Chu Thùy Liên là nhà thơ của tỉnh Điện Biên, sáng tác khá lặng lẽ và in thơ không nhiều, nhưng đã để lại dấu ấn riêng bằng một giọng thơ trong trẻo, nhẹ nhàng. Ví dụ: Cành mận bung cánh muốt/ Nhà trình tường ủ hương nếp/ Giục lửa hồng nở hoa trong bếp/ Cho người đi xa nhớ lối trở về.
Bài thơ Mùa hoa mận của Chu Thùy Liên được chọn in trong sách Ngữ văn 10, tập 2, bộ Cánh Diều. Chị đã đem một không khí mùa xuân tinh khôi, vui tươi và đầy thương nhớ đến cho các em học sinh.
Nhà thơ Chu Thùy Liên |
Bài thơ Mùa hoa mận từng in trong tập thơ Thuyền đuôi én của Chu Thùy Liên. Chị sáng tác bài này vào tháng Chạp năm 2006, từ cảm xúc rộn ràng nhớ thương khi trên đường đi công tác cơ sở, chị tình cờ thấy một cây mận nở vài chùm hoa trắng muốt trong tiết trời rét căm căm. Chị nhớ về những vùng trời trắng xóa hoa mận vào cuối đông đầu xuân - là thời điểm đồng bào vùng núi Tây Bắc vào mùa lễ Tết, như lễ cúng bản mường, lúa mới, năm mới...
Ngay lập tức tứ thơ hiện lên trong đầu và Chu Thùy Liên viết ra những câu thơ giản dị như đem hình ảnh đời thực vào thơ: Cành mận bung cánh muốt/ Lũ con trai háo hức chơi cù/ Lũ con gái rộn ràng khăn áo/ Bóng bay nâng ước mơ con trẻ.
Bài thơ có ba khổ được viết thể tự do, câu Cành mận bung cánh muốt được lặp lại ba lần và mỗi lần điệp là mở ra một không gian khác, có mẹ gói bánh, có cha làm nỏ, có già bản làm đu, có hương nếp và bếp lửa ấm áp trong nhà trình tường như giục người đi xa trở về.
Mùa hoa mận của Chu Thùy Liên cũng chính là mùa xuân rộn ràng của núi rừng Tây Bắc, ở đó tác giả đã gửi gắm những điều tốt lành như ước mơ ai cũng được thả lên trời cao và lời chúc cho những người con của quê hương dù đi đâu xa đều gặp may mắn, duyên lành để mà "nhớ lối trở về".
Hoa mận luôn nở thành từng chùm, tượng trưng cho sự sung túc, vui vầy của gia đình và còn tượng trưng cho tinh thần sống mạnh mẽ trong những hoàn cảnh khắc nghiệt. |
Câu thơ Cành mận bung cánh muốt xuất hiện ba lần cũng là ẩn ý về sắc trắng hoa đã trở khắp núi đồi trùng điệp để đón những bước chân xa quê trở về. Tác giả bài thơ nói rằng hoa mận có ý nghĩa đặc biệt, không phải đối với riêng chị, mà với mọi bà con miền núi phía Bắc. Hầu như nhà nào cũng trồng cây mận bên nhà, vì với người bà con vùng cao, chúng mang lại sự bình an. Hoa mận luôn nở thành từng chùm, tượng trưng cho sự sung túc, vui vầy của gia đình và còn tượng trưng cho tinh thần sống mạnh mẽ trong những hoàn cảnh khắc nghiệt. Chị đã cùng với đồng bào mình đón những mùa hoa mận vô tư vui đùa dưới từng gốc mận.
Hoa mận nở báo hiệu mùa Tết của đồng bào - là mùa thư nhàn, vui chơi. Chu Thùy Liên tâm sự: "Tôi chưa bao giờ thôi yêu Tết của đồng bào mình. Nhìn ai tôi cũng thấy đẹp, từ ánh mắt trẻ thơ nhìn theo chiếc bóng bay cho đến bước chân của những người nông dân đi sắm Tết, từ cành đào, cành mận vừa nở cho đến bếp lửa, mâm cơm cúng và cả những khuôn mặt rạng rỡ vui chơi. Bạn phải ở đây chứng kiến những người đồng bào từ bản làng của mình vượt gần trăm cây số để mua sắm Tết sẽ thấy xúc động như thế nào".
Người Hà Nhì đón Tết cổ truyền Khù Sự Chà vào ngày Thìn của tháng cuối năm, rơi vào tháng 12 Dương lịch, với những nghi lễ cúng bái trời đất, tổ tiên đơn giản và ấm cúng, cùng với các hoạt động vui chơi. Nhà thơ Chu Thùy Liên tin rằng không khí ấy là thiêng liêng và sẽ nằm mãi trong trái tim mỗi người Hà Nhì.
Chu Thùy Liên thường chọn giọng thơ vui tươi, ấm áp, nhẹ nhàng. Ví dụ: Nhớ ơi, mùa cơm mới/ Rau bợ, rau dớn nghe diệu vợi/ Sương đẫm mặt sàn/ Trời rạng sau núi/ Mo mường buộc chỉ cổ tay/ Neo lòng con về núi/ Chúc tốt chúc lành/ Lắc bản, lắc mường tỏa bóng xum xuê trong bài Lắc bản lắc mường. Hoặc: Khèn, chân vui/ Không nhớ chuyện buổi sáng/ Chẳng nhớ chuyện buổi chiều/ Rượu nồng, bát bạn bè mềm môi - bài Chợ tình...
Bài thơ "Mùa hoa mận" trong sách "Ngữ văn 10", tập 2, bộ Cánh Diều |
Trò chuyện với Chu Thùy Liên thì thấy người sao thơ vậy, chị thường hay cười, giọng nói lúc nào cũng như reo vui. Hỏi có lẽ cuộc đời Chu Thùy Liên không có biến cố nên thơ cứ nhẹ nhàng như vậy, chị lại cười vui: "Người đồng bào tôi thường nói: Nỗi đau thì lận vào trong/ Để cho cái đẹp nó bong ra ngoài. Cuộc đời ai cũng có thăng trầm nhất định, nhưng tôi không muốn đưa những lời buồn đau vào trong thơ. Tôi muốn độc giả đọc thơ tôi thấy nhẹ nhàng, yêu đời, có niềm tin trong cuộc sống".
Nói xong, chị lại cười nhẹ nhàng: "Đời tôi đến nay cơ bản là không có sóng gió gì lớn, những buồn phiền của tôi so với người khác thì chẳng thấm vào đâu. Có lẽ vì vậy mà tôi nhìn cầu vồng thấy đẹp, hạt mưa xuân cũng đẹp, hoặc chỉ cần thấy nụ cười của người khác tôi cũng hạnh phúc".
Chu Thùy Liên không có thói quen than vãn, giống như nhiều người đồng bào sống ở vùng núi non hiểm trở khác, đặc biệt là những người phụ nữ. Cuộc sống của gia đình chị đã có những lúc rất vất vả. Bố đau ốm từ năm 1983. Mẹ bị liệt phải điều trị hơn hai năm mới khỏi, dĩ nhiên sức khỏe vẫn không thể như cũ. Ở nhà, chị phụ mẹ nhặt lá, đào khoai cho từng bữa ăn gia đình, khi đi học trường nội trú tỉnh thì vui vẻ thực hiện kế hoạch nuôi hai con gà, trồng một luống rau. Chị kể lại những chuyện ấy như những kỷ niệm trong đời.
Điềm nhiên với cái khổ, biết nhìn thấy cái đẹp là thói quen sống đã có từ thuở còn rất bé của Chu Thùy Liên, nên đọc thơ chị cũng không có nỗi khổ niềm đau, thay vào đó là vẻ đẹp của phong cảnh bản làng, của văn hóa dân gian và tình yêu quê hương, đất nước.
Nghề giáo đúng nghĩa đẹp lắm Tôi đi dạy từ năm 1988 đến năm 1996 ở Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Điện Biên. Tôi mãi yêu nghề giáo - nghề gieo mầm hy vọng, ước mơ. Sau khi không còn đi dạy vì phải chuyển công tác theo tổ chức phân công, mỗi dịp 20/11, tôi vẫn thấy bâng khuâng. Nên mỗi khi được các trường mời đến chia sẻ về bài thơ Mùa hoa mận, tôi rất háo hức, như là dịp cùng các em học sinh tái hiện lại lớp học. Nghề giáo đúng nghĩa đẹp lắm, lấp lánh như kim cương, nhưng cũng mong manh như giọt sương - Chu Thùy Liên. |
Chu Thùy Liên sinh vào những năm 60 của thế kỷ trước, thuộc trong số rất ít phụ nữ Hà Nhì có bằng thạc sĩ. Hỏi chị việc học có khó khăn không, chị cười: "Bố tôi là người Hà Nội đến Lai Châu theo chương trình thanh niên đem chữ lên vùng cao, cưới mẹ tôi là người Hà Nhì. Mẹ tôi 18 tuổi mới bắt đầu đi học và là người phụ nữ Hà Nhì đầu tiên có bằng đại học. Bố tôi là giáo viên dạy văn sử địa cấp 2 tại Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Lai Châu (sau này tách tỉnh thành Lai Châu và Điện Biên), sau chuyển công tác về Trường THPT Điện Biên Phủ. Mẹ tôi là giáo viên dạy sử Trường THPT Điện Biên Phủ. Xuất thân trong gia đình nhà giáo, nên việc học của tôi luôn được ưu tiên. Tôi chọn học ngành ngữ văn của Trường Đại học Sư phạm Việt Bắc (Thái Nguyên) là nối tiếp truyền thống gia đình".
Chị kể thêm: "Việc tôi làm thơ cũng tự nhiên như được sắp đặt sẵn. Khi học dự bị Cao đẳng Sư phạm Thuận Châu, các thầy cô tổ chức đêm thơ Đêm xanh thương nhớ, định kỳ vào thứ Bảy hằng tuần, tôi phụ trách rang lạc, đun nước phục vụ mọi người và tập tành làm thơ cho vui".
Nhờ có những ngày sống trong không khí thơ ca ấy, mà làng thơ Việt Nam đã có thêm cây bút Chu Thùy Liên với những bài thơ đầy lòng nhân ái, dù có gặp nghịch cảnh. Và hơn hết, chị là nhà thơ gói được rất nhiều nét văn hóa của các dân tộc thiểu số, nên người đọc thấy thú vị.
Bài Tết bản Hà Nhì bày ra cho bạn đọc hai trò chơi dân gian khá phổ biến của người Hà Nhì là "đồ lô tỳ" và "á gư trì": Bản người Hà Nhì/ Chuẩn bị Tết năm mới tưng bừng/ Trẻ con đồ lô tỳ/ Người lớn á gư trì; hoặc tập quán ở nhà sàn của dân tộc Thái trong bài thơ Lửa sàn hoa: Khách đến bản/ Lúng liếng ra chào/ Nghiêng sàn dựng đất/ Măng đắng, rượu nhạt...
Chu Thùy Liên cho biết, từ bé đã đọc nhiều sách của bố và tình yêu văn học nghệ thuật được bố truyền qua những câu chuyện ông kể hằng ngày cho ba chị em nghe.
Từ năm 2001, Chu Thùy Liên là hội viên Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, tâm hồn thơ ca như được cất thêm cánh sau những chuyến đi điền dã để tìm hiểu nét văn hóa của các dân tộc khác. Bên cạnh thơ ca, Chu Thùy Liên còn viết các cuốn sách về văn hóa dân gian như Truyện cổ Hà Nhì, Tìm hiểu văn hóa Hà Nhì ở Việt Nam, Lễ xên mường của người Thái đen ở Mường Then...
Vài nét về Chu Thùy Liên Tên khai sinh là Chu Tá Nộ, sinh năm 1966 tại huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu. Hiện sống tại thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên. Các bút danh khác: Ha Ni, Nang Bua Khưa... Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Các tập sách đã xuất bản và đoạt giải thưởng: Thuyền đuôi én (giải Nhì năm 2010, Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam); Lửa sàn hoa, Lễ xên mường của người Thái Đen ở Mường Then (giải Nhất năm 2012, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam), Truyện cổ Hà Nhì (39 truyện, giải Nhì năm 2013, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam)... |