Sự kiện là một trong những hoạt động trọng điểm trong khuôn khổ Lễ phát động Ngày Tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN) và cuộc thi “Tìm kiếm Sứ giả tiếng Việt ở nước ngoài” năm 2025. Đồng thời, đây là bước triển khai cụ thể Đề án “Ngày Tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng NVNONN giai đoạn 2023 – 2030” và Kế hoạch Ngày Tôn vinh tiếng Việt năm 2025 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
![]() |
Các đại biểu làm lễ ra mắt chương trình Tiếng Việt diệu kì. |
Phát biểu tại buổi lễ, bà Phùng Ngọc Hồng – Phó Tổng Giám đốc NXB Giáo dục Việt Nam nhấn mạnh: “Chương trình ‘Tiếng Việt diệu kì’ là một nỗ lực cụ thể để giữ gìn và lan toả tiếng Việt đến cộng đồng người Việt Nam trên toàn thế giới, đặc biệt là thế hệ trẻ. Đây là dịp để chúng ta lan toả tinh thần yêu quý, giữ gìn và phát huy tiếng mẹ đẻ – vốn là cội rễ văn hoá dân tộc”.
“Tiếng Việt diệu kì” được xây dựng dưới hình thức hoạt hình, kết hợp yếu tố kể chuyện dân gian với nhân vật hoạt hình sinh động như Cô Tiên Tiếng Việt dịu dàng và chú rồng nhỏ Long Con đáng yêu. Chương trình mang đến những bài học gần gũi, bổ ích và đậm chất văn hoá Việt Nam thông qua kho tàng văn học dân gian. Không chỉ hướng đến các em nhỏ, chương trình còn là tài liệu tham khảo hữu ích cho giáo viên và phụ huynh trong việc dạy tiếng Việt ở lớp học cũng như tại gia đình.
Chương trình sẽ được phát sóng từ tháng 4/2025 trên kênh VTV4 với lịch phát sóng cố định vào các khung giờ: 04h00 thứ Hai, 02h15 và 17h45 thứ Ba, 07h45 thứ Tư, 19h45 thứ Sáu, đồng thời có thể dễ dàng truy cập qua các nền tảng số.
![]() |
Các đại biểu tham dự chương trình tại trụ sở UBNN về NVNONN. |
Đánh giá về phương thức truyền thông hiện đại trong giảng dạy tiếng Việt, bà Phùng Ngọc Hồng cho biết: “Việc sử dụng các hình thức sáng tạo như hoạt hình, phim ngắn hay các chương trình truyền hình tương tác như ‘Chào tiếng Việt’, ‘Tiếng Việt diệu kì’ là một bước chuyển mình mạnh mẽ trong cách tiếp cận ngôn ngữ. Sự đổi mới này không chỉ phù hợp với thói quen học tập của thế hệ trẻ mà còn mở ra nhiều cơ hội để người Việt Nam ở nước ngoài và người nước ngoài yêu mến văn hoá Việt tiếp cận tiếng Việt một cách gần gũi và hấp dẫn hơn”.
Tuy nhiên, việc duy trì kết nối ngôn ngữ giữa các thế hệ trong cộng đồng người Việt xa quê vẫn còn nhiều thách thức. Theo bà Phùng Ngọc Hồng, một trong những khó khăn lớn nhất là thiếu môi trường sử dụng tiếng Việt thường xuyên, đặc biệt là trong gia đình và cộng đồng. Việc thiếu học liệu phù hợp cũng là rào cản trong việc gìn giữ tiếng mẹ đẻ.
Trước thực trạng này, NXB Giáo dục Việt Nam đã triển khai hệ thống sách giáo khoa điện tử miễn phí dành cho cộng đồng NVNONN và phối hợp với Ủy ban Nhà nước về NVNONN cung ứng tài liệu học tập, bước đầu đưa sách vào các thư viện công tại một số quốc gia. “Tới đây, chúng tôi sẽ đẩy mạnh chuyển đổi số để có thể đưa các học liệu số tới cộng đồng một cách nhanh chóng và hiệu quả nhất,” bà Hồng cho biết.
Với những nỗ lực đó, chương trình “Tiếng Việt diệu kì” được kỳ vọng sẽ trở thành sợi dây gắn kết, củng cố và phát triển ngôn ngữ cũng như bản sắc văn hoá dân tộc Việt Nam trong lòng thế hệ trẻ Việt Nam ở nước ngoài. Một hành trình học ngôn ngữ tràn đầy cảm xúc, bắt đầu từ những câu chuyện cổ tích quen thuộc, và lan toả bằng tình yêu quê hương, đất nước.