Trong lĩnh vực Văn hóa, Văn học Nghệ thuật là địa hạt tối quan trọng, giúp hình thành hệ hình thái ý thức cùng hệ giá trị của dân tộc, của con người cộng đồng. Văn học nghệ thuật chân chính luôn lấy Chân – Thiện – Mỹ làm sứ mệnh và mục tiêu sáng tạo.
Thời gian qua, trong khi đã đạt được nhiều kết qủa quan trọng, hoạt động văn hóa nước ta vẫn tồn tại những mặt yếu kém, chưa tương xứng với đòi hỏi đa diện của thời đại. Nổi bật nhất là biểu hiện văn hóa thiếu gắn kết chặt chẽ với chính trị và kinh tế, từ đó hạn chế vai trò, chức năng của bản thân văn hóa. Tại Nghị quyết Trung ương 9 khóa XI đã khẳng định:” Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội”, đồng thời đề ra nhiệm vụ tiến hành“ Xây dựng văn hóa trong chính trị và kinh tế”, nhằm có được một hệ thống chính trị cũng như hệ thống kinh tế trong sạch, bền vững, thực sự vì nhân dân, dân tộc. Suy cho cùng, chính trị chính là đời sống. Văn hóa, kinh tế, xã hội cũng chính là đời sống. Hoạt động văn học nghệ thuật, về lý thuyết cũng như thực tiễn, là hoạt động chính trị, kinh tế đặc thù. Văn học nghệ thuật với chính trị, kinh tế, xã hội có mối quan hệ ràng buộc, luôn bổ sung cho nhau và ở trong nhau, cùng có chung mục tiêu tối thượng là phấn đấu cho một thể chế độc lập tự do, một đời sống đầy đủ, hạnh phúc, dân chủ, công bằng.Vì vậy, thực chất, tất cả là một khối, lĩnh vực này tựa vào lĩnh vực kia, cùng thúc đẩy nhau phát triển trên một động lực chung.
Sứ mệnh cũng như mục tiêu của hoạt động văn học nghệ thuật là nâng cao dân trí, tô đẹp phẩm cách con người, là hướng tới xây dựng xã hội văn minh, hạnh phúc. Tác phẩm văn học nghệ thuật giữ vai trò trung tâm trong việc hình thành đạo đức xã hội cũng như bồi bổ tâm hồn cá thể, truyền cảm hứng cho mọi người tự nâng cao kiến thức, nhận thức, ý thức và trang bị thái độ văn hóa mới chuẩn mực hơn. Bản thân nghệ sĩ sáng tác, được sống và rung động qua cảm nhận thực tiễn phong phú, từ đó nảy sinh thôi thúc, đam mê sáng tạo. Quá trình thai nghén ấy bộc lộ rõ rệt năng lực cùng trách nhiệm của nghệ sĩ. Nghệ sĩ sáng tạo, khác với nhà khoa học, luôn cần cảm xúc sâu sắc, suy đoán trừu tượng cùng óc tưởng tượng năng động. Đặc biệt, cần nhân cách và cá tính. Nhân cách trung thực, cá tính riêng của bản thân cũng như sắc màu chung của dân tộc.
Điều kiện sáng tạo nghệ thuật chính là điều kiện phát triển tư duy hình tượng tới độ xuất thần. Thế giới nội tâm của nghệ sĩ cùng môi trường xã hội là cặp tác nhân song hành, định dạng phương pháp sáng tạo trong quá trình nghệ sĩ đi tìm hình tượng nghệ thuật. Và chính tự do sáng tạo là yếu tố nền tảng khai mở khả năng cùng hiệu quả tư duy hình tượng đó dối với nghệ sĩ.
Do vậy, để sáng tạo hiệu quả, nghệ sĩ cần tự do sáng tạo như cần không khí để thở. Nội hàm tự do sáng tạo gồm tự do tư duy và tự do thể hiện. Pháp luật nước ta đảm bảo quyền tự do ấy, nó đòi hỏi chủ thể quản lý sáng tạo phải khách quan, tránh cảm tính, đồng thời có đủ trình độ nhận thức toàn diện để có thể đồng hành cùng sự nghiệp sáng tạo của nghệ sĩ, đảm bảo sự tôn trọng bản sắc và cá tính nghệ thuật, tôn trọng sự khác biệt tư duy cùng phương pháp biểu đạt của nghệ sĩ, từ dó nâng đỡ tài năng phát triển.
Đối với nghệ sĩ chân chính, phần lớn không gian tự do thường là tự họ chủ động tạo ra; bỡi nó quan hệ mật thiết với tình cảm, quan niệm, tư tưởng của bản thân nghệ sĩ. Một khi tư tưởng thông suốt với một tình yêu lớn, tự giác phụng sự đồng bào và đất nước mình thì ở ngay đó, nghệ sĩ đã được giải phóng tư duy và được trầm mình trong cảm xúc tự do. Và kể cả khi bị chê trách cũng khó bị mất đi cảm xúc ấy, vì sự trong sáng của thiện ý phụng sự.
Trình độ nhận thức và tâm trạng sáng tạo của tác giả có sức mạnh chi phối sâu sắc tới mục tiêu cũng như khuynh hướng thể hiện tác phẩm. Tâm trạng sáng tạo không chỉ là trạng thái tâm lý đơn thuần, mà còn là tình cảm, tư tưởng, xu hướng thẩm mỹ của tác giả. Hiểu cách khác, tâm trạng sáng tạo bắt nguồn từ gốc dân tộc, địa phương, giai tầng xã hội, gia đình… từ những tác động của nền văn hóa bản địa cùng nhân cách cá nhân của ngưới sáng tạo. Tính cách, tư chất của mỗi tác giả một khác, khunh hướng cảm xúc cũng không giống nhau, sự chuyển hóa tâm trạng, vì thế hiển nhiên không phải là một. Đó là nguồn gốc nảy sinh các xu hướng sáng tạo khác nhau, được biểu hiện qua nội dung cũng như nghệ thuật diễn đạt cụ thể của từng tác phẩm. Sáng tạo tự do, nghệ sĩ mới có cơ hội hưng phấn tìm tòi, xác lập tối ưu phương pháp và phong cách thể hiện độc đáo của riêng mình.
Song le, ở trên đời, tự do nào cũng không thể tránh khỏi sự hạn định tự thân của nó. Người ta không thể nhân danh tự do để tùy tiện, bừa bãi, thiếu mục thiêu, thiếu chí hướng - đặc biệt trong địa hạt tư tưởng, tình cảm. Không thể tự do truyền bá rác rưởi văn hóa cũng như những suy tư có hại cho dân tộc,cho sự phát triển cường thịnh của đất nước. Vì vậy, tự do sáng tạo ở đây không tách khỏi sự ràng buộc của lương tâm trong sáng của nghệ sĩ - nói cách khác, của trách nhiệm nghệ sĩ chân chính.
Trách nhiệm nghệ sĩ thể hiện trước hết ở ý thức và hiệu quả cống hiến đối với công chúng, xã hội. Cái hay, cái đẹp, cái có ích, cái phổ quát phải nằm trong mục tiêu trách nhiệm của nghệ sĩ.
Hiện tượng sáng tác đáng quan tâm trong thời gian qua, là xuát hiện song hành, riêng biệt hai xu hướng: Nghệ thuật đơn thuần và Giải trí đơn thuần ở một số bộ môn nghệ thuật. Cả hai xu hướng này, cho đến nay, đều chưa chín muồi về phương pháp và chưa hoàn thiện về phong cách biểu đạt. Vấn đề đáng quan tâm ở đây là sự cách biệt, thiếu gắn kết giữa hai xu hướng nói trên. Cần tạo ra sự kết hợp hài hòa, hiệu quả giữa hai xu hướng này ngay trong một tác phẩm. Tác phẩm được chắc lọc từ tinh túy của hai xu hướng nghệ thuật và giải trí, sẽ có giá trị toàn diện, vừa mang sức nặng trí tuệ vừa hàm chứa chiều sâu cảm xúc, vừa thấm sâu mỹ cảm vừa hấp dẫn tự nhiên.
Như vậy, giữa tự do sáng tác và trách nhiệm sáng tác của nghệ sĩ có mối gắn kết khách quan, hữu cơ. Chúng cùng tồn tại, hỗ trợ, đồng thời ràng buộc chặt chẽ nhau. Khi không có tự do, nghệ sĩ sẽ không thể thực hiện được trách nhiệm sáng tạo. Và khi không có trách nhiệm, nghệ sĩ sẽ không có cơ hội tự do sáng tạo, bởi khi đó họ đã đánh mất niềm tin nơi cộng đồng cùng xã hội. Khi thấm nhuần đầy đủ trách nhiệm của mình, nghệ sĩ sẽ dễ dàng tự tạo ra không gian tự do chủ quan cần thiết. Nó sẽ cùng với tự do khách quan do luật pháp, chế độ quản lý và dư luận xã hội hình thành, tạo nên cơ chế tự do sáng tạo đầy đủ, hoàn chỉnh và khả thi.
Sự nghiệp và vinh quang của nghệ sĩ không tách khỏi cống chiến của họ đối với tiến bộ xã hội và hạnh phúc nhân quần. Tự do và trách nhiệm sáng tạo, do đó luôn là câu chuyện thời sự thiết thân của nghệ sĩ, cần được bản thân nghệ sĩ suy ngẫm thấu triệt và cần được cơ quan chức năng nhà nước cũng như xã hội quan tâm đầy đủ.
Nhớ lại thời kỳ trước đây, khi kết thúc chiến tranh, nhiều tác phẩm tập trung vào hai mãng đề tài lớn là nhìn lại, suy ngẫm cuộc chiến đã qua, đề cập cuộc sống hòa bình đang diễn ra với bao bộn bề, trằn trọc. Người nghệ sĩ làm quen với môi trường mới, vừa trăn trở đi tìm hệ giá trị phù hợp với hiện thực cuộc sống của giai đoạn cách mạng mới. Suốt thời gian khá dài trong chế độ bao cấp và giai đoạn sau đổi mới, về mặt tư tưởng và lý luận, chúng ta đã chậm trễ trong việc xác định hệ giá trị - chuẩn mực mà tác phẩm văn học nghệ thuật cần đạt tới; khiến một số văn nghệ sĩ cùng giới lý luận phê bình không khỏi lúng túng. Khi chủ trương xã hội hóa giáo dục và văn học nghệ thuật thâm nhập vào đời sống, đã mở ra chân trời mới. Song thời đoạn này, nhiều sản phẩm văn học nghệ thuật bị cuốn vào dòng chảy thương mại hóa. Tính chất thương mại đan xen vào hầu hết các chuyên ngành nghệ thuật, rõ rệt nhất là nghệ thuật điện ảnh. Đã từng nở rộ loạt phim “ Mỳ ăn liền” không tuân thủ các tiêu chuẩn nghệ thuật cũng như kỷ thuật tối thiểu, vừa chạy theo đề tài nhạy cảm, vừa dễ dãi buông tuồng, chỉ nhằm câu khách, phục dịch thị hiếu tầm thường.
Sau Đổi mới, sáng tác văn nghệ nước ta đã trải qua bước chuyển biến quan trọng. Đề tài và thể loại tác phẩm được mở rộng, đào sâu hơn. Số lượng tác phẩm tăng nhanh đáng kể, trong đó xuất hiện một số tác phẩm đào sâu số phận- thân phận con người, rọi ánh sáng vào bối cảnh xã hội; đặt ra những vấn đề hữu ích về nhân sinh cũng như về nhận thức của cá thể lẫn cộng đồng, đối với cuộc sống đương thời. Hình tượng một số tác phẩm khá nổi bật khi được thể hiện thông qua cái tôi tinh tế của tác giả, tạo nên dáng dấp riêng. Khối công chúng đông đảo bắt đầu hình thành qua các phương tiện phổ biến: xuất bản, trình diễn, phát hình , phát thanh…Văn học, âm nhạc, múa, hội họa, phim ảnh, sân khấu…hình thành sức lan tỏa lớn và nhanh hơn.
Tuy nhiên, phương diện khác, thời gian gần đây, có thể thấy giá trị tư tưởng cũng như nghệ thuật của khá nhiều tác phẩm đã không theo kịp số lượng, và còn xa mới có thể đáp ứng nhu cầu của đông đảo công chúng. Không ít tác phẩm hứng thú khai thác các chủ đề kém giá trị nhân sinh lẫn nhân văn; lượm lặt những chi tiết vụn vặt, xa rời hiện thực quan tâm. Tư duy sáng tác tỏ ra lạc hậu trước biến động của cuộc sống. Nghệ thuật thể hiện, nói chung, rơi vào giản đơn, một chiều, thiếu men ngẫu hứng cho nghệ thuật bay thoát, dẫn đến nệ thực hoặc giả tạo. Những biểu hiện xa rời đời sống thực tiễn, thiếu am hiểu con người cũng như thời cuộc, đồng thời thiếu cách tân, đột phá về thủ pháp, bút pháp đã bộc lộ trong một số tác phẩm mà chuyên ngành nào cũng có. Mối quan hệ hữu cơ giữa nội dung với hình thức thể hiện tác phẩm chưa được chú trọng xử lý thõa đáng. Thậm chí cũng đã xuất hiện những sản phẩm văn nghệ lạc hậu về nhận thức lịch sử và xã hội, gây tác động tiêu cực.
Đối diện với tình hình sáng tác văn nghệ ấy, hoạt động lý luận phê bình thời gian qua đã có bước chuyển biến nhất định: một số nhà nghiên cứu đã vận dụng các phương pháp phê bình phong cách học, phân tâm học, thủ pháp học, bước đầu xác lập các giá trị thẩm mỹ, tiếp cận các vấn đề lý luận cơ bản hiện đại, đấu tranh chống các xu hướng sáng tác biệt lập, thương mại hóa văn nghệ bằng tiêu chí giải trí đơn thuần với hình ảnh sex và âm thanh gào thét hoặc não tình. Ở phương diện truyền thông, phê bình tác phẩm văn nghệ trên mặt báo và trên mạng diễn ra khá sôi nổi, mỗi khi xuất hiện những tác phẩm đáng quan tâm, hoặc bộc lộ các vấn đề nổi cộm; tuy tác động còn hạn chế nhiều mặt.
Cho đến nay, tình hình phát triển đất nước cũng như diện mạo sáng tác đã chuyển động mạnh, có nhiều đổi thay; tuy nhiên, vẫn chưa xuất hiện số lượng tác phẩm cần thiết có giá trị cao toàn diện như đòi hỏi của xã hội và cuộc sống. Điều này liên quan tới nhiều yếu tố khác nhau. Riêng về học thuật, khía cạnh quan trọng không thể không quan tâm là hoạt động lý luận phê bình. Trong mọi thời kỳ, ở mọi quốc gia, cây kiềng ba chân của hoạt động văn nghệ: Sáng tác - Lý luận Phê bình- Thưởng thức cần luôn được phát triển song hành. Chúng cần được tạo điều kiện để kề cận, nương tựa, thúc đẩy lẫn nhau. Nếu sáng tác là chủ thể, thưởng thức là môi trường , thì lý luận phê bình sẽ là động lực. Mặt khác, với tư thế chủ đạo vốn có, lý luận phê bình còn là “bà đỡ” phát huy cái hay, phát hiện cái dở của sáng tác; hỗ trợ nâng cao thẩm mỹ thưởng thức, đồng thời là cầu nối hiệu quả giữa sáng tác với thưởng thức.
Một cách tổng thể, có thể dễ dàng nhận rõ phần yếu kém mà hoạt động lý luận phê bình nước ta đã bộc lộ thời gian qua. Trước hết, đó là sự vắng bóng của hệ thống lý luận chủ đạo có khả năng tạo ra nguồn hợp lưu cho các dòng lý luận chuyên ngành. Đó còn là hiện tượng mất chủ động, thiếu năng nổ trong việc “cầm chịch”các vấn đề lý luận nảy sinh trong thực tiễn hoạt động văn nghệ cũng như trong quá trình sáng tác - chế tác của từng chuyên ngành nghệ thuật. Phê bình thiếu bám sát, chưa “nắm thắt lưng” thực tiễn sáng tác, chưa có tác dụng soi sáng các khuynh hướng sáng tác mới, kém coi trọng và có trường hợp làm sai lệch tác dụng phê bình, khi thực hiện phê bình vùi dập, phê bình vuốt đuôi hoặc phê bình quảng cáo. Trong lúc đó, số lượng tác phẩm văn nghệ - đối tượng phê bình, lại thưa mỏng, không tạo môi trường đầy đủ cho phê bình nảy nở. Mặt khác, đội ngũ lý luận phê bình văn nghệ chuyên nghiệp, nói chung vừa thiếu vừa yếu, không một ai có thể sống được bằng nghề của mình. Lớp cựu trào đã lớn tuổi, lớp trẻ phần lớn chưa đủ tự tin, lại có người nể nang, ngại đụng chạm. Công tác quản lý hoạt động lý luận phê bình thiếu chuyên sâu và liên tục. Cơ chế, chính sách dành riêng và đầu tư chuyên biệt…chưa rõ ràng, còn nhiều bất cập.
Khắc phục các yếu kém kể trên, việc đầu tiên cần đặc biệt quan tâm là công tác đào tạo, bồi dưỡng, bổ sung, củng cố đội ngũ lý luận phê bình văn nghệ một cách căn cơ, thiết thực. Cần kịp thời có biện pháp thích hợp nâng cao và cập nhật hóa nhận thức, quan niệm chung cũng như cụ thể về chức năng, vai trò, đối tượng, phương pháp lý luận phê bình văn nghệ, cũng cần xây dựng về học thuật, thái độ, động cơ phê bình khoa hoc, khách quan, trách nhiệm. Lại cần xây dựng hệ thống lý luận chính thống phù hợp thời kỳ mới, tạo ra hệ giá trị tối ưu, phù hợp đối với các loại tác phẩm. Để khuyến khích và khẳng định chất lượng hoạt động, cần đặt ra các giải thưởng xứng đáng. Bên cạnh thái độ coi trọng công tác lý luận phê bình, cần quy định mới chế độ nhuận bút hợp lý. Đồng thời với việc tăng cường hoạt động thực chất của các tổ chức lý luận phê bình hiện có ở trung ương cũng như ở địa phương, trong đó có tổ chức lý luận phê bình của các Hội chuyên ngành.
Báo chí, xuất bản gắn liền với hoạt động văn học nghệ thuật. Thành tựu hoặc yếu kém của bên này, luôn ảnh hưởng tới bên kia. Ngày nay, nước ta đã có hàng ngàn cơ sở báo chí in, tạp chí điện tử, đài phát thanh, đài truyền hình, đài truyền hình cáp, đài truyền hình số, hãng thông tấn quốc gia, nhà xuất bản, hãng phim, các loại sân khấu, đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp và nhiều mạng xã hội phủ sóng cả nước, có sức lan tỏa rộng lớn. Báo chí, xuất bản từng có thời gian xao nhãng, gặp khó khăn trong việc cung cấp tri thức, xử lý thông tin, trau dồi lý tưởng và bồi dưỡng cảm thụ văn học nghệ thuật. Báo chí, xuất bản cũng từng có lúc chạy theo thị trường, đưa tin giật gân, làm ảnh hưởng xấu tới chức năng nhiệm vụ của mình, như thiếu tập trung tuyên truyền, lý giải, phân tích nhằm thúc đẩy sáng tác tốt hơn. Tình trạng trên, nay đã thuyên giảm, cần được tiếp tục tăng cường quản lý cũng như tăng cường phối hợp giữa các bên.
Trước cuộc sống bộn bề dữ liệu, đầy ắp biến động; với một bên, có bao tấm gương đáng soi chung, và bên kia, là hiện tượng xuống cấp đạo đức xã hội, tham nhũng nghiêm trọng tràn lan… mà đến nay, vẫn chưa xuất hiện tác phẩm xuất sắc nào trực tiếp mổ xẻ, góp phần nêu gương hoặc chặn đứng. Trong lúc cả xã hội đang chuyển động mạnh mẽ, đời sống, tâm tư con người trải qua bao biến đổi lớn lao, mà chưa có một ngành văn học nghệ thuật nào của chúng ta bám sát, khoan sâu và sáng tạo nên những tác phẩm gây chú ý xã hội, có giá trị để đời, là hiện tượng rất đáng boăn khoăn, suy nghĩ. Xã hội đang thiếu những tác phẩm có khả năng dự báo và cảnh báo. Chúng ta cũng thiếu những tác phẩm đề cập các đề tài quan thiết, tác động sâu đậm tâm cảm công chúng. Gần đây, xuất hiện một vài tác phẩm đề cập đề tài covid - 19, là đề tài chứa đựng nhiều khía cạnh nổi bật, có đủ các yếu tố thương cảm, xúc động, trách nhiệm, hy sinh quên mình …. Trận chiến covid bộc lộ rõ bản chất thể chế, trách nhiệm chính quyền và ý thức người dân. Qua đề tài này, hy vọng sẽ xuất hiện những tác phẩm đánh động lòng người, có giá trị lâu bền. Đây là một ví dụ cụ thể về tầm quan trọng của đề tài, có thể ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng tác phẩm.
Nguyên nhân, Giải pháp khắc phục kết quả hoạt động văn học nghệ thuật của chúng ta chưa đạt như mong muốn, tựu trung là:
1- Nhận thức về chức năng và tầm quan trọng của văn học nghệ thuật chưa được các ngành, các cấp quan tâm, quán triệt đúng mức, đầy đủ.
2- Việc cụ thể hóa, thể chế hóa các Nghị quyết, Chỉ thị, Chương trình hành động của cấp ủy Đảng thường chậm trễ, phiến diện và thiếu đồng bộ, cần khắc phục kịp thời.
3- Việc lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn thực thi các kế hoạch, chương trình văn học nghệ thuật trong hệ thống bị buông lỏng, thiếu kịp thời và thiếu toàn diện.
4- Đầu tư văn học nghệ thuật dè xẻn, chưa tương xứng và dàn trải , chưa đáp ứng nhu cầu thực tế.
5- Văn nghệ sĩ - chủ thể sáng tạo, chưa được tập hợp thành sức mạnh có sức mạnh lớn, chưa thực sự được bồi dưỡng nghiệp vụ đạt hiệu quả cao, và cũng chưa được khơi dậy nhiệt huyết , tình cảm sáng tác. Đời sống văn nghệ sĩ nói chung còn nhiều hạn chế, khó khăn; cần thông qua mức nhuận bút để hỗ trợ, thông qua chế độ khen thưởng để kịp thời khuyến khích, động viên văn nghệ sĩ.
6- Cần định kỳ tổ chức các Tọa đàm, Hội thảo nghề nghiệp nhằm kịp thời xử lý thông suốt các vướng mắc trong nghiệp vụ.
7- Thường xuyên mở các lớp Tập huấn chuyên đề nhằm định hướng quan điểm và phương pháp sáng tác cụ thể, như đề tài, nhân vật, tình huống, cấu trúc và hình tượng tác phẩm, giúp sáng tác chuẩn xác theo yêu cầu khách quan theo ngôn ngữ chuyên ngành, nâng cao chất lượng tác phẩm.
8- Cải tiến nội dung cũng như cách tổ chức các chuyến về nguồn, đi thực tế, trại sáng tác theo hướng gọn nhỏ và hiệu quả, vừa “chọn mặt gửi vàng”,vừa theo cụm đề tài cụ thể, phù hợp. Tiến hành nghiệm thu kết quả một cách chặt chẽ, nghiêm túc.
9- Tăng cường các biện pháp quản lý mạng xã hội hiệu quả. Tổ chức đội ngũ nòng cốt, sẵn sàng phản bác các luận điệu sai trái, hiện tượng phản văn hóa, trái với đường lối của Đảng.
10- Phối hợp hoạt động giữa báo chí, xuất bản với các ngành văn học nghệ thuật, nhằm phối hợp giới thiệu, tuyên truyền, phân tích, luận giải các tác phẩm văn học nghệ thuật một cách thấu triệt, bài bản.
11- Công tác nghiên cứu, lý luận, phê bình văn học nghệ thuật chẳng những luôn phải đồng hành với sáng tác, mà còn thực hiện nhiệm vụ làm cầu nối nhiều chiều giữa tác giả - tác phẩm - công chúng. Đội ngũ chuyên nghiệp gánh vác mãng công tác này đang ngày một thưa mỏng hơn. Lực lượng bổ sung hầu như đang dần cạn kiệt. Đây là vấn đề đáng báo động. Lãnh đạo và cơ quan quản lý cần đặc biệt lưu tâm trong việc đào tạo, bồi dưỡng lực lượng lý luận phê bình trong hiện tiền, cũng như trong tương lai.
12- Có thể thấy công chúng thưởng thức văn học nghệ thuật hiện nay đã đổi thay căn bản, cả về lứa tuổi, trình độ, xu hướng thẩm mỹ, nhu cầu tiếp nhận và thưởng thức… Do dó, cần nắm biết độc- khán - thính giả, qua các cuộc điều tra xã hội học khoa học và sâu rộng.
13- Thị trường văn học nghệ thuật mang đặc tính đặc thù, cần được nghiên cứu chuyên sâu để vận hành, quản lý một cách chủ động, đạt hiệu quả cao. Chiến lược xuất khẩu tác phẩm, sản phẩm văn học nghệ thuật Việt nam ra thế giới quá chậm trễ, chưa được quan tâm đúng tầm. Trong khi chính trị, kinh tế Việt nam gần đây khá nổi trội trên trường quốc tế, song ảnh hưởng của văn hóa nước ta còn mờ nhạt. Chắc chắn rằng, tiếp sau sự đón nhận của quốc tế đối với văn hóa nước nhà, văn học nghệ thuật Việt nam sẽ có thêm sinh lực phát triển vượt trội.
Văn hóa, Văn học, Nghệ thuật Việt nam vốn hàm chứa nội lực bẩm sinh mạnh mẽ. Trải qua hàng ngàn năm dù có lúc bỉ cực, vẫn chỉ phát triển, không bao giờ bị khuất phục, đồng hóa. Một nền Văn hóa - Văn học - Nghệ thuật như thế, quyết phải đạt tới tầm cao phát triển mới!
Trần Luân Kim
*Tên bài do Văn nghệ đặt
Nguồn: Tài liệu tham luận Hội nghị