khoảng bốn năm giờ là con phải về rồi nhé. Mẹ sẽ nói với bố là con đi chơi nhà bạn ở làng bên". Nói rồi bà nhét vào túi con mấy đồng bạc để đi đường. Hắn lặng lẽ đi bộ ra bến xe rồi rong thẳng lên thành phố.

Giời không chịu đất thì đất phải chịu giời. Cuối cùng, bố hắn cũng đành chấp nhận cái sở nguyện văn chương của thằng con. Vậy là, hơn ba mươi năm làm gã trai làng, hắn quyết định lên thành phố học đại học, học nghề viết văn. Một nghề vô thưởng vô phạt. Một nghề mà có trăm nghìn kẻ mơ ước để tiến thân, để làm màu, và hầu hết là thế. Nhưng với hắn đó là nghề hắn không muốn lựa chọn mà cứ phải thế. Nghề mà không phải nghề, có nhiều khi hẳn khinh bỉ nó. Mà, phải chấp nhận vậy thôi.

Trong số những lần lén lút trốn ông già lên thành phố để gửi bản thảo, đã có một cuốn tiểu thuyết của hắn được in vào giai đoạn đó. Cuốn tiểu thuyết có tên "Mảnh vỡ". Với anh em bạn bè hắn nhiều lúc cứ điên rồ. Có lẽ bởi hắn biết rõ hắn đang được an toàn. Nhưng với người đời hắn rất lặng lẽ. Hắn sáng tác cũng lặng lẽ như thế. Viết rồi cất. Lâu lâu, bạn bè nhắc nhở hắn mới đem in. Tính đến bây giờ hắn mới in được ba cuốn, đó là "Mảnh vỡ", "Rượu của thời chưa sinh", "Chỉ để bay qua một bình minh". Mặc dù trong ngăn kéo hắn còn mấy tập bản thảo chưa in. Ngay từ khi còn là gã trai làng, hắn đã ý thức được viết lách là sự tự do tuyệt đối của hắn. Là sự tự do đầu tiên và cũng là cuối cùng. Là sự tự do duy nhất. Hắn viết như thỏa sự tò mò để đi tìm những bí mật của bản thân mình và của đồng loại. Hắn cứ đi tìm như thế. Đến bây giờ hắn vẫn chưa tìm được gì. Và có thể mãi mãi hắn chẳng tìm được gì. Rồi một ngày, hắn nói với tôi rằng: "Tôi tin là loài người đã từng đứng ở ngã ba ngã bẩy nào đấy. Loài người đã có thể tự chọn cho mình một con đường khác, chứ không phải con đường này. Chắc chắn phải là con đường khác ông ạ". Tôi cũng tin điều hắn nói. Bởi tôi biết hắn đang chán ghét loài người. Loài người đang làm màu. Loài người đang kinh máu mà vẫn say máu. Máu nào chẳng là máu. Hắn muốn làm lại bọn người đó. Làm lại từ số không tròn trĩnh. Lúc đó may ra người mới là người. Và, tôi cũng muốn thế. Tôi muốn thế trong những cơn điên. Tôi muốn thế trong những cơn nức nở của mình. Nức nở vì tôi thương chính mình. Tôi thương hắn. Tôi thương loài người đang gào thét ngoài kia. Tôi thương loài người đang lên gân ngoài kia. Tôi thương hàng tỉ những bộ mặt giả dối khốn nạn ngoài kia, trong đó có cả tôi và hắn. Hắn và tôi cũng chẳng thể làm gì được. Vì, đó là sự sắp đặt rồi. Cay đắng mà chấp nhận. Cay đắng mà sống với nó vậy thôi. Tôi với hắn không muốn diễn mà phải diễn vậy. Còn sự đau khổ nào như thế nữa. Còn sự nhục nhã nào như thế nữa.

Các cụ bảo, bọn say rượu có ba loại. Loại thứ nhất gọi là cẩu tửu, mượn rượu để nói và làm những điều xằng bậy. Loại thứ hai là nhân tửu, uống vào thì mệt rồi đi nằm. Loại thứ ba là tiên tửu, càng uống càng thăng hoa, nói rất hay. Theo tôi, hắn thuộc loại thứ ba. Trong nhiều cuộc rượu, khi đã sương sương hắn nói rất hăng và rất hay. Tôi cứ lặng im ngồi nghe hắn nói như nuốt từng lời. Nhiều lúc trong màn sương mờ ảo, tôi thấy hắn ngồi đó như một triết gia. Mà kể cũng đúng thôi. Cái trí nhớ của hắn cũng tài, chuyện đông tây kim cổ cứ tuôn ra như rượu đang chảy qua cổ họng hắn. Rồi có lúc, hắn lại trầm ngâm. Hắn kêu hắn chán bản thân mình. Hắn chán tất cả những thứ hắn viết ra. Hắn tuyên bố gác bút. Tôi cười khểnh. Cái cảm giác tự mình chán mình đâu chỉ hắn mới có. Tôi cũng từng có những cơn tự chán mình gấp vạn lần hắn. Chán chẳng biết đổ đi đâu. Chán mà cứ phải ngậm đắng nuốt cay chấp nhận điều đó. Còn chuyện hắn gác bút cũng chẳng sao. Xin chúc mừng. Không gác bút cũng xong. Càng tốt. Văn chương chả nên cố làm gì. Rồi hắn bảo hắn cô đơn lắm. Xời, có mấy thằng làm công việc sáng tạo mà không cảm thấy cô đơn đâu, thậm chí là cô đơn kinh niên. Nhưng quả thực cái sự cô đơn của hắn được thể hiện rất rõ, trong lúc say và cả khi tỉnh. Nó gậm nhấm vào trong chữ nghĩa của hắn từng li từng lai. Ngay cả khi hắn viết về chuyện làm tình, người đọc vẫn có thể thấy được nỗi cô đơn của hắn đặc quánh. Tôi cảm nhận được cái sự cô đơn bao bọc lấy hắn giống như cái vỏ kén vậy. Hắn xem sự cô đơn đó như ân huệ của cuộc đời. Và, hắn đi tận cùng với nỗi cô đơn đấy một cách sảng khoái.

Hắn bảo tiểu sử sinh nở của mẹ hắn, cũng là tiểu sử chào đời của hắn chẳng giống ai. Một lần đi làm đồng, bà phải đi vệ sinh ở cái hố xí hai ngăn bên đường. Khi đang ngồi trong đó, bà bất ngờ đau đẻ. May thay có một bà đi đường phát hiện ra, mở cửa và giúp mẹ hắn vượt cạn. Cũng thật may là hắn không bị rơi tõm xuống cái hố xí hai ngăn đó. Tôi bảo: “Hay tại vì ông được sinh ra trong hố xí nên ít người ngửi được văn của ông”. Hắn chỉ cười. Hắn bảo hắn chưa bao giờ thích cái tên của mình. Đã có lần hắn nói với mẹ: "Sao mẹ không đặt tên nào khác cho con. Một cái tên liên quan đến cái hố xí hai ngăn để đánh dấu sự chào đời không giống ai của con cũng được".

Không hiểu có phải do cú đẻ rơi trong hố xí hai ngăn hay không mà nhiều khi hắn ngô nghê đến khó hình dung. Hắn có một gã bạn thân làm thơ tình rồi đề tặng cho một bóng hồng nào đó. Thật xui xẻo là bóng hồng của gã kia có cái tên giống hắn. Vậy là hơn mười năm trời hắn cứ nức nở vì bài thơ. Trong bất kì cuộc rượu nào hắn cũng lôi bài thơ đó ra đọc như lên đồng. Đọc xong thì hắn bấm điện thoại gọi gã bạn, kể cả lúc đó đang là nửa đêm về sáng. Gã bạn thì cũng chẳng biết ăn nói thế nào, cứ câm như hến, chẳng dám khai, chẳng dám thanh minh thanh nga gì. Nhưng cái sự nức nở của hắn làm cho bạn hắn cảm động. Có một trong nhiều cuộc rượu như thế, hai tên cứ đọc thơ và khóc với nhau trên điện thoại. Bây giờ thì hắn đã khôn ra. Hắn đã biết bài thơ đó không dành cho hắn. Điều đó rõ như ban ngày, vì nó là bài thơ tình chính hiệu, chỉ có ngô nghê như hắn mới bị lầm tưởng. Nhưng hắn vẫn nức nở. Và rồi, mỗi cuộc rượu hắn lại đọc, lại gọi điện thoại cho bạn hắn.

Tôi với hắn có nhiều cuộc rượu miên man bất tận. Có lần, ngồi từ trưa hôm trước đến sáng hôm sau. Trăm thứ bà rằn được đưa lên bàn rượu. Từ chuyện văn chương đến chuyện nhân sinh sang chuyện tôn giáo. Hắn bảo: “Thôi chán lắm, không bàn nữa. Tóm lại tao với mày là những thằng vô đạo”. Tôi nhất trí với hắn điều này. Vô đạo ở đây có nghĩa là chúng tôi không theo bất cứ một tôn giáo nào. Thiết nghĩ có tôn giáo cũng tốt mà không có cũng tốt. Bởi khi đó ta không bị lệ thuộc vào những thứ nghi lễ mang tính hình thức. Mà những thứ đó hầu hết là do đệ tử của các đấng sáng lập tôn giáo nghĩ ra sau này. Việc tu tập xét cho cùng là một nghệ thuật sống. Sống sao cho nhân ái, chia sẻ và hòa đồng với nhân quần, đem lại sự an nhiên cho chính mình và mọi người. Đừng biến tôn giáo thành một hình thái cực đoan và biến mình thành một cá thể khác biệt. Tôn giáo nhằm giúp con người ta hướng thiện nhưng đã làm người thì nhất quyết phải hướng thiện, không thì còn ra cái giống gì. Hắn bảo, việc tu tập sẽ không phụ thuộc thời gian và những kiến thức học được nếu không biết được cốt lõi, căn cơ của sự tu hành. Kẻ đi tu 10 năm hay 20 năm hoặc lâu hơn nữa chưa chắc đã bằng người đi tu một ngày. Kẻ đọc thiên kinh vạn quyển về đạo pháp chưa chắc đã bằng người chưa đọc chữ nào. Học Phật hay học Kinh thánh mà vẫn chỉ luôn nghĩ về ông Phật hay ông Chúa vĩ đại và mình cũng là một đệ tử vĩ đại, luôn coi những thứ mình học được là sự hiểu biết vĩ đại, tức là chưa chuyển hóa được thành lẽ sống và hành động của bản thân, coi như kẻ tu hành đó chưa thành. Vì cái tôi của anh ta quá lớn, anh ta có học bao nhêu cũng khó mà tiêu trừ được bản ngã của mình. Cuối cùng tôi và hắn đi đến thống nhất, chỉ có một đạo duy nhất mà đã chót làm người thì phải theo, đó là đạo Người. Và có lẽ, sống cho tận cùng cái đạo đó mới là khó nhất. Có lẽ tôn giáo không phải là tôn giáo, nó chỉ là sự thức tỉnh, là giải pháp để giúp con người tự giải quyết vấn đề của mình. Chính vì lẽ đó, kẻ tu hành như không tu mà lại là tu đấy mới thật khó, bởi mọi phẩm chất của kẻ tu hành nhuần nhuyễn trong lối sống của anh như một lẽ tự nhiên, không dùng tu tập để bao biện cho suy nghĩ, hành động, tính cách của mình hay một lý do nào khác. Nói về chuyện tu tập tôi với hắn có quá nhiều ẩn ức. Vì tôi và hắn quá phàm tục. Tôi và hắn không thuộc về cõi linh thiêng nào cả. Nhưng, cũng chẳng có cõi linh thiêng nào có đủ tư cách để chứa chấp tôi và hắn.

Hắn còn có khả năng tự trào lộng mình. Hắn khiêm tốn rồi tự nói xấu mình một cách sảng khoái. Tự trào lộng bản thân không phải ai cũng làm được. Trào lộng để triệt tiêu bản ngã quá lớn trong mỗi con người. Khi anh không làm được điều đó có nghĩa là anh còn yêu chính mình nhiều quá, vậy thì còn nói gì đến hy sinh và buông.

Có đứa bạn chơi thân bảo hắn là thằng rồ. Cũng chẳng sai. Có lần hắn đi uống rượu ở nhà bạn. Khi mọi người vẫn ăn uống nhậu nhẹt, hắn lặng lẽ ra khỏi nhà, rồi đến bên một con sông. Hắn nhảy xuống nước bơi một mạch sang bên kia sông, rồi bơi trở lại. Bò được lên bờ hắn nằm vật ra đó. May mà lần đó hắn không chết. Ấy vậy mà hắn bảo hắn rất sợ nước, vì suýt chết đuối nhiều lần. Có nhiều cơn mơ hắn bị ngộp thở trong nước, khi tỉnh dậy người túa mồ hôi. Hắn còn có giấc mơ rất thường xuyên, là hắn đi lên một con đê, nhưng rồi con đê đó cứ dựng đứng, hắn cứ cố để vượt qua mà không được. Tôi bảo hắn, giấc mơ đó là tâm thức của đời sống. Hắn thừa nhận rồi lẩm bẩm: "Cuộc đời này khác chó gì cái dốc dựng đứng đâu. Sở dĩ hình ảnh con đê trở đi trở lại trong những giấc mơ chẳng qua đó cũng chỉ là tâm thức về làng quê của tao mà thôi". Quả thực hắn sinh ra không phải để dành cho chốn đô thị. Ấy vậy mà hắn cứ nhất quyết chọn con đường văn chương để rồi phải gắn với đô thị. Tôi bảo đó là điều bất hạnh cho hắn. Tôi cảm nhận được sự lạc lõng của hắn, sự bơ vơ của hắn nơi thành phố hỗn tạp này. Từ dáng vẻ bên ngoài đến con người bên trong hắn đâu phải để dành cho cái chốn này. Đến như tôi, sinh ra và lớn lên, sống nửa đời người ở đất thành phố mà còn cảm thấy mình bơ vơ lạc lõng, huống chi là hắn. Nhưng trớ trêu thay, nếu không ở thành phố thì hắn cũng chẳng còn là hắn. Bởi, hắn quyết tâm ra thành phố để được sống trọn vẹn với văn chương. Nếu không có văn chương thì hắn chẳng là gì. Ý là, hắn sẽ trở thành một người rất khác. Hắn không phải là hắn bây giờ. Mà thôi, nói mãi điều này thấy bắt đầu luẩn quẩn. Mà cũng chẳng biết như thế nào sẽ tốt hơn. Chỉ đơn giản anh em bạn bè sẽ chẳng có hắn, một kẻ đáng yêu và điên rồ như bây giờ. Trở đi trở lại trong mớ hỗn độn ngang trái đó, chẳng biết phải lý giải ra làm sao nữa. Tôi buông một câu: "Tóm lại, ông là kẻ lạc thời". Hắn cười nhạt. Chẳng hiểu là ý gì. Đã có lần tôi viết tặng hắn bài thơ, có đoạn thế này:

"...

bạn

lặng lẽ

bơ vơ

với phố

tung chén lên

lại gặp chính mình

thì viết

mấy người

đau

phận chữ

ta liệm hồn từng chữ bạn trên tay

ước một lần đi qua bình minh ấy

đã cô đơn sấp ngửa đời mình

giọt cuối cùng tiễn ngày tháng cũ

để mai này mảnh vỡ lại đầy tay"

Đọc xong bài thơ tôi tặng, hắn im lặng. Buông câu cảm ơn. Rất nhạt nhẽo. Cũng lại chẳng hiểu là ý gì.

Văn chương của hắn thuộc về cảm giác, khó nắm bắt, khó kể lại, có thể gây sốc hoặc gây ám ảnh cho người đọc. Trong cuộc sống nhiều khi hắn cũng bị thiên về cảm giác. Hắn luôn muốn đi tận cùng của mọi cảm giác. Đã có lần trong số bạn bè hắn, cũng là một đám điên rồ, định cùng nhau làm đám tang giả cho chính mình. Vậy là hắn hồ hởi hưởng ứng, xin được làm ké. Đã có lúc tôi ngồi nghĩ và định viết cho hắn cái điếu văn lâm li để truy điệu hắn. Thế rồi đám bạn kia không thực hiện được việc đó vì không thể kiếm đâu ra địa điểm. Hắn tiếc hời hời. Thú thực tôi cũng tiếc, cứ tưởng sẽ được xem lũ điên rồ này chết chóc tang lễ thế nào, mà rồi không được. Thực ra cuộc đời hắn còn nhiều chuyện điên rồ hơn nữa mà chẳng thể kể hết ra đây. Thỉnh thoảng hắn lại gào lên với tôi rằng đời hắn chán lắm. Hắn muốn chết lắm. Khi đang còn là một gã trai độc thân, hắn đã từng ngồi viết di chúc để chuẩn bị cho sự ra đi. Thực ra thì những suy nghĩ đó cũng chẳng riêng gì hắn mới có. Và rồi hắn vẫn phải sống. Chúng ta vẫn phải sống. Phải trải nghiệm đến tận cùng cuộc đời này cho dù nó vui hay chán đến cỡ nào đi chăng nữa. Chẳng phải cái ông nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã từng viết: “Tin buồn từ ngày mẹ cho mang nặng kiếp người” đấy sao.

Có thể nói, hắn là kẻ đặt quá nhiều niềm tin vào cõi người nhưng khi cõi người làm cho hắn thất vọng thì hắn lại đặt niềm tin vào ngôn ngữ. Và rồi, ngôn ngữ cũng chẳng thể cứu rỗi được hắn khiến hắn bị ức chế. Hắn bấm bụng tự nhủ: "Cố lên, không thể sống mà không có niềm tin vào một điều gì". Hư hư. Thực thực. Hắn đang sống như vậy. Có lẽ, chúng ta cũng đang sống như vậy. Mải miết nói về hắn mà chưa giới thiệu danh tính của hắn. Hắn là Đào Bá Đoàn. Nhà văn. Biên tập viên Nhà xuất bản Hội Nhà văn.

Trần Vũ Long | Báo Văn nghệ

------------

Bài viết cùng chuyên mục:

Nhà văn Đại tá Quân đội Phạm Quang Đẩu "Lời tự bạch đẹp đẽ" Lê Thanh Nga với "Vầng trăng của ngoại" Nhà văn Đinh Công Diệp và “Rừng có tiếng người” Bùi Minh Quốc - Dương Hương Ly với cuộc đời lên bổng xuống trầm Trần Hồng Giang: ngậm "đũa thần" gõ vào thế giới
Đọc truyện: Cây cột nhà bay trên sông. Truyện ngắn dự thi của Lê Hòa

Đọc truyện: Cây cột nhà bay trên sông. Truyện ngắn dự thi của Lê Hòa

Baovannghe.vn - Đọc truyện: Hà Phương; Đồ họa: Thùy Dương
Công điện của Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ứng phó bão số 4 và hoàn lưu sau bão

Công điện của Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ứng phó bão số 4 và hoàn lưu sau bão

Baovannghe.vn - Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 98/CĐ-TTg ngày 18/9/2024 chỉ đạo tập trung ứng phó áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão và mưa lũ.
Tái hiện lịch sử từ khảo cổ học

Tái hiện lịch sử từ khảo cổ học

Trong số các nhà văn nữ Việt Nam đương đại, nhà văn Vũ Thanh Lịch, Phó giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình, là cây bút văn xuôi có nội lực sung mãn. Chị là tác giả của nhiều truyện ngắn hay, ghi dấu trong lòng bạn đọc mà “Nhà Thánh” - giải nhất Cuộc thi truyện ngắn Lửa mới 2018-2019 do Tạp chí Văn nghệ Quân đội tổ chức là một minh chứng tiêu biểu.
Mùa thu. Truyện ngắn của Như Bình

Mùa thu. Truyện ngắn của Như Bình

Baovannghe.vn - Bà ngoại chỉ nói: "Đừng thúc ép gì nhiều. Phải tội. Đời người bạc, phận mỏng, biết sao được số trời. Mày làm thế không sợ chuốc khổ cho con bé".
Áp thấp nhiệt đới suy yếu từ Bão số 4  trên khu vực trung Lào

Áp thấp nhiệt đới suy yếu từ Bão số 4 trên khu vực trung Lào

Baovannghe.vn - Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, sáng sớm nay (19/9), áp thấp nhiệt đới trên khu vực phía Đông Bắc quần đảo Hoàng Sa đã mạnh lên thành bão - cơn bão số 4 năm 2024.