“Đem chôn kẻ đồng tính”
TS Nguyễn Quốc Vinh (ĐH Columbia) có lẽ là người đầu tiên nghiên cứu một cách có hệ thống về dòng văn học đồng tính của Việt Nam, mà đại diện là các tác phẩm của Bùi Anh Tấn. “Không thể phủ nhận hàng loạt các tiểu thuyết, tự truyện, phim ảnh… về đề tài này đã góp phần làm thay đổi nhận thức của xã hội với cộng đồng LGBT”, tiến sĩ Vinh chia sẻ.
TS Nguyễn Quốc Vinh thuyết trình giới ngầm đồng tính trong tiểu thuyết của Bùi Anh Tấn tại Viện Văn học. |
Về lý do chọn tác phẩm của Bùi Anh Tấn làm đề tài nghiên cứu, TS Nguyễn Quốc Vinh cho biết: Đây là nhà văn đầu tiên viết về thế giới LGBT một cách có hệ thống và dài hơi, đến mức được vào kỷ lục guinness. Theo như tổ chức này thống kê, tính đến nay Bùi Anh Tấn đã có 7 tiểu thuyết, 6 truyện ngắn, 3 sách nói và 2 phim truyền hình nhiều tập về đề tài đồng tính luyến ái. Ở thời điểm những tiểu thuyết của Bùi Anh Tấn ra đời (năm 2000), đồng tính luyến ái ở Việt Nam “vẫn là một thế giới xa lạ nhưng cần được thấu hiểu hơn”.
“Cuốn tiểu thuyết đầu tiên của Bùi Anh Tấn đề cập thẳng thắn đến gay là “Một thế giới không có đàn bà”. Khi đó tôi đang ở Việt Nam, nghe nói cuốn này đang hot lắm, tạo dư luận ghê lắm, tò mò tìm sách, sau đó tôi đã đọc say sưa và quyết định mua toàn bộ số sách ở hiệu để mang về tặng bạn bè”, TS Vinh kể lại “duyên nợ” của mình với đề tài nhạy cảm này.
Không giấu bản dạng giới, tiến sĩ Nguyễn Quốc Vinh nói rằng: “Tôi là người đồng tính, nghiên cứu về văn học đồng tính. Qua việc xem xét các đề tài về tội phạm, tình dục và xã hội “lạc loài”, xem xét việc chấp nhận hay chối bỏ bản thân, và sự mập mờ văn hoá trong loạt tác phẩm đồ sộ của Bùi Anh Tấn liên quan đến đồng tính luyến ái, tôi muốn khám phá xem những tác phẩm này góp phần ra sao trong việc kiến tạo và kiềm chế một thế giới ngầm đồng tính”.
Cũng theo chia sẻ của tiến sĩ Vinh, đồng tính luyến ái không chỉ là “vùng cấm” trong văn học Á đông, trước đó phần lớn các tác phẩm viết về cộng đồng này của văn học Phương Tây cũng từng bị chi phối bởi quan điểm “đem chôn kẻ đồng tính” (Bury your gays). Đó có thể cũng là một nguyên do khiến kết cục cho những nhân vật đồng tính trong các tác phẩm của Bùi Anh Tấn chỉ có hai lối: một là chết và một là chối bỏ bản thân, ép mình trở lại cuộc sống “giống như mọi người”.
Đến những tiếng nói từ người trong cuộc
Những tác phẩm văn học về đề tài đồng tính được cho là đã góp phần làm thay đổi nhận thức của xã hội về cộng đồng này. |
Lý giải về những cái kết “cộm” (để người đồng tính bỏ qua căn tính, lựa chọn lấy vợ sinh con) trong nhiều tác phẩm của Bùi Anh Tấn, tiến sĩ Trần Ngọc Hiếu trao đổi rằng: “đây chính là cơ thế quản trị tự sự của người viết, ở đó nhà văn đóng vai trò như một cảnh sát để giữ trật tự cho thế giới hư cấu của mình. Nó giống như mô hình nhà tù tròn tồn tại rất đa dạng trong đời sống xã hội, trong nhà tù đó, tù nhân hữu hình, nhưng giám ngục vô hình, mọi hành động, suy nghĩ… của tù nhân đều bị những giám ngục vô hình soi xét”. Theo tiến sĩ Trần Ngọc Hiếu, đây là diễn ngôn khá mới trong cộng đồng LGBT.
Về phía chủ tọa, tiến sĩ Nguyễn Quốc Vinh cho rằng, tất cả những câu chuyện trong tiểu thuyết của Bùi Anh Tấn đều được kể lại từ ngôi thứ ba (bên ngoài), dưới nhãn quan của một nhà văn công an. “Thế giới đồng tính do vậy hơi nhiều tiêu cực, hơi nhiều u ám, tệ nạn và lộn xộn. Nhưng cũng phải nói rằng những miêu tả về thế giới ngầm đồng tính này đã thu hút sự quan tâm của xã hội Việt Nam đương đại, thôi thúc sự tìm hiểu của độc giả nhưng cũng mang một thái độ nước đôi lấp lửng”, anh nói thêm.
Một số khách mời tham dự tọa đàm cũng phản biện rằng, bỏ qua đề tài hấp dẫn, gợi tò mò thì tác phẩm của Bùi Anh Tấn không hấp dẫn nhiều về mặt văn học, thậm chí một số tiểu thuyết “giống như được AI viết”. Một số khác đưa ra các dẫn chứng chứng minh tác giả đã làm tốt công việc của một “thư ký trung thành của thời đại”, phơi bày hiện thực nhưng lại thiếu một sự thấu cảm thực sự từ bên trong.
Chia sẻ cuối chương trình, tiến sĩ Nguyễn Quốc Vinh cho biết, trong thời gian tới anh sẽ tập trung viết một cuốn sách về văn học đồng tính Việt Nam mà Bùi Anh Tấn là một tác giả quan trọng trong đó. “Tôi sẽ khảo sát, nghiên cứu thêm những tác phẩm xuất bản sau này của những tác giả khác, nhất là những tiếng nói của người trong cuộc. Một số tự truyện của người đồng tính được chấp bút cùng các nhà báo cũng rất đáng chú ý như cuốn “Bóng” của Đoan Trang và Hoàng Nguyên, “Không lạc loài” của Lê Anh Hoài và Nguyễn Thành Trung, “Chuyển giới” của Nguyễn Ngọc Thạch và Trần Minh Ngọc… Tôi cho rằng những tác phẩm này ít nhiều đã góp phần làm đỡ cơn khát về thông tin cho người đọc, gợi lên cho họ những suy ngẫm về một thế giới có phần xa lạ nhưng thực sự tồn tại, và cả tình người”.
Tiến sĩ Nguyễn Quốc Vinh, tốt nghiệp đại học và bảo vệ tiến sĩ tại ĐH Harvard (Mỹ), hiện là giảng viên Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Đông Nam Á, ĐH Columbia, New York, Mỹ. Các lĩnh vực nghiên cứu của ông tập trung vào thời kỳ Tây Sơn ở Việt Nam vào cuối thế kỷ XVIII, quá trình chuyển đổi từ sử học triều đại truyền thống sang sử học dân tộc chủ nghĩa hiện đại, văn học Nôm và nghiên cứu giới tính/queer. |
Hạnh Đỗ - Báo Tiền Phong