Diễn đàn lý luận

Tinh thần nhận thức lại và ý thức tự vấn trong văn học Việt Nam sau 1975

PGS. TS Lê Quang Hưng
Lý luận phê bình
06:00 | 16/12/2024
Baovannghe.vn - Nếu cần khái quát tinh thần cơ bản của công cuộc đổi mới văn học từ đây thì đó là: dũng cảm nhìn thẳng vào sự thật, tự do, sáng tạo mạnh mẽ
aa

Vài năm sau 1975, đặc biệt từ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI năm 1986, nhà văn Việt Nam chúng ta cầm bút trong một bối cảnh lịch sử, xã hội khác trước và với một tâm thế, ý thức cũng không còn như trước. Làm sao có thể phản ánh, ngợi ca hào sảng khi đã khép lại một thời sử thi, khi xã hội đổi thay, biến động với bao điều ngổn ngang, bề bộn, khi nhu cầu và quyền hạnh phúc chính đáng của cá nhân nổi lên không thể né tránh. Nếu cần khái quát tinh thần cơ bản của công cuộc đổi mới văn học từ đây thì đó là: dũng cảm nhìn thẳng vào sự thật, tự do, sáng tạo mạnh mẽ trên tinh thần dân chủ và tư tưởng nhân bản. Khao khát nhận thức lại những điều mình từng làm, hằng tin, soi xét lại chính bản thân mình không nằm ngoài tinh thần cơ bản đó.

Theo Từ điển tiếng Việt (Hoàng Phê chủ biên), tự vấn có nghĩa là tự đặt câu hỏi với chính mình để xem xét lại mình[1]. Như thế, tự vấn (phản tư) là hoạt động hướng nội của chủ thể, thể hiện năng lực tự ý thức cao của chủ thể. Nó chứng tỏ sức mạnh nội tại của con người ấy đang vươn mình để bước qua, vượt khỏi chính minh. Tự vấn bao gồm trong nó nhu cầu, khả năng tự nhìn nhận lại, tự đánh giá lại bản thân với thái độ phê phán, phủ định nghiêm khắc tự bên trong của chủ thể.

Tinh thần nhận thức lại và ý thức tự vấn trong văn học Việt Nam sau 1975
Văn học sau 1975 chính là nhận thức lại về chiến tranh. ảnh minh họa. Nguồn Internet

Có thể khẳng định sự nảy sinh, phát triển của tinh thần nhận thức lại và ý thức tự vấn trong văn học Việt Nam sau 1975 là một tất yếu, bởi:

Thứ nhất: Nhiều quan niệm, giá trị hiển nhiên, nhiều tín điều tưởng chừng bất di bất dịch suốt bao năm bỗng trở nên xơ cứng, lạc lõng và bị lung lay trước thực tiễn sinh động, trong cái nhìn mới thấm đượm tinh thần dân chủ, tư tưởng nhân văn, nhân bản.

Thứ hai: Sự trưởng thành của nền văn học trong bối cảnh mới, sự “tự giác ngộ” của văn học về vai trò của mình trong xã hội, về ý nghĩa của mình đối với con người. Nhà văn từ sau 1975 ngày càng hiểu rằng văn học không còn phản ánh hiện thực như một bản sao mà cần tra vấn hiện thực, cần chiêm nghiệm về đối tượng bằng cái nhìn mới, tư tưởng riêng. Người cầm bút không phải là kẻ truyền dạy, kẻ ban phát chân lí, áp đặt cho người đọc tư tưởng có sẵn mà tác phẩm chính là cuộc trò chuyện, cuộc đối thoại – đối thoại với cuộc sống, đối thoại với người đọc. Hiển nhiên, đối thoại để nhận thức lại, đối thoại khi tự vấn không tránh khỏi niềm xót xa, thậm chí đau đớn, nhưng đó là cái đau đớn sung sướng của người cầm bút khi được bừng ngộ, được chia sẻ, khẳng định những chân lí mới.

Nội dung nhận thức lại dễ thấy nhất mà cũng từng gây ấn tượng mạnh nhất trong văn học sau 1975 là nhận thức lại về chiến tranh. Đừng chỉ nhìn phía trước của tấm huân chương, đừng ngợi ca một chiều mà hãy đi đến tận cùng mọi góc khuất của chiến tranh, miêu tả chiến tranh như nó vốn có – đó là nhận thức, là mong muốn của nhiều người cầm bút từng đi qua những năm tháng hào hùng và đau thương của dân tộc. Nhà văn Chu Lai đã chia sẻ: “Chiến tranh là bi kịch và chiến tranh cũng là bi tráng. Nếu chỉ tô hồng đậm chất hoan ca thì không phải là nó. Nhưng chỉ tô đen toàn màu bi thảm oán thán thì cũng không phải là nó. Chiến tranh có cả mất mát tận cùng và cả hào quang tột độ… Nếu thiếu đi một trong hai vế thì thiếu đi sự trung thực. Mà sự trung thực lại chính là hạt nhân của giá trị truyền cảm làm nên hồn vía, cốt lõi của tác phẩm[2]. Những tác phẩm Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh, Cỏ lau của Nguyễn Minh Châu, Chim én bay của Nguyễn Trí Huân, Ăn mày dĩ vãng của Chu Lai… ra đời trên tinh thần đó. Còn nhớ, sự xuất hiện của Nỗi buồn chiến tranh (1987) đã tạo nên cú sốc mạnh trong đời sống văn chương đất nước và dư âm vẫn chưa tắt nhiều năm về sau. Trở về sau chiến tranh, nhân vật Kiên không sao thoát khỏi ám ảnh của những kỉ niệm trong suốt của một thời tuổi trẻ, những hình ảnh dữ dội, tàn khốc của những tháng năm cầm súng ở chiến trường. Nuối tiếc và đớn đau khiến Kiên thường xuyên rơi vào tình trạng mất ngủ, vào trạng thái tâm thần bất an, bất định như kẻ mộng du. Kiên khi thì “đứng lặng ngắm nhìn toàn cảnh đời mình đang mất đi, đang trôi xa, đang vĩnh biệt chính mình”, lúc lại giật mình hiểu ra “chiến tranh là cõi không nhà, không cửa…, là thế giới bạt sầu vô cảm và tuyệt tự khủng khiếp của dòng giống con người”. Sự hủy diệt, chết chóc tàn nhẫn của chiến tranh cũng được “nói thẳng” trong Ăn mày dĩ vãng: “Còn đơn vị tôi không biết đã bị xóa phiên hiệu đi, xóa phiên hiệu lại đến lần thứ mấy… Sau hiệp định Pari, thực sự những kẻ cầm súng trực tiếp như chúng tôi sống trong một màn bi hài kịch đẫm máu. Mỗi lần bị xóa đi là mỗi lần mấy đứa còn lại lủi thủi theo giao liên ngược lên rừng già nhận thêm quân ở ngoài kia mới vào. Có quân là có việc làm, có mục tiêu để nổ súng và để lại tiếp tục ngã xuống, ngã xuống đến người cuối cùng”. Đó là những sự thực trần trụi không hề tô vẽ bởi được kể từ chính những người từng trải qua.

Điều đáng lưu ý là cảm hứng nhận thức lại, viết lại về chiến tranh ở các nhà văn luôn gắn liền cùng mong muốn nhìn nhận, phân tích tính cách, số phận của con người. Chiến tranh khiến con người ta trở thành anh hùng nhưng nhiều khi cũng làm con người ta nhạt phai nhân tính, tâm hồn khô cằn, chai sạn. Chiến tranh đã biến con người thành nạn nhân, nhào nặn số phận con người theo cách của nó. Cuộc sống, tính cách con người bị xáo trộn, biến đổi trong chiến tranh và rồi suốt thời gian sau đó, suốt thời gian còn lại của cuộc đời, họ vẫn tiếp tục gánh chịu những nỗi đau, những trớ trêu của số phận, rồi lại còn chồng thêm những bi kịch do xã hội đang bề bộn đổi thay, đang bày ra bao điều ngang trái. Đó là câu chuyện của Kiên, Phương với tình yêu trong sáng vô ngần bị chà xát phũ phàng trong Nỗi buồn chiến tranh. Đó là bi kịch lạc lõng, lạc thời của Hai Hùng trong Ăn mày dĩ vãng, của Quy trong Chim én bay, của Thảo trong Người sót lại của rừng cười… Giá như người ta có lỗi thì phải chịu bi kịch thì đã đành. Đằng này, thật xót xa, bản thân con người ta không có lỗi. Lỗi chỉ là do chiến tranh, bi kịch chỉ là do hoàn cảnh. Biết thế mà không thể tránh, không thể trách. Lắm khi biến đổi, rẽ ngoặt có vẻ bất chợt, bất ngờ song hóa ra cuộc đời con người đã được sắp đặt bởi bàn tay vô hình nào đó. Nhân vật Lực trong Cỏ lau (Nguyễn Minh Châu) hiểu ra mình vẫn phải sống nhưng “chỉ là một người khách lạ của cái cuộc sống luôn luôn biến động nhưng bao giờ cũng như được sắp sẵn xong đâu đấy”. Sự trở về của người sĩ quan này sau hơn hai mươi năm làm người đã chết vô tình khiến cả ba con người cùng mang nỗi đau khổ. Lực, Thai, Quảng chẳng ai có lỗi, cũng không hề muốn làm khổ nhau, vậy mà thật trớ trêu, mỗi người ôm một nỗi buồn, nỗi day dứt riêng. Lực lặng lẽ nhìn lại những hi sinh, mất mát của cuộc đời mình: “Chiến tranh, kháng chiến, không phải như một số người khác, đến bây giờ tôi không hề mảy may tiếc nuối đã dốc tất cả tuổi trẻ vào đấy cống hiến cho nó, nhưng nó như một nhát dao phạt ngang mà hai nửa cuộc đời tôi bị chặt lìa khó gắn liền như cũ. Nhưng đau đớn hơn hai nửa cuộc đời tôi cũng không bị cắt lìa hẳn”. Đúng như Chu Lai đã viết: “chiến tranh là một dung dịch mạnh nhỏ xuống số phận con người làm cho số phận ấy lên màu hết nét[3]. Chiêm nghiệm, thể hiện chân thực số phận cá nhân con người trong và sau chiến tranh đã làm nên giá trị nhân văn của nhiều tác phẩm. Ở đây, một điều thiết tưởng cần phải khẳng định rằng viết về chiến tranh như thế không hề là bi quan, không hề khiến người đọc nghi ngờ về cuộc kháng chiến anh hùng của dân tộc. Những ai còn máy móc, còn ác cảm khi nhìn nhận những tác phẩm văn chương miêu tả sự tàn khốc của chiến tranh, diễn tả nỗi buồn đau, diễn tả bi kịch của con người hãy đọc lại những dòng này của Nỗi buồn chiến tranh khi nhân vật “tôi” ngẫm nghĩ về thế hệ mình, thế hệ Kiên: “Nhưng chúng tôi còn có chung một nỗi buồn, nỗi buồn chiến tranh mênh mang, nỗi buồn cao cả, cao hơn hạnh phúc và vượt lên đau khổ. Chính nhờ nỗi buồn mà chúng tôi thoát khỏi chiến tranh, thoát khỏi bị chôn vùi trong cảnh chém giết triền miên, trong cảnh khốn khổ của những tay súng, những đầu lê, những ám ảnh bạo lực và bạo hành, để bước lại con đường riêng của mỗi cuộc đời có lẽ chẳng sung sướng gì và cũng đầy tội lỗi, nhưng vẫn là cuộc đời đẹp đẽ nhất mà chúng tôi có thể hi vọng, bởi vì đấy là đời sống hòa bình…”. Ngược về quá khứ, trở về thời chiến tranh là “sẽ được trở lại với tình yêu, tình bạn, tình đồng chí, những tình cảm đã giúp chúng ta vượt qua muôn ngàn đau khổ của chiến tranh”, là “vĩnh viễn được sống trong những ngày tháng đau thương nhưng huy hoàng, những ngày bất hạnh nhưng chan chứa tình người, những ngày mà chúng ta biết rõ vì sao chúng ta cần phải bước vào chiến tranh, chúng ta cần phải chịu đựng tất cả và hi sinh tất cả…”.

Không chỉ “viết lại” về cuộc chiến tranh vừa qua, nhiều nhà văn thời kì đổi mới còn ngược dòng xa hơn về các triều đại trước với ý thức trả lời một cách nghiêm túc, thành thực các câu hỏi: Cần hiểu thế nào cho đúng, cho toàn diện lịch sử dân tộc mình? Những câu chuyện, những số phận con người trong quá khứ còn gợi nhắc, còn có thể cho chúng ta rút ra bài học gì để đổi mới, xây dựng đất nước hôm nay? Tiểu thuyết Hồ Quý Ly của Nguyễn Xuân Khánh đã đem đến một cái nhìn mới về lịch sử dân tộc. Viết về giai đoạn lịch sử đầy biến động cuối đời Trần, tác phẩm này như một cuộc tự vấn về sự sinh tồn, lẽ sống còn của dân tộc ở khúc ngoặt, trước thử thách của lịch sử. Chấp nhận lạc hậu hay táo bạo đổi mới? Tồn tại một cách èo uột hay quyết liệt đảo lộn, dám chịu đựng mất mát? Hành động soán ngôi vua, tự nguyện đảm đương sứ mệnh lịch sử, thẳng tay loại bỏ những kẻ đối lập, bảo thủ, thực hiện nhiều cải cách táo bạo của Hồ Quý Ly (trước đây thiên về bị phê phán theo cái nhìn chính thống) cần được cảm thông, thậm chí cần đáng trân trọng. Nhà văn đã xây dựng nhân vật lịch sử Hồ Quý Ly vừa cao cả vừa gần gũi, thật lớn lao, phi thường nhưng không ít khi cũng rất đời thường, rất nhân văn với những suy tư, trăn trở. Nói khác đi, trong cái quyết liệt của bậc anh hùng lịch sử - con người này có phần có thể phê phán, nhưng thật cần cảm thông và đáng khâm phục.

Ý thức tự vấn, tinh thần phản biện lịch sử dân tộc có lẽ rõ hơn cả ở chùm truyện ngắn Vàng lửa, Phẩm tiết, Kiếm sắc của Nguyễn Huy Thiệp. Sự xuất hiện của các truyện ngắn này đã gây nên cuộc tranh luận nóng bỏng về cái nhìn đối với lịch sử dân tộc, về thái độ đối với một số nhân vật lịch sử vốn là hình mẫu lí tưởng, là thần tượng của bao thế hệ. Với tinh thần nhận thức lại một cách chân thực, riết róng, phản biện lại cảm hứng ngợi ca một chiều đối với lịch sử dân tộc, Nguyễn Huy Thiệp đã “tung” ra những phản đề thật sự làm bạn đọc “giật mình”, kích thích mạnh các phản ứng: “Đặc điểm lớn nhất của xứ sở này là nhược tiểu. Đây là một cô gái đồng trinh bị nền văn minh Trung Hoa cưỡng hiếp. Cô gái ấy vừa thích thú, vừa căm thù nó”, rồi: “Cộng đồng Việt là một cộng đồng mặc cảm. Nó nhỏ bé xiết bao bên cạnh nền văn minh Trung Hoa, một nền văn minh vừa vĩ đại, vừa bỉ ổi, lại vừa tàn nhẫn”. Có những quan niệm về lịch sử không khó bác bỏ song không phải không gợi chút băn khoăn để suy nghĩ thêm. Chẳng hạn, ở Đoạn kết II của truyện Vàng lửa, tác giả để nhân vật Phăng nói: “Theo ông (Phăng) thời ông ở An Nam mới bắt đầu lịch sử của quốc gia người Việt, khi này biên giới phân định, chữ Latinh phổ biến, người Việt thoát khỏi sự cầm tù đáng sợ của nền văn minh Trung Hoa, có những mối giao lưu chung với cộng đồng nhân loại”. Với nhiều tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp, văn học thành tấm gương soi của lịch sử, của tâm lí dân tộc và nhiều nhận xét, khái quát có giá trị thức tỉnh cần thiết. Đây là tình trạng đói nghèo và trì trệ do nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu, khép kín qua nhận xét của nhân vật Phăng: “Tất cả đời sống vật chất…do những hoạt động kinh tế cù lần mang lại, năng suất thấp chỉ thỏa mãn những nhu cầu tối thiểu”, “Những hoạt động kinh tế cù lần chỉ đủ sức cho một dân tộc sống khắc khoải”. Đến hôm nay, hành trình đi tới của đất nước càng làm sáng tỏ các mong muốn, các yêu cầu nhà văn viết lúc đó: “Vấn đề ở chỗ phải vươn lên thành một cường quốc. Làm được điều đó, phải cố gắng chịu đựng sự va xiết trong quan hệ với cộng đồng nhân loại”. Suy tới cùng, nhận thức đầy đủ quá khứ chính là để vững bước hơn ở hiện tại, để thấm thía hơn công lao, số phận những thế hệ trước, từ đó đem lại hạnh phúc toàn vẹn cho mỗi con người hôm nay. Và điều này phải thực hiện bằng tinh thần thật sự dân chủ. Các tác phẩm nhắc tới trên của Nguyễn Xuân Khánh, Nguyễn Huy Thiệp được viết trong tinh thần đó. Từ bỏ lối huyền thoại hóa, mong muốn giải thiêng lịch sử cũng cần nhìn nhận trong tinh thần đó. Cần phân biệt giải huyền thoại, giải thiêng với hạ bệ thần tượng. Văn học sau 1975 của chúng ta viết về lịch sử không chỉ chú ý các sự kiện, không muốn để sự kiện trùm lấp con người mà tập trung soi chiếu, thể hiện tính cách, số phận con người trong dòng chảy lịch sử. Điều này thể hiện sự quan tâm tới con người với tư cách là đối tượng trung tâm của văn học, thể hiện mong muốn khẳng định con người (kể cả các thần tượng) là một cá nhân với những dằn vặt, suy tư, bi kịch, với những tình cảm, nhu cầu hết sức tự nhiên trong khi gánh vác sứ mệnh lịch sử, trong đời sống sinh hoạt thường ngày. Hồ Quý Ly, Mẫu Thượng Ngàn của Nguyễn Xuân Khánh, các truyện ngắn về lịch sử của Nguyễn Huy Thiệp, Giàn thiêu của Võ Thị Hảo, Sông Côn mùa lũ của Nguyễn Mộng Giác… chứng tỏ sinh động điều đó.

Nhìn lại cái thời đã qua, ý thức tự vấn trong văn học sau 1975 gắn liền cùng tinh thần phê phán những quan niệm máy móc, ấu trĩ suốt một thời đã phản lại sự phát triển tự nhiên, đã vô tình tước đi hạnh phúc của cá nhân con người, gắn liền cùng việc thể hiện những chiêm nghiệm, dằn vặt không nguôi một phần bởi hoàn cảnh, một phần do ảo tưởng, lầm lạc của chính mình. Trên hướng này, khá nhiều tác phẩm đã xây dựng thành công kiểu nhân vật tự thú, sám hối, kiểu nhân vật mang tính cách đa diện. Ngay năm 1981, Nguyễn Minh Châu đã viết Bức tranh. Chọn điểm nhìn trần thuật ngôi thứ nhất, truyện ngắn này là những lời tự thú, là sự trừng phạt bản thân với ý thức trách nhiệm sâu sắc của nhân vật ông họa sĩ. Cuộc gặp lại tình cờ người lính thồ tranh cho mình tám năm trước trong hiệu cắt tóc của chính anh ấy đã đánh thức trong ông họa sĩ một thời quá khứ và nhận ra lỗi lầm của mình. Việc ông thất hứa với người lính đã khiến người mẹ của anh ấy tưởng con đã hi sinh nên khóc đến mù cả đôi mắt. Từ đây, cuộc tự tra vấn lương tâm bắt đầu diễn ra và không thể dứt. Một con người trong ông họa sĩ thanh minh: “Tôi là một nghệ sĩ chứ có phải đâu là một anh thợ vẽ truyền thần, công việc người nghệ sĩ phục vụ cả một số đông người, chứ không phải chỉ phục vụ cho một người! Anh chỉ là một cá nhân, với một chuyện riêng của anh, anh hãy chịu để cho tôi quên đi, để phục vụ cho cái đích lớn lao hơn. Anh đã thấy đấy, bức “Chân dung chiến sĩ Giải phóng” đã đóng góp đôi chút vào công việc làm cho thế giới hiểu cuộc kháng chiến của chúng ta thêm”. Một con người kia trong ông lại dứt khoát kết án: “A ha! Vì mục đích phục vụ số đông của người nghệ sĩ cho nên anh quên tôi đi hả… Có quyền lừa dối hả? Thôi, anh bước ra khỏi mắt tôi đi. Anh cút đi!”… Ông họa sĩ đã không “cút”, không tìm cách giải thoát bởi sự day dứt ân hận, sự tra vấn không nguôi của lương tâm. Hành động “tháng nào tôi cũng buộc mình đạp xe hai cây số ra cắt tóc ở đó” để “bước tới ngồi vào cái ghế gỗ như một cái ghế tra điện” chờ đợi sự phán quyết chính là quyết tâm không cho mình chạy trốn trước tội lỗi: “Tôi xin nhận đã gây thêm đau khổ cho bà mẹ anh. Tôi đã lừa dối anh. Tôi đã thu thêm được tiền của và tiếng tăm trên sự đau đớn của anh. Bây giờ anh cứ trừng phạt tôi. Anh xử tôi thế nào cũng được!”. Nhân vật ông họa sĩ là một tính cách đa diện – khác với kiểu nhân vật có tính cách rành rõ, nhất quán trong văn học sử thi trước 1975 – như chính ông tự thú: “Có lẽ thật thế, trong con người tôi đang sống lẫn lộn người tốt kẻ xấu, rồng phượng lẫn rắn rết, thiên thần và ác quỷ”. Tương tự thế, những tự thú, những tự phán xét của nhân vật Quỳ trong Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành gợi cho bạn đọc nhiều suy nghĩ về cuộc đời và con người, gợi cảm xúc thương cảm và trân trọng. Quá trình giác ngộ chân lí đời sống, nhận thức bản chất con người của người phụ nữ này phải trả giá bằng bao mất mát đau đớn, gắn liền cùng nỗi ân hận, day dứt. “Đời tôi là một chuỗi những điều lầm lỗi và dại dột khiến xúc phạm đến xung quanh”. Sống giữa bao con người ưu tú nơi cánh rừng Trường Sơn trong những năm tháng gian khổ của chiến tranh mà Quỳ đã “không coi họ như một con người đang sống giữa cuộc đời mà đòi hỏi nơi họ như một thánh nhân”, mà tự hào về bản thân để vô tâm trước cả những điều người ta dành cho mình. “Đinh ninh rằng tình yêu của tôi có thể cứu sống được hết tất cả mọi người” nhưng trước cái chết của người trung đoàn trưởng anh hùng Quỳ bỗng đau đớn hiểu ra “thực tế tình yêu mà tôi tưởng hết sức nhiệm màu lại chẳng cứu sống được ai”. Điều đáng quý là sau những ân hận, sau sự thức tỉnh, Quỳ đã biết lựa chọn cách xây dựng gia đình, cách sống như trả ơn, tiếp nối ước mơ những con người cao quý đã khuất, làm sao đóng góp được nhiều cho cộng đồng. Các nhân vật tự thú của Nguyễn Minh Châu, Lê Lựu, Nguyễn Trí Huân… thường vừa tự lên án vừa tự biện hộ, vừa tự buộc tội vừa tự giải thoát trong dòng chiêm nghiệm, sám hối xót xa, sâu sắc.

Tinh thần nhận thức lại và ý thức tự vấn trong văn học Việt Nam sau 1975
Nhận thức lại cùng ý thức tự vấn đã làm nên quan hệ, vị thế mới của văn chương đối với bạn đọc. Ảnh minh họa. Nguồn Internet

Con người phải mang đau khổ, bi kịch do chính mình, do các định chế, định kiến cũ kĩ mà dài lâu của xã hội được Lê Lựu thể hiện sinh động trong Thời xa vắng. Cuốn tiểu thuyết này là sự nhận thức lại một thời đáng thành xa vắng với tính chất bi hài của nó, là lời cảnh tỉnh mỗi con người về trách nhiệm đối với chính cuộc đời mình. Nhân vật Giang Minh Sài nhìn lại quãng đời dài đã qua của mình mà ngậm ngùi, chua chát tổng kết: nửa trước phải yêu cái người khác yêu, nửa sau lại đi yêu cái mà mình không có. Cái ý thức phản kháng mới hình thành yếu ớt trong Sài nhanh chóng bị gia đình, dòng họ, đơn vị - nghĩa là những cộng đồng nhỏ, lớn - đè bẹp. Sài luôn không được là mình, chẳng lúc nào có hạnh phúc trong hôn nhân. Những đòi hỏi, thói quen của cộng đồng đã bóp chặt hạnh phúc của cá nhân. Mặt khác, làm nên bi kịch của Giang Minh Sài còn do lỗi của chính anh: “Giá ngày ấy em cứ sống với tình cảm của chính mình, mình có thế nào cứ sống như thế, không sợ ai, không chiều theo ý ai, sống hộ ý định người khác, cốt để cho đẹp mặt mọi người chứ không phải cho hạnh phúc của mình”. Đôi trai gái yêu nhau trong tác phẩm Bước qua lời nguyền của Tạ Duy Anh cũng trở thành nạn nhân của một cộng đồng làng xã đầy thành kiến và bị “chủ nghĩa thành phần” dồn đuổi. Nhân vật Tôi phải uất hận thốt lên trong đau khổ đến tột cùng: “Chưa bao giờ tôi căm ghét đồng loại đến thế” và muốn “gào to lên lời nguyền rủa độc địa cho cái mảnh đất đầy thù hận này chìm lặng đi”. Các tác phẩm vừa phân tích trên cùng với các tiểu thuyết Bến không chồng của Dương Hướng, Đám cưới không có giấy giá thú của Ma Văn Kháng, vở kịch Tôi và chúng ta của Lưu Quang Vũ… đã đặt lại vấn đề mối quan hệ giữa tôi và chúng ta, giữa cá nhân với cộng đồng, đã cất lời nhắc nhở mỗi con người phải dám là mình, đã lên tiếng đòi hỏi chính đáng rằng cần quan tâm đến cá nhân con người với những khát vọng, những niềm vui và nỗi buồn riêng.

Như vậy, tinh thần nhận thức lại cùng ý thức tự vấn đã làm nên quan hệ, vị thế mới của văn chương đối với bạn đọc. Nhờ đó, tính đối thoại và giá trị thức tỉnh của văn chương được phát huy. Không chỉ tụng ca mà cần tra vấn, chiêm nghiệm, không thể để bạn đọc dễ dãi bằng lòng, tự ru vỗ mà phải biết giật mình, biết phản tỉnh. Có thể khái quát cốt lõi của tinh thần, ý thức này là thái độ dũng cảm nhìn thẳng vào sự thực, là mong muốn điều chỉnh cái nhìn sử thi, phản ánh hiện thực đời sống trong vẻ toàn vẹn của nó bởi một nửa sự thực vẫn chưa phải là sự thực. Và bao trùm lên hết thảy, điều này thể hiện một quan niệm mới về con người – ý thức khám phá, miêu tả con người như một cá nhân có tính cách và số phận riêng, có những nhu cầu, những niềm vui và nỗi khổ riêng giữa cuộc đời xáo trộn và trôi chảy. Nền văn học của một dân tộc luôn cần ý thức nhận thức lại và tự vấn bởi thái độ bằng lòng, sự thỏa mãn chính là một lực cản của sự phát triển. Lẽ tất nhiên, vấn đề, nội dung nhận thức lại và tự vấn ở mỗi thời kì của lịch sử dân tộc không giống nhau. Với tinh thần đó, thành công của nền văn học đã phân tích trên có ý nghĩa nhắc nhở, động viên và thúc giục các thế hệ văn nghệ sĩ hôm nay và cả mai sau.

Hà Nội, tháng 11 năm 2024


[1] Từ điển tiếng Việt (Hoàng Phê chủ biên), NXB Đà Nẵng – Trung tâm từ điển học, 1997, trang 1041.

[2] Chu Lai, Viết về chiến tranh đôi điều suy ngẫm, Tạp chí Văn nghệ Quân đội, số 8/2004.

[3] Chu Lai, Viết về chiến tranh đôi điều suy ngẫm, Tạp chí Văn nghệ Quân đội, số 8/2004.

-----------

*Bài tham luận tại Hội nghị viết văn lần thứ V

Bóng cỏ - Thơ Hoàng Trần Cương

Bóng cỏ - Thơ Hoàng Trần Cương

Baovannghe.vn- Anh sẽ về quê kiểng/ Nằm xoài trên cỏ non
Không thể khác. Truyện ngắn của Trần Quỳnh Nga

Không thể khác. Truyện ngắn của Trần Quỳnh Nga

Baovannghe.vn - Khi Quý nhớ ra cuộc hẹn với Hải, đồng hồ đã điểm 6 giờ rưỡi tối. Hắn vội vã lao ra đường. Giờ tan tầm, người đông mắc cửi. Không khí như vón cục
Nam Ai - Thơ Trần Sĩ Kháng

Nam Ai - Thơ Trần Sĩ Kháng

Baovannghe.vn- Lệ thầm đẫm khúc Nam ai/ Thịnh suy than thở vắn dài Tràng An
Đêm ngủ ở Đông Hà - Thơ Đoàn Xuân Hòa

Đêm ngủ ở Đông Hà - Thơ Đoàn Xuân Hòa

Baovannghe.vn- Hình như ai gọi tên mình/ Bóng lay phay nhành lá
Mùa về gọi những mầm xanh - Tản văn của Đoàn Thị Thu Hương

Mùa về gọi những mầm xanh - Tản văn của Đoàn Thị Thu Hương

Baovannghe.vn - Đông sang thật rõ ràng khi cây bàng thay màu lá đỏ, khi tiếng gió xạc xào sau bụi chuối mỗi đêm, khi nhìn những cánh thiên di vội vã bay ngang trời chiều tìm về miền ấm. Và đây, tôi tin mùa đông về thật rồi khi những luống rau của mẹ đã dậy lên màu xanh mỡ màng mê mải. Những mầm xanh ấy luôn ngời lên sức sống rộn ràng giữa gió rét mùa sang.