Diễn đàn lý luận

Nhà văn Hữu Phương - Hướng dẫn giải toán qua điện thoại

Hồ Ngọc Diệp
Chân dung văn học
20:50 | 21/11/2024
Baovannghe.vn - Khi tôi đến, nhà văn Hữu Phương đang nói chuyện qua điện thoại. Tôi nhẹ nhàng ngồi xuống ghế, để không ngắt quãng công việc của anh. Xong, anh áy náy nói: “Xin lỗi, cứ tự nhiên nhé. Tôi đang lỡ hướng dẫn giải toán cho cô em vợ. Cô ấy đang học đại học tại chức, ở xa, không đến đây được”.
aa

Nhà văn Hữu Phương tên khai sinh là Nguyễn Hữu Thê, sinh năm 1949. Quê quán Đại Trạch, Bố Trạch, Quảng Bình. Ông tốt nghiệp Khoa toán Đại học Sư phạm Vinh năm 1972. Giáo viên Trường CĐSP Quảng Bình và CĐSP Bình Trị Thiên (1972-1993). Phó Chủ tịch (1993-1998), Chủ tịch (1998-2009) Hội Văn học Nghệ thuật Quảng Bình.

Tác phẩm đã xuất bản: Con người thánh thiện (tập truyện ngắn, 1991), Đêm hoa quỳnh nở (tập truyện ngắn, 1995), Hoa cúc dại (tập truyện ngắn, 1997), Khách má hồng (tập truyện ngắn, 2002), Chân trời mùa hạ (tiểu thuyết, 2007 và 2010), Văn học dân gian vùng sông Dinh (nghiên cứu văn hóa, 2010), Anh bộ đội và cô gái mặc quân phục xanh (tập truyện ngắn, 2011)...

Giải nhì cuộc thi tiểu thuyết của Hội Nhà văn Việt Nam lần thứ III (2006-2010) kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Cup của Bộ NN&PTNT cho tác phẩm xuất sắc về đề tài Nông nghiệp nông thôn nông dân Việt Nam giai đoạn (1983-2011). Giải thưởng cuộc thi truyện ngắn của Tạp chí Văn nghệ quân đội (1989-1990). Giải ba giải Cây bút vàng của Bộ Công An và Hội Nhà văn Việt Nam (1998- 2001). Giải thưởng của Bộ Tư lệnh Biên phòng (2008). Ba lần giải A và một lần giả B Giải thường định kỳ 5 năm mang tên Lưu Trọng Lư của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình.

Hữu Phương sinh ra ở một vùng nông thôn nghèo. Miền quê ấy là một trong cái rốn bom đạn ác liệt trong chiến tranh phá hoại miền Bắc của giặc Mỹ ở Quảng Bình. Nó đã chảy vào trong nhiều tác phẩm viết về chiến tranh của anh.

Nhớ lại, năm học 1972-1973, tôi đang là giáo viên dạy văn của năm thứ 3 ở trường phổ thông cấp 3 Bắc Quảng Trạch. Lúc đó, trường sơ tán lên xã Quảng Lưu, cách thị trấn Ba Đồn về phía Tây Bắc gần 20 km. Năm đó, nhà trường được tăng cường một lực lượng sinh viên mới tốt nghiệp khá đông, gần chục người. Với ý đồ của trên là xây dựng trường phổ thông cấp 3 Bắc Quảng Trạch thành đơn vị Anh hùng. Theo mô hình trường phổ thông thời chiến. Na ná vừa học vừa làm. Thầy giáo dạy toán Nguyễn Hữu Thê nhập môn với chúng tôi với bao nhiệt huyết của một sinh viên mới ra trường. Anh cùng chúng tôi đi rừng chặt gỗ, rồi gồng mình cùng lũ học trò đào hào, làm hầm học để tránh bom đạn Mỹ. Có những giờ lên lớp, máy bay Mỹ thét gào, săm soi mục tiêu, vì chỗ trường chúng tôi sơ tán, có một đơn vị ra đa của bộ đội tên lửa mới chuyển về. Đêm đêm pháo từ các hạm tàu của Mỹ ngoài khơi bay viu víu qua đầu, rồi nổ ùng oàng theo các trục đường ra trận. Nhưng, dưới những mái nhà lớp học nửa chìm nửa nổi trong lòng đất ấy, hoa “hai tốt” vẫn nở hồng trong năm tháng. Bao tâm hồn của những lớp học sinh vẫn phơi phới vì được học tập và rèn luyện ở nơi đây. Thỉnh thoảng thầy giáo dạy toán Nguyễn Hữu Thê đọc trước hội nghị chi đoàn giáo viên chúng tôi một vài bài thơ vừa mới sáng tác. Ai ngờ, vài chục năm sau, anh trở thành nhà văn Hữu Phương đĩnh đạc, có tên tuổi, có thứ hạng trên văn đàn nước nhà. Bút danh Hữu Phương được ghép từ chữ lót trong tên riêng, với chữ cuối của Hợp tác xã Đại Phương quê anh.

Nhà văn Hữu Phương - Hướng dẫn giải toán qua điện thoại
Nhà văn Hữu Phương (1949 - 2023)

Tháng 1/1973, Hiệp định Paris về Việt Nam được ký kết. Mỹ buộc phải ngừng ném bom trên toàn miền Bắc. Trường phổ thông cấp 3 Bắc Quảng Trạch thôi áp dụng mô hình thời chiến. Hẳn nhiên cũng không tiếp tục xây dựng đơn vị anh hùng nữa. Hữu Phương được chuyển vào giảng dạy tại trường Sư phạm 10+3 Quảng Bình (vài năm sau là trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Bình). Đất nước thống nhất, năm 1976 ba tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên hợp nhất, thành tỉnh Bình Trị Thiên. Hữu Phương là giáo viên toán Trường Cao đẳng Sư phạm Bình Trị Thiên. (Lúc này trường có hai phân hiệu: Huế và Đồng Hới. Hữu Phương dạy ở Phân hiệu Đồng Hới). Khi đất nước đổi mới, từ một tác giả thơ của Hội văn nghệ Bình Trị Thiên, Hữu Phương chuyển qua viết văn xuôi. Truyện ngắn đầu tiên “Trăng sáng vườn dưa” được viết năm 1987. Nhưng anh có chút nghi ngại về nhân vật lão Điều hơi gớm ghiếc, không dám gửi in. Mãi năm 1988 mới đăng ở Tạp chí Sông Hương (số 3.1988). Sau này, các tuyển tập của Tạp chí Sông Hương đều chọn truyện ngắn này. Tiếp đó, truyện ngắn “Ông Điện Biên”, đăng ở Tạp chí Văn nghệ Quân đội (1987). Từ đó, truyện ngắn của anh xuất hiện khá đều trên Báo Văn Nghệ và Tạp chí Văn nghệ Quân đội, gây được tiếng vang, như: “Chiến tranh chấm dứt từ lâu”, “Đêm hoa quỳnh nở”, “Con người thánh thiện”, “Ba người trên sân ga”, “Khách má hồng”, “Nước chảy chân cầu” ...

Đôi khi, số phận cuộc đời dẫn dắt, ta không thể biết được. Hữu Phương là một ví dụ. Anh bị sáng tác văn chương ám ảnh từ khi còn là học sinh lớp bốn. Lúc đó, thầy giáo trẻ của anh là Lê Hải Tâm, người làng Văn Hóa. Một hôm, ông đưa cho nhóm học sinh cưng xem bản thảo tiểu thuyết “Mùa thu thứ chín”. Chữ thầy đẹp, viết trên giấy pơ luya trắng tăm tắp. Nhóm học sinh thấy hoa mắt. Không ngờ thầy giáo của mình tài giỏi thế. Vài hôm sau thầy nói, đã thay tên tiểu thuyết, thành “Trở về Đồng Hới”. Khi lớp thi tốt nghiệp xong, thầy lại cho học sinh xem một tờ giấy in sẵn, có đóng dấu, của một nhà xuất bản. Đại ý rằng, nhà xuất bản đã nhận được bản thảo tiểu thuyết “Trở về Đồng Hới”. Khi nào sử dụng thì sẽ báo lại. Thầy trò reo mừng khôn xiết. Ông bảo khi nào in, ông sẽ tặng chúng tôi mỗi đứa một cuốn. Có lẽ tiểu thuyết không in được. Nhưng sự việc ấy đã nhen lên trong anh một ngọn lửa âm ỉ. Đến nỗi, khi học hết cấp hai, anh nghĩ là đã đủ chữ để đi viết văn, không học tiếp nữa. Song, hai ông anh rể phản đối quyết liệt, bảo anh phải học hết cấp 3 đã. Nhưng lên cấp 3 được vài tháng, người ta đưa anh đi học lớp chuyên toán. Đó là lớp chuyên toán đầu tiên của tỉnh Quảng Bình. Rồi anh vào học Khoa Toán, Đại học sư phạm Vinh, hệ 4 năm đầu tiên. Rồi dạy toán 20 năm ở một trường Cao đẳng Sư phạm. Vậy mà, lại rời bục giảng, theo nghiệp văn chương...

Năm 1991, sau khi truyện ngắn “Đêm hoa quỳnh nở” đoạt giải thưởng cuộc thi truyện ngắn của Tạp chí Văn nghệ Quân đội (1989-1990), và một số truyện ngắn có tiếng vang trên báo Văn nghệ, anh xuất bản tập truyện ngắn đầu tiên mang tên “Con người thánh thiện”. Với tập truyện này, bạn đọc và giới phê bình văn học xác nhận chỗ đứng của một tác giả đầy nội lực trên văn đàn. Đến nỗi, nhà thơ Xuân Hoàng, một lãnh đạo kỳ cựu của Hội Văn học nghệ thuật Quảng Bình, đã đánh giá trong một bài viết rằng, sự xuất hiện của Hữu Phương là đột ngột và xuất sắc. Điều này đã lọt con mắt xanh của Tổ chức Tỉnh ủy. Và tại Đại hội lần thứ VI Hội Văn học nghệ thuật Quảng Bình (1993-1998), Hữu Phương được bầu làm Phó Chủ tịch trực Hội. Từ đây, anh bước hẳn vào con đường sáng tác chuyên nghiệp.

Thành công của một tác giả ghi dấu ấn trong tâm trí người đọc khi tác phẩm của họ có một bản sắc riêng, dấu ấn riêng mà không ai có được. Những sáng tác của Hữu Phương chiếm được cảm tình của người đọc từ ấy cho đến bây giờ. Ở anh có một nét độc đáo quý phái của văn xuôi là lối kể chuyện hồn nhiên, lớp lang mạch lạc, và nhất là sự phân tích tâm lý nhân vật sâu sắc, đồng thời là chất phồn thực nhuần nhị riêng biệt trong tác phẩm của mình. Chính điều đó khiến những sáng tác văn xuôi của anh đạt những thành công này đến những thành công khác.

Còn nhớ năm 1991, anh dẫn sinh viên đi thực tập ở Tuyên Hóa, Tây Bắc Quảng Bình. Tại đây, anh được nghe cán bộ địa phương kể lại cuộc chiến đấu oanh liệt của một phân đội thuộc Tiểu đoàn hải quân sông Gianh chống trả cả một lực lượng không quân Mỹ hùng hậu từ hạm đội 7 ập vào, quyết tâm tiêu diệt các hạm tàu hải quân ta đang ẩn nấp hai phía bờ sông. Những hình ảnh các chiến sĩ hải quân trên tàu chiến đấu ngoan cường rồi hy sinh, bị thương, đã được các nữ dân quân bất chấp bom đạn réo sôi, bơi ra giữa dòng, lặn tìm đưa vào bờ, đã làm anh thổn thức, muốn viết về họ. Nhưng vẫn chưa tìm được cách cấu trúc câu chuyện. Mãi mấy năm sau, mùa hạ 1990, nhân một lần đi uống bia “khổ” tại nhà một anh bạn ở Tây Lộc (Huế), anh bắt gặp một hoàn cảnh thực tiễn, giúp anh cấu trúc truyện ngắn “Ba người trên sân ga”. Vừa định viết, anh có quyết định di chuyển gia đình ra Quảng Bình. Sau ổn định ăn ở, đầu năm 1991, anh mới bắt tay vào viết. Và báo Văn nghệ in khoảng tháng 3/1991. Mới biết, lao động nghệ thuật lao lung, vất vả đến như thế nào! Cho đến nay, truyện ngắn “Ba người trên sân ga” đã có mặt trong rất nhiều tuyển tập văn xuôi lớn. Và được đánh giá là một trong những truyện ngắn hay của văn học Việt Nam đương đại. Mấy năm sau, nhà văn Nguyễn Quang Lập đã chuyển thể truyện ngắn “Ba người trên sân ga” thành kịch bản phim truyện nhựa mang tên “Đời cát”. Phim “Đời cát” do dạo diễn Nguyễn Thanh Vân dựng, đã đoạt các giải thưởng lớn: giải “Cánh diều vàng” (2000), “Bông sen vàng” (2001), đặc biệt giải vàng tại Liên hoan phim châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 15 (năm 2000) tại Hà Nội, và giải thưởng lớn của Hội đồng nhà thờ thế giới.

Đại hội lần thứ VII (1998-2003) và lần thứ VIII (2003-2009) của Hội Văn học nghệ thuật Quảng Bình, nhà văn Hữu Phương được bầu làm Chủ tịch Hội. Công việc lãnh đạo một hội văn nghệ địa phương rất vất vả, nhưng Hữu Phương vẫn tỏ rõ một cây bút đầy nội lực. Bên cạnh bốn tập truyện ngắn in tiếp theo, anh cho ra đời tiểu thuyết “Chân trời mùa hạ” xấp xỉ 600 trang in. Tiểu thuyết được Nxb Hội Nhà văn in năm 2007 và Nxb Quân đội Nhân dân in năm 2011. Tác phẩm này đã đoạt giải nhì cuộc thi viết tiểu thuyết của Hội Nhà văn Việt Nam lần thứ III (2006-2010), kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Tiểu thuyết này sau đó cũng đã đoạt Cúp của Bộ NN&PTNT cho tác phẩm xuất sắc về đề tài Nông nghiệp, nông thôn, nông dân Việt Nam giai đoạn (1983-2011). Đầu năm 2010 nhà văn Hữu Phương chính thức nghỉ hưu. Khác với nhiều cán bộ chức quyền khác, nghỉ hưu thường hẫng hụt, bị sốc nặng, có người mất mấy năm. Hữu Phương ngược lại, nghỉ hưu như một sự giải thoát khỏi công việc nhà nước. Và, một cuộc chạy tiếp sức lại bắt đầu. Trong vòng 3 năm, ngoài các truyện ngắn in đều trên các báo, anh xuất bản hai đầu sách mới: “Văn nghệ dân gian vùng sông Dinh”, vùng quê hương anh, và tập truyện ngắn “Anh bộ đội và cô gái mặc quân phục xanh”. Nhưng quan trọng hơn, anh đã “bỏ túi” bản thảo tiểu thuyết “Xe chạy lúc nửa đêm” gần 400 trang chưa muốn in, và bản thảo công trình “Lịch sử Hội Văn học nghệ thuật Quảng Bình” trên 400 trang, trước bao sự mừng rỡ, thán phục của mọi người. Hiện anh đang viết dở tiểu thuyết “Súng nổ bến Thiên Đường”...

Hữu Phương có hai cô con gái. Cô đầu đang làm nghiên cứu sinh tiến sĩ về văn học Pháp tại Paris. Cô thứ hai làm ở một ngân hàng trong thành phố Đồng Hới. Như bao người nên ông nên bà, nghỉ hưu, nhà văn Hữu Phương kiêm thêm cả trông kèm hai đứa cháu ngoại ở với vợ chồng anh, một lên 6 và một lên 2. Chúng nghịch quá trời đất, anh nói, nhưng vắng chúng một buổi thì buồn và nhớ kinh khủng, không viết được!

Văn nghệ số 49/2015

Nhà văn Hữu Phương - Hướng dẫn giải toán qua điện thoại
Biển Đá Nhảy - Bố Trạch - Quảng Bình. Ảnh Internet
Nhà thơ Chu Thùy Liên: Ngẩn ngơ nhìn hoa mận trắng

Nhà thơ Chu Thùy Liên: Ngẩn ngơ nhìn hoa mận trắng

Baovannghe.vn - Mùa hoa mận của Chu Thùy Liên là mùa xuân rộn ràng của núi rừng Tây Bắc, ở đó tác giả gửi gắm những điều tốt lành như ước mơ ai cũng được thả lên trời cao và lời chúc cho những người con của quê hương dù đi đâu xa đều gặp may mắn, duyên lành để "nhớ lối trở về".
Di sản bất hòa ở Đông Âu

Di sản bất hòa ở Đông Âu

Baovannghe.vn - Tinh thần dám đối diện với quá khứ, dám chấp nhận sự đa dạng của văn hóa đã giúp các quốc gia Đông Âu và cả châu Âu bước qua nhiều trở ngại để bảo tồn và khai thác khối di sản kiến trúc XHCN ở Đông Âu.
Sầm Sơn trong thơ ca xưa và nay

Sầm Sơn trong thơ ca xưa và nay

Baovannghe.vn - Sầm Sơn đang góp phần đưa tỉnh Thanh Hóa đứng top đầu các tỉnh phía Bắc trong phát triển kinh tế, văn hóa...
Quả chuối dán trên tường được bán với giá 6,24 triệu đô la

Quả chuối dán trên tường được bán với giá 6,24 triệu đô la

Baovannghe.vn - Ngày 20 tháng 11 năm 2024, quả chuối mang tên Comedian của Maurizio Cattelan đã được bán tại nhà đấu giá Sotheby’s với giá 6,24 triệu đô la, trở thành tác phẩm nghệ thuật gây tranh cãi nhất trong giới nghệ thuật đương đại. Một quả chuối dán tường với cuộn băng keo đã tạo nên cơn sốt toàn cầu, không chỉ vì giá trị vật chất, mà còn vì các câu hỏi nó đặt ra về giá trị thực sự của nghệ thuật.
Thông cáo báo chí số 22, Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội khóa XV

Thông cáo báo chí số 22, Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội khóa XV

Baovannghe.vn - Thứ Năm, ngày 21/11/2024, Quốc hội tiếp tục ngày làm việc thứ 22 (Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội khóa XV) tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội.