Tôi yêu thơ Nguyễn Hữu Quý bởi những ngôn từ dung dị, đời thường nhưng giàu chất thơ, nhạc điệu và hình ảnh, có sự hòa nhập nhuần nhuyễn giữa chất tự sự và tính trữ tình.
MẸ CHO CON NGÔN ĐIỆU QUẢNG BÌNH
NGUYỄN HỮU QUÝ
Tiếng khóc đầu đời đã gió cát quê hương
Quảng Bình đấy ai đến đây quẩy nắng
cơn gió lào trong con thành khoảng lặng
sống cả đời chưa đi hết thương yêu!
Mẹ gánh con qua cơn giông tố đổ chiều
bằng chiếc đòn triêng miền Trung nhiều sẹo bão
ngấn lũ mùa thu còn in trên vạt áo
mưa lở núi nguồn sao con vẫn ráo khô.
Mẹ che con khi bom nổ cạnh giấc mơ
con thấy cánh diều bay trên miền sông đẹp
chỉ một câu ru của vùng đất hẹp
con đã nhận ra ngôn điệu Quảng Bình.
Súng bắn giặc kê trên vú cát trắng tinh
lưng tựa Trường Sơn nghe nhịp buồm trên sóng
con đánh vần quê hương qua tháng năm nóng bỏng
để câu thơ lớn trước tuổi vẫn hồn nhiên.
Khi cuộc đời có nhiều thứ để quên
con vẫn nhớ câu ru của mẹ
như nhớ con đường không bao giờ bị xoá
trên hành trình đi tới đỉnh yêu thương.
Có gì đâu, mẹ chính là quê hương
là đất nước như bao người từng nói
nhưng với con mẹ là khi con gọi
có một vạt buồm vá nắng ở cuối sông...
![]() |
Tượng đài Mẹ Suốt bên bến đò Nhật Lệ. Ảnh Du lịch Quảng Bình |
LỜI BÌNH
Đọc “Mẹ cho con ngôn điệu Quảng Bình” ta như đang được nghe khúc nhạc trữ tình về mẹ và quê hương. Nó vừa dịu dàng, vừa hùng tráng, cho thấy tầm vóc cảm xúc và tư tưởng của anh về quê hương Quảng Bình - một miền đất “hẹp” về địa lý nhưng “rộng” về tâm hồn và lịch sử. Nhan đề bài thơ đã gây ấn tượng mạnh bởi cách nhà thơ dùng chữ: “Ngôn điệu Quảng Bình”. Đây không chỉ là tiếng nói, mà là cách biểu cảm, là tâm hồn, là linh hồn ngôn ngữ đặc trưng của một vùng đất nhiều nắng, nhiều gió - Quảng Bình, quê anh. “Ngôn điệu” ở đây là kết tinh của giọng nói, phong thổ, khí hậu và lịch sử.
Tiếng khóc đầu đời đã gió cát quê hương
Quảng Bình đấy ai đến đây quẩy nắng
Ngay từ khổ mở đầu, Nguyễn Hữu Quý đã đưa người đọc đến với một không gian nắng gió cát cháy của miền Trung khắc nghiệt, nơi đứa trẻ “khóc” không chỉ vì sinh thành mà còn vì nỗi đau chung của cả một vùng đất. Từng hình ảnh: “gió lào”, “giông tố”, “sẹo bão”, “ngấn lũ”, “bom nổ”… dựng nên một địa tầng lịch sử và thiên nhiên khốc liệt mà cũng chính nơi đó, “mẹ gánh con qua bão giông” bằng đòn triêng - biểu tượng vừa cụ thể, vừa mang tính sử thi về sức chịu đựng của người phụ nữ miền Trung:
Mẹ gánh con qua cơn giông tố đổ chiều
Bằng chiếc đòn triêng miền Trung nhiều sẹo bão
Ngấn lũ mùa thu còn in trên vạt áo
Mưa lở núi nguồn sao con vẫn ráo khô.
Ngôn ngữ chính là văn hóa, chính là bản sắc. Trong đó, “Câu ru” của mẹ chính là dấu ấn khó phai mờ của “bản sắc”. Vẫn biết rằng “câu ru”, hay “lời ru” thì ở đâu cũng có. Nhưng “ngôn điệu” thì mỗi vùng một khác. “Câu ru” của mẹ không chỉ là phương tiện dỗ dành, mà chính là ngọn nguồn văn hóa, là “giọng điệu” sống còn định hình tâm hồn con người. Qua “câu ru”, con biết nói, biết yêu, biết sống - một sự tiếp nhận văn hóa bản địa đầy sâu sắc.
Chỉ một câu ru của vùng đất hẹp
Con đã nhận ra ngôn điệu Quảng Bình
Câu thơ này như một điểm xoáy nghệ thuật, ẩn chứa bao điều, khiến người đọc chợt nhớ về chính quê hương riêng của mình.
Ở khổ kết, Nguyễn Hữu Quý dùng hình ảnh mẹ để làm hình ảnh biểu tượng của quê hương, đất nước:
Có gì đâu, mẹ chính là quê hương
Là đất nước như bao người từng nói
Nhưng với con mẹ là khi con gọi
Có một vạt buồm vá nắng ở cuối sông.
Đây là khổ thơ mang sắc thái triết lý nhẹ nhàng mà thấm thía. Trong con mắt đứa con, mẹ là hiện thân cụ thể nhất của đất nước - không phải bằng những khái niệm trừu tượng, mà bằng những gì thiết thân nhất: một “Vạt buồm vá nắng ở cuối sông” - hình ảnh vừa nên thơ, vừa xót xa mà đầy sức sống.