Sự kiện & Bình luận

Những ngày thu châu Âu

Bút ký phóng sự 08:20 | 08/09/2018
Sau một tuần thăm thú thủ đô Warszawa và cố đô Krakow-Ba Lan, chúng tôi quyết định chọn Berlin (Đức) và Paris (Pháp) để tiếp tục lãng du trong thời gian còn lại không lâu trên đất châu Âu. Warszawa và Krakow cách nhau gần 300 km, cùng tọa lạc bên dòng sông Vistula, đẹp trong vẻ thanh thản tinh thơm với những hàng cây đường phố gần kề vườn cây và rừng cây vàng rực nhẹ nhàng trong nắng thu. Ba Lan đáng nhớ trong lòng tôi là thế, sau 6 năm trở lại, vẫn êm đềm lá vàng thu miên man điểm cành lá đỏ của những cây phong chen lẫn trong rừng sồi và bạch đàn. Cung điện văn hóa cao thanh thoát của Liên Xô tặng Ba Lan giữa trung tâm Warszawa, quảng trường Phố cổ, con đường Hoàng gia với 3 lâu đài tráng lệ giữa đô thành rộng lớn, đẹp lạ và kỳ vĩ, vẫn không ghi lại cảm xúc tốt tươi sinh động trong đôi mắt tâm hồn tôi bằng hình ảnh hàng cây đầy lá vàng thu rạng rỡ đan cài nhau bên đôi bờ sông xanh êm trôi. Đẹp làm sao, giữa quảng trường trung tâm thành cổ Krakow gần chân đồi lâu đài Wawel, trong nắng
aa

Sau một tuần thăm thú thủ đô Warszawa và cố đô Krakow-Ba Lan, chúng tôi quyết định chọn Berlin (Đức) và Paris (Pháp) để tiếp tục lãng du trong thời gian còn lại không lâu trên đất châu Âu. Warszawa và Krakow cách nhau gần 300 km, cùng tọa lạc bên dòng sông Vistula, đẹp trong vẻ thanh thản tinh thơm với những hàng cây đường phố gần kề vườn cây và rừng cây vàng rực nhẹ nhàng trong nắng thu. Ba Lan đáng nhớ trong lòng tôi là thế, sau 6 năm trở lại, vẫn êm đềm lá vàng thu miên man điểm cành lá đỏ của những cây phong chen lẫn trong rừng sồi và bạch đàn. Cung điện văn hóa cao thanh thoát của Liên Xô tặng Ba Lan giữa trung tâm Warszawa, quảng trường Phố cổ, con đường Hoàng gia với 3 lâu đài tráng lệ giữa đô thành rộng lớn, đẹp lạ và kỳ vĩ, vẫn không ghi lại cảm xúc tốt tươi sinh động trong đôi mắt tâm hồn tôi bằng hình ảnh hàng cây đầy lá vàng thu rạng rỡ đan cài nhau bên đôi bờ sông xanh êm trôi. Đẹp làm sao, giữa quảng trường trung tâm thành cổ Krakow gần chân đồi lâu đài Wawel, trong nắng thu lạnh ban mai hoặc trời chiều chưa tắt nắng, hàng trăm con chim bồ câu đủng đỉnh bước chân thân thiện kề cạnh bước chân người thanh thản qua đường. Có giây phút nào tôi chợt nghĩ, một đất nước Ba Lan bị giết hại 6 triệu người trong thế chiến thứ hai, mà ngày nay, mọi người dân đều quý trọng chim thú và rừng cây...

Ảnh Internet

Dương, người bạn trẻ quê Hà Nội sống ở Ba Lan đã hơn 20 năm, làm việc ở công ty du lịch lái ô tô đưa chúng tôi đi từ thủ đô Warszawa xuôi về phương Nam thành phố cổ Krakow. Hai bên quốc lộ 7 đầy bóng cây vàng lá lác đác rơi nhẹ chao nghiêng giữa con đường nhựa rộng phẳng phiu không một tiếng còi inh ỏi dù có lúc nườm nượp các loại xe lớn nhỏ ngược xuôi. Khi xe chạy ngang qua vùng nông thôn trù phú với những căn nhà biệt thự, cao tầng khang trang nằm bên vuông vườn đầy bóng cây và ruộng đồng thấp thoáng những đàn chim bay, Dương giảm tốc độ xe, giọng vui nồng nhiệt như ngày đầu cùng nhà thơ Lâm Quang Mỹ đón chúng tôi nơi sân bay Chopin dưới trời đêm lạnh giá của châu Âu: Nông thôn ở đây nhiều cây nhiều chim, nên không ai xây nhà quá cao hơn tầm chim bay; người ta muốn bảo vệ an toàn sự sống cho loài chim được thoải mái thẳng cánh bay mà không đụng vào vách nhà cao; cửa kính nơi tầng cao cũng không được lắp loại kính chói lọi dưới ánh nắng, tránh cho chim đang bay bị lóa mắt...Cũng như các anh thấy, trên đường chúng ta đi thỉnh thoảng xe lại chui qua một lối đi bắc ngang quốc lộ, ấy là dành cho các loài thú hoang dã qua lại từ hai bìa rừng không đụng phải xe đang lao nhanh...

*

Quỳnh Nga, người phụ nữ Hà Nội sống ở Đức hơn 30 năm, đón chúng tôi tại sân ga Berlin vào buổi sáng sau chuyến tầu đêm khởi hành từ sân ga trung tâm Warszawa. Một nụ cười đẹp trên khuôn mặt niềm nở và những cái bắt tay thân tình như từ lâu quen biết nhau cho chúng tôi cảm thấy ấm áp lần đầu tiên bước chân trên đất nước này. Tôi thầm cám ơn anh Vũ Linh tổng biên tập tạp chí Quê Việt của Hội Người Việt Nam Tại Ba Lan đã ân cần tiếp đón tiếp và nối kết tình thân giữa chúng tôi với nhà báo Quỳnh Nga. Cổng thành Berlin không còn ngăn cách và tường thành dài dặc đã được an bằng, xóa sạch dấu vết gai kẽm tối đen chia đôi Đông và Tây nước Đức, mở rộng những con đường thông thoáng yên lành cho Quỳnh Nga lái ô tô đưa chúng tôi thăm thú toàn cảnh thủ đô chỉ trong ba ngày lưu lại nơi này. Chúng tôi đã dừng chân khá lâu bên ngoài và bên trong khu tượng đài tưởng niệm người Do Thái bị phát xít Hitler giết hại được nhà nước Đức ngày nay xây dựng và trưng bày bao hình ảnh tội ác đã qua. Tượng đài Do Thái gần kề tòa nhà Quốc hội Đức đối diện với rừng cây rợp lá vàng thu rạng rỡ bên nhánh sông xanh lững lờ trôi quanh đô thành Berlin. Bất công và lầm lỗi tối đen đã đi khỏi Cộng Hòa Liên Bang Đức, còn lại đây niềm vui sổng sáng tươi lành lặn, không phân biệt sắc tộc màu da, trong đó có cộng đồng người Việt Nam hơn 60.000 người. Buổi chiều ngắn ngủi còn lại, Quỳnh Nga không quên đưa chúng tôi thăm chợ Đồng Xuân của người Việt tại Berlin. Mấy trăm gian hàng sạch đẹp tươm tất giữa lồng chợ rộng khang trang bày bán đầy đủ vật dụng thiết yếu, đặc biệt tại những gian hàng thực phẩm không thiếu thức ăn và hương vị quen thuộc nào của Việt Nam; cũng như chợ người Việt tại thủ đô Warszawa (Ba Lan), chúng tôi vui mắt nhìn với tình cảm gần gũi từ lọ hạt tiêu đến bọc măng khô, từ hũ chao đến chai nước mắm, từ gói nấm hương đến hạt sen, từ củ tỏi đảo Lý Sơn đến con mực khô đảo Phú Quí của vùng biển quê hương... Giữa trời Âu lạ cảnh lạ người và ngôn ngữ, gặp đồng hương nghe bồi hồi niềm vui, thêm hình ảnh đậm đà hương vị Việt, lòng cảm thấy ấm áp nghĩ về đất nước ở xa xôi. Quỳnh Nga giới thiệu chúng tôi với các bạn Việt Nam tại chợ Đồng Xuân -Berlin, vui vẻ và cởi mở như đã quen thân, tất cả cùng nhau vào một nhà hàng ấm cúng dưới ánh đèn vàng khi màn đêm lạnh bắt đầu buông xuống những hàng cây bên ngoài khu vực chợ. Rượu vodka Đức và những món ăn Việt được bày biện ra bên những khuôn mặt tình thân mới gặp nhau nơi xứ người. Một ly, hai ly... với lời chúc sức khỏe may mắn cho người làm ăn xa quê hương và lời chúc chân thành dành cho người mới đến xứ lạ gặp nhiều niềm vui ý nghĩa. Không lâu, thêm một chai rượu mới được trang trọng mở nắp cho niềm vui thêm vui; rồi lúc nào đó, giữa tiệc vui, chuyện về Sài Gòn, Hà Nội và xứ Nghệ quê nhà được mở lòng tâm sự, nhớ và thương, vui và buồn với những đổi mới tốt đẹp và những khó khăn chướng ngại chưa tháo gỡ được... Để thay đổi không khí, cũng là lúc sắp chia tay nhau, sáng hôm sau chúng tôi đi Paris bằng máy bay đã đặt vé trước, nhà thơ Lê Huy Mậu đọc bài thơ Khúc Hát Sông Quê của anh đã được nhà thơ nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo phổ nhạc. Bài thơ giàu tình cảm chân thật thiết tha với sông nước quê nhà, thêm một lần lan truyền cảm xúc yêu thương cho những người bạn bấy lâu xa quê hương.

*

Những ngày ở châu Âu không lâu, chưa xa mà đã nhớ bao điều trân quý thân thiện giữa người với người và thiên nhiên. Ngồi trên con thuyền trắng xuôi ngược trên dòng sông Seine trong xanh tinh anh không một vụn rác giữa đôi bờ hàng cây lung lay cành lá vàng thu bên những ngôi nhà cổ kính tráng lệ của Paris, khoảng 200 mét lại gặp một chiếc cầu bắc qua sông với kiểu dáng khác nhau. Dưới bầu trời cao xanh lồng lộng điểm mây trắng nhẹ nhàng bay trong gió thu sắp chuyển đông lạnh giá, tôi nghe niềm hạnh phúc ấm áp len lỏi vào lòng mình với cảm hứng yêu thương độ lượng gạn lọc những giận hờn nhỏ nhen. Con thuyền du lịch lướt chậm êm ái trên mặt nước sông Seine, xuất phát từ chân tháp Eiffel qua khỏi nhà thờ Đức Bà vài trăm mét thì quay lại bến bờ cũ bên quán cà phê dưới tán lá vàng thu. Màu lá thu vàng vấn vương nhẹ nhàng trong lòng tôi, từ những con đường nội thành Warszawa đến phố cổ Krokow, từ trong vườn nhà nhạc sĩ Chopin có bóng đàn thiên nga bơi trên dòng nước đến thành phố Wadowice quê hương Đức giáo hoàng Jana Pawla II; còn vương vấn thêm khi tôi đặt chân trên đất Berlin, đẹp làm sao cành lá thu vàng rực nối tiếp nhau bên dãy tường thành ngăn cách Đông và Tây nước Đức, giờ được tô đậm sắc màu sự sống tốt tươi có bước chân người vui tay cầm tay qua lại bên những bước chân chim bồ câu nhún nhảy, thân thiện nhau một cách tự nhiên. Hoa lá cây cỏ con người và chim thú sống yên lành hai bên bờ nhánh sông ôm vòng thủ đô Berlin rộng lớn giàu sang của một dân tộc từ lâu không còn đố kỵ hận thù. Một đất nước không còn ai thiếu ăn, người giàu và người nghèo không ngăn cách trong ánh mắt nhìn nhau. Màu lá vàng thu theo tôi từ Berlin sang Paris, vàng từ Khải Hoàn Môn giữa hai đầu đại lộ Champs Élysees, vàng từ vườn Luxembourg mơ màng đến đồi Montmartre nên thơ, vàng từ bảo tàng mỹ thuật Louvre hoành tráng đến lâu đài Versailles mênh mông diễm lệ với 700 phòng có tò đời vua Louis XIV tọa lạc trên vùng đất ngoại thành Paris, vàng khắp nẻo đường nội đô ánh sáng lộng lẫy hai bên bờ sông Seine có hơn 70 chiếc cầu bắc qua... Một màu vàng gợi cảm đặc trưng châu Âu những tháng mùa thu cho đến ngày rơi rụng không còn một chiếc lá, nhường chỗ cho tuyết trắng rơi bám đầy cành cây khi tiết mùa đã chuyển sang đông. Ngày cuối cùng ở Paris, sau khi thăm nhà lưu niệm văn hào Victor Hugo, cô bạn trẻ Từ Huy, tiến sĩ văn học Pháp, đang công tác trên quê hương của tác giả Những Người Khốn Khổ đã dành trọn một ngày hướng dẫn chúng tôi thăm viện bảo tàng Louvre, từ tầng hầm lên hết các tầng trên không làm sao có đủ thời gian dừng lại thưởng thức 400.000 hiện vật điêu khắc và hội họa của bao nghệ sĩ kỳ tài của nhân loại từ thời cổ đại đến cận hiện đại. Lần lượt dừng lại bên bức tượng Vesnus de Milo, Vesnus de Vienne và những bức tượng Hy Lạp, La Mã trước công nguyên, đẹp đẽ nguyên sơ thuần khiết, là người không lịch lãm về mỹ thuật hình khối, tôi chỉ biết cảm nhận lòng mình thán phục con người xưa tài hoa quý trọng vẻ đẹp con người đã lao lực sáng tạo nên tác phẩm nghệ thuật lưu truyền mãi cho con người. Và, trước bức tranh bất hủ nàng La Joconde (Monna Lisa) của danh họa Leonardo da Vinci sáng tác cách đây hơn 500 năm tại bang Florence nước Ý, tôi mải mê nhìn nguyên bản đặt cao trang trọng trên bức tường của bảo tàng mỹ thuật lớn nhất thế giới. Bức tranh tuyệt tác nàng La Joconde được chụp lại qua sách báo, tôi đã ngắm nhìn biết bao lần từ 40 năm trước, đến bây giờ mới được tận mắt trước vẻ đẹp nguyên bản sắc màu mà danh họa thời phục hưng ấy đã điểm tô bằng bàn tay kỳ diệu tâm hồn. Trước khi rời cổng thành Louvre, tôi đã mua những cây viết và sổ tay ghi chép có in hình nàng La Joconde để làm quà tặng bạn bè thân quý khi về lại Việt Nam, lòng không khỏi biết ơn Nguyễn Thị Từ Huy đã dành thời gian quý báu dẫn dắt chúng tôi đi trong chiều thu đầu tiên ở Paris từ nhà thờ Đức Bà dọc dài con đường ven bờ dòng sông Seine thơ mộng đến chân tháp Eiffel lộng lẫy ánh vàng trong đêm, rồi trọn một ngày hôm sau đưa ba nhà văn Việt Nam (Thái Bá Lợi, Lê Huy Mậu và Nguyễn Hoàng Thu) lần đầu tiên tiếp cận kho tàng mỹ thuật lớn của nhân loại, để hiểu thêm hơn, trân trọng thêm hon vẻ đẹp của thiên nhiên và con người...

*

Đang ở Paris thì có tin của Lê Vân, người bạn thân từ 30 năm trước ở Hà Nội, mời trở lại Munich. Vậy là Từ Huy tiễn chúng tôi từ nhà khách Trung tâm Văn Hóa Việt Nam đến sân ga Đông Paris rồi bắt tay tạm biệt nhau khi tầu chuẩn bị chuyển bánh lúc 20 giờ. Chuyến tầu đêm đi qua miền Nam nước Đức, 7 giờ sáng hôm sau mới đến Munich, thành phố lớn giàu sang với dáng vẻ tân kỳ và cổ kính chỉ sau thủ đô Berlin của một quốc gia giàu có thuộc bậc nhất châu Âu. Lê Vân đón tôi và hai người bạn tại sân ga. Một nụ cười mãn nguyện long lanh nước mắt trong vòng tay ôm, Vân nói, giọng xúc động niềm vui: Cuối cùng mình cũng gặp được nhau, em vui rất vui, lại còn có bạn của anh nữa! Về nhà em nhé, có đủ chỗ nghỉ ngơi cho các anh, em cũng đã chuẩn bị bữa ăn sang tại nhà. Em có duyên được đón tiếp anh và các anh tại nước Đức em đã sổng hơn hai mươi năm qua...Và suốt ba ngày lưu lại Munich, người bạn gái 30 năm trước với bao tình nghĩa đã ân cần chăm lo cho chúng tôi từ ly cà phê buổi sáng đến ly rượu buổi chiều tổ chức gặp gỡ bạn bè thân tình của em nơi xứ người trong tiết lạnh cuối thu châu Âu đó đây đã rơi đầy tuyết trắng trên những bóng cây chỉ còn thưa thớt lá vàng. Trời sắp chuyển sang đông, có đêm lạnh xuống 1-2 độ, Lê Vân đã chu đáo chuẩn bị thêm áo ấm cho chúng tôi, thân thiết như người thân không còn gì hơn nữa. Hai đứa con trai của Vân đã vào đại học, sáng đi chiều tối về nhà nên em không vướng bận gì khi đưa chúng tôi thăm thú đó đây trong hai ngày đầu ở Munich, lúc thi quảng trường đường Phố cổ với những tòa nhà đồ sộ uy nghi với kiểu dáng Gô-ích lẫn Phục hưng, khi thì công viên Trung tâm thành phố đầy sắc lá vàng thu rạng rỡ tỏa bóng trên dòng nước trong xanh óng ánh dưới bầu trời nắng mai yên lành. Tôi vui khi nhìn khuôn mặt Vân vui thanh thản trong ngày gặp lại nhau và yên lòng được biết bấy lâu em thanh thản trong cuộc sống không còn nặng nề khổ đau bởi hệ lụy tình cảm trái ngang...

Ngày cuối cùng ở Munich, vợ chồng Đặng Dũng-Thiên Kim, hai người bạn thân một thời ở Nha Trang hẹn gặp tôi tại nhà Lê Vân buổi sáng và tất cả cùng đi thăm cung điện Nymphenburg, một trong ba lâu đài cổ vẫn còn nét tráng lệ lộng lẫy tại thành phố lớn miền Nam nước Đức ngày nay. Bên ngoài và bên trong cung điện Nymphenburg hoành tráng nguy nga tìmg căn phòng nối tiếp nhau bày biện đầy đủ di sản lịch sử một thời đế vương không kém gì lâu đài Versailles của Pháp tọa lạc trên vùng đất ngoại thành Paris. Lâu đài thành quách nào cũng vậy, xem thì xem để biết vẻ đẹp lạ và kỳ vĩ của xứ người, cái đáng nhớ đời với tình cảm bồi hồi xao xuyến trong tôi vẫn là sự tốt tươi sinh động hài hòa của thiên nhiên diễm lệ có ít nhiều bàn tay chăm chút của con người. Bước ra ngoài cung điện Nymphenburg, thêm một lần tôi dừng lại ngắm nhìn thảm cỏ xanh vuông rộng bằng phẳng mượt mà như nhung, bốn góc cạnh được trang trí màu hoa đỏ thắm tươi dài theo bờ cỏ, kề cạnh đó là dòng nước trong xanh có đàn thiên nga trắng nhẹ nhàng bơi lội yên lành dưới bầu trời cao lồng lộng đầy nắng và bóng lá vàng rạng rỡ của một ngày cuối thu. Tôi thầm biết ơn hai bạn Đặng Dũng-Thiên Kim đã xin nghỉ phép một ngày tại xí nghiệp điện tử, nóng lòng gặp nhau niềm nở và hân hoan đưa chúng tôi đến chốn này. Thái Bá Lợi và Lê Huy Mậu tỏ rõ nét vui trên ánh mắt nụ cười khi thấy được niềm vui tình bạn gặp lại nhau giữa tôi và Đặng Dũng-Thiên Kim, đặc biệt là nghĩa tình của Lê Vân dành cho tôi, có cả ưu ái quý trọng hai người bạn nhà văn cùng chuyến đi. Một chuyến đi xa, ý nghĩa không chỉ nhìn nhận bao điều mới lạ tốt tươi, đẹp hơn nữa là tình ý chân thành thân thiết của những người bạn xa bao năm gặp lại nhau, và những người bạn mới gặp gỡ trên đất châu Âu, cởi mở thật lòng như thân quen nhau từ lâu, không ngại khó ngại ngần dành thời gian đón tiếp, quan tâm trao chúng tôi từ đôi găng tay, tấm khăn len quàng cổ đến chiếc áo dạ cần khoác thêm vào người tránh sương mai và gió lạnh chiều thu...

Sau bữa cơm chiều tại nhà Lê Vân, em đưa chúng tôi đến bến xe bus giữa thành phố Munich, có vợ chồng Đặng Dũng-Thiên Kim đi cùng. Vân đã chu đáo mua sẵn vé cho ba người, có cả thức ăn nhẹ và nước uống dành cho chúng tôi trên đường dài hàng ngàn cây số từ nước Đức đi qua các tỉnh miền Nam Ba Lan rồi ngược hướng Bắc mới về đến thủ đô Warszawa... Giữa trời đêm đầy gió lạnh, chúng tôi đã bước lên xe, các bạn tiễn đưa vẫn còn đứng đợi phút giây chiếc xe chuyển bánh. Bên ngoài khung cửa kính khuôn mặt Lê Vân và vợ chồng Đặng Dũng với những bàn tay vẫy xa dần khi xe chúng tôi rời bến... Tôi còn mang theo trên người chiếc áo khoác của Lê Vân tặng, nghĩ đến em trong hoàn cảnh chia lìa người chồng đã thành tro bụi giữa nghĩa trang thành phố Munich; nơi đây Vân đã đưa tôi đến thắp hương cho người hết lòng thương yêu em từ buổi đầu gặp gỡ cho đến ngày thành vợ chồng. Anh ấy là người Việt Nam, quê An Giang, du học tại Đức trước năm 1975, là tiến sĩ khoa học giảng dạy tại Trường đại học Munich suốt thời gian dài cho đến ngày qua đời mấy năm trước. Hiện nay Lê Vân vẫn nhận lương hưu của chồng, hai đứa con đi học được nhà nước đài thọ, có cuộc sống dễ chịu, lòng không khỏi nhớ thương người đã mất, từng cưu mang em những tháng ngày đầu lưu lạc gian nan từ Tiệp Khắc theo đường tị nạn qua nước Đức khi tấm bằng tốt nghiệp đại học tổng họp sử của em nhiều năm không tìm được việc làm chuyên môn, phải chạy xin đi lao động nước ngoài... Mùa thu năm 1989, tôi và các bạn Hà Nội tiễn Lê Vân tại sân bay Nội Bài, từ chuyến bay qua Tiệp Khắc ngày ấy cho đến nay mới gặp lại...

Chuyến xe bus Munich-Warszawa lao nhanh êm ái trên đường đêm giữa hai bên mờ mịt rừng cây. Đêm thật lạnh đến run rẩy bàn tay khi xe dừng lại đôi ba lần tại các thành phố của Đức và Ba Lan cho khách xuống khách lên, là lúc chúng tôi tạm ra khỏi xe, thong thả bước chân qua lại và hút thuốc lá. Dự kiến 10 giờ sáng chuyến xe đêm đường dài mới đến Warszawa. Qua điện thoại, nhà thơ Lâm Quang Mỹ cho biết sẽ có người đón chúng tôi tại bến xe và hẹn gặp nhau tại nhà riêng của anh với bữa tiệc rượu mừng chuyến đi tốt đẹp, cũng là dịp cùng bạn bè đông vui tiễn Thái Bá Lợi, Lê Huy Mậu và tôi trở về Việt Nam. Đêm trên chiếc xe đầy đủ tiện nghi, tôi thức nhiều hơn ngủ. Còn lại một ngày tại thủ đô Ba Lan, chưa xa đã nhớ những cánh rừng thu vàng bên sông bên phố, công viên văn hóa rộng thênh thang với hoa tươi, dòng nước biếc chờn vờn bóng thiên nga bơi lội thanh bình, tượng đài Chopin âm vang tiếng nhạc và rộn ràng bước chân chim nhún nhảy dưới hàng cây cành lá vàng mùa thu. Còn lại một ngày trên đất nước người người yêu quí trân trọng chim thú rừng cây, tôi lại nghĩ về rừng đất nước, rừng Tây Nguyên ngổn ngang điêu tàn; bao năm rồi đã thế, giờ còn đang đêm ngày đó đây bị bàn tay người và cưa máy sát hại không tiếc thương. Hàng trăm ngàn hecta rừng Tây Nguyên, còn hơn nữa, từ rừng thường xanh, rừng thay lá, rừng đặc dụng, rừng đầu nguồn, kể cả rừng vườn quốc gia cũng bị chặt hạ. Rừng điêu tàn là môi trường sống tốt tươi trong lành bị khô kiệt dần; hệ quả thiệt hại chung trước mắt và lâu dài cho đời sống con người, ai cũng biết mà bàn tay ai cấu kết cùng ai vẫn không ai ngăn chạn được... Ở Ba Lan và các nước châu Âu, rừng cây được được bảo vệ nghiêm ngặt, không chỉ vì luật pháp, cái chính còn là ý thức tự giác và tình cảm của con người với thiên nhiên. Ngay trong vườn nhà riêng, tự trồng cây xanh tỏa bóng mát nhưng không được tự ý chặt hạ khi thân cây đã đến tuổi thành thục vươn cao cành nhành góp phần tạo môi trường tốt tươi lành lặn chung cho mọi người. Tôi làm được chút gì đây, lòng buồn buồn tự hỏi, khi trở về Tây Nguyên của đất nước thân yêu, sao cho rừng cây xanh lại giữa ngổn ngang rừng tàn mà cuộc chinh phạt thiên nhiên vẫn đang tiếp diễn từng ngày...

Nguồn Văn nghệ số 35+36/2018


Hẹn - Thơ Nguyễn Ngọc Hưng

Hẹn - Thơ Nguyễn Ngọc Hưng

Baovannghe.vn- Ngoéo tay từ thuở xa mù/ Xe tơ kết tóc cho dù chậm mau
Mặt trời đêm… ban tặng phúc lành - Thơ Khaly Chàm

Mặt trời đêm… ban tặng phúc lành - Thơ Khaly Chàm

Baovannghe.vn- Bóng đêm xô tràn khí quyển/ lưỡi trăng tê buốt nhũn mềm
Trứng vỡ. Truyện ngắn của Mai Tiến Nghị

Trứng vỡ. Truyện ngắn của Mai Tiến Nghị

Baovannghe.vn - Chuyến xe khách gần trưa từ Hà Nội về bóp còi toe toe rồi ậm ạch dừng lại ở ngã ba gần chợ. Một người phụ nữ nhỏ thó thong thả bước xuống xe.
Đọc truyện: Tình xưa - Truyện ngắn của Ngô Vĩnh Xuân Lôi

Đọc truyện: Tình xưa - Truyện ngắn của Ngô Vĩnh Xuân Lôi

Baovannghe.vn - Giọng đọc và hậu kỳ: Hà Phương; Đồ họa: Thùy Dương
Chính thức miễn, hỗ trợ học phí cho trẻ mầm non, học sinh phổ thông từ năm học 2025-2026

Chính thức miễn, hỗ trợ học phí cho trẻ mầm non, học sinh phổ thông từ năm học 2025-2026

Baovannghe.vn - Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký chứng thực Nghị quyết số 217/2025/QH15 về miễn, hỗ trợ học phí đối với trẻ em mầm non, học sinh phổ thông, người học chương trình giáo dục phổ thông trong cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.