Nhớ hơn bốn mươi năm về trước, vào khoảng đầu mùa đông năm 1974 - mùa dỡ củ dong riềng - tôi đi chợ Chũ (Lục Ngạn), mua được tập truyện Khúc sông. Trên lối mòn đường rừng, bước thấp bước cao, tôi vừa đi vừa tranh thủ đọc. Ngày ấy, tôi chỉ biết tên tác giả là Nguyễn Thiều Nam, nào có biết đẳng cấp của ông trong làng văn ra sao!
Đọc tập truyện, tôi cứ ấn tượng mãi về dòng sông Bồ với đội thuyền vận tải, về cái đêm chị Thích và Hiệt nằm bên con suối lũ: “Chị tưởng ở đây có hai người thôi à! Tôi nói có bốn: Chị và lương tâm chị, tôi và lương tâm tôi!” - “Vậy là chị hơn tôi 6 tuổi, tôi coi chị như chị cả” - “Thôi, ngủ đi chị ạ! Đừng trăn trở vớ vẩn, ngủ đi là quên hết”. Thế rồi chị Thích hy sinh... Giữa cái thời đạn bom ấy “mỗi cái chết đều không phải vì người chết mà vì sự đòi hỏi đối với người sống” thì sự ra đi vĩnh viễn của chị Thích lại gieo vào lòng người đọc một chút chạnh lòng trắc ẩn, một nốt nhạc trầm về thân phận, về quyền sống và tính nhân văn muôn thuở, nó chớp sáng giữa thời đoạn bất bình thường, khi mỗi con người phải cương lên với ý nguyện và trách nhiệm, sống vượt lên mình cho kịp bước đi của thời đại: “Giờ đây ai cũng nói về chị những điều tốt lành; và ai cũng hối hận rằng, dường như những năm tháng vừa qua chưa sống với chị thật trọn vẹn. Đáng lẽ phải thương yêu hơn, ưu ái hơn, càng thương yêu ưu ái những lúc chị lỗi lầm”...