Nhân dịp 100 năm ngày sinh của Văn Cao, công chúng càng nhận diện rõ ràng một chân dung đa tài. Cũng có nhiều nhân vật theo đuổi cả ba lĩnh vực âm nhạc, văn học và hội họa, nhưng không ai có thành tựu so sánh được với Văn Cao.
Không chỉ là tác giả Quốc ca Việt Nam, Văn Cao có hơn chục ca khúc được xếp vào hàng tác phẩm bất hủ của nền tân nhạc nước ta, như: Trương Chi, Thiên thai, Suối mơ, Ngày mùa, Làng tôi, Bến xuân, Buồn tài thu, Mùa xuân đầu tiên, Trường ca sông Lô,...
Xét về ca từ, mỗi ca khúc của Văn Cao đã là một bài thơ. Thế nhưng, bên cạnh nhạc sĩ Văn Cao vẫn sừng sững một nhà thơ Văn Cao có giọng điệu và phong cách riêng biệt. Từ những bài thơ đầu tiên viết năm 1939 đến bài thơ cuối cùng Tôi ở, viết tháng 8/1994, Văn Cao có di sản khoảng chừng 60 bài thơ, nhưng vẫn hiển lộ đầy đủ một chân dung nhà thơ khắc khoải với khát vọng lớn lao “tới bao giờ tôi gặp được biển?”.
Trong sự mến mộ của công chúng phổ thông, chân dung nhạc sĩ Văn Cao luôn khỏa lấp chân dung nhà thơ Văn Cao, bởi lẽ cảm giác xao xuyến thường lấn lướt nhận thức sâu xa. Ngoài những phút giây phiêu lãng với giai điệu, Văn Cao cũng lắm lúc rạo rực với sắc màu qua vài bức tranh giàu cá tính thẩm mỹ. Tuy nhiên lúc chăm chú quay lại với thi ca, Văn Cao có tiểu luận “Mấy ý nghĩ về thơ” nghiêm trang và khơi gợi: “Cuộc đời và nghệ thuật của nhà thơ phải là những dòng sông lớn, càng trôi càng thay đổi, càng trôi càng mở rộng”. Con đường thơ của Văn Cao đã chuyển dịch đúng như vậy.
Văn Cao qua nét vẽ Trần Thế Vĩnh |
Khởi nguồn thơ Văn Cao qua đôi bài Ly khách hay Linh cầm tiến mang dấu vết của Đường thi tùy hứng hoặc Đường thi ứng họa, như những câu “Thiên bôi đối ẩm nhìn quan ải/ Quằn quại cờ bay trong gió sương” hoặc “Tâm sự chừ như trường giang vũ khúc/ Lãng đãng sương buông cổ độ mờ”. Sự nghiệp sáng tạo của Văn Cao chỉ nên tính từ khi thơ và nhạc cùng đồng hành để tạo nên phong cách Văn Cao. Thưởng thức một cách tỉ mỉ, không mấy khó khăn để thấy được, tâm hồn nghệ sĩ của Văn Cao biến động qua ba giai đoạn với ba nét đẹp riêng biệt: giai đoạn mềm mại đắm đuối, giai đoạn lạc quan hào sảng và giai đoạn can trường sắc sảo. Và qua ba giai đoạn có trình tự trước sau, có thể khám phá được thế giới nội tâm của Văn Cao!
Giai đoạn mềm mại đắm đuối, âm nhạc Văn Cao có: Suối mơ, Thiên thai, Trương Chi, Buồn tàn thu... thì thơ Văn Cao chỉ có dăm vần điệu trễ nải: “Chiều ốm cũng đang chầm chậm xuống/ Sương mù chìm lẫn lá vàng thưa” lúc thảng thốt Ai về Kinh Bắc, hoặc “Thuyền vào nằm ngủ trong mưa/ Trên con sông vắng lập lờ bóng trăng” lúc bùi ngùi Đêm mưa. Có lẽ đã dồn mọi tinh lực để thăng hoa ca khúc, thơ Văn Cao lác đác chớp sáng vài câu thơ lộng lẫy như “sông trắng bờ xa lộ bóng nhà” và “ánh lửa chài xa thấp thoáng trôi”. Thơ Văn Cao dường như bị say nắng Thơ Mới, cái rạo rực “quê lòng rộng mở đường cho sạch/ đón những bàn chân trắng nuột nà” cứ nhang nhác Xuân Diệu, còn cái sầu não “Đường ở đây mưa ướt đất trơn/ Nắng lên không kịp kẻ kia hờn” cứ từa tựa Lưu Trọng Lư.
Giai đoạn lạc quan hào sảng, âm nhạc Văn Cao bùng nổ với: Tiến quân ca, Làng tôi, Chiến sĩ Việt Nam, Ngày mùa, Sông Lô, Bắc Sơn, Tiến về Hà Nội... thì thơ Văn Cao nhen nhóm chia tay Thơ Mới. Trên gác trọ xóm cô đầu Vạn Thái nhìn về phía Ô Cầu Dền, Văn Cao viết Chiếc xe xác qua phường Dạ Lạc vào năm 1945 bằng ngọn gió run rẩy khác lạ. Tuy vẫn còn chút hơi hướng cổ trang “Ta đi giữa đường dương thế/ Bóng tối âm thầm rụng xuống chân cây” nhưng nhiều chữ có hồn cốt mạnh mẽ kiểu Văn Cao đã xuất hiện như “ta lả nhìn cửa sổ mắt mờ rồi”, như “nhà ta thuê mái gục tự mùa thu”, như “ta về gác chiếu chăn gào tự tử”.
Nhấn thêm một bước, bài thơ Ngoại ô mùa đông 1946 đánh dấu thơ Văn Cao trưởng thành, với những câu chưa từng có trong Thơ Mới như “ai kẻ dìu hoa chống phường Dạ Lạc” hay “một dãy phố nghiêng cả thành Hà Nội”. Và trong sự thay đổi bút pháp, có cả sự thay đổi tư tưởng, từ thái độ lưỡng lự “khăn lụa che ngang mày thét nhạc/ gót chân xanh khép giọng Tỳ Bà” sang hành động dứt khoát “đập tan đàn khi nhạc mới mênh mông”. Tuy nhiên, bài thơ Chiếc xe xác qua phường Dạ Lạc và bài thơ Ngoại ô mùa đông 1946 chỉ tạo đà cho khoảnh khắc nhảy vọt trong thơ Văn Cao, đó là sự ra đời của trường ca Những người trên cửa biển viết vào mùa xuân 1956, giúp cán cân thơ - nhạc có thành tựu tương đương.
Với bốn chương, chia làm 16 khổ thơ, trường ca Những người trên cửa biển được viết trên tinh thần “Tôi yêu Hải Phòng như Việt Nam nhỏ lại/ Tôi yêu Việt Nam như tôi biết yêu tôi”. Cái riêng hòa vào cái chung, Những người trên cửa biển như một “tổng phổ” về những năm tháng tận tụy của Văn Cao với thành phố cảng, từ sự thủ thỉ “quê mẹ quê cha cách một vườn trầu” đến sự san sẻ “kíp thợ đêm lê về đến xóm/ nghe rét mùa đông nổi cuối sông” và bất chợt hân hoan “những năm đầu chính quyền cách mạng/ giấc mơ của Hải Phòng/ như bóng cò trắng bay về lòng tôi thuở nhỏ”.
Thử thách thể loại trường ca đòi hỏi sức cảm sức nghĩ phi thường, cũng chính là cơ hội phô diễn một Văn Cao tài năng cồng kềnh. Hít thở không khí xứ sở độc lập tự chủ, Văn Cao khẳng định “có người hàng năm mặt trời không thấy mọc/ khép đùi xếp phách tiễn đêm đi/ hôm nay ngồi chép bài ca mới/ hương cốm mùi rơm ngát giếng đình” để mường tượng hòa bình đích thực “chúng ta sẽ trả về những bà mẹ Pháp/ núi hài cốt cuộc chiến tranh bẩn thỉu/ cũng như những người mẹ chúng tôi/ tiếc những dòng sữa, những cái hôn đã mất” và nghe được những va đập mỏng mảnh “tiếng thức dậy niềm cô đơn nuối tiếc/ những con người gần ánh sáng chưa quen”.
Mặt khác, với ý thức kẻ sĩ đau đáu với vận mệnh dân tộc, Văn Cao lập tức cảnh tỉnh “đất nước đang lên da lên thịt/ đất nước còn đang nhỏ máu ngày ngày/ ta muốn gói cuộc đời gọn gàng như trái vải/ đã thấy loài sâu nằm tròn trong cuống”, và không ngần ngại vạch mặt mối hiểm nguy “hãy dừng lại/ những tên muốn ôm cây mùa xuân không cho mọc/ những tên muốn ôm cây to che cớm mầm non”.
Đánh giá một cách cẩn trọng, trường ca Những người trên cửa biển đã xác lập một vị trí nhất định trong nền thơ Việt Nam thế kỷ 20, bởi tình yêu mảnh đất “mỗi người dân Hải Phòng thật kiếm ăn từ nhỏ/ mỗi người dân Hải Phòng đều biết đổ mồ hôi” đã dựng được hình tượng nhà thơ Văn Cao chung thủy với thời đại “cuộc đời ôm tôi như trong một cái bình/ một tiếng vang vang cả lòng cả đáy”.
Giai đoạn can trường sắc sảo, âm nhạc Văn Cao chìm vào im lặng, chỉ vụt lên một Mùa xuân đầu tiên nôn nao cùng non sông thống nhất năm 1975. Tất cả tâm tư Văn Cao dồn hết vào thơ “tung ra hàng loạt hàng loạt/ những con người thật của chúng ta”. Khi cảm xúc dâng đầy, thay vì viết nhạc thì Văn Cao làm thơ. Có dịp đến Bình Định, Văn Cao đã viết ba bài thơ về Quy Nhơn, bài Quy Nhơn 1 viết ngày 31/3/1985, bài Quý Nhơn 2 viết ngày 10/4/1985 và bài Quy Nhơn 3 viết ngày 15/4/1985. Đó là những phút giây hiếm gặp trong thơ Văn Cao, bởi ông được sống ân cần giữa tình đất, tình người xứ nẫu. Quy Nhơn với Văn Cao không chỉ gần gũi “Quy Nhơn chúng ta/ Vài dây buồm nhỏ/ Vài con đường phố nhỏ/ Vài ngôi nhà nho nhỏ/ Vẫn ngày đêm lấp lánh/ Mang vết thương xưa/ Ngày đêm làm ngọc”, mà còn xao xuyến “Biển đưa về vài chùm chim yến/ Nắng làm khô những lá dừa non” và nhiều trầm tích quyến rũ “Từ trời xanh/ rơi/ vài giọt tháp Chàm/ quanh Quy Nhơn”.
Bao nhiêu năm âm thầm trong căn phòng khiêm nhường ở 108 Yết Kiêu - Hà Nội, thơ Văn Cao chắt lại như “tiếng kêu của một khúc thép đỏ/ trong chậu nước” để đối diện với nghịch cảnh “có lúc nước mắt không thể chảy ra ngoài được”. Ông có hai bài thơ viết cho mùa thu ở hai cột mốc thời gian khác nhau vẫn không mấy khác nhau về xao xác, mùa thu 1968 “những bóng người loang trên Hồ Tây” và mùa thu 1992 “có tà áo trắng loang qua khung cửa”, chứng tỏ ảo giác đơn lẻ hụt hẫng kéo dài qua vùng thơ ưu phiền. Ngược lại, bài thơ Thức dậy vỏn vẹn hai câu ít nhiều thể hiện được cứu cánh thi ca đối với Văn Cao: “Khi đêm tối tất cả người tôi thức dậy/ Những đam mê quên ngủ suốt ngày”.
Bơ vơ và chịu đựng, Văn Cao chỉ có một nguồn động viên duy nhất “những ngày đau khổ ấy/ khuôn mặt em/ như mảnh trăng những đêm rừng cháy” để tiếp tục tin cậy nhân gian xuôi ngược “trên đường đi/ anh đặt em trên dốc núi/ để tìm lại những đường mềm của núi”. Lời đề từ bài thơ Ba biến khúc tuổi 65, Văn Cao viết “những ngày buồn không nói được, tôi chỉ tìm ra sự sống của tôi”. Không phải cuộc chơi nghệ thuật nữa, thơ Văn Cao trở thành cuộc truy vấn số phận. Truy vấn số phận về sự khốn đốn “tôi rơi vào mạng nhện/ mạng nhện cuốn lấy tôi/ không cách gì gỡ được”, truy vấn số phận về sự được mất “con thuyền đi qua/ để lại sóng/ đoàn tàu đi qua/ để lại tiếng/ đoàn người đi qua/ để lại bóng/ tôi không đi qua tôi/ để lại gì?” và truy vấn số phận về những “Giấc mơ” chập chờn: “Dưới mái nhà/ Một người đang ngủ/ Với giấc mơ của những vì sao/ Những vì sao đang kể chuyện/ Giấc mơ của mái nhà/ Giấc mơ của một người đang ngủ”.
Chính nhờ cuộc truy vấn số phận miệt mài, Văn Cao được tự do tái sinh những trải nghiệm, từ trải nghiệm thua thiệt cá nhân “bỗng nhiên/ bóng của người ấy chia mất/ nửa mặt tôi/ một nửa mặt của tôi/ của tôi nửa mặt trắng/ miệng tôi nửa miệng đắng/ một con mắt tôi/ lặng lẽ lấp lánh/ sau bóng đen người ấy” đến trải nghiệm lầm lạc ân tình “những bó hoa mang tới/ chúc tụng/ thành công một con người/ hàng ngày hàng ngày/ xây thành cái mồ chôn/ con người thành công ấy/ người ta đôi khi bị giết/ bằng những bó hoa”.
Những câu thơ nặng trĩu tâm tư lắm lúc có thể ở lại vì bạn đọc, nhưng bao giờ cũng vụt đến vì tác giả. Thơ hóa giải tủi hờn và bất trắc. Những câu thơ hoang mang và chấp chới tuyệt vọng của Văn Cao như “có lúc ban ngày nghe lá rụng sao hoảng hốt”, không chỉ kháng cự khổ hạnh cho tác giả, mà còn giúp độc giả cách hiểu một giọt nước mắt, cách nghe một tiếng thở dài. Bởi lẽ, nỗi buồn không phải quan trọng do được nhà thơ đắp lên những mỹ từ khoa trương, mà vì nhà thơ gõ vào trái tim mình để chứng minh nỗi buồn có ích cho việc nuôi dưỡng bản tính lương thiện của con người trước “Thời gian” khắc nghiệt: “Thời gian qua kẽ tay/ làm khô những chiếc lá/ kỷ niệm trong tôi/ rơi/ như tiếng sỏi/ trong lòng giếng cạn/ riêng những câu thơ còn xanh/ riêng những bài hát còn xanh/ và đôi mắt em/ như hai giếng nước”.
Lê Thiếu Nhơn