Theo báo cáo thường niên của Art Basel và ngân hàng UBS công bố vào ngày 8 tháng 4 năm 2025, doanh số bán nghệ thuật toàn cầu trong năm 2024 đã ghi nhận mức giảm 12%, xuống còn 57,5 tỷ đô la, tiếp tục xu hướng giảm đã bắt đầu từ năm 2023.
![]() |
Doanh số thị trường nghệ thuật toàn cầu tiếp tục giảm năm thứ hai liên tiếp, xuống còn 57,5 tỷ đô la trong năm 2024. Ảnh: Freepik. |
Báo cáo được đánh giá là chuẩn mực của thị trường nghệ thuật, chỉ ra rằng sự suy giảm chủ yếu do các yếu tố bất ổn kinh tế toàn cầu và căng thẳng địa chính trị. "Năm 2024 chứng kiến những căng thẳng địa chính trị dai dẳng, bất ổn kinh tế và gián đoạn thương mại," theo tờ The New York Times trích dẫn báo cáo này.
Nhà kinh tế học Clare McAndrew, tác giả của báo cáo, nhận định hành vi thận trọng và tránh rủi ro đã trở thành xu hướng của các nhà sưu tập lớn, khiến nguồn cung các tác phẩm giá trị cao trở nên khan hiếm.
Hoa Kỳ tiếp tục giữ vị trí thị trường nghệ thuật hàng đầu thế giới với doanh số 24,8 tỷ đô la, giảm 9%. Theo sau là Vương quốc Anh với 10,4 tỷ đô la, chỉ giảm 5%. Tuy nhiên, thị trường Trung Quốc ghi nhận mức giảm nghiêm trọng nhất với doanh số giảm tới 31%, chỉ còn 8,4 tỷ đô la, thấp nhất kể từ năm 2009.
Đặc biệt, các cuộc đấu giá tác phẩm trị giá hơn 10 triệu đô la giảm mạnh đến 39%, và tổng doanh số đấu giá công khai cũng giảm 25%, chỉ còn 19 tỷ đô la. Điều này phản ánh rõ sự suy yếu của phân khúc siêu cao cấp, vốn được coi là động lực chính của thị trường đấu giá nghệ thuật.
Tuy vậy, thị trường không hoàn toàn u ám. Số lượng giao dịch nghệ thuật nói chung vẫn tăng nhẹ 3%, đạt 40,5 triệu lượt, chủ yếu nhờ các giao dịch trực tuyến phát triển mạnh mẽ. Bên cạnh đó, các tác phẩm có giá dưới 5.000 đô la đang chứng kiến sự tăng trưởng tích cực với số lượng tác phẩm tăng 7% và số giao dịch tăng 13%.
Các phòng trưng bày nhỏ, có doanh thu dưới 250.000 đô la, cũng ghi nhận sự khởi sắc đáng chú ý với mức tăng trưởng hoạt động 17%. Điều này phần nào cho thấy sự thay đổi trong cấu trúc thị trường, ngày càng trở nên dân chủ và dễ tiếp cận hơn với giới trẻ và các nhà sưu tập mới.
Dù vậy, triển vọng cho năm 2025 vẫn còn nhiều bất định, đặc biệt do căng thẳng thương mại tiếp tục tồn tại, nhất là dưới tác động của chính sách thuế quan chưa rõ ràng từ phía Mỹ. Thị trường nghệ thuật quốc tế đang hy vọng vào sự ổn định nhưng vẫn giữ thái độ thận trọng trước những biến động tiếp theo.
Đinh Nam Anh (dịch & tổng hợp)