Trong khoảng thời gian từ 5 năm trở lại đây, nhiều câu hỏi đặt ra với đời sống văn học trẻ như: Hoạt động sáng tác văn học trẻ hiện nay đang ở đâu? Những mô hình hỗ trợ nhà văn trẻ nào cần được tập trung áp dụng phù hợp với Việt Nam? Làm thế nào để phát huy vai trò của công tác lý luận phê bình văn học? Công tác phát triển văn học thông qua các cuộc thi, giải thưởng văn học, trại sáng tác văn học thiếu nhi, đào tạo người viết trẻ, hỗ trợ, đào tạo các nhà văn trẻ, văn học trên không gian mạng... cần có chính sách ra sao?... đang được đặt ra ngày càng rốt ráo hơn, quyết liệt hơn, nhất là trong thời điểm mạng xã hội bùng nổ và trí tuệ nhân tạo đang trở thành một xúc tác quan trọng cho quá trình cạnh tranh sáng tạo và công tác bản quyền…
Mặc dù văn học nghệ thuật nói chung, văn học trẻ nói riêng đã có những bước tiến rõ rệt, đạt được những thành tựu cụ thể, nhưng để thống nhất chung trong quan niệm sáng tác, phát triển văn học trẻ một cách toàn diện, có ý kiến cho rằng, cần chú trọng đến tính đặc thù của văn chương. Chú trọng bồi dưỡng các cây bút trẻ từ cơ sở đào tạo chuyên ngành sáng tác văn học hiện nay. Đồng thời, phải nhanh chóng xây dựng chiến lược quốc gia về dịch văn học Việt Nam ra nước ngoài và quảng bá văn học Việt Nam ở nước ngoài cũng như tiếp tục tạo dựng các tác phẩm văn học đạt giải thưởng cao của thế giới và khu vực vào Việt Nam.
Hội thảo “Nâng cao chất lượng sáng tác trẻ” |
Nhìn vào thực trạng của đội ngũ sáng tác và so sánh mối tương quan trong công tác đào tạo nghề viết văn, hoạt động đào tạo Viết văn/Sáng tác văn học ở Việt Nam diễn ra ở phạm vi hẹp hơn cả về số lượng lẫn qui mô, trình độ đào tạo. Tính đến thời điểm hiện tại (2023), Đại học Văn hóa Hà Nội là cơ sở công lập duy nhất trong cả nước đào tạo ngành Sáng tác văn học, bậc đại học (chưa có bậc Sau đại học). So với giai đoạn trường Viết văn Nguyễn Du trước đây, qui mô và chương trình đào tạo đã có thay đổi ít nhiều để phù hợp với thực tế và đối tượng học viên song về cơ bản vẫn đi theo mô hình truyền thống, hướng vào nhiệm vụ bổ trợ tri thức nền tảng và kỹ năng/kỹ thuật nghề nghiệp chuyên sâu theo các thể loại (thơ, truyện ngắn, tiểu thuyết, ký...). Do đó, sản phẩm của khoa viết văn được xem là chuẩn về kỹ thuật viết, song đề tài và thể hiện đề tài thế nào, công bố tác phẩm ra sao lại là câu chuyện dài cần có những định hướng cụ thể để văn trẻ không đi chệch hướng…
*
Việc phổ biến văn học trên môi trường không gian mạng là một xu thế tất yếu của sự phát triển, ở Việt Nam đã có nhiều nhà văn chủ yếu sử dụng không gian mạng để công bố trích đoạn, thu hút sự quan tâm của công chúng và từ đó, quảng bá cho ấn phẩm truyền thống trước khi xuất bản theo lối truyền thống, một mặt đã tích cực tạo cơ hội để nhà văn đến gần với độc giả nhanh hơn, dễ dàng hơn, mặt khác, cũng đem lại những hệ lụy khôn lường nếu tác phẩm văn học đó đi chệch hướng, vi phạm thuần phong mỹ tục. Vì vậy, các quy định liên quan đến việc phổ biên văn học trên không gian mạng được cho là cần thiết và cấp thiết. Thời đại kết nối toàn cầu, những tác giả trẻ luôn trong tâm thế sẵn sàng nhập cuộc và sẵn sàng tìm đến chia sẻ cùng nhau, qua nhiều kênh thông tin. Chính tâm thế thoải mái, tự do công bố tác phẩm và sòng phẳng, công khai trong việc nhận phản hồi giúp các tác giả trẻ nhanh trưởng thành hơn, kịp thời tích lũy cho mình những kinh nghiệm quý giá.
Tuy nhiên, nếu so sánh sáng tác của tác giả trẻ khu vực thành thị, nông thôn với sáng tác của các tác giả trẻ dân tộc thiểu số thì thấy, hiện đã và đang có độ chênh nhất định. Chênh ở đây là tương quan lực lượng sáng tác, đề tài sáng tác và cơ hội xuất bản tác phẩm. Tác phẩm của các tác giả trẻ dân tộc thiểu số thường xuất bản theo truyền thống: in tại các nhà xuất bản, đăng trên báo, tạp chí và bước đầu tiếp cận với không gian mạng qua facebook và website cá nhân, trong khi đây đang là xu hướng chính mà nhiều người viết trẻ tại khu vực thành phố, đô thi lựa chọn - họ xem đây là kênh phát hành để tác phẩm nhanh nhất đến được với độc giả.
Sự nở rộ của mạng xã hội đặt ra công tác kiểm soát (hậu kiểm) tác phẩm của người sáng tác trẻ trở nên khó khăn. Sự lan truyền không giới hạn tác phẩm trên không gian mạng buộc chúng ta phải đẩy mạnh công tác phê bình văn học, cả trên báo chí chính thống lẫn truyền thông xã hội. Điều này, thực sự đang làm cho đời sống văn học nói chung và phê bình nói riêng trở nên sinh động và đầy hứa hẹn. Phê bình văn học, nghiên cứu văn học theo hướng liên ngành đang là con đường phát triển tiềm năng của văn học. Thoát khỏi tính tự trị, văn học trong hướng liên ngành đã mang đến cơ hội để văn chương bước vào đời sống một cách cởi mở nhất. Nhiều nhà phê bình, nghiên cứu, trong ý niệm hóa giải tính tự trị của văn học đã xem văn học như là một phương tiện để hiểu văn hóa, con người Việt Nam. Văn học trở thành một dữ kiện của văn hóa, một hướng để tìm hiểu lịch sử tinh thần, thời đại.
Sự đổi mới của đất nước, các chuyển động trong thể chế quản lý hành chính, văn hóa, văn nghệ cũng giúp gỡ bỏ nhiều rào cản cho phê bình nói riêng và văn học nói chung. Từ đó, phê bình có điều kiện để tiệm cận với các giá trị nhăn văn căn bản, phổ quát, hướng tới yếu tố thời đại.
Tuy nhiên, nói gì thì nói, trước xu hướng người viết trẻ xuất bản sách rất nhiều nhưng không phải tác giả nào cũng được công chúng đón nhận nồng nhiệt, công tác phê bình cần phải được thực hiện bài bản, công tâm… vô hình chung cũng trở thành bệ đỡ cho người viết trẻ thỏa sức phóng tác. Thực tế để tác phẩm văn học được người đọc đón nhận thì tác phẩm ấy cần hội tụ nhiều yếu tố như: chất lượng tác phẩm, thị hiếu của người đọc, hoạt động PR tác phẩm, thương hiệu tác giả, nhà xuất bản, đơn vị phát hành, hình thức tác phẩm, một chút may mắn, thời điểm công bố… Nói chung bản thân người viết phải nỗ lực hết mình, tùy cơ duyên để tác phẩm có thể được đón nhận như mong muốn.
Hiện người viết trẻ đang xuất hiện ngày một nhiều trên khắp cả nước, nhưng các cây bút trẻ thực sự có tiềm lực, đủ sức trở thành lực lượng kế cận các nhà văn lão thành, gạo cội thì lại chưa nhiều. Mặc dù, trên văn đàn đã xuất hiện nhiều gương mặt nhà văn trẻ đã có thành tựu nhất định, nhưng số này vẫn còn khiêm tốn. Sự thiếu hụt lớp kế thừa, có nhiều nguyên nhân, trong đó sự bỏ cuộc văn chương vì công việc, mưu sinh, hoàn cảnh, quan niệm vẫn không phải là ít.
Vì vậy, để nền văn chương nước nhà có thể đạt được những thành tựu mới, cần tính đến sự đa dạng hoá các loại hình đào tạo sáng tác văn học, thiết kế các chính sách hỗ trợ đào tạo từ sự bình đẳng trong thụ hưởng chính sách giữa các loại hình đào tạo đến thiết kế chính sách hỗ trợ đào tạo. Bên cạnh đó, văn học cũng nên được coi là một lĩnh vực quan trọng được hưởng những cơ chế, chính sách từ ý tưởng khởi nghiệp để có thể kết nối với nhà đầu tư. Hay nói cách khác để khích lệ người viết trẻ, cần nhiều hơn nữa các cuộc thi và giải thưởng văn học để có thể phát hiện những ý tưởng nghệ thuật và những cá nhân có năng lực sáng tác. Có như vậy, văn chương trẻ mới thực sự phát triển lành và định hình những xu hướng sáng tác mới không chỉ đậm đà bản sắc dân tộc mà còn đề cao những giá trị Chân- thiện- mỹ.
Nguyễn Phương Thủy
Nguồn Văn nghệ số 50/2023