Được biết, đây là ý tưởng đã thai nghén trong khoảng hai mươi năm về trước, cùng triết lý “nghệ thuật như một phòng thí nghiệm phát triển xã hội” của ông. Mãi đến năm nay, cùng với đối tác Vietnam and Friends, dự án mới thành hiện thực, là một phần nằm trong khuôn khổ chương trình hợp tác “Kêu gọi đề xuất ý tưởng: Nghệ thuật bao hàm” của Viện Goethe Hà Nội.
Dự án khởi đầu với một chuỗi workshop mà trong đó, người thực hành sáng tạo (người sáng) và người mù/người khiếm thị cùng tham gia trải nghiệm sáng tạo hình khối từ đất sét trong những hộp vuông kín đan bằng lưới tre, đắp đất và trồng cỏ tranh ở ngoài. Thực hành này hướng đến việc đánh thức tưởng tượng của những người, dù từng có ít hay nhiều trải nghiệm với điêu khắc nhưng giờ đây hoàn toàn thực hiện trong bóng tối với xúc giác của bản thân.
Ngô Hương, nghệ sĩ thị giác tham gia workshop trong dự án "Sờ, Nặn, Bóp - Nhìn bằng tay, liên tưởng trong bóng tối" - Ảnh: Trung tâm Bảo trợ và Phát triển Nghệ thuật APD |
Các tác phẩm được bày ra sau đó trong các hộp này, chỉ tương tác sờ chạm không nhìn xuyên suốt ba phiên trong một tuần để cộng đồng tới xem (bằng tay) và cảm nhận, phá bỏ/chất vấn lại rào cản “không được sờ/chạm vào tác phẩm” vốn trước giờ vẫn hiện hữu trong nghệ thuật hàn lâm.
Anh Đinh Công Thịnh, một người khiếm thị tham gia workshop cho biết: “Trước trưng bày này thì trải nghiệm với nghệ thuật vốn không quá nhiều” - Có lẽ cũng vì những quy định này khiến người mù không bao giờ nghĩ đến việc có thể cảm được tranh hay tác phẩm. Phiên trưng bày cũng là cơ hội hiếm hoi mà mọi người, dù khiếm thị hay sáng đều được chạm vào các diễn dịch thực tại của tha nhân, hé lộ những trải nghiệm sống và cảm nhận thế giới đa dạng.
Các tác phẩm được "lộ sáng" trong buổi tổng kết dự án "Sờ, Nặn, Bóp - Nhìn bằng tay, liên tưởng trong bóng tối" - Ảnh: Trung tâm Bảo trợ và Phát triển Nghệ thuật APD |
Tác phẩm của Lê Quốc Cường, Một con vật mà chính tôi cũng không biết (vì chính tôi đã tưởng), trong ngày lộ sáng và tổng kết dự án - Ảnh: Trung tâm Bảo trợ và Phát triển Nghệ thuật APD |
Dự án tạm kết lại với phiên tổng kết “lộ sáng” để các tác phẩm cùng được bày ra cho mọi người xem cho đến hết ngày 9/11, với chia sẻ của các khách mời gồm nhà báo khiếm thị Hoàng Văn Lý, anh Đinh Công Thịnh, tình nguyện viên của Vietnam and Friends - một tổ chức phi chính phủ hoạt động nhằm hỗ trợ những cộng đồng yếu thế, và cũng là thành viên Câu lạc bộ Khiêu vũ thể thao người khiếm thị SOLAR Dance Club, người nghiên cứu độc lập xuyên ngành với rối loạn điều tiết mắt Bùi Duy Thanh Mai và nhà điêu khắc Nguyễn Trung Chính.
Phiên chia sẻ xúc động với những trao đổi từ cộng đồng và Ban Tổ chức, trong đó đáng nhắc đến có kiến trúc sư Bùi Duy Tuấn chia sẻ lịch sử thiết kế trường khiếm thị Nguyễn Đình Chiểu từ những ngày đầu. Phiên thảo luận kết lại với lời nhắc của bạn trẻ khiếm thị Nguyễn An Như, một sinh viên của Học viên Âm nhạc Việt Nam: “Chúng ta, đều là người không khuyết tật tạm thời” và mở ra những khả thể tiếp tục dự án trong các giai đoạn tới như: Người mù mơ như thế nào?/ Thấy gì trong những giấc mơ?
Các khách mời chia sẻ về quá trình tham gia dự án và giao lưu cùng khán giả trong buổi tổng kết - Ảnh: Trung tâm Bảo trợ và Phát triển Nghệ thuật APD |
Kiến trúc sư Bùi Duy Tuấn chia sẻ lại lịch sử thiết kế trường khiếm thị Nguyễn Đình Chiểu - Ảnh: Trung tâm Bảo trợ và Phát triển Nghệ thuật APD |
Dự án mong nhận được sự hỗ trợ đóng góp/hưởng ứng/cộng hưởng từ cộng đồng cùng chung tay xây dựng.