Chiều 24/6, tại trụ sở Bộ VHTTDL, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông đã chủ trì cuộc họp, nghe báo cáo về việc tiếp thu, hoàn thiện Dự thảo Nghị định quy định về Đào tạo các ngành, nghề chuyên sâu đặc thù trong lĩnh vực nghệ thuật.
Ảnh minh họa. Nguồn internet |
Trước thực trạng các trường trung cấp nghệ thuật đang giảng dạy văn hóa theo mô hình giáo dục thường xuyên, nếu việc học văn hóa không đảm bảo, sẽ khó khăn cho việc tuyển sinh cũng như đảm bảo cho các học sinh, các trường đang tuân thủ theo quy định, có thi, có mã định danh gặp khóa khăn trong đào tạo. Do đó, vấn đề đặc thù trong đào tạo trong lĩnh vực nghệ thuật được xem là có vai trò quyết định cả hệ thống đào tạo tài năng, nhân lực, văn hóa nghệ thuật tương lai của đất nước.
Nhận thức được tầm quan trọng của giáo dục chuyên sâu, đặc thù lĩnh vực nghệ thuật, thời gian vừa qua, Bộ VHTTDL đã họp với đại diện các Bộ: Giáo dục- Đào tạo; Lao động, Thương binh và Xã hội; Tư Pháp, Văn phòng Chính phủ và các đơn vị liên quan về dự thảo Nghị định quy định về đào tạo các ngành, nghề chuyên sâu đặc thù trong lĩnh vực nghệ thuật. Bộ VHTTDL cũng đã lấy ý kiến các Bộ, ngành liên quan, đối tượng chịu tác động, đồng thời đăng tải nội dung Dự thảo trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ, Cổng thông tin điện tử Bộ VHTTDL nhằm lấy ý kiến rộng rãi.
Trước đó, ngày 19 tháng 11 năm 2018, Quốc hội đã thông qua Luật số 34/2018/QH14 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học (Luật số 34/2018/QH14), có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2019, trong đó có giao Chính phủ quy định chi tiết về trình độ đào tạo, văn bằng, chứng chỉ đào tạo đối với một số ngành đào tạo chuyên sâu đặc thù, cụ thể: Tại Khoản 3 Điều 1 Luật số 34/2018/QH14 sửa đổi, bổ sung Điều 6 của Luật Giáo dục đại học về trình độ và hình thức đào tạo của giáo dục đại học trong đó quy định: "Chính phủ quy định trình độ đào tạo đối với một số ngành đào tạo chuyên sâu đặc thù".
Tuy nhiên, khi triển khai vào thực tế, đã bộc lộ một số bất cập, hạn chế đối với hoạt động giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp trong lĩnh vực đào tạo nghệ thuật chuyên sâu đặc thù. Cụ thể: Tại khoản 5 Điều 3, Khoản 1 Điều 19 Luật Giáo dục nghề nghiệp (Luật số 74/2014/QH13 ngày 27/11/2014) quy định các cơ sở giáo dục đại học được phép tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp khi đủ điều kiện theo luật định, Tuy nhiên, ngày 14/10/2016, Chính phủ ban hành Nghị định số 143/2016/NĐ-CP quy định điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, trong đó, tại Khoản 2, Điều 14 Nghị định này, quy định: Cơ sở giáo dục đại học được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp trình độ cao đẳng, khi có đủ các điều kiện sau đây: Các ngành, nghề đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp có trong danh mục ngành, nghề đào tạo trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng do Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội ban hành...
Tương tự, tại Khoản 2, Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học năm 2018 quy định: Trường đại học, học viện là cơ sở giáo dục đại học đào tạo, nghiên cứu nhiều ngành, được cơ cấu tổ chức theo quy định của Luật này. Do đó, một số cơ sở giáo dục đại học lĩnh vực nghệ thuật đã đào tạo đồng thời các trình độ trung cấp, cao đẳng, đại học và sau đại học. Mô hình đào tạo trung cấp kết hợp học các môn văn hóa phổ thông với chuyên môn nghệ thuật được các cơ sở giáo dục đại học thực hiện rất hiệu quả, nhằm tạo điều kiện thuận lợi, tốt nhất cho học sinh thực hiện đồng thời cả 02 nhiệm vụ, vừa học văn hóa và học chuyên môn ngay tại trường.
Vì vậy, việc ra đời Nghị định quy định về đào tạo các ngành, nghề chuyên sâu đặc thù trong lĩnh vực nghệ thuật chính là công cụ nhằm tháo gỡ những điểm nghẽn, nút thắt trong công tác đào tạo nghệ thuật hiện nay, giúp cho công tác đào tạo nghệ thuật đạt hiệu quả tốt nhất, tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành văn hóa nghệ thuật./.
NP