Tôi vẫn còn nhớ ngày viết tiểu thuyết lớn nhất đời ông Cuộc thăng trầm (2 tập khoảng 800 trang). Cuốn sách ngốn mất của ông hơn 6 năm trời và một phần sức lực. Nhiều lần tôi đến, ông ngừng viết, pha trà và đọc say sưa những đoạn còn chưa ráo mực. Đó là cuốn sách viết về bi kịch của vị anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi sau khi phò Lê Lợi chiến thắng giặc Minh xâm lược. Người anh hùng nhân nghĩa ấy đã bị bọn gian thần tìm cách hãm hại. Thành công của Minh Giang là đã dựng lại một tiến trình thay máu trong bộ máy quyền lực nhà Hậu Lê, gian thần lộng quyền, hãm hại trung lương để lại bi kịch đau đớn hằn in vào lịch sử.
Sau Cuộc thăng trầm, ông có thêm một số tiểu thuyết lịch sử khác như: Bạch vân cư sỹ viết về Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm; Mây núi hồng viết về danh nhân văn hóa Võ Liêm Sơn; ông cũng viết về cuộc di cư năm 1954 qua tiểu thuyết Gió cuốn. Nếu lần về quãng trước, ông có Cao nguyên xanh, Tiếng đàn tranh, Đôi mắt Huế và nhiều tác phẩm khác.
|
Với Minh Giang, trong mỗi cuốn sách bao giờ ông cũng cố gắng xây dựng nhân vật giàu cá tính và thế giới nghệ thuật sống động. Ba cuốn tiểu thuyết lịch sử về ba thời kỳ, ba nhân vật lịch sử Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm và sau này là Võ Liêm Sơn, được tái dựng có chiều sâu. Mỗi nhân vật lớn ấy là sự kết tinh những giá trị văn hóa cổ truyền của dân tộc những giai đoạn khác nhau của lịch sử, đồng thời cũng là những cá tính sống động. Hai tiểu thuyết Gió cuốn và Đôi mắt Huế lại đi thẳng vào đề tài hiện đại không ít gai góc. Nếu như Đôi mắt Huế được coi như tiểu thuyết có giá trị và hấp dẫn về chiến tranh chống Mỹ ở mặt trận Bình Trị Thiên thì Gió cuốn lại đi sâu vào đề tài khá nhạy cảm về người công giáo trong cuộc di cư năm 1954, song tác giả đã giải quyết những xung đột một cách hợp lý được đông đảo bạn đọc đón nhận.
Tôi biết, cuộc đời ông có những nỗi oan khiên. Câu chuyện giờ nhắc lại khiến nhiều người ngỡ ngàng bởi nó quá vô lý. Có lần Minh Giang kể, trên tạp chí Văn nghệ quân đội đó có trích đăng một phần trường ca Đây Việt Bắc của Trần Dần. Việc này không phải do tổ thơ (Minh Giang thuộc tổ thơ) mà do Tổng biên tập và thư ký đề xuất. Không ngờ sau đó tác phẩm này bị phê phán. Trần Dần bị xếp vào Nhân văn giai phẩm. Thế rồi có những kẻ ác ý đã cho rằng Minh Giang là “cái cống để nước bẩn chảy qua”. Ông bị cảnh cáo, ghi lý lịch, bị đưa xuống sư đoàn 335 làm kinh tế ở Tây Bắc, rồi bị kết tội thầm lặng và suốt 20 năm (1956-1976) không được lên một bậc lương, không được in tác phẩm. Mọi cố gắng của ông trong sáng tác và công tác tại tòa soạn không hề được ghi nhận cho đến tận ngày ông chuyển ngành sang xuất bản, và sau đó làm giảng viên trường đại học Sân khấu Điện ảnh thì cái án lạ lùng ấy mới chấm dứt.
Trong khoảng 40 năm công tác ở những cương vị khác nhau, thì trừ khoảng sáng đầu đời trong những năm chống Pháp, có lẽ mãi khi chuyển về Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh ông mới nhận được những ghi nhận xứng đáng. Ở đây, Minh Giang được giao nhiệm vụ giảng dạy môn triết học. Và điều đáng nói là, với một bộ môn khó dạy, khó học, đa số sinh viên không hào hứng, nhưng Minh Giang với khả năng biểu đạt của một nhà văn, sử dụng các phương pháp truyền thụ mềm dẻo, linh hoạt, đã có sức lôi cuốn hàng ngàn học sinh say mê. Minh Giang trở thành một giảng viên được đồng nghiệp đánh giá cao và sinh viên yêu mến.
Thực ra trước khi vướng vào những oan ức vô lý khiến cuộc đời nhuốn vị cay đắng suốt 20 năm, Minh Giang đã từng là một nhà thơ có tiếng. Năm 1951, khi mới hơn 20 tuổi ông có bài thơ Gửi anh bạn Triều Tiên được ngâm đọc khắp trong nam ngoài bắc, và Minh Giang thưở ấy được ghi nhận là người khởi đầu cho dòng thơ chống Mỹ mà sau này trở thành chủ đạo trong thập kỷ 60, 70 thế kỷ trước. Cũng chính những sáng tác đầu đời, Minh Giang trở thành Hội viên sáng lập Hội nhà văn Việt Nam năm1957. Nhưng rồi ánh hào quang buổi đầu ấy nhanh chóng bị dập tắt do những vận hạn như từ trên trời ập xuống.
Nếu không kiên trung, không nhẫn nại, chắc Minh Giang không thể tiếp tục trụ lại trên con đường nghiệt ngã của văn chương. Đau thương đấy, khó khăn đấy, ngập tràn những cản lực, nhưng ông vẫn âm thầm viết, âm thầm học hỏi và làm giàu thêm kiến thức của mình. Đến năm 1972 ông có bài thơ Vầng trán bầu trời mà theo nhà văn Sơn Tùng, đương thời, được nhà thơ - nhạc sỹ Văn Cao khi ngồi trên Chiếu Văn cùng các bè bạn như Sơn Tùng, Đặng Đình Hưng, Tân Trà, đã cho rằng: “Đó là một bài thơ thần tri thi lâm, bài thơ loại hay nhất trong rừng thơ kháng chiến Việt Nam”.
Minh Giang như một ẩn sỹ. Chẳng cần cái danh tiếng hão. Ông viết văn như một công việc tự nhiên, như một định mệnh và một trách nhiệm. Dù vậy, sự thiếu vắng tri âm khiến ông cô đơn biết bao. Chứng kiến cuộc sống và việc làm của ông, tôi hiểu Minh Giang tận tâm tận lực với văn chương, nhưng cũng thanh thản vô cùng trước danh lợi kiếp người. Ông là người hiểu được sắc - không. Như một cái cây mọc không đúng mùa, hoa không được nở đến viên mãn, lá không được non mởn. Vậy thôi.
Văn nghệ số 43/2016
Hồ Kẻ Gỗ - Hà Tĩnh. Ảnh Internet |