Là tuyển tập những truyện ngắn được Higashino Keigo viết rải rác từ những năm 2011 đến 2016, tập truyện Những người Nhật tử tế chứa đựng các câu chuyện cô đọng về nội dung, phong phú về đề tài trong cái nhìn đa chiều, đa diện của một tác giả, luôn đau đáu về con người và văn hóa trên mảnh đất Phù Tang.
Gồm 9 truyện ngắn trong tổng thể một tập sách, tập truyện Những người Nhật tử tế mang hơi thở rất “Nhật” và cũng rất “Higashino Keigo”. Một tập sách thể hiện rất rõ phong cách sáng tác đa dạng trên nhiều thể loại: từ trinh thám đến tâm lí xã hội, từ hiện thực đến hiện thực huyền ảo của Keigo tiên sinh. Một cuốn sách mà mỗi truyện đều có cấu trúc rất hoàn chỉnh, trong dòng chảy chung con người - văn hóa khiến tác phẩm mang hình thức tập truyện ngắn mà như một cuốn tiểu thuyết lớp lang, thống nhất.
Văn hoá
“Chùm truyện ngắn nằm trong tuyển tập Những người Nhật tử tế đem lại hơi thở rất “thuần Nhật”, chất “thuần Nhật”, trước hết đến từ dòng chảy văn hóa xứ Phù Tang được tác giả Higashino Keigo gửi gắm vào mỗi câu chuyện. Một dòng chảy trải dài từ truyền thống đến hiện đại, từ những không gian văn hóa mang tính linh thiêng nơi miền quê tới không gian đô thị phồn hoa. Một dòng chảy mang theo lớp phù sa giàu bản sắc của nước Nhật nhưng đồng thời, cũng chứa đựng lớp vỉa trầm khuất tăm tối khiến người ta không khỏi ngậm ngùi.
Đấy là phong tục, tín ngưỡng những ngày đầu năm, người ta viết thư pháp trên một loại giấy gọi là “hanshi”, người ta uống thứ rượu cúng “toso” đựng trong một chiếc bình hâm gọi là “tokkuri” “bao gồm các loại cỏ thuốc, hoa rum, sa sâm bắc, thương truật, vỏ cam quýt, cát cánh, đinh hương, hạt tiêu Nhật, tiểu hồi, cam thảo, quế. Trộn gia vị này với rượu và giấm mirin” và đi lễ ở những ngôi đền thờ thần đạo… như đôi vợ chồng già Tatsuyuki và Yasuyo đã làm vào Quyết tâm ngày Tết hôm đó. Đấy là Lễ hội búp bê Nhật Bản dành riêng cho các bé gái được tổ chức vào ngày 3 tháng 3 hàng năm với một bộ “búp bê Hina” vô cùng cầu kì từ số lượng búp bê cùng đồ trang trí tới cách thức sắp xếp, đặt búp bê lên kệ mà trong truyện ngắn Lễ hội búp bê một mình ta đêm nay, Keigo tiên sinh đã đề cập tới. Hoặc đấy là văn hóa đua ngựa và ở các trường đua ngựa, người ta bán những tấm vé đặt cược xuất hiện ở câu chuyện Cạn chén cùng mắt em. Và đấy còn là văn hóa ngày Valentine, ngày Giáng sinh hay văn hóa kịch, văn hóa anime…
Tất thảy, sự tỉ mỉ, chỉnh chu tới từng chi tiết nhỏ nhất, thậm chí, những điều vụn vặt chính con người nước Nhật có thể đã bỏ qua cũng có thể trở thành một tình tiết quan trọng trong tác phẩm; đều cho thấy, người viết, Keigo tiên sinh, đã thấu hiểu và trân trọng văn hóa mảnh đất ông sinh sống như thế nào. Nhưng cũng bởi thấu hiểu và trân trọng như vậy, mà những lãng quên, băng hoại trên khía cạnh văn hóa trước xã hội, thời cuộc đổi thay, phát triển như vũ bão ở trang viết của Higashino Keigo nói chung, các câu chuyện trong Những người Nhật tử tế nói riêng, lại càng thêm chua xót. “Những kẻ bừa phứa đến thế lại có thể sống hợm hĩnh. Ngu ngốc đến vậy mà lại là thị trưởng, là hội trưởng hội đồng giáo dục, là cảnh sát trưởng thị trấn…” “Rồi là thần chủ…”
Nâng niu từng giá trị văn hóa của một “Nhật Bản rất khác biệt”, đớn đau trước những điều tốt đẹp đang dần biến mất, đổi thay giữa đời sống thực tại, Higashino Keigo như góp một tiếng nói hay gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh, tới con người hiện đại về việc bảo tồn văn hóa. Đồng thời, sống sao cho xứng với hai tiếng văn hóa trên mảnh đất Phù Tang này.
Con người
Trong mối tương quan với văn hóa, con người “vừa là chủ thể, vừa là khách thể.” Và trong tập truyện Những người Nhật tử tế, trên trang viết của Keigo tiên sinh, ông cũng hướng tới con người với tinh thần như vậy. Con người Nhật Bản, vừa kiến tạo lên văn hóa Nhật Bản; đồng thời chịu ảnh hưởng từ văn hóa, xã hội, các mối quan hệ giữa con người với con người… Tất cả, làm nên tính phức tạp ở cả khía cạnh suy nghĩ lẫn hành động của bản thân con người lẫn cộng đồng người. Từ đấy, mâu thuẫn và những xung đột được tác giả khai thác triệt để trong từng truyện ngắn ở tập truyện này.
Trước hết, như nhiều tác phẩm khác, cả tiểu thuyết lẫn truyện ngắn, bất kể gián tiếp hay trực tiếp, con người xã hội qua ngòi bút Higashino Keigo, qua giao tiếp đều mang những chiếc “mặt nạ” nhằm che giấu nội tâm, cảm xúc. Có thể xuất phát từ bản tính khắc kỉ cố hữu đã ăn sâu vào tâm thức người Nhật mà họ khoác lên mình chiếc “mặt nạ”, thu một phần cá tính lại như một cách, giải quyết mâu thuẫn tồn đọng giữa họ với những người xung quanh. Như vợ ông Saburo trong câu chuyện Lễ hội búp bê một mình ta đêm nay thời bà còn sống đã nhẫn nhịn, chịu đựng trước người mẹ chồng khó tính, sự phản kháng cũng chỉ tới từ phía sau và tới từ mặt tinh thần mà thôi. Hoặc như tình yêu thương giấu kín đằng sau sự cay nghiệt mà người cha của Naoki hướng tới anh ở truyện ngắn Chuỗi tràng hạt thủy tinh cũng chỉ mang theo khát khao bảo vệ cậu con trai xa cách bất kể, điều đó sẽ khoét sâu thêm mối xung đột giữa hai cha con.
Nhưng “mặt nạ”, cũng nhằm che giấu thân phận vì mục đích nghề nghiệp hay đơn giản, là đằng sau “mặt nạ”, ẩn chứa một cá tính, ấp ủ một dự định khó cho kẻ khác hay. Như cách tội phạm dùng lớp trang điểm, trốn tránh ánh nhìn truy đuổi từ phía người điều tra. Người điều tra dùng lớp vỏ bọc một người bình thường, thân thiết dẫn dụ tội phạm trong tối, bước ra ánh sáng. Người phụ nữ, mang theo hận thù, có thể đánh đổi tất thảy, kể cả mạng sống, cho kế hoạch “trả thù.”
Nhưng sau tất cả, với một tập truyện mang tựa đề Những người Nhật tử tế, điều tác giả Higashino Keigo hướng đến hơn hết, có lẽ vẫn là khi chiếc “mặt nạ” gỡ xuống, con người trần trụi hiện lên, với trọn vẹn “nhân tính” nhất. Ác giả ác báo, người ta không thể tránh né sai lầm, càng không thể né tránh tội lỗi bản thân gây ra. Những người tinh tế tới tiểu tiết, dù cuộc sống có khó khăn, vẫn tìm thấy những ý nghĩa nhỏ nhặt để tiếp tục gắng gượng. Những con người giàu lòng yêu thương, trao yêu thương đi sẽ nhận về thương yêu. Những người ruột thịt, dù khoảng cách, mâu thuẫn vẫn sẽ tìm tới nhau mà thấu hiểu bởi, họ là người thân. Và được sống, là một điều đáng để trân quý. “Vậy tại sao những người sống đàng hoàng như chúng ta lại phải chết? Như vậy thật là quái gở. Thật là ngu ngốc. Mình à, gắng lên thôi.”
Mặc cho, cùng sự mai một của văn hóa, đạo đức con người cũng phần nào trở nên băng hoại. Thì vẫn còn đó, những cá nhân như chiếc mỏ neo, níu giữ yêu thương, tính người, tính thiện trên cuộc đời.
Cuốn sách Những người Nhật tử tếTập truyện ngắn mang giá trị như một cuốn tiểu thuyết
Là tập truyện ngắn thứ hai của Higashino Keigo được xuất bản ở Việt Nam, sau tác phẩm Những kẻ đáng ngờ, tập truyện Những người Nhật tử tế do dịch giả Ninh Nhân Văn dịch, Công ty Văn hóa Huy Hoàng phát hành, tiếp tục thể hiện rất rõ tính nhất quán trong phong cách sáng tác của Keigo tiên sinh từ thể tài tiểu thuyết cho tới thể tài truyện ngắn. 9 câu chuyện ở Những người Nhật tử tế là 9 đề tài được khai thác dưới góc độ đa điểm nhìn, đa bút pháp, đa phương thức thể hiện.
Có những truyện, viết ở ngôi kể thứ ba, điểm nhìn toàn tri như Quyết tâm ngày Tết hay Ngày Valentine năm thứ mười. Lại có những truyện, người dẫn truyện đứng ở ngôi kể thứ nhất, xưng tôi kể lại cuộc đời, những trải nghiệm họ đã trải qua như Cạn chén cùng mắt em hay Chiếc đồng hồ hỏng.
Có những truyện, được tác giả xây dựng bằng bút pháp hiện thực, nội dung, tình tiết, sự kiện tựa chính dòng chảy cuộc sống đang diễn ra như Lễ hội búp bê một mình ta đêm nay. Lại có những truyện, được Keigo tiên sinh tạo dựng trên nền hiện thực huyền ảo, thực - ảo đan xen nhưng tới khi ông “giải thiêng” yếu tố “ảo”, thì cốt lõi câu chuyện vẫn là thực tại cuộc đời như Kì tích Sapphire hay Cho thuê em bé.
Có những truyện trinh thám với đủ đầy các tình tiết thắt nút, mở nút theo hành trình điều tra, vén màn bí ẩn của người điều tra trước một vụ án. Cũng có những truyện, thuần túy là đời sống và tâm lí con người.
Nhưng dù viết bất cứ điều gì hay bằng cách thức nào, thì tới cuối cùng, 9 truyện ngắn ở cuốn sách Những người Nhật tử tế vẫn mang cấu trúc hết sức hoàn chỉnh trên khía cạnh chính nó hay trên khía cạnh tổng thể tác phẩm. Hoàn chỉnh về cách thức triển khai cốt truyện làm mỗi câu chuyện cô đọng trong tình tiết truyện ngắn như một lát cắt đời sống. Và những lát cắt ấy, tổng hòa tại một tập truyện “như một lăng kính vạn hoa ma quái”, khiến Những người Nhật tử tế mang một thể thống nhất, tựa cuốn tiểu thuyết tái hiện văn hóa, con người mảnh đất Phù Tang vậy.
MỌT MỌT
Nguồn VNQĐ