Văn hóa nghệ thuật

Viết ký ức

Phạm Xuân Nguyên
Sách 12:16 | 13/06/2025
Nguyễn Đức Tùng "văn bản hóa ký ức" bằng ngôn từ, bằng hình ảnh ẩn dụ con thuyền, và bằng lối văn vừa sắc lạnh như lưỡi dao mổ, vừa dịu dàng như một bài thơ. Thuyền không chỉ ghi lại biến cố vượt biên, mà trở thành một bản đồ tinh thần, nơi mỗi mất mát cá nhân được nâng lên thành chất liệu tự vấn.
aa

Nhà văn Nguyễn Đức Tùng từ Canada gửi cho tôi đọc trước bản thảo cuốn tiểu thuyết mang tên THUYỀN và ngỏ ý tôi viết mấy lời. Bây giờ THUYỀN đã được Nhà xuất bản Phụ Nữ Việt Nam xuất bản. Tôi đọc và vẫn thấy mình bập bênh lắc lư chìm nổi chao đảo mạnh cùng tác giả trên con thuyền trong truyện. Ra khỏi những hàng chữ của tác giả đã lâu mà tôi vẫn bị xô đẩy bởi những lớp sóng dội lên. Đây là ký ức của tác giả. Đây là ký ức của nhân vật “tôi”. Đây là tiểu thuyết ký ức của nhà văn. Làm sao viết ký ức?

Ký ức con người là những văn bản. Những văn bản khó viết nhất đời người. Nó bị nhòa mờ qua thời gian. Nó bị lọc qua tâm trí. Nó bị đục bỏ lẫn lộn trong cái sống. Nó bị chồng chất và gạch xoá vô tình hay cố ý. Nó luôn dễ bị giả tạo và đánh lừa khi muốn kể lại, viết ra. “Sự thật của ký ức, vì ký ức có loại đặc biệt của riêng nó. Nó lựa chọn, loại bỏ, thay đổi, phóng đại, giảm thiểu, tôn vinh và cũng hạ thấp; nhưng cuối cùng nó tạo ra thực tế của riêng nó, phiên bản không đồng nhất nhưng thường mạch lạc của các sự kiện; và không có con người tỉnh táo nào lại tin tưởng phiên bản của người khác hơn phiên bản của chính mình.” (Salman Rushdie, tác giả Những vần thơ quỷ Satan).

Viết ký ức
Tiểu thuyết Thuyền của nhà văn Nguyễn Đức Tùng. Ảnh: NXB PNVN.

Nguyễn Đức Tùng để viết ký ức đã chọn ý niệm (không phải hình ảnh) con thuyền. Có thể ông xuất phát từ con thuyền đã đưa mình đi. Có thể ông đã quan niệm ký ức đúng thực là một con thuyền và con người sống là trôi nổi theo con thuyền ký ức trên dòng thời gian. Con thuyền đó trôi suốt đời người, đưa đẩy con người. Tiểu thuyết THUYỀN của Nguyễn Đức Tùng là một văn bản ký ức được cấu trúc đan xen, chồng hiện nhiều lớp. Trục dọc của nó là một chuyến vượt biên của nhân vật “tôi” mang hình bóng tác giả (nên cuốn tiểu thuyết có chất tự truyện). Trục ngang là những lớp cắt thời gian hồi vọng quá khứ xa gần trước chuyến đi và cả những khoảnh khắc của chuyến đi được nhớ lại và liên hệ về sau. Một văn bản tổng chứa những tập hợp văn bản con. Đan dệt chúng là những vật lộn suy tư của người kể chuyện, cũng tức là tác giả. THUYỀN vì vậy là ký ức của một người được văn bản hoá kiểu tiểu thuyết để giãy giụa tìm cách định hình, lưu giữ và thoát ra ký ức của mình.

Thuyền ở tên gọi tác phẩm là một ẩn dụ. Có một con thuyền cụ thể của đoàn người vượt biên chìm nổi dập vùi giữa biển cả vô vọng. Người đọc gặp ở đây tất cả những cảnh tượng độc ác tàn bạo man rợ hãi hùng đến tột độ mà những người vượt biên phải đối mặt, chịu đựng và chấp nhận, trả giá bằng chính sinh mạng của mình. Ký ức về chuyến vượt biên diễn lại trong tâm trí ông như chỉ mới xảy ra còn tươi ròng máu trên vết thương thân thể và chấn thương nặng nề tinh thần. Nó khiến ông khi nhớ lại có thể tập trung luồng sáng hồi tưởng rọi vào một chi tiết, một trạng thái khi đó – khi đang trên con thuyền lênh đênh giữa biển khơi, nhưng là cũng soi lại quá khứ, cái đã qua, với những ý nghĩ bật ra từ bây giờ, sau độ lùi thời gian. Con thuyền vượt biên được kể lại vì thế đã là con thuyền ký ức, cả khi nó đã kết thúc chuyến đi mạo hiểm tìm sự sống của mình, đưa “tôi” cập một bến bờ sinh tồn khác. Con thuyền vượt biên đã kết thúc số phận của nó từ lâu. Nhưng con thuyền ký ức thì vẫn luôn trồi lên từ đáy sâu tâm khảm, vẫn chao đảo mãi trong sóng hồn người. Con thuyền đó đi mãi không cập bờ. Vì ký ức là không bờ bến. Như vậy tác giả kể chuyện vượt biên không chỉ để ghi lại một biến cố, một lịch sử. Ông muốn neo lại con thuyền ký ức luôn trôi nổi vật vờ không bao giờ dứt trong tâm tưởng.

Nhưng ngay cả khi con thuyền thực đang vật lộn với hành trình của nó thì ký ức đã chở nặng trên nó. Bởi ra đi là bỏ lại. Nơi đến phía trước là mông lung không xác định. Nơi để lại đằng sau là cụ thể, xác định. Ký ức của “tôi” đã chao đảo ngay khi bước chân lên thuyền. Nhân vật đồng thời xác thân ở trên con thuyền vượt biên và tâm tưởng ở trên con thuyền hồi nhớ. Cho tới lúc đã lên bờ, đã được tiếp nhận ở nước ngoài, thì một bóng người, một cảnh ngộ đời lại gợi “tôi” ký ức về chuyến đi. Tiểu thuyết THUYỀN của Nguyễn Đức Tùng vì thế thực chất là cách tác giả tìm cách viết ký ức.

“…ký ức đối với tôi không phải chỉ là sự ghi lại quá khứ, việc gìn giữ những kỷ niệm thời thơ ấu, những đau buồn của tuổi trẻ, vàng son của tự do, mà còn là tấm bản đồ dành cho tương lai, cho con đường vận động về phía trước. Ký ức trở thành động lực cho những ngày sắp tới. Không phải chỉ những mất mát - mà những mất mát cũng làm nên vốn liếng của thế hệ mai sau. Khi tôi trở về một ngõ hẻm có ngôi nhà sơn xanh xinh xắn, khi tôi đi dọc bờ biển những thị trấn ở Thái Lan, ở Việt Nam, Cambodia, Malaysia, không phải chỉ nỗi đau buồn thương tiếc dẫn tôi đi, mà còn cả niềm hy vọng rằng những ngày tháng đau khổ ấy sẽ được viết ra, được đọc, đọc lại một lần nữa bởi những người khác, đồng bào tôi, từ những hoàn cảnh khác, được thấu hiểu như trong ký ức của loài bướm kia về hàng cây phương bắc xa xôi, sáu tháng ngâm mình trong tuyết lạnh. Ký ức ấy sẽ được gửi cho con cháu của chúng, dẫn đường cho chúng, như ngôi sao trong đêm tối, như mùi hương của loài vật truyền tin tức cho nhau. Và gieo xuống trong những tế bào kia, tình yêu miên viễn…”

Viết ký ức
Con thuyền vượt biên, rộng ra là con thuyền đời của mỗi người, của cả nhân quần. Ảnh: NXB Phụ Nữ Việt Nam.

Nguyễn Đức Tùng ngoài đời là một bác sĩ. Lời văn, câu văn của ông ở THUYỀN, tôi thấy như lưỡi dao sắc lẹm của một bác sĩ phẫu thuật xoáy sâu vào tận đáy ký ức mưng mủ, phanh phui nó một cách tàn nhẫn, và phơi bày một cách đau đớn. Các chương ngắn, gẩy ra một sự kiện, một câu chuyện cốt để tác giả suy tưởng từ đó. Chúng như từng lớp ký ức bị bóc tách ra để gắn liền lại về sau, không phải trong lớp lang văn bản mà trong tâm thức người đọc, trong ý thức người tiếp nhận. Cấu trúc tiểu thuyết vì thế có sự phân mảnh, nhìn tưởng như rời rạc, chắp dính (tác giả không đặt chương mà chia đoạn có đánh số và đặt tên), kỳ thực nó xuyên suốt trong mối liên hệ đời sống bên ngoài và bên trong, bề mặt và chiều sâu, đau đớn và thức tỉnh, mất mát và tìm lại. Sóng là những lớp vỗ của không gian, của sự kiện, của đời sống nghiệt ngã. Thuyền là sự bập bênh, lắc lư của thời gian, của đời người. Con thuyền vượt biên, rộng ra là con thuyền đời của mỗi người, của cả nhân quần, chao đảo không chủ yếu vì sóng bên ngoài mà vì sóng bên trong, vì những bất ổn, lo âu của người trên thuyền. Sống và chết. Huỷ hoại và tái sinh. Lựa chọn và đánh đổi. Nguyễn Đức Tùng đã vật lộn mình trong/bằng ngôn từ giữa các mặt sấp ngửa đó. Từ đời. Từ văn chương.

Viết ký ức
Tiểu thuyết Thuyền được NXB Phụ Nữ Việt Nam xuất bản tháng 6/2025. Ảnh: NXB PNVN.

Nhưng ngôn từ ngay ngắn, mực thước làm sao viết được ký ức hỗn loạn? Trong tư cách người viết, nhà tiểu thuyết, Nguyễn Đức Tùng đã cố cách khai thác chữ và câu trong mọi khả năng của chúng và của mình. Lạ kỳ là ông viết truyện nỗi đau bằng thứ văn có thơ. Như vết mổ lên da non và lành lại, văn ông trong tiểu thuyết này đẹp một cách nhức nhối và xoa dịu trong những cật vấn suy tư miên man. Câu văn vì thế có lúc kéo dài suốt cả một đoạn một chương như cách tác giả muốn kéo người đọc cùng theo mình chảy trôi, ngụp lặn trong dòng ký ức bất tận. Dứt câu ngoi lên trên lớp sóng ngôn từ độc giả thấy mình sau cơn ngộp thở cùng tác giả được hít thở một hơi thở khác. Tâm can vừa trĩu nặng đã nhẹ bẫng. Văn Nguyễn Đức Tùng có thơ, không chỉ ở nhịp điệu hình ảnh từ ngữ, mà cả ở những chi tiết, như mái tóc những người phụ nữ quê mẹ: Họ ngồi như thế từ tờ mờ sáng, không có con đò nào cập bến, người lái đò đã đi đâu mất, họ ngồi đó suốt ngày suốt đêm, trở thành những cây liễu bên sông, và mỗi khi trăng lên, trăng lặn, mặt trời mọc, họ ngẩng đầu, hất mái tóc ra xa, buông xõa xuống, vén thành từng lọn nhỏ đẫm hơi nước từ mặt sông, xoắn chúng lại rồi thả chúng ra lần nữa như những sợi tơ trời.

Tại sao tác giả chọn cách viết này? Theo tôi vì viết ký ức tức là suy tưởng về/từ ký ức. Khi đó những biến cố, sự kiện đã ở thì quá khứ trở lại, hiện về dưới ánh sáng của tâm thức soi rọi, chiêm nghiệm ở thì hiện tại. Văn không kể mà ngẫm. Toàn bộ câu chuyện trên con thuyền vượt biên được kể và tả rất kỹ, nhưng sự tả thực ở đây không hẳn nhằm phản ánh mà cốt để nghiền ngẫm. Hãy xem đoạn 9 mang tên “Sữa”. Tiêu đề ấy xoáy ý nghĩ vào việc một đứa trẻ khát sữa trên con thuyền vượt biên. Nó khóc ngất vì mẹ nó không có sữa cho con bú. Khi ấy một cô gái trong đám người trên thuyền đã lách đến bên, “úp đứa bé vào ngực mình, luồn một tay vào dưới người nó, nâng lên, mở bật cúc áo ngực của mình”. Cô xa lạ với mọi người trên thuyền cũng như mọi người trên thuyền xa lạ với cô. Nhìn cô gái lạ cho đứa trẻ lạ bú sữa mình, người kể chuyện nhớ lại tuổi thơ mình cũng đã được mẹ cho đi bú nhờ người mẹ khác trong xóm – theo dân gian vùng quê ấy đó là cách gọi sữa về. Từ một dòng sữa mẹ trong một hoàn cảnh éo le, trớ trêu, chênh vênh sống chết giữa biển cả, tác giả (người kể chuyện) nhận ra: “Sau này, mỗi khi nhớ lại, hình ảnh người đàn bà và đứa trẻ lại hiện ra trong tôi, tươi mát như mưa xuân trên mạn thuyền, khi người ta có thể gọi sữa về từ một bến bờ xa lạ nhưng cũng thật gần. Tôi nhận ra không phải ta đi tìm tuổi thơ của mình mà tuổi thơ đi tìm ta, tìm và lay gọi.” Cách viết này đúng có thể gọi là nhớ lại và suy nghĩ. (Trong một diễn biến không liên quan đến truyện, nhưng đọc đoạn văn trên theo kiểu liên văn bản, tôi nhớ tới câu thơ Huy Cận “mưa xuân tươi tốt cả cây buồm” và tiểu thuyết “Tuổi thơ mãi mãi cùng ta” của nhà văn Nga Mustai Karim.) Trong THUYỀN còn có nhiều những đoạn ngắn tác giả viết kiểu trữ tình ngoại đề, vừa như độc thoại vừa như đối thoại, nhằm khơi gợi tâm tình và suy tưởng cho nhân vật “tôi”, cho chính mình, và cho người đọc.

Cuốn sách là ký ức của một người có tên Nguyễn Đức Tùng. Một ký ức được viết thành/bằng tiểu thuyết nhan đề THUYỀN. Tôi nhớ tới một tên sách của nhà văn Nga Anatoly Rybakov (1911/1998): Рома́н-воспомина́ние (Tiểu thuyết-hồi ức). Tiểu thuyết ở đây là tên sách chứ không phải tên thể loại. A. Rybakov có ý của ông khi đặt cho cuốn tự thuật, tác phẩm cuối cùng của mình, cái tên như vậy. Nguyễn Đức Tùng thì ghi hẳn tên thể loại tiểu thuyết cho cuốn sách có tính tự truyện của mình. Như vậy THUYỀN rộng hơn ký ức của một người. Đọc nó người không có cùng cảnh ngộ như tác giả vẫn đồng cảm, chấp nhận và thấu hiểu. Và vẫn có thể cùng tác giả lật trở băn khoăn câu hỏi: ký ức là gì, làm sao viết được ký ức?

Tôi nhận ra rằng việc ghi nhớ trở lại những sự thật, và những sự thật khác bên dưới sự thật đầu tiên, không phải là niềm vui, không phải nỗi buồn, cũng không phải là bổn phận, nó tựa như con đường. Cái cách mà người ta sống trên đời, cái cách mà bạn bước đi. Nhớ lại và kể lại và giải thích và chiếu rọi vào những sự vật ấy ánh sáng của chút tình yêu còn lại không phải là bổn phận mà tôi phải trả cho một người nào, hay trả món nợ, món nợ ấy nếu có thì tôi cũng không bao giờ trả được. Đó là phương cách mà con người tồn tại cho đến khi hắn không còn tồn tại nữa, như một con chim thì bay và hót, như một người thì bước đi trên hai chân, thuyền thì trôi trên nước. Những tháng năm dằng dặc sắp tới chẳng qua là sự lặp lại quá khứ của đời mình theo một cách khác, cô độc hơn nhưng thong thả hơn, không vội vã như thời trước và nhờ thế mà tôi có thể chiêm nghiệm được thời gian và khuôn mặt mờ ảo của Liên Hương ngày một rõ hơn, trắng và tươi tắn, với những sợi tóc mai lòa xòa ngày càng trở nên thân thiết, làm cho đời sống không còn góa bụa.

Tác giả trong cuốn tiểu thuyết nhiều lần xen vào những khúc kể là những đoạn nghĩ về cái kể của mình như thế này. Kết lại các đoạn đó người đọc có thể đọc thành một tiểu luận về quá khứ, ký ức, và cách nhớ lại, kể lại, viết lại nó. Vậy cứ ngồi THUYỀN để tác giả chèo lái ký ức chở ta đi vào chốn “mù không lối vào” như trong câu hát nhạc Trịnh.

Viết ký ức

9h sáng thứ Bảy, ngày 14/6/2025, buổi giao lưu với nhà văn - bác sĩ Nguyễn Đức Tùng sẽ diễn ra tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam - 36 Lý Thường Kiệt, phường Hàng Bài, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

✅Khách mời giao lưu cùng tác giả Nguyễn Đức Tùng . Tiến sĩ Đỗ Hải Ninh - Viện Văn học. Tiến sĩ Trần Ngọc Hiếu - Trường ĐH Sư phạm Hà Nội. Điều phối chương trình: Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên.

Bình luận

avatar-comment
Bảo vệ Tổ quốc trong kỷ nguyên mới

Bảo vệ Tổ quốc trong kỷ nguyên mới

Baovannghe.vn - Chiều 3/7 tại trụ sở Bộ Công an (TP Hà Nội) đã diễn ra Hội thảo khoa học cấp Quốc gia “Sự phát triển của Việt Nam trong kỷ nguyên mới và những vấn đề đặt ra đối với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc - Lý luận và thực tiễn”.
Bộ GD&ĐT: Không ép tiến độ trong công tác chấm thi, đảm bảo tinh thần "6 rõ"

Bộ GD&ĐT: Không ép tiến độ trong công tác chấm thi, đảm bảo tinh thần "6 rõ"

Baovannghe.vn - Đoàn công tác của Bộ GD&ĐT do Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng dẫn đầu đã làm việc tại Hội đồng chấm thi số 2, Hội đồng thi tỉnh Ninh Bình.
Giải cứu tin mừng - Thơ Lê Anh Hoài

Giải cứu tin mừng - Thơ Lê Anh Hoài

Baovannghe.vn- Những thiên sứ mang tin mừng bất tận/ chúng tôi giải cứu tin mừng
Nợ, duyên Cồn Cỏ. Truyện ngắn của Trần Quỳnh Nga

Nợ, duyên Cồn Cỏ. Truyện ngắn của Trần Quỳnh Nga

Baovannghe.vn- Mỗi lần về Quảng Trị, ghé Cửa Tùng, tôi thường nhớ tới bà nội tôi. Bà ngồi nơi chiếc võng mắc đung đưa giữa hai cây dương nhìn ra xa xa chỉ cho tôi: Đó là đảo Cồn Cỏ.
Hoạ sĩ Ngy Ngy: Tan trong hồ xúc cảm

Hoạ sĩ Ngy Ngy: Tan trong hồ xúc cảm

Baovannghe.vn - Trong hội họa, mỗi tác phẩm đều có một âm thanh riêng biệt, có khi sẽ là sự ồn ào của sự tương phản màu sắc, có khi sẽ là những tiếng gõ đều đều của một họa tiết, có khi lại là một sự lặng im tuyệt đối. Một nhịp điệu của sự im lặng, một tiết tấu lẻ loi trong lơ đãng, Nguyễn Xuân Nghi đã tạo ra những bản nhạc thị giác lặng thinh như vậy.