Tương tự nhiều thị trường điện ảnh quốc tế, mùa phim hè của Việt Nam kéo dài từ cuối tháng 4 đến hết tháng 7. Mùa nghỉ học của trẻ em và sinh viên cũng là mùa vui chơi của các gia đình thường được chọn là “điểm rơi” cho nhiều bộ phim có tính giải trí cao, kinh phí sản xuất lớn, đặc biệt là các bom tấn siêu anh hùng, khoa học viễn tưởng. Các tác phẩm hoạt hình dù thuộc thương hiệu đình đám hay chỉ là dự án nhỏ lẻ cũng thường được xếp lịch trình chiếu trong khoảng thời gian này.
Theo kế hoạch được các đơn vị phát hành công bố hiện tại, mùa phim hè 2024 dự kiến có 51 phim ra mắt công chúng Việt. Tuy nhiên, các bom tấn chỉ chiếm thị phần nhỏ, trong khi lượng phim hoạt hình chiếm thế thượng phong và gây chú ý hơn cả là các phim khai thác đề tài gia đình.
Hình ảnh trong phim Gia tài của ngoại của điện ảnh Thái Lan. Nguồn: CGV |
Phim Việt vắng bóng
Vì cuộc đổ bộ của bom tấn ngoại, điện ảnh Việt xưa nay thường né phát hành mùa phim hè. Duy nhất dịp 30/4 - 1/5 được xem là đợt ra mắt phim lý tưởng vì là kỳ nghỉ lễ dài ngày. Trong đó, thương hiệu điện ảnh Lật mặt của vợ chồng đạo diễn Lý Hải - nhà sản xuất Minh Hà trở thành cái tên thân thuộc mỗi mùa nghỉ lễ chào hè.
Phần phim mới nhất - Lật mặt 7: Một điều ước - trụ rạp đã gần hai tháng, hiện thu về hơn 480 tỷ đồng (theo hiển thị của đơn vị quan sát phòng vé Box Office Vietnam), đứng thứ hai trong danh sách phim Việt ăn khách nhất mọi thời đại. Trong khi đó, hai phim Việt nối tiếp ra mắt sau Lật mặt 7 đều không tạo được hiệu ứng nơi rạp chiếu. Án mạng lầu 4 (thể loại tâm lý, giật gân) rời rạp sau hai tuần, thu về khoảng hai tỷ đồng. Móng vuốt (phim sinh tồn, giật gân) sau hơn 10 ngày kiếm chưa tới bốn tỷ đồng.
Dự kiến, điện ảnh Việt còn phim Mùa hè đẹp nhất khởi chiếu ngày 28/6. Bộ phim mang âm hưởng giống như phiên bản nam của Tháng năm rực rỡ, kể về bốn người đàn ông trung niên hội ngộ sau nhiều năm mất liên lạc, cùng nhau thực hiện lời hứa về chuyến đi chơi bỏ ngỏ thời trai trẻ, qua đó lật mở ký ức ngày đôi mươi.
Những hình ảnh đầu tiên của phim gây chú ý bởi màn tung hứng ăn ý và hài hước của bốn nghệ sĩ gạo cội: NSND Thanh Nam, NSND Việt Anh, NSƯT Công Ninh và nghệ sĩ Đức Sơn. Tuy nhiên, thanh xuân vườn trường vốn là chủ đề nhiều may rủi của phim Việt, bởi từng có phim thắng, cũng không ít phim ra rạp lặng lẽ, rời rạp im lìm. Chưa kể, với phim Việt, yếu tố nam tính vẫn thường ít ăn khách hơn chất liệu nữ tính. Do đó, Mùa hè đẹp nhất vẫn là “canh bạc” khó lường trên màn ảnh.
Phim gia đình thắng thế
Từ phim truyền hình đến phim chiếu rạp, thị trường Việt Nam cho thấy thị hiếu khán giả thiên về phim gia đình. Một trong các bằng chứng là trong top 10 phim doanh thu cao nhất của điện ảnh, có tới 7 phim khai thác vấn đề gia đình hoặc có yếu tố gia đình.
Mùa phim hè năm nay, trong khi bom tấn Hollywood có phần thất thu, hai phim gia đình Lật mặt 7: Một điều ước của Việt Nam và Gia tài của ngoại từ Thái Lan lại tạo làn sóng yêu thích mạnh mẽ. Không hẹn mà gặp, cả hai phim cùng bàn về chữ “hiếu”, đề cập câu chuyện khi cha mẹ ốm đau, con cái ai lãnh trách nhiệm chăm nom, đỡ đần. Hai câu chuyện đôi khi gợi liên tưởng đến nhau và cùng làm người xem tốn nước mắt nơi phòng chiếu.
Qua màn hóa thân của nghệ sĩ Thanh Hiền, Lật mặt 7 xây dựng chân dung người mẹ, người bà hiền lành, khắc khổ, lam lũ. Từ phần tạo hình nhân vật, bộ phim đã làm khán giả động lòng thương cảm. Trong khi, những người con với muôn vàn sự vật lộn trong đời sống chính là hiện thân của nhiều lớp người trong xã hội.
Tương tự, Gia tài của ngoại cũng mở màn bằng tin dữ người mẹ, người bà mắc ung thư giai đoạn cuối. Lo cho sức khỏe của mẹ thì ít, các con, các cháu nhòm ngó tài sản của mẹ, của bà thì nhiều. Dù các nhân vật đều mang “tâm đen” như thế, câu chuyện được kể nhẹ nhõm, ngập tràn các tình huống và đoạn đối thoại dí dỏm. Nửa đầu làm người xem cười miết, bộ phim dễ lấy đi nước mắt ở những cảnh tượng về sau. Thống lĩnh doanh thu Thái Lan năm 2024, phim tiếp tục thắng lớn ở Việt Nam, thu về hơn 53 tỷ đồng sau 10 ngày chiếu.
Câu chuyện ở hai phim đều không mới trong điện ảnh, Gia tài của ngoại có cách thể hiện tinh tế, tiết chế ồn ào và bi kịch so với Lật mặt 7. Dù vậy, nhờ câu chuyện mang tính phổ quát cao với phần đông công chúng, hai phim thêm phần khẳng định sức hút, cơ hội thành công cao của dòng phim gia đình tại Việt Nam.
Các thương hiệu hoạt hình tái xuất rực rỡ
So với trước đại dịch, bom tấn hành động và siêu anh hùng của Hollywood không còn giữ được sức hút như vũ bão. Dù tạo dựng thương hiệu lâu năm, các tác phẩm Hành tinh khỉ (Planet of the Apes), Furiosa, Những gã trai hư (Bad Boys) đều “chìm nghỉm” giữa rạp Việt, khi ra mắt phần phim mới. Trái lại, hai thương hiệu hoạt hình Doraemon và Inside Out có nhiều tiềm năng kiếm tiền hơn.
Vừa ra mắt, Doraemon: Nobita và bản giao hưởng địa cầu đã soán ngôi của Lật mặt 7, dẫn đầu doanh thu phim chiếu rạp tại Việt Nam. Sau một tháng ra mắt, phim thu về khoảng 140 tỷ đồng, thường trực trong top 5 phim tiêu thụ vé tốt nhất dịp cuối tuần. Câu chuyện nhóm bạn của Nobita và Doraemon dùng âm nhạc hồi sinh một hành tinh bị kẻ xấu phá hủy không nhiều đặc sắc, nhưng dễ xem với khán giả nhỏ tuổi. Ngoài ra, việc bộ truyện kinh điển của Nhật Bản là vùng ký ức của nhiều thế hệ công chúng Việt giúp phim hoạt hình thêm được ưa chuộng.
Nối tiếp câu chuyện của phần đầu ra mắt cách đây 9 năm, Inside Out 2 (Những mảnh ghép cảm xúc) kể về những biến đổi tâm lý của cô bé Riley khi bước vào tuổi teen, mở ra những va chạm bên trong tâm trí của cô bé. Thêm những mảng màu cảm xúc mới lộ diện, dàn cảm xúc quen thuộc gồm Anxiety (Lo Âu), Envy (Ganh Tị), Ennui (Chán Nản) và Embarrassment (Xấu Hổ) đối mặt không ít chuyện chao đảo và bi hài. Inside Out 2 dễ tiếp cận với khán giả nhí, lại khơi gợi nhiều hoài niệm và thổn thức của khán giả trưởng thành. Cuối tuần đầu tiên ra rạp, phim chạm mốc 20 tỷ đồng, bán 189.449 vé với 6.534 suất chiếu.
Ngoài hai thương hiệu hoạt hình được yêu thích này, mùa phim hè tại rạp Việt năm nay còn tràn ngập nhiều lựa chọn phim hoạt hình dành cho các gia đình và các em nhỏ, tiêu biểu như Totto-chan: Cô bé bên cửa sổ (đang chiếu), Kẻ trộm mặt trăng 4 (Despicable Me 4 - khởi chiếu 5/7), 200% Wolf (chiếu lại từ 26/7)... Bên cạnh đó, loạt phim kinh dị từ Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc cũng duy trì lịch phát hành xuyên suốt những ngày hè, phục vụ đối tượng khán giả đặc thù.
Báo Văn nghệ số 26/2024