Văn hóa nghệ thuật

Những hướng đi mới cho sân khấu Việt đương đại

Văn hóa nghệ thuật
08:44 | 22/01/2021
Nếu văn học và thơ ca là sáng tạo của một cá nhân, thì sân khấu là tổng hòa các quan hệ của nhiều loại hình nghệ thuật, kịch bản văn học, đạo diễn, mỹ thuật, âm nhạc, múa, âm thanh, ánh sáng… để phục vụ một mục đích là nghệ thuật biểu diễn của diễn viên. Suốt trên 60 năm qua tính từ ngày hòa bình lập lại 1954 đến nay, sân khấu Việt Nam đã đạt tới một thời hoàng kim nhất của nghệ thuật biểu diễn
aa

Nếu văn học và thơ ca là sáng tạo của một cá nhân, thì sân khấu là tổng hòa các quan hệ của nhiều loại hình nghệ thuật, kịch bản văn học, đạo diễn, mỹ thuật, âm nhạc, múa, âm thanh, ánh sáng… để phục vụ một mục đích là nghệ thuật biểu diễn của diễn viên. Suốt trên 60 năm qua tính từ ngày hòa bình lập lại 1954 đến nay, sân khấu Việt Nam đã đạt tới một thời hoàng kim nhất của nghệ thuật biểu diễn. Đó là giai đoạn từ cuối năm 1975, sau khi nước nhà đã hoàn toàn thống nhất, cho đến khoảng cuối những năm của thập kỷ 90, khi khép lại thế kỷ XX. Cho đến nay, thật sự công bằng, bình tĩnh và khách quan, chúng ta phải thừa nhận rằng sân khấu đã thưa vắng khán giả; thậm chí một số ý kiến cực đoan còn cho rằng sân khấu đã xuống cấp, khán giả cũng xuống cấp…

1.

Với nghệ thuật sân khấu, kịch bản là vấn đề quan thiết nhất. Trong nhiều năm qua, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam đã thường xuyên tổ chức các Trại sáng tác trong cả nước, và cuối năm đã trao giải thưởng cho các tác phẩm xuất sắc. Đây là một việc làm hết sức hiệu quả, hữu ích, rất đáng trân trọng. Tuy nhiên, để tạo điều kiện cho việc sáng tác hiệu quả hơn, nên chăng, Hội cần có kế hoạch phối hợp cụ thể và hiệu quả hơn với Cục Nghệ thuật biểu diễn (là cơ quan quản lý Nhà nước thuộc Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch), đề xuất các đề án đệ trình với Bộ, để Cục được đứng ra tổ chức thêm các Trại sáng tác chuyên ngành riêng, cho các đơn vị nghệ thuật sân khấu trong cả nước, ngoài các trại đã do Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam tổ chức. Tất nhiên, mô hình này phải khác của Hội. Có thể mở riêng cho các đề tài truyền thống, hoặc xen kẽ; các kịch bản chuyên về hài, chuyên về dân gian, huyền thoại, lịch sử; các kịch bản hài cho sân khấu đương đại… rồi Múa rối, Xiếc… là một việc làm hết sức cần thiết.

2.

Hàng năm, mỗi Nhà hát dựng trung bình từ 1 đến 2 vở, cũng như nâng cấp một số vở diễn cũ. Chúng tôi chỉ xin đề xuất thêm một vài ý kiến sau.

- Nếu kịch bản không đạt chất lượng nghệ thuật, nhất thiết không dàn dựng. Nhưng Bộ có thể chuyển số kinh phí (tương đương dựng vở), cho đơn vị đó, dùng để tập huấn cho diễn viên, nhạc công để nâng cao tay nghề biểu diễn. Đồng thời, nâng cao, trau chuốt lại các vở tốt về trang trí, trang phục đang biểu diễn được.

- Hàng năm, khi vở diễn mới của Nhà hát ra đời, Bộ nên tặng thưởng cho các diễn viên xuất sắc, để vừa động viên sự sáng tạo của các nghệ sĩ trong năm, đồng thời, những phần thưởng này được cộng thêm điểm khi xét phong tặng danh hiệu NSƯT, NSND - khi mà Liên hoan, Hội diễn 3 năm mới tổ chức một lần; tránh thiệt thòi cho các nghệ sĩ.

3.

“Đến hẹn lại lên”, 2 hay 3 năm một lần, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp cùng Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam tổ chức các Liên hoan sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc (trước đây là 5 năm /lần). Phải nói rằng, đây là một chủ trương đúng đắn, hết sức cần thiết, nhằm nâng cao chất lượng của nghệ thuật sân khấu. Tuy nhiên, không ít ý kiến cho rằng phương thức tổ chức, cách thức trao tặng giải Vàng, Bạc cho vở diễn, đơn vị, và cá nhân các nghệ sĩ… cần phải xem xét lại cho hợp lý hơn. Qua các Liên hoan gần đây, rõ ràng đã nảy sinh một số vấn đề bất cập mà báo chí, công luận, cũng như chính các nghệ sĩ đã phản ánh.

- Tuy nhiên, đối với các nhạc công của sân khấu truyền thống, bao giờ cũng chịu nhiều thiệt thòi hơn diễn viên trong các giải thưởng và xét tặng các danh hiệu. Cho nên, có thể 2 năm một lần, Bộ tổ chức các Liên hoan (có tính chất “công cua” cho nhạc công và dàn nhạc), để vừa nâng cao tay nghề cho các nghệ sĩ, đồng thời, các giải thưởng này, cũng được tính điểm cho họ, khi đến niên hạn xét tặng NSƯT, NSND. Tránh thiệt thòi cho các nhạc công, như thực tế đang diễn ra qua các đợt xét tặng danh hiệu hiện nay!

4.

Truyền hình là một phương tiện hiện đại, hiệu quả, tác dụng to lớn nhất. Vì thế, Bộ và Cục, cần làm việc với Đài Truyền hình Việt Nam bằng con đường chính thức để có thể mở một kênh quảng cáo cho nghệ thuật sân khấu nói chung, trong đó có nghệ thuật sân khấu truyền thống. Việc này là bất khả kháng với các Nhà hát, vì quảng cáo trên truyền hình có số kinh phí quá lớn, các nhà hát không thể kham nổi!

5.

Hiện nay, các nhà hát của Trung ương, Hà Nội cũng như các thành phố, các tỉnh thành cả nước, hiện trạng cũng như hình thức và hoạt động không có vấn đề gì, nhưng tình trạng kỹ thuật hậu đài trong vấn đề chuyển cảnh trang trí là hết sức bất cập, không phù hợp với các vở diễn phải thay đổi nhiều không gian sân khấu. Trong khi sân khấu các nước có nền sân khấu tiên tiến trên thế giới, đã được hiện đại hóa cách đây cả thế kỷ. Đó là ý kiến chung của các đạo diễn, họa sĩ, các nghệ sĩ biểu diễn; rất mong các cơ quan quản lý Nhà nước về văn học nghệ thuật quan tâm, để có thể cải tạo các điều kiện kỹ thuật tốt hơn, hiệu quả hơn.

6.

Liên hoan Sân khấu là ngày hội lớn của các đơn vị nghệ thuật trong cả nước. Đó là dịp để các nghệ sĩ của các thế hệ, gặp mặt, trao đổi, học tập về kinh nghiệm nghề nghiệp… chứ không phải chỉ là tìm kiếm Huy chương, Giải thưởng tập thể hay cá nhân. Nhưng hiện nay, do sức ép về kinh phí (các đơn vị tự lo ăn, ở, đi lại), nên sau buổi Lễ khai mạc hoành tráng, cờ và hoa, ánh sáng ngập trời, với đầy đủ cả ngàn nghệ sĩ các Nhà hát, Đoàn nghệ thuật; thì chỉ hôm sau, rạp hát đã vắng như “Chùa Bà Đanh”, vì các đoàn đã về hết, chỉ đơn vị nào diễn thi thì có mặt… Để rồi đến Lễ bế mạc, khi trao Giải thưởng… chỉ còn mấy vị lãnh đạo ở lại mà thôi. Thật buồn! Vì thế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng như các tỉnh, cần xem xét kinh phí cho các nghệ sĩ được ở lại trong suốt thời gian diễn ra Liên hoan, có như thế mới học được nghề và trân trọng nghề hơn!

Trên tinh thần hướng tới việc xây dựng hệ giá trị văn học, nghệ thuật Việt Nam dân tộc và hiện đại, chúng tôi xin “tản mạn” một vài suy nghĩ của một người làm nghề, nhằm chỉ ra một số vấn đề còn tồn tại của sân khấu hôm nay, góp phần tìm ra những hướng đi mới cho sân khấu Việt Nam bước vào mùa xuân thứ 21 của thế kỷ XXI, chào mừng Đại hội lần thứ XIII Đảng Cộng sản Việt Nam…

Nguồn Văn nghệ số 4/2021


Quà tặng của chiến tranh - Truyện ngắn của Hoài Hương

Quà tặng của chiến tranh - Truyện ngắn của Hoài Hương

Baovannghe.vn - Chiến dịch thần tốc như một cơn lốc không ngày không đêm, đơn vị vừa đánh vừa hành quân gần như xuyên dọc theo Quốc lộ 13 hướng về Sài Gòn mỗi ngày một gần thêm.
Lĩnh vực báo chí cần có những ưu đãi về thuế

Lĩnh vực báo chí cần có những ưu đãi về thuế

Baovannghe.vn - Quốc hội tiếp tục chương trình làm việc ngày 22/11 với phiên thảo luận tổ về dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) và dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi).
Trôi giữa hương sen nghịch mùa - Truyện ngắn của Đinh Thành Trung

Trôi giữa hương sen nghịch mùa - Truyện ngắn của Đinh Thành Trung

Baovannghe.vn - Mây đen tan. Nắng nhẹ. Hương sen còn sót hòa cùng hương bùn đánh dạt mùi khói xe, đưa nụ cười của hai người đàn ông lấp đầy mi mắt đang nhìn về phía mặt trời.
Nhà thơ Anh Ngọc bình thơ "Thề non nước"

Nhà thơ Anh Ngọc bình thơ "Thề non nước"

Baovannghe.vn - Bài thơ Thề non nước không chỉ là lời tự tình đằm thắm của một tâm hồn thủy chung, tin cậy mà còn cất giấu trong mình một bức tranh thiên nhiên tráng lệ và quyến rũ mê hồn vì một vẻ đẹp như sinh ra bởi con người và cũng chỉ dành để cho con người.
Nhà văn Nguyễn Chí Trung

Nhà văn Nguyễn Chí Trung

Baovannghe.vn - Nhà văn Nguyễn Chí Trung trưởng thành từ thiếu sinh quân. Đi lính từ bé và làm cán bộ đại đội từ trẻ - ngày nền nông nghiệp của ta xứng danh với cái tên “nghèo nàn và lạc hậu” thì ông hòa nhập vào lớp thanh niên “vượt lên hàng đầu, vượt là vượt như tên bay”...