Nguyễn Đức Mậu là người của binh nghiệp với niềm đam mê lớn nhất là thi ca. Văn chương gắn với ông như đời người, có số phận và định mệnh riêng. Ông đã sống và viết hết mình cùng đất nước trong một giai đoạn lịch sử về đề tài chiến tranh, những trang sách viết về chiến trường của ông được khẳng định vớ những giá trị riêng. Mới đây, nhà thơ Nguyễn Đức Mậu vừa ra mắt 2 ấn phẩm “Tuyển tập thơ” và “Tuyển tập trường ca” do Nhà xuất bản Hội Nhà văn Việt Nam phát hành tháng 12/2023.
"Tuyển tập thơ" gồm 273 bài thơ (500 trang) . "Tuyển tập trường ca" cũng có độ dày tương tự (gần 500 trang) gồm 2 phần. Phần I: Trường ca với Trường ca sư đoàn có 5 chương. Chương 1: Khúc tâm tình; chương 2: Mặt trận miền Tây; chương 3: Quảng Trị năm 1972; chương 4: Cánh rừng vào thành phố; chương 5: Đất nước và người lính. Trường ca Côn Đảo có 4 chương. Với Mở bàn tay gặp núi có 7 chương. Phần II. Tác phẩm và dư luận.
Nhà Thơ Nguyễn Đức Mậu sinh năm 1948 tại Nam Trực , Nam Định. Ông được Giải thưởng nhà nước về Văn học Nghệ thuật năm 2001. Cùng nhiều tác phẩm chính đã xuất bản. Thơ: Cây xanh đất lửa (1973), Áo trận (1976), Mưa trong rừng cháy (1976), Trường ca sư đoàn (1980), Hoa đỏ nguồn sông (1987), Từ hạ vào thu (1992), Bão và sau bão (1994), Cánh rừng nhiều đóm đóm bay (1998), Bày chim lá màu vàng (2004), Thơ lục bát (2007), Mở bàn tay gặp núi (Trường ca, 2008), Thơ trong lòng cuộc chiến (2010), Cháy trong mưa (2017), Tuyển tập thơ (2023), Tuyển tập trường ca (2023). Văn: Ở phía rừng Lào (truyện vừa, 1984), Tướng và lính (tiểu thuyết, 1990), Chí Phèo mất tích (Tiểu thuyêt, 1993), Con suối nhiều tơ nhện giăng (Tập truyện ngắn, 2001), Niềm say mê ban đầu (Phê bình tiểu luận, 2010).
Nguyễn Đức Mậu là người của binh nghiệp với niềm đam mê lớn nhất là thi ca. Ông phác họa khuôn mặt chiến tranh bằng những câu thơ da diết thật lòng. Hồi tưởng về chiến trường xưa với những xót xa nhức nối và tái hiện lại với tất cả sự bi tráng, hào hùng, những chiến công lẫn mất mát hy sinh. Viết về chiến tranh và sau chiến tranh, những vần thơ của ông mở rộng toàn diện và sâu sắc hơn. Với hồi tưởng chiến tranh là những suy tư về cuộc sống đời thường, về quê hương, bè bạn, người thân... Tất cả đều thể hiện cái nhìn nhân văn qua kinh nghiệm sống và tâm tự của người lính.
Kim Khánh