Sáng tác

Viết cho Esmé Với tình yêu và tiếng thét

Jerome David Salinger
Văn học nước ngoài
13:33 | 15/07/2024
J.D. Salinger (1919-2010) là nhà văn, đồng thời là nhà thơ Mỹ. Tiểu thuyết The Catcher in the Rye (Bắt trẻ đồng xanh, 1951) của ông rất nổi tiếng. Ấn tượng về văn phong của Salinger, Hemingway thốt lên: “Chúa ơi, anh ấy có một tài năng kinh hoàng.” Truyện ngắn For Esmé - with Love and Squalor (Viết cho Esmé - với Tình yêu và Tiếng thét, năm 1950) là một tác phẩm tiêu biểu. Truyện nói về sự tham gia lực lượng chống phát xít của nhân vật chính trong Thế chiến II và những hệ quả tệ hại của nó về nhiều mặt.
aa

1

Tháng Tư 1944, tôi là một trong số 60 tân binh Mỹ tham gia Khóa đào tạo khá chuyên nghiệp do Tình báo Anh hướng dẫn ở Devon, Anh quốc.

Cá mè một lứa, chúng tôi chả biết cách hòa đồng tập thể gì cả. Về cơ bản, tất cả chúng tôi đều thuộc loại ghiền viết thư. Khi cả đám không viết thư hay tham gia lớp học, mỗi đứa đều làm việc riêng theo cách của mình. Vào những ngày quang đãng, tôi lang thang một mình nơi vùng thôn dã. Những ngày mưa, tôi tìm nơi khô ráo, nhâm nhi đọc sách.

Khóa đào tạo kéo dài 3 tuần, kết thúc vào thứ Bảy, một ngày mưa ầm trời ầm đất. Bảy giờ tối qua, cả nhóm chúng tôi đã lên kế hoạch tập trung đến London, nơi mà theo tin đồn, cả bọn sẽ được phân vào các sư đoàn bộ binh và không quân nhằm tập hợp lực lượng cho cuộc đổ bộ Ngày D. Mười lăm giờ chiều, tôi thu xếp tất cả đồ đạc vào balo, trong đó có một hộp đựng mặt nạ phòng độc bằng vải chứa đầy sách mà tôi đã mang từ Bên Kia sang. Sau đó, sau khi chỉnh lại đồng hồ đeo tay khớp với đồng hồ trong nhà vệ sinh doanh trại, tôi tản bộ xuống ngọn đồi thoai thoải, đầy đá cuội ẩm ướt, vào thị trấn.

Ở trung tâm thị trấn, tôi dừng lại trước hội thánh, đọc bảng thông báo, chủ yếu vì các chữ số quá nổi bật, chữ trắng nền đen. Người ta loan báo 15 giờ 15 phút sẽ có thực hành hợp xướng thiếu nhi. Tôi nhìn đồng hồ đeo tay, sau đó quay lại với tấm bảng. Một tờ giấy ghim lên đó có ghi tên các em thiếu nhi sẽ tham dự thực hành. Tôi đứng trong mưa, đọc hết tên, rồi tò mò bước vào thánh đường.

Hơn mười tín hữu ở trong mấy dãy ghế nhà thờ; vài người trong số họ mang những đôi ủng cao su cỡ nhỏ, đặt ngửa, xếp gọn trong lòng. Tôi bước dọc lên phía trên, ngồi vào hàng ghế đầu. Trên bục cao, ngồi trong ba hàng ghế nhỏ gọn là khoảng hai mươi thanh thiếu niên, chủ yếu gái, độ tuổi từ 7 đến 13. Đến lúc này, cô huấn luyện viên thanh nhạc của các em - một phụ nữ to lớn mặc áo vải tuýt - khuyên các em nên mở khẩu hình rộng hơn.

Ca đoàn cất tiếng hát mà không kèm nhạc cụ nào - hoặc nói chính xác trong trường hợp của họ: không hề có bất kì sự phối khí chuyên nghiệp nào. Vài đứa nhỏ tí xíu đã kéo dài trường độ ra một chút, theo cách độc đáo đến nỗi chỉ có “sư mẫu” của các nhà soạn nhạc mới có thể tìm ra lỗi. Trước đây tôi chưa từng nghe thánh ca, nhưng tôi vẫn nghĩ đây là một loạt nhiều câu thơ. Vừa lắng nghe, tôi vừa đưa mắt nhìn khuôn mặt từng đứa, nhưng đặc biệt để tâm tới gương mặt của đứa gần nhất, cô bé ngồi ở ghế cuối hàng đầu. Cô khoảng 13 tuổi, tóc vàng tro, rất suôn nhưng chỉ ngắn đến ngang tai, vầng trán thanh tú và đôi mắt ảm đạm - tôi nghĩ rất có thể đó là đặc điểm của cả gia tộc. Giọng cô ta tách biệt hẳn với giọng của những đứa khác; không phải vì cô ngồi gần tôi nhất. Nó có âm vực rộng nhất, chất giọng ngọt ngào nhất, khẩu hình đẹp nhất và trở thành chủ âm cho cả nhóm.

Ngay khi bài thánh ca kết thúc, huấn luyện viên bắt đầu đưa ra ý kiến dông dài về mấy em có tật rung chân và môi mím chặt khi nghe mục sư giảng. Tôi nhận ra buổi diễn tập đã kết thúc, và trước khi giọng nói chối tai của huấn luyện viên có thể phá vỡ hoàn toàn niềm say mê ca hát của bọn trẻ, tôi đứng dậy rời khỏi hội thánh.

Viết cho Esmé  Với tình yêu và tiếng thét
J.D. Salinger (1919-2010)

Trời mưa nặng hạt hơn. Tôi băng qua đường, bước vào một phòng trà dân sự vắng người. Tôi tìm chỗ rũ áo khoác trước khi treo, đoạn ngồi xuống bàn, gọi trà và bánh mì nướng quế. Đó là lần đầu tiên tôi mở miệng với thiên hạ trong ngày. Trong khi tôi đang uống tách trà đầu tiên, cô bé tôi gặp và nghe hát trong ca đoàn đến phòng trà. Tóc cô ướt sũng; hai vành tai lộ ra. Cô đi với một cậu bé tí tẹo, chắc là em trai. Cô gỡ mũ cho em bằng hai ngón tay, rất cẩn thận. Liền theo sau là một phụ nữ trông có vẻ trí thức; bà đội chiếc mũ phớt hơi nghiêng - có lẽ là gia sư của hai đứa. Cô cởi bỏ áo khoác khi đi ngang giữa phòng, khẽ đứng lại chọn bàn - đó là chỗ ngồi khá tốt, theo suy nghĩ của tôi, vì chỉ cách tôi chừng năm bảy bước. Cô bé và bà gia sư ngồi xuống. Cậu bé chừng 5 tuổi vẫn loay hoay, chưa chịu ngồi. Nó tháo bỏ chiếc áo khoác, quăng xuống sàn; sau đó, với vẻ mặt lì lợm của một tên “bịp bợm bẩm sinh”, nó quấy rầy bà gia sư bằng cách đẩy vào kéo ra chiếc ghế rất nhiều lần, vừa làm vừa để mắt quan sát bộ mặt bà.

Trong thời gian chờ đợi thức uống, cô bé bắt gặp ánh mắt tôi nhìn sang bàn cô. Cô nhìn chằm chằm vào tôi, với đôi mắt sâu lắng rồi đột nhiên nhoẻn miệng cười. Nụ cười rạng rỡ kì lạ. Tôi mỉm cười đáp lại. Điều tiếp theo tôi biết là cô bé đứng lên, với vẻ đĩnh đạc bên cạnh bàn tôi. Cô mặc chiếc váy tartan - một chiếc váy tartan hiệu Campbell. Đối với tôi, đó là chiếc váy tuyệt vời cho một cô gái rất trẻ mặc trong ngày mưa gió. “Em nghĩ, người Mỹ hay xem thường chuyện uống trà lắm.” Cô đưa ra nhận xét.

Đó hẳn không phải là nhận định của một kẻ ngông nghênh mà là của một người yêu sự thật hoặc một người thích thống kê. Tôi trả lời, một số người trong chúng tôi chưa bao giờ uống gì mà chỉ uống trà. Tôi mời cô cùng ngồi xuống bàn tôi.

“Dạ, em cảm ơn.” Cô khẽ gật đầu. “Nhưng một chút thôi, nghe anh.”

Tôi đứng dậy kéo chiếc ghế đối diện cho cô; cô ngồi ở phần tư trước ghế, giữ cột sống thẳng đẹp. Tôi quay trở lại - gần như khá vội vàng - về lại chiếc ghế của mình, hơi lo ngại về sự kết thúc sớm cuộc chuyện trò. Mặc dù vậy, khi đã ổn định, hầu như tôi không thể nghĩ ra điều gì để nói. Tôi lại mỉm cười, cố giấu vết trám đen như than của mình ngay nơi hàng răng cửa.

“Dạ.” Cô bé nói, bằng giọng rõ ràng, mạch lạc của một người không ưa trò chuyện vặt. Cô đặt mấy ngón tay lên góc bàn, giống như người ta tham gia buổi gọi hồn, sau đó, ngay lập tức, khép tay lại - mấy đầu ngón tay bám xuống thật nhanh. Cô đeo chiếc đồng hồ kiểu nhà binh, trông giống như chiếc đồng hồ bấm giờ của bọn hoa tiêu. Mặt đồng hồ quá lớn so với cổ tay mảnh mai của cô. “Hồi nãy em thấy anh trong buổi tập của tụi em.” Cô nói thật đích xác. “Em nhìn thấy anh.”

Tôi gật đầu xác nhận điều ấy, rồi khen giọng cô đặc sắc, khác biệt với nhiều em khác. Tôi nói chất giọng cô rất hay.

Cô bé gật đầu. “Dạ, em biết. Em hy vọng trở thành ca sĩ chuyên nghiệp ạ.”

“Thật không? Chơi opera luôn hả?” Tôi mừng rỡ hỏi.

“Chúa ơi, không đâu. Em sẽ hát nhạc jazz trên đài phát thanh, kiếm thật nhiều tiền. Sau đó, khi em 30 tuổi, em sẽ về hưu non, sống trong một trang trại ở Ohio.” Cô bé sờ lên đỉnh đầu ướt đẫm, rồi nói tiếp. “Anh biết Ohio không?”

Tôi bảo tôi đã từng đi tàu ngang qua, nhưng hầu như chưa biết gì về nó cả. Tôi mời cô một miếng bánh mì nướng quế.

“Không, em cảm ơn.” Cô nói. “Em ăn như mèo, anh đừng mời làm chi.”

Tôi cắn một miếng bánh mì nướng và nhận xét rằng có một số đất nước hùng mạnh xung quanh Ohio. “Em biết. Một người Mỹ đã nói với em như thế. Anh là người Mỹ thứ 11 mà em gặp.”

Bà gia sư ra hiệu bảo cô trở về bàn - bà ta bảo đừng làm phiền người khác. Tuy nhiên, cô bình tĩnh di chuyển ghế của mình một chút để lưng nó khỏi đối mặt với bàn bên kia. “Anh học trường Tình báo bí mật trên đồi phải không?” Cô bé hờ hững hỏi.

Cũng quan tâm vấn đề bảo mật như người ngồi kế bên, tôi trả lời tôi đang ghé Devonshire vì lí do sức khỏe.

“Thật sao?” Cô ấy liến thoắng. “Em không phải mới đẻ hôm qua đâu ạ.”

Tôi cam đoan cô đã trưởng thành. Tôi nhấp trà. Tôi nhận thức được tư thế của mình không chuẩn, và tôi nhích lên, sửa lại phần nào tư thế ngồi cho thẳng.

“Anh là người Mỹ mà thông minh thế sao?” Vị khách trẻ măng của tôi trầm ngâm nói.

Tôi bảo cô khá hợm hĩnh khi nói thế, nếu cô nghĩ về điều đó, tôi cho rằng nó không xứng đáng với cô.

Cô đỏ mặt - tự động trao cho tôi thái độ cư xử mà tôi muốn bỏ qua. “Chà. Hầu hết những người Mỹ mà em từng gặp đều hành động như đám động vật. Họ luôn đánh đấm nhau, và lăng mạ mọi người, và - anh biết có người trong số họ đã làm gì không?”

Tôi lắc đầu.

“Một người Mỹ đã ném chai whisky rỗng qua cửa sổ nhà dì em. May mà cửa sổ mở. Nhưng điều đó nghe có vẻ rất nhạy cảm đối với anh, đúng không ạ?”

Nó đặc biệt chẳng có gì nhạy cảm cả, nhưng tôi không nói thế. Tôi nói rằng rất nhiều binh lính khắp thế giới đã sống xa nhà, và rất ít người trong số họ có cuộc sống thuận lợi. Tôi nói rằng tôi tưởng hầu hết mọi người đều có thể nhận ra và cảm thông cho họ chứ.

“Anh lập gia đình chưa?” Cô hỏi. Tôi nói rồi.

Cô ấy gật đầu. “Anh yêu vợ mình sâu đậm lắm, đúng không? Hay là em hỏi hơi vô duyên nhỉ?”

Tôi nói rằng khi cô có gia đình rồi, tôi sẽ nói rõ chuyện đó.

“Thông thường, em không thích giao du gì lắm.” Cô ấy nói và nhìn sang tôi để xem tôi có biết nghĩa của từ này không. Dù vậy, tôi không biểu lộ dấu hiệu gì. “Em đơn giản bước sang gặp anh, bởi vì em nghĩ anh rất cô đơn. Anh có vẻ cực kì nhạy cảm.”

Tôi bảo rằng cô nói rất đúng, tôi cảm thấy cô đơn, và tôi rất vui vì cô ngồi sang với tôi.

“Em đang tự rèn luyện để trở nên dễ gần gũi hơn. Dì em nói em là người lạnh lùng kinh khủng.” Cô bé cao giọng rồi lại sờ lên đỉnh đầu vì tóc ướt. “Em sống với dì. Dì là một người cực kì tốt bụng. Kể từ khi mẹ em mất, dì làm mọi thứ để em và thằng Charles cảm thấy dễ thở hơn.”

“Anh mừng cho em.”

“Mẹ là người rất thông minh.” Cô ấy nhìn tôi với sự bén nhạy mới mẻ. “Anh có thấy em lạnh lùng khủng khiếp không?”

Tôi nói không phải vậy - thực tế ngược lại. Tôi nói rõ tên tôi và hỏi tên cô. Cô bé hơi do dự. “Em là Esmé. Em sẽ cho anh biết tên đầy đủ vào lúc khác.”

Ngay sau đó, tôi cảm thấy hơi thở ấm áp của ai đó phả vào gáy mình. Tôi quay lại, suýt đụng vào cánh mũi của thằng bé, em trai Esmé. Phớt lờ tôi, nó nói với chị gái nó một câu ba hoa: “Cô Megley nói chị phải về chỗ ngay, uống trà cho hết!” Lời nhắn của cậu bé được truyền đi, đoạn nó lui vào chiếc ghế giữa chị gái nó và tôi, phía bên phải tôi. Tôi để tâm tới nó. Nó trông rất sáng sủa với chiếc quần soọc Shetland nâu, áo nịt len màu xanh biển, sơ mi trắng, cà vạt sọc. Nó nhìn lại tôi với đôi mắt xanh trong. “Tại sao người trong phim hôn tạt ngang vậy anh?” Cậu bé cất tiếng hỏi tôi.

“Hôn tạt ngang?” Tôi nheo mày ngơ ngác. Đó là một vấn đề làm tôi bối rối thời thơ ấu. Tôi giải thích có lẽ do mũi của các diễn viên quá bự, khiến họ không thể hôn lên trán được.

“Nó tên Charles.” Esmé nói. “Nó thú vị lắm anh ạ.”

Esmé nhìn tôi rất lâu với ánh nhìn vô định. “Dường như anh ít thích người ta chọc cười phải không?” Cô nói - vẻ đăm chiêu. “Ba em nói em chẳng có khiếu hài hước chút nào. Ba nói em không thích nghi với cuộc sống vì thiếu năng khiếu đó.”

Ngắm nhìn cô bé, tôi châm thuốc, và tôi nói rằng hài hước dường như chẳng có ích gì cho cuộc sống thực tế cả.

“Ba em nói có mà.” Cô bé cự lại.

Đó là câu nói chân tình, chẳng mâu thuẫn tí gì, nên tôi nhanh chóng chuyển hướng. Tôi gật đầu nói rằng cha cô có cái nhìn rộng thoáng, còn tôi mới nhìn thấy cái trước mắt (quả thật tôi không biết nên nói thế nào tốt hơn).

“Anh ơi! Trước khi nhập ngũ, người ta tuyển dụng anh thế nào?” Esmé đột ngột hỏi tôi.

Tôi nói tôi hoàn toàn không được tuyển dụng, tôi chỉ mới tốt nghiệp đại học một năm, nhưng đang ước ao trở thành nhà văn.

Cô bé lịch sự gật đầu. “Dạ, có in truyện không anh?” Cô ấy ngước mắt hỏi.

Đó là một câu hỏi quen thuộc, dễ gây xúc động; tôi không trả lời mình đã xuất bản một, hai, hay ba tác phẩm nào. Tôi chỉ giải thích rằng hầu hết các biên tập viên ở Mỹ thường hay chơi thành từng nhóm…

“Ba em viết lách hay lắm.” Esmé ngắt lời. “Em đang sưu tầm đủ loại thư ba để lại cho con cháu.”

Tôi nói điều đó thật lí thú. Tôi vô tình nhìn lại chiếc đồng hồ đeo tay có mặt đồng hồ bự, có vẻ một kỉ vật. Tôi hỏi nó có phải của ba cô để lại không.

Cô nghiêm nghị nhìn xuống cổ tay. “Ồ, đúng vậy.” Cô đáp. “Ba em trao nó cho em ngay trước khi Charles cùng em đi tản cư.”

Một cách tự giác, cô buông tay khỏi bàn. “Đơn giản nó chỉ là một kỉ vật.” Rồi cô hướng cuộc trò chuyện theo lối khác. “Em sẽ vô cùng hãnh diện nếu lúc nào đó anh viết một truyện ngắn dành riêng cho em. Em mê đọc lắm!”

Tôi nói nhất định tôi sẽ viết về cô. Tôi còn khiêm tốn nói rằng thật ra đời tôi chẳng có gì phong phú cả.

“Chẳng cần phong phú làm gì. Anh chỉ cần viết sao đừng ngớ ngẩn, đừng trẻ con là được.” Cô bé nhẹ giọng. “Em thích những câu chuyện nói lên nỗi gào thét của con người.”

“Gào thét về điều gì?” Tôi chồm người lên. “Thật ra anh cũng quan tâm tới điều đó.”

Tôi định ép cô nói thêm nhiều chi tiết, nhưng bỗng cảm thấy Charles đang véo tôi thật mạnh, vào tay tôi. Tôi quay sang nó, khẽ nhăn mặt. Cậu bé đang đứng ngay bên cạnh tôi. Nó có vẻ mến tôi và thích đùa với tôi.

Esmé nhẹ nhàng đứng dậy. Cô thở dài: “Il faut que je parte aussi(1). Anh biết tiếng Pháp không?”

Tôi đứng dậy, rời khỏi ghế, với cảm giác pha trộn giữa hối tiếc và bối rối. Esmé và tôi bắt tay nhau; như tôi thầm đoán, lòng bàn tay cô vã mồ hôi, chứng tỏ cô rất hồi hộp. Tôi nói với cô, bằng tiếng Anh, rằng tôi rất yêu thích buổi gặp gỡ dễ thương này.

Cô gật đầu. “Em cũng đoán vậy; xưa nay em rất thích giao du.” Cô thử sờ lên tóc. “Em tiếc cho mái tóc của em.” Cô nhẹ giọng. “Có lẽ em luộm thuộm quá, anh nhỉ?”

“Đâu có! Thật ra tóc em bắt đầu gợn sóng; tóc em đẹp mà.”

Cô lẹ làng chạm vào tóc mình một lần nữa. “Rồi anh sẽ quay lại đây chứ?” Cô hỏi tôi. “Anh em mình sẽ đến đây thứ Bảy hằng tuần, sau giờ em tập hợp xướng nhé.”

Tôi trả lời rằng điều đó thật quá tốt cho tôi, nhưng chẳng may một điều là tôi không chắc chắn gì lắm.

“Nói vậy có nghĩa là anh không chủ động gì trong việc chuyển quân cả, em biết mà.” Esmé than phiền.

Tôi có cảm giác cô không muốn di chuyển khỏi bàn tôi. Trên thực tế, cô bắt chéo hai bàn chân và nhìn xuống, chỉnh lại các ngón chân trong đôi giày. Đó là một màn biểu diễn nho nhỏ đáng yêu, vì cô đi tất trắng, mắt cá và bàn chân rất xinh. Cô đột ngột ngước lên nhìn tôi. “Anh muốn em viết thư cho anh không?” Cô hỏi, với đôi má ửng hồng. “Em sẽ viết những bức thư hết sức rõ nét cho anh...”

“Vậy thì tuyệt.” Tôi lấy giấy bút ra, viết tên mình, cấp bậc, số quân và số quân bưu.

“Em sẽ viết thư cho anh trước,” cô bé dịu giọng, “để anh khỏi cảm thấy bị tổn thương bất cứ thứ gì.” Cô nhét tờ địa chỉ vào túi. “Tạm biệt anh.” Cô nói, và quay lại bàn mình.

Tôi gọi thêm trà, ngồi nhìn hai chị em cho đến khi cả hai và bà Megley đứng dậy rời đi. Charles đi đầu, khập khiễng một cách thảm hại, giống như một người đàn ông chân thấp chân cao. Bà Megley đi tiếp, rồi Esmé, cô bé vẫy tay với tôi. Tôi vẫy tay lại, hơi nhấp nhổm khỏi ghế. Đó là khoảnh khắc xúc động kì lạ đối với tôi.

Cô đột ngột quay lại, bắt tay tôi.

“Tạm biệt anh!” Esmé nói. “Em hy vọng sau chiến tranh, anh trở về với tất cả tài năng nguyên vẹn của anh.”

Tôi cảm ơn cô bé, và nói đôi câu nữa, rồi nhìn cô rời khỏi phòng trà. Cô bước đi chậm rãi, nghĩ ngợi và kiểm tra phần đuôi tóc của mình xem nó đã khô chưa.

Viết cho Esmé  Với tình yêu và tiếng thét

2

Đây là phần gây xúc động, và cảnh thay đổi. Con người cũng thay đổi. Tôi vẫn ở quanh đây, nhưng kể từ đây trở đi, vì những lí do tôi không được tự do tiết lộ, tôi đã ngụy trang khéo đến nỗi ngay cả người đọc thông minh nhất cũng khó nhận ra tôi.

Khoảng 10 giờ 30 đêm, ở Gaufurt, Bavaria, vài tuần sau Ngày V-E.

Trung sĩ X đang ở trong căn phòng mình, tại tầng hai một ngôi nhà dân sự, nơi anh ta và 9 người lính Mỹ khác ở chung, ngay cả trước khi đình chiến. Anh đang ngồi trên chiếc ghế xếp, cạnh cái bàn nhỏ. Bàn bừa bộn, với cuốn tiểu thuyết nước ngoài loại rẻ tiền mở ra trước mặt. Anh đang xem, nhưng rất khó đọc. Rắc rối nằm ở anh, không phải ở cuốn sách.

Mặc dù những người sống ở tầng trệt thường nhận đầu tiên những cuốn sách do Dịch vụ Đặc biệt gửi đến hằng tháng, X dường như chỉ giữ lại cuốn sách mà anh tự chọn. Nhưng anh là một thanh niên chưa trải qua chiến tranh với mọi tài năng của mình còn nguyên vẹn, và trong hơn một giờ đồng hồ anh đã đọc ba đoạn văn, và bây giờ anh đang đọc một loạt câu. Anh đột ngột xếp sách lại, không đánh dấu vị trí đọc. Anh dùng tay che mắt mình trong giây lát trước ánh sáng chói chang từ ngọn đèn trần trụi trên bàn.

Anh lấy thuốc lá ra, châm lửa bằng mấy ngón tay run run. Anh ngồi tựa lưng vào ghế, hút mà không có cảm giác ngon miệng. Anh nghiện thuốc lá nhiều tuần qua. Nướu anh chảy máu khi đầu lưỡi cạ vào, và anh hiếm khi ngừng thử nghiệm chuyện đó; đó là một trò chơi nho nhỏ mà anh thích, đôi khi theo giờ. Anh ngồi một lúc vừa hút vừa thử. Sau đó, đột ngột, quen thuộc, và như thường lệ, không cảnh báo trước, anh cảm thấy đầu óc mình rối tung lên và chao đảo, chóng mặt, giống như hành lí mất an toàn trên giá cao. Anh lẹ làng làm những gì anh đã làm trong nhiều tuần để ổn định mọi thứ: anh ấn mạnh tay vào thái dương. Anh giữ chặt trong giây lát. Tóc anh cần cắt, vì nó quá bẩn. Anh đã gội nó ba bốn lần trong suốt hai tuần ở bệnh viện tại Frankfort trên ngọn núi Main, nhưng nó bẩn trở lại trên chuyến xe Jeep đường dài đầy bụi trở về Gaufurt.

Khi cúi đầu xuống, X nhìn chằm chằm vào tấm bảng, đó là bản ghi hàng chục bức thư và 5-6 bưu phẩm, tất cả đều chưa mở, tất cả đều ghi gửi cho anh. Anh đưa tay ra sau chỗ thủng của bức tường và chọn ra một cuốn sách dựng trên tường. Đó là cuốn của Goebbels, nhan đề Die Zeit Ohne Beispiel(2). Cuốn sách ấy của cô con gái 38 tuổi chưa chồng của gia đình trước đó vài tuần đã sống ở ngôi nhà này. Cô từng là quan chức cấp thấp trong Đức quốc xã, nhưng cao, theo tiêu chuẩn của Quy chế Quân đội, nên đã rơi vào diện bị bắt. Chính X đã còng tay cô. Giờ đây, lần thứ ba kể từ ngày anh xuất viện trở về, anh mở cuốn sách ra đọc dòng chữ ngắn trên tờ giấy kẹp trong sách. Được viết bằng mực, bằng tiếng Đức, với nét chữ nhỏ nhắn, chân thành đến vô vọng, là dòng chữ “Lạy Chúa, cuộc sống là địa ngục.” Chỉ có vậy; không có gì dẫn dắt, cũng chẳng có gì thêm. Một mình trên trang giấy, và trong sự tĩnh lặng đến mức ủ rũ của căn phòng, dòng chữ dường như mang tầm vóc của một bản cáo trạng cổ điển, khỏi bàn cãi. X nhìn đăm đắm vào tờ giấy ấy trong vài phút, cố gắng chống lại sự mất thăng bằng, và tảng lờ mọi ý nghĩ.

Sau đó, với sự sốt sắng hơn nhiều so với những gì anh đã làm trong nhiều tuần qua, anh nhặt cây bút chì, viết ra dòng chữ: “Thưa các cha và các thầy cô, con từng ngẫm nghĩ ‘địa ngục là gì?’ Con vẫn cho rằng đó chính là nỗi thống khổ do không hề được yêu.” Anh ghi tên nhà văn Dostoevsky dưới dòng chữ ấy, nhưng đột nhiên nhận ra - với nỗi khiếp đảm lan tỏa khắp người - rằng những gì anh viết tệ đến mức gần như không ai đọc được. Anh vội gấp sách lại.

Sau vài phút đắn đo, anh thấy mình đang nheo mắt nhìn một gói bưu phẩm nhỏ chưa mở, được bọc trong túi giấy màu xanh lá cây. Nó có lẽ đã rơi ra khỏi chồng bưu phẩm khi anh nhích chiếc máy đánh chữ ra xa. Anh thấy ở mặt ngoài bưu phẩm, địa chỉ đã được chỉnh sửa nhiều lần. Anh có thể phát hiện ra, trên mặt gói bưu phẩm, ít nhất có tới 3 số quân bưu cũ của mình.

Anh mở bưu phẩm. Anh mở nó bằng cách đốt sợi dây với một que diêm cháy sáng. Anh thích xem một sợi dây cháy hết cỡ hơn là mở gói, nhưng cuối cùng anh cũng mở được. Bên trong hộp là một tờ giấy, viết bằng bút mực, nằm trên một vật nhỏ bọc trong giấy lụa:

17, đường…,…DEVON, ngày 7 tháng Sáu, 1944

Anh Trung sĩ X kính mến,

Em hy vọng anh sẽ tha thứ cho em vì đã mất tới 38 ngày em mới có thể bắt đầu viết thư cho anh. Tuy nhiên, em vẫn thường xuyên nghĩ tới anh, nghĩ tới buổi chiều cực kì dễ chịu mà chúng ta dành cho nhau vào ngày 30 tháng Tư năm 1944.

Tất cả chúng ta đều vô cùng hào hứng và quan tâm đến Ngày D, đồng thời một mực hy vọng rằng nó sẽ giúp chiến tranh kết thúc nhanh chóng. Charles và em đều nhớ đến anh; chúng em hy vọng anh không nằm trong số những người đã thực hiện cuộc tấn công đầu tiên vào Bán đảo Cotentin. Thực tế có phải thế không? Vui lòng trả lời càng sớm càng tốt nghe anh. Em xin gửi lời chào nồng nhiệt nhất tới bà xã anh, anh nhé.

Trân trọng!

ESMÉ

Tái bút: Em có gửi kèm bức thư này cái đồng hồ đeo tay; anh cần sở hữu nó trong suốt thời gian xảy ra các cuộc xung đột. Em không nhớ rõ anh có mang đồng hồ đeo tay khi chúng ta ngồi bên nhau hay không; nhưng cái này chống nước rất tốt và chống va đập, đồng thời có nhiều tính năng khác, trong đó người ta có thể biết vận tốc di chuyển. Em tin chắc anh sẽ sử dụng nó để đạt được lợi thế lớn hơn trong những ngày khó khăn này và anh sẽ chấp nhận nó như một lá bùa hộ mệnh.

Còn lâu X mới có thể đặt bức thư ấy sang một bên chứ đừng nói là nhấc chiếc đồng hồ đeo tay ấy ra khỏi hộp. Nhưng cuối cùng, anh cũng kéo nó ra ngoài, nhìn nó nằm trên bàn; anh thấy mặt đồng hồ đã vỡ do vận chuyển. Anh tự hỏi liệu chiếc đồng hồ có hư hại gì không, nhưng anh không đủ can đảm lên dây cót và tìm hiểu về điều đó. Anh chỉ ngồi với nó, run run cầm chiếc đồng hô trong tay một lúc nữa. Sau đó, đột nhiên gần như ngất ngây, choáng váng, anh cảm thấy rất buồn ngủ. Ôi! Em hãy lấy một người thực sự buồn ngủ, Esmé ạ, và anh ta luôn có cơ hội một lần nữa trở thành một người đàn ông với tất cả tài năng nguyên vẹn của mình; với tất cả t-à-i n-ă-n-g nguyên vẹn của mình…

Trần Như Luận (Lược dịch từ nguyên bản tiếng Anh)

1. Tiếng Pháp, nghĩa là “Giờ em cũng phải đi rồi”. 2. “Die Zeit Ohne Beispiel” (Thời Điểm Chưa Có Tiền Lệ) là nhan đề cuốn sách lí luận chiến đấu của Goebbels, một tên giết người không gớm tay của Đức quốc xã.

Báo Văn nghệ số 28/2024

Sách văn học nước ngoài được độc giả yêu mến trong tháng 8 Bên trong mặt nạ “Cái chết đỏ” Dù bị đe dọa truy tố, Arundhati Roy vẫn giành giải PEN Pinter
9 tháng đầu năm, BSR sản xuất gần 4,8 triệu tấn sản phẩm, đạt doanh thu hơn 87 ngàn tỷ đồng

9 tháng đầu năm, BSR sản xuất gần 4,8 triệu tấn sản phẩm, đạt doanh thu hơn 87 ngàn tỷ đồng

Baovannghe.vn- Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2024 của BSR, doanh thu quý III đạt gần 32 ngàn tỷ đồng, luỹ kế 9 tháng đầu năm 2024 đạt hơn 87 ngàn tỷ đồng
Chối bỏ đô thị và mơ hồ sinh thái trong tiểu thuyết Nam bộ đương đại

Chối bỏ đô thị và mơ hồ sinh thái trong tiểu thuyết Nam bộ đương đại

Baovannghe.vn - Từ hướng tiếp cận phê bình sinh thái, bài viết tìm hiểu ý thức sinh thái và sự mơ hồ sinh thái trong tiểu thuyết Nam Bộ đương đại qua ba trường hợp Giữa vòng vây trần gian (Nguyễn Danh Lam), Sự trở lại của vết xước (Trần Nhã Thụy) và Sông (Nguyễn Ngọc Tư).
9 Triệu cuốn sách bị các trường Đại học ở Hàn Quốc vứt bỏ trong 5 năm

9 Triệu cuốn sách bị các trường Đại học ở Hàn Quốc vứt bỏ trong 5 năm

Baovannghe.vn - Trong bối cảnh "hồi sinh nhân văn" trỗi dậy với sự kiện nhà văn Hàn Quốc Han Kang giành giải Nobel Văn học, một thực trạng đáng báo động đã được tiết lộ: các thư viện đại học Hàn Quốc đã vứt bỏ gần 9 triệu cuốn sách trong vòng 5 năm qua. Theo thống kê, chỉ riêng năm 2023, số lượng sách bị loại bỏ lên tới 2,51 triệu cuốn, một con số khổng lồ so với quy mô lưu trữ của các thư viện đại học. Quyết định này nhằm thích ứng với xu hướng chuyển đổi thư viện thành không gian thư giãn, gần gũi như quán cà phê, đáp ứng nhu cầu học tập, giải trí của sinh viên. Tuy nhiên, sự mất mát không nhỏ này cũng đã làm dấy lên những lo ngại sâu sắc về việc mai một kiến thức và ký ức văn hóa truyền thống.
Người năm cũ - Truyện ngắn của Thu Trang

Người năm cũ - Truyện ngắn của Thu Trang

Baovannghe.vn - "Những người muôn năm cũ / Hồn ở đâu bây giờ". (VŨ ĐÌNH LIÊN)
Nhà văn Cao Duy Sơn: Đến nỗi buồn cũng cần thắp lên điều nhân ái

Nhà văn Cao Duy Sơn: Đến nỗi buồn cũng cần thắp lên điều nhân ái

Baovannghe.vn - Trong sự nghiệp sáng tác, Cao Duy Sơn ít viết cho thiếu nhi, nhưng trong số ít ấy có truyện ngắn Chích bông ơi! đã được đưa vào Ngữ văn 6, tập 2, bộ Cánh diều.