Trong một động thái được cho là mang tính cách mạng đối với ngành xuất bản, ngày 11 tháng 4 năm 2025, Bộ Văn hóa Pháp chính thức thông báo đang xúc tiến một giải pháp pháp lý nhằm thiết lập cơ chế trả thù lao cho tác giả và nhà xuất bản mỗi khi một cuốn sách đã qua sử dụng được bán lại. Sáng kiến này được công bố nhân dịp Tổng thống Emmanuel Macron tham dự Lễ hội Sách Paris, cho thấy cam kết của chính phủ Pháp trong việc bảo vệ quyền lợi tác giả trong bối cảnh thị trường sách cũ ngày càng phát triển mạnh mẽ.
![]() |
Bản quyền cho sách cũ, một bước tiến bảo vệ tác giả và nhà xuất bản. |
Theo thông cáo báo chí của Bộ Văn hóa Pháp, Bộ trưởng Rachida Dati đã trình vấn đề lên Hội đồng Nhà nước để xây dựng khung pháp lý cho “quyền bán lại bản quyền” (droit de revente), áp dụng cho các lần bán lại của cùng một cuốn sách. “Số tiền thu được từ bản quyền của cuốn sách đã qua sử dụng sẽ được chuyển cho một tổ chức quản lý tập thể nhằm hỗ trợ sáng tạo,” thông cáo nêu rõ.
Cơ chế này được kỳ vọng sẽ bổ sung nguồn thu cho các tác giả và nhà xuất bản – những người hiện hoàn toàn không được hưởng lợi từ thị trường sách cũ, vốn đang nằm ngoài vùng phủ của luật bản quyền hiện hành. Theo thống kê từ một khảo sát thực hiện vào tháng 2 năm 2025 với 1.768 tác giả, có tới 18% cho biết sách của họ đã bị bán lại ngay trong ngày xuất bản, và 42% thấy sách của mình được rao bán lại chỉ vài ngày sau khi ra mắt.
Liên đoàn Xuất bản Quốc gia (SNE), tổ chức đại diện cho các nhà xuất bản tại Pháp, đã bày tỏ sự “hài lòng” với sáng kiến này. Chủ tịch Vincent Montagne nhấn mạnh với AFP: “Pháp, cũng giống như quốc gia tiên phong áp dụng luật giá sách thống nhất, có thể dẫn đường.” Ông đồng thời bày tỏ kỳ vọng rằng mô hình này sẽ là tiền đề để các nước châu Âu khác học hỏi.
Dự kiến, quy định mới sẽ được đưa vào dự luật do hai Thượng nghị sĩ Sylvie Robert và Laure Darcos soạn thảo về chế độ thù lao cho tác giả, thông qua sửa đổi của Chính phủ. Việc thực thi cụ thể vẫn chưa được ấn định, nhưng theo các nguồn tin, tổ chức Sofia – hiệp hội bảo vệ quyền lợi tác giả tại Pháp – sẽ được giao quản lý khoản thu này, tương tự như cơ chế hiện hành đối với quyền cho mượn và sao chép riêng.
Vấn đề càng trở nên cấp thiết khi các nền tảng số như Recyclivre, Momox, Rakuten, Vinted hay Amazon không ngừng mở rộng hoạt động mua bán sách cũ, cung cấp đầu sách với mức giá rẻ hơn nhiều so với hiệu sách truyền thống. Điều này đặt ra bài toán lớn về công bằng lợi ích trong ngành xuất bản.
Ngay từ Lễ hội Sách Paris năm 2024, Tổng thống Emmanuel Macron đã gợi mở khả năng “đóng góp” từ các đại lý sách cũ cho ngành sách, nhưng chưa đưa ra chi tiết cụ thể. Một năm sau, Bộ trưởng Văn hóa Rachida Dati chính thức hành động. Trong lễ khai mạc năm nay tại Grand Palais, bà đã có bài phát biểu kêu gọi “tổng động viên” chống lại sự suy giảm thói quen đọc sách – điều mà nhiều đời bộ trưởng trước cũng từng trăn trở, nhưng chưa có hành động cụ thể nào mạnh mẽ như lần này.
![]() |
Các hiệu sách ven sông Seine – những địa điểm được coi là biểu tượng văn hóa đặc trưng của Paris . Ảnh: Telmo Pinto/Getty Images |
Tuy nhiên, không phải mọi đơn vị bán sách cũ đều sẽ bị áp dụng thuế bản quyền. Bộ Văn hóa Pháp cho biết sẽ loại trừ “các tác nhân trong nền kinh tế xã hội và đoàn kết” như tổ chức Emmaüs và các hiệu sách ven sông Seine – những địa điểm được coi là biểu tượng văn hóa đặc trưng của Paris – khỏi quy định này. Đây là cách mà chính sách vẫn giữ được sự cân bằng giữa bảo vệ quyền lợi tác giả và duy trì tinh thần tiếp cận văn hóa cho mọi tầng lớp.
Pháp là quốc gia đầu tiên trên thế giới ban hành Luật giá sách thống nhất năm 1981 nhằm đảm bảo sự đa dạng xuất bản và bảo vệ hiệu sách độc lập. Giờ đây, với động thái mở rộng bản quyền sang cả thị trường sách cũ, Pháp tiếp tục khẳng định vai trò tiên phong trong việc bảo vệ chuỗi giá trị sáng tạo và duy trì nền xuất bản đa dạng, bền vững.
Trong bối cảnh thị trường xuất bản toàn cầu đang bị ảnh hưởng bởi sự thay đổi trong hành vi tiêu dùng và sự bành trướng của các nền tảng số, sáng kiến của chính phủ Pháp là một tín hiệu rõ ràng: quyền của người sáng tạo cần được bảo vệ không chỉ trong lần xuất bản đầu tiên, mà cả trong suốt vòng đời của một tác phẩm.
Khuất Thu Nam (dịch & tổng hợp)