Diễn đàn lý luận

Sự khác biệt trong thơ thiếu nhi của Đông Trình

Lý luận phê bình
10:25 | 19/11/2022
​ Trong 12 tác phẩm thơ của Đông Trình đã xuất bản, có 03 tập thơ thiếu nhi: Những chiếc xe màu lửa - NXB Đà Nẵng, 1992 (50 bài); Nếm mật - NXB Đà Nẵng, 1995 (33 bài); Giữa thực và mơ - Tuyển tập thơ thiếu nhi, NXB Đà Nẵng – 2009 (110 bài). Trong tuyển tập này, có 82/83 bài đã in ở 02 tập trước, bổ sung vào 28 bài. Như vậy, trước sau có 110 bài thơ được tác giả xếp vào “thơ thiếu nhi”, phần lớn được sáng tác từ sau năm 1975, có 05 bài viết từ những năm 1969-1973. Với một tác giả không chuyên viết về thiếu nhi, số lượng thơ như vậy là khá nhiều…
aa

Trong 12 tác phẩm thơ của Đông Trình đã xuất bản, có 03 tập thơ thiếu nhi: Những chiếc xe màu lửa - NXB Đà Nẵng, 1992 (50 bài); Nếm mật - NXB Đà Nẵng, 1995 (33 bài); Giữa thực và mơ - Tuyển tập thơ thiếu nhi, NXB Đà Nẵng – 2009 (110 bài). Trong tuyển tập này, có 82/83 bài đã in ở 02 tập trước, bổ sung vào 28 bài. Như vậy, trước sau có 110 bài thơ được tác giả xếp vào “thơ thiếu nhi”, phần lớn được sáng tác từ sau năm 1975, có 05 bài viết từ những năm 1969-1973. Với một tác giả không chuyên viết về thiếu nhi, số lượng thơ như vậy là khá nhiều…

1.

Khái niệm văn học thiếu nhi, thơ thiếu nhi nói riêng, chưa có một kiến giải tường minh. Giới nghiên cứu cũng chỉ xem xét trên các đặc điểm nhận diện cơ bản về các yếu tố: người đọc (thiếu nhi – đối tượng tiếp nhận), nội dung (đề tài, cuộc sống được mô tả, phản ánh) và hệ thống nghệ thuật (tư tưởng, thủ pháp,… nhất là điểm nhìn trần thuật).

Các phân định vừa nêu trên có tính tương đối và không thuyết phục, ví dụ, trẻ con muốn đọc thơ Nguyễn Bính và người lớn vẫn thích thú với Dế mèn phiêu lưu ký của Tô Hoài; Doraemon của Fujiko F. Fujio, Harry Portter của J.K. Rowling được mọi lứa tuổi trên khắp thế giới say mê... Jan Susina - GS. văn học thiếu nhi và văn hóa của Đại học Illinois State, cho rằng: “Văn học thiếu nhi bao gồm những văn bản được viết riêng cho trẻ em, những văn bản được trẻ em lựa chọn, ranh giới giữa văn học trẻ em và văn học người lớn rất mong manh.”.

Từ đó, có thể sơ bộ thấy rằng, thơ thiếu nhi thường xuất hiện nhân vật trữ tình và đối tượng trữ tình là trẻ con; hình tượng và chi tiết nghệ thuật được nhìn bằng tư duy và xúc cảm của trẻ thơ, dù là do trẻ thơ viết hay người lớn sáng tác, dù là thơ viết về trẻ thơ hay viết cho trẻ thơ.

So sánh những đặc điểm về thơ thiếu nhi vừa nói với nhận xét khi đọc tuyển thơ thiếu nhi của Đông Trình, ta thấy Nguyễn Khắc Viện đã nhận xét khá tinh tế: “Chỉ có trong giấc mơ, chim mới biết nói, hoa mới biết cười, và con người có thể bay lên với mây với gió. Người thường không ai ngây dại đến mức lấy mơ làm thực. Thế mà trẻ em và nghệ sĩ cùng một tính ngây thơ rất dễ biến thực thành mơ để thấu cho hết lý tình của cái thực. Đọc thơ Đông Trình nhiều lúc bắt gặp những chuyện mơ mơ thực thực như vậy.” (1)

Thơ thiếu nhi của Đông Trình là những sáng tác cho “trẻ em và nghệ sĩ”. Đó không phải là thơ của thiếu nhi viết (như Trần Đăng Khoa với Góc sân và Khoảng trời, Khánh Chi với Gửi gió về cho nội,…) mà là thơ của người lớn, người già, người đã đi qua đổi thay thời cuộc, lúc còn trai trẻ với Câu thơ lửa cháy, lời thề máu sôi (Đường con), đến khi nhận ra Còn đây cay đắng mình tôi khẩu phần (Khúc hát người ngậm ngãi), và một ngày Để anh thương xót câu thơ thật lòng (Bụi),...

2.

Thế giới thơ thiếu nhi của Đông Trình, như nhiều nhà thơ cùng thời, được sáng tạo trước hết thông qua cái nhìn, kiểu tư duy hồn nhiên, ngộ nghĩnh trên cơ sở quan sát sự vật rồi tìm ra nét tương đồng - tương phản để bất ngờ phát hiện điều thú vị.

Hình ảnh Hoa trong Hoa và cỏ (Những chiếc xe màu lửa) là quan sát theo tầng bậc: Hoa vào tranh họa sĩ/ Hoa trong thơ nhà thơ/ Hoa chưng trên bàn thờ/ Hoa vẽ nền vải áo/ Gạo nở trong bát cháo/ Cháo thành tên cháo hoa/ Chiếc nơ trên gói quà/ Tạo hình bông hoa nở...

Đến bài Sợi tóc (Những chiếc xe màu lửa) có điều suy ngẫm: Sợi tóc rơi xuống đất/ Năm tháng không đổi màu/ Sợi tóc mọc trên đầu/ Qua thời gian điểm bạc/ Bùi ngùi nhìn sợi tóc/ Bé cảm thương Ông Bà/ Những lo toan khó nhọc/ Tóc trên đầu trắng ra…

Chủ thể và đối tượng trữ tình trong thơ thiếu nhi của Đông Trình không đơn nhất, không “đóng vai” mà chuyển hóa, khi thì đối thoại lúc lại độc thoại; điều đó giúp cho việc vừa miêu tả nhẹ nhàng vừa khái quát, phát hiện. Bài thơ Nét riêng (Những chiếc xe màu lửa) là một ví dụ:

Tan trường, con với bạn con

Ùa ra như thể một đàn chim vui

Râm ran tiếng nói tiếng cười

Con đi lẫn giữa bao người giống con

Cũng mắt biếc, cũng môi tròn...

Mẹ ơi, sao mẹ tìm con không nhầm!

Con ơi, dù giữa chợ đông

Vợ không nhìn lẫn người chồng mình đâu

Người ta ai cũng giống nhau

Cũng mắt, cũng mũi, mái đầu tóc xanh...

Nét riêng không chỉ ngoại hình

Nét riêng ra tự trái tim con người.

Buổi chiều nghe con bò kêu ngoài đồng – trong tập Giữa thực và mơ, viết tháng 02/1981, tập thơ thứ hai của tác giả - cho thấy một kiểu cấu tứ vốn là thế mạnh của thơ Đông Trình. Nghe tiếng bò kêu nếu có giàu tưởng tượng lắm cũng là nhắc chuyện quê, chuyện xưa, làm giật mình thương nhớ, như mấy khổ thơ có dòng mở đầu: Con bò mày nhắc chuyện gì?.../ Con bò mày nhắc chuyện xưa…/ Con bò mày nhắc phải không? v.v… Rồi thương nhớ đồng quê hiển hiện: Trái sim chín mọng, chiều vàng rực lúa, Tiếng đàn cá nhỏ quẫy trong ruộng bùn,… Và thương nhớ cả không gian mơ màng: Người về nhặt nắng hoàng hôn, Tai nghe tiếng đập trái tim rộn ràng,… Thế thôi đã đủ chùng lòng con trẻ, làm xao động tâm hồn người lớn. Nhưng tác giả không dừng ở kể lể mà muốn nói một điều gì sâu hơn cho tâm hồn thơ trẻ, với ngôn ngữ thơ ca:

Khói nhà ai ấm mái tranh

Con bò kêu... Bỗng trở thành tiếng ru!

Thi ảnh độc đáo ở dòng kết bài thơ không phải để cho khác thường mà nhằm biểu lộ một liên tưởng trong tâm tưởng từ âm thanh Con bò kêu giữa một buổi chiều kỳ lạ.

Ở hai bài thơ Trong tình đầy thanh tâm (10/1969) và Tâm sự với con đầu lòng (1971) - được in lại trong tập Giữa thực và mơ, người đọc gặp một Đông Trình ngày trai trẻ đã chọn yêu thương làm bệ phóng, muốn gấp giọng buồn vào ngăn kéo, Xếp đau thương để Nghe quê hương thành máu chảy trong người. Đem về mấy bài thơ ngày đó cho hôm nay là réo gọi thanh xuân chứng giám kẻ lỡ có vong thân cũng không bao giờ quên thề ước: Vạch lối sương mù, nhìn trời bể rộng/ Và sẵn sàng cho một chuyến ra khơi…

3.

Bên cạnh một Đông Trình viết cho thiếu nhi với tấm chân tình sâu lắng còn có một Đông Trình hóa thân vào thiếu nhi để nhìn ngược vào thế giới con người ở những thời khắc đổi thay, thậm chí đảo lộn không kém phần khốc liệt.

Bắt đầu là nỗi buồn. Đây là nỗi buồn của Bà được đứa cháu cảm thấy và nhà thơ nghe thấy:

Giếng làng đã đặt máy bơm

Ông mừng Ông bảo nông thôn đổi đời

Trầm ngâm Bà lại không vui

Đêm trăng - Nhớ tiếng gàu rơi Bà buồn!

(Giếng làng - Những chiếc xe màu lửa)

Dòng cuối nói lên tất cả! Nhưng tôi thấy bài thơ có chút kịch tính: Tại sao Ông lại phấn khởi và đối nghịch cảm xúc với người trăm năm của mình như vậy? Một bì kịch gia đình và xã hội đang nhen nhóm tinh vi trong cái máy bơm xa lạ và tiếng gàu rơi thân thuộc đó chăng? Sự đối chọi hình ảnh và ngôn ngữ khiến bức tranh “tả thực” 28 chữ chen ngang một vệt màu rạn vỡ!

Và không chỉ biết Bà buồn…, đứa bé đang lớn ấy tiếp tục phát hiện có cái gì lỡ làng đang Nhấp nhô trong nắng Xuân (Nếm mật):

Có chiếc khăn đội đầu

Mang tên là khăn đóng

Hình như đã từ lâu

Không ra ngoài mưa nắng

Dưới đáy hòm gỗ tạp

Khăn đóng nằm ngủ quên

Bỗng sáng nay Mồng một

Ông Nội lại cầm lên!

Mặc chiếc áo dài đen

Ông đội khăn đứng vái

Trước bàn thờ Tổ tiên

Lung linh màu hương khói...

Những chiếc khăn đóng cũ

Nhấp nhô trong nắng xuân

Giữa bao nhiêu nón mũ

Cứ ngày một xa dần...

Chữ nghĩa tối giản, dòng thơ 5 chữ đều đặn như nếp gấp chiếc khăn đóng cũ, thầm thĩ về một “nhân vật” đang lạc loài giữa nón mũ người ta. Đâu chỉ riêng Ông, cả bàn thờ Tổ tiên/ Lung linh màu hương khói... rong phút chốc cũng hóa thành bơ vơ!

Không dừng ở đó, Đông Trình cầm tay bọn trẻ vốn chỉ quen với thế giới thần tiên bước sang một trạng thái “kinh khủng” nhất của con người. Mà Ông lại dắt dẫn tự nhiên, vẫn theo logic tâm lý trẻ con qua bài Đom đóm cô đơn (Những chiếc xe màu lửa):

Một con đom đóm cô đơn

Một tia sáng nhỏ chập chờn ngoài hiên

Thoắt sà xuống, thoắt vượt lên

Nhập nhòe tan dưới bóng đèn thủy ngân

Ơi con đom đóm độc thân

Quê mày là rặng tre xanh đầu làng

Ánh lên hạt chín mùa vàng

Niềm vui chấm giữa thênh thang ruộng đồng

Ở đây phố chật người đông

Con đom đóm lạc bay trong ánh đèn.

Một con đom đóm cô đơn, con đom đóm độc thân, con đom đóm lạc bay… ngoài hàng hiên, dưới bóng đèn, nơi phố chật người đông,… Thử hỏi không gọi là lạc loài lạc lối, là sắp chấm dứt một môi trường tồn tại, là đích thị cô đơn thì gọi là cái gì?! Chủ thể bài thơ, may mắn thay, đã nhận ra, đã nhắc nhở: Quê mày là rặng tre xanh đầu làng. Đó là một hoài niệm, mà hoài niệm cũng có một hiệu ứng phục hồi và có khả năng chống lại sự cô đơn. Nỗi cô đơn ấy đâu phải từ con đom đóm mà căn nguyên từ sự cô đơn trong đời sống vốn đã đóng một vai trò quan trọng trong quá trình sáng tạo thi ca.

Ngoài hiên đom đóm lẻ loi trong giăng mắc điện đèn thì trong nhà cũng có một người ngồi im như pho tượng khi chiếc Ti-vi xuất hiện:

Từ ngày nhà sắm Ti-vi

Hình như Bà có điều gì không vui

Tuổi Bà nay đã tám mươi

Cháu mời - Bà nói tao ngồi mỏi lưng.

Ngày xưa... cơm tối vừa xong

Cháu con rót nước, lấy tăm hầu Bà

Bây giờ Ti-vi mở ra

Cháu con nhốn nháo, mặc Bà tự lo...

Ngày xưa... các cháu ngây thơ

Vòi nghe cổ tích, sà vô lòng Bà

Từ khi cái máy vào nhà

Đêm đêm lại thấy... thừa ra một người!

(Ngày xưa - Những chiếc xe màu lửa)

Đứa bé đêm ấy đã bỏ xem Ti-vi và được nhà thơ kéo đến bên bà để cả ba người sẻ chia, an ủi. Làm cho người đọc lớn nhỏ đều rưng rưng trong cái đẹp sắp tan biến cũng là cách tiếp cận của một nhà thơ thiếu nhi tài năng.

Lạc loài như vừa nói trên dẫu sao cũng còn thấy nhập nhòe bóng dáng và còn mang tên đom đóm, tuy thừa thãi nhưng Bà vẫn còn nguyên đó một nhân dạng. Đến cái Dao cau thì mới tiếc thương:

Từ ngày Ngoại em qua đời

Lá trầu vườn ngoại chẳng người nào ăn

Dao cau ngoại bọc trong khăn

Mẹ em dùng để thái hành, tỉa rau...

Rồi ra năm tháng dài lâu

Nào ai còn biết đao cau là gì!

(Những chiếc xe màu lửa)

Dao cau đã thành dao thái rau, bị dao Thái (Lan) thay thế mất rồi! Thời công nghệ khiến sự vật mau chóng cũ đi, biến đi, mất đi… âu cũng là lẽ sinh diệt thường tình. Tình thế của dao cau đâu phải thời kỳ cái rựa mà đem dùng cả ngàn năm! Vĩnh viễn hóa cái tan biến chính là sứ mệnh của nghệ thuật, nó có khả năng níu giữ vĩnh hằng. Bảo tàng thơ ca bảo tồn được mọi thứ, không bằng hiện vật mà bằng năng lực sử dụng chất liệu ngôn ngữ đặc trưng.

Trong các tập thơ thiếu nhi của Đông Trình, tôi phát hiện ra 03 bài khá đặc biệt. Vẫn là thơ viết về thiếu nhi nhưng nhưng gửi thông điệp của một nhà văn! Thông điệp gì mà mượn trẻ để giãi bày?

Đứa bé nhìn thấy, đúng hơn là phát hiện, hành động của bố lặp lại mỗi ngày một lần đều đặn và đều đặn mỗi ngày thêm một nỗi buồn xâm lấn:

Bóc

Mỗi ngày Bố bóc một tờ

Vò viên rồi ném hững hờ ra sân

Mỗi ngày Bố bóc một lần

Trông đôi mắt Bố tần ngần không vui...

Bóc gói quà, có đồ chơi

Bóc gói nem, Bố cháu mời bạn thân

Bóc quả quít, gỡ múi ăn

Bóc lá sen, bánh cốm dần tỏa hương...

Chỉ riêng tấm lịch treo tường

Ngày nào cũng bóc mà không thấy gì!

(Nếm mật)

Hóa ra là nỗi đợi mong, hóa ra ra là cuộc đuổi bắt thời gian, trông chờ thời cuộc, hóa ra mang mang niềm rượt đuổi vô vọng! Nói với trẻ con điều khó đến vậy mà Ông vẫn làm được. Ông dấn thêm một bước nói về triết lý căn cốt của nghệ sĩ:

Cái Bố đi tìm

Người tìm nhà, đã có nhà

Người tìm của, của từ xa mang về

Người tìm uống, gặp mâm bia

Kẻ tìm ăn, rủ nhau đi nhà hàng...

Đêm đêm giấy trắng, đèn vàng

Bố cầm cây bút... bảo: đang đi tìm!

Đi tìm mà chẳng đứng lên

Hỏi ra, Bố chẳng biết tên cái tìm!

(Nếm mật)

Vẫn giữ kiểu diễn đạt ngạc nhiên, hỏi han ngây ngô và muốn được trả lời rõ ràng của con trẻ, Ông gửi vào trang giấy hoài vọng khi bước trên “con đường đau khổ” của sáng tạo thi ca. Tôi không tin câu thơ tài năng được viết ra dễ dàng bởi những tài năng. Như một tình yêu vĩnh quyết, thơ luôn đi liền, hay ít nhất cũng liên đới với máu và nước mắt! Vì thế, bất cứ một nhà thơ lớn nào cũng đều có tuyên ngôn, cách này hay cách khác, dù khi viết về thiếu nhi hay người già, cả lúc gần như hóa thân thành con trẻ. Trong Giữa thực và mơ, cuối cùng, Đông Trình không vĩnh viễn hóa thi ca, không đặt thơ lên ngôi vị của đấng tạo hóa; Ông nỗ lực sáng tạo để thơ ca tôn vinh theo cách âm thầm mà cao cả: Đó là âm điệu tâm hồn con người mà gần như suốt đời thơ Ông chung thủy và mãi mãi đi tìm:

Những bài thơ rồi đời sẽ xoá

Tôi tự vẽ mình bằng ngôn ngữ vô duyên

Có cái gì khác hơn, âm thầm mà cao cả

Bằng hình hài, bằng xương thịt làm nên.

Bằng gì nữa? làm sao tôi hiểu hết

Khi bàn tay nhỏ xíu tựa chồi non

Của cháu tôi đưa lên trong không khí

Nói với tôi bằng âm điệu tâm hồn!

(Dấu ấn)

4.

Đông Trình tiếp cận đề tài thiếu nhi theo một cách khác, theo “kiểu trần thuật” và “trần tình” – làm theo “đơn hàng” mà tác giả tự kê ra trong từng giai đoạn, trong mỗi tập thơ và mang đến như một món nợ đời không thể để muộn màng hơn, và phải trả cho rốt ráo. Vậy nên, khi nào đó, hãy nói thật với độc giả trẻ thơ rằng, thơ này không chỉ dành riêng cho các con.

Thơ thiếu nhi của Đông Trình là một sự nhất quán và khác biệt - nhất quán với tư tưởng và phong cách thơ Đông Trình, khác biệt là thơ thiếu nhi của Ông với người viết cùng thời. Người đọc tìm thấy trong thơ thiếu nhi của Ông những điều không dễ nói với một “thể loại” gần như được mặc định; những điều sâu kín của đời thơ được chuyển tải nhẹ không vào từng trang mà không thấy sự gán ghép, đóng vai, làm dáng… Trong sắp đặt ý tứ, từng đoạn, từng câu, từng hình ảnh, người đọc thấy Đông Trình cũng có nét giống với Võ Quảng ở sự bình dị, gần gũi cuộc sống thường ngày; thấy gần với Phạm Hổ ở lòng yêu trẻ, ái mộ tạo vật; có gặp Quang Huy ở sự phát hiện trong miêu tả thiên nhiên; và có chút giống Xuân Quỳnh ở tình cảm gia đình nồng ấm và ít nhiều trở trăn,… Nhưng nét riêng và điểm mạnh của Đông Trình chính là chất suy tư chớm lên từ tâm hồn con trẻ, nghĩa là tâm hồn những đứa trẻ không dừng lại ngơ ngác trong thơ mà đang lớn khôn tự nhiên giữa cuộc đời. Và không chỉ dừng lại ở sự “vượt khung” đó, Ông còn táo bạo “hiện hình” là một Đông Trình luôn thao thức với thời cuộc, với con đường, với đích đến và sứ mệnh thơ ca. Như Ông đã thổ lộ: “Tôi viết tặng một người lớn trong trẻ con và một trẻ con trong người lớn”(2). Điều này rất hiếm thấy ở những nhà thơ viết cho thiếu nhi cùng thời. Đặc biệt, điều ấy ẩn kín trong cấu trúc ngôn ngữ vốn là đặc điểm không lẫn với ai khác của Đông Trình.

Thơ ca cận hiện đại và đương đại Việt Nam có nhiều nhà thơ viết về thiếu nhi, viết cho thiếu nhi, viết từ khi còn là thiếu nhi. Nếu chọn ra một người khác biệt với những bài thơ khác biệt thì người ấy là Đông Trình. Thơ Đông Trình còn lại trước hết là ở sự khác biệt đó./.

Đà Nẵng, Tháng 11.2022

Nguyễn Minh Hùng

----------------------------

Chú thích:

(1) Nguyễn Khắc Viện, 03/3/1992, in trang đầu tập Những chiếc xe màu lửa.

(2) Lời nói đầu trong Nếm mật.


Nguyễn Đình Thi - Thơ Nguyên Hùng

Nguyễn Đình Thi - Thơ Nguyên Hùng

Baovannghe.vn- Sinh ở Lào nhưng là người Hà Nội/ Một nghệ sĩ hào hoa sắc sảo đa tài
Triển lãm nghệ thuật "Sắc màu bừng nở"

Triển lãm nghệ thuật "Sắc màu bừng nở"

Baovannghe.vn - Từ ngày 23/11 đến ngày 15/12/2024, tại Nguyen Art Gallery (Hà Nội), sẽ diễn ra triển lãm tranh màu nước Colors in Bloom - Sắc màu bừng nở của nhóm 6 họa sĩ trẻ.
Yêu người cây mở đất - Thơ Chung Tiến Lực

Yêu người cây mở đất - Thơ Chung Tiến Lực

Baovannghe.vn- Như những mũi lao cắm vào vùng ngập mặn/ Mầm sống gieo trên sóng nước hoang sơ
Nên bị gai đâm - Tản văn của Chu Văn Sơn

Nên bị gai đâm - Tản văn của Chu Văn Sơn

Baovannghe.vn - Và ta cứ yên trí đi qua thế giới này với bước chân quen xéo lên cỏ hoa. Thỉnh thoảng bàn chân nên bị gai đâm, để ta được giật mình: Tổn thương là rỉ máu.
Trịnh Hoài Đức - Nhà thơ, nhà viết kịch tài hoa

Trịnh Hoài Đức - Nhà thơ, nhà viết kịch tài hoa

Baovannghe.vn - Kịch Trịnh Hoài Đức ngoài chất hài ý nhị, sâu cay, cười ra nước mắt còn bao hàm cả triết lý sâu sắc về thế giới quan, nhân sinh quan... Thơ của ông như gieo vào lòng người cái tình sâu lắng, ngôn ngữ giản dị mà nhân văn đa nghĩa đầy tính bác học...