Cụ thể, chuỗi hoạt động nổi bật tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam tháng 4 có sự tham gia của hơn 100 người của 16 dân tộc đang hoạt động hàng ngày là già làng, trưởng bản, nghệ nhân, đồng bào các dân tộc: Tày, Nùng (Thái Nguyên); Dao (thành phố Hà Nội); Mông (Hà Giang); Mường (Hòa Bình); Lào, Thái, Khơ Mú (Sơn La); Tà Ôi, Cơ Tu (Thành phố Huế); Xơ Đăng (Kon Tum); Ba Na, Gia Rai (Gia Lai); Raglai (Ninh Thuận); Ê-đê (Đắk Lắk); Khmer (Sóc Trăng).
![]() |
“Sắc màu văn hóa các dân tộc Việt Nam” gồm tái hiện Chợ phiên vùng cao với chủ đề “Điểm hẹn vùng cao” và nhiều lễ hội văn hóa độc đáo. Ảnh minh họa. Nguồn VTV |
Đồng thời, sẽ có khoảng hơn 100 đồng bào gồm, 25 đồng bào dân tộc Xinh Mun (tỉnh Sơn La); 40 đồng bào dân tộc Hà Nhì, dân tộc Mông (tỉnh Lai Châu) và khoảng 25 đồng bào dân tộc Tày, Nùng (tỉnh Cao Bằng) được huy động tham gia vào các dịp cuối tuần, nghỉ lễ…
Theo đó, “Sắc màu văn hóa các dân tộc Việt Nam” gồm tái hiện Chợ phiên vùng cao với chủ đề “Điểm hẹn vùng cao”, giới thiệu không gian ảnh sắc màu văn hóa vùng cao với khoảng hơn 100 bức ảnh văn hóa du lịch tỉnh Lai Châu, chương trình “Sắc màu chợ phiên” của đồng bào tham gia phiên chợ, trình diễn và trải nghiệm múa khèn, giới thiệu, trình diễn giã bánh dày, nghệ thuật in sáp ong của dân tộc Mông tỉnh Lai Châu, không gian giới thiệu nghề thủ công truyền thống, trải nghiệm nét văn hóa vùng cao và các trò chơi dân gian giao lưu cùng du khách.
Đặc biệt, đến với Làng Văn hóa, du khách cũng có dịp trải nghiệm một số lễ hội tái hiện như Lễ hội Gầu tào dân tộc Mông, tỉnh Lai Châu, lễ Mạng ma của dân tộc Xinh Mun tỉnh Sơn La, Tết mùa mưa của đồng bào dân tộc Hà Nhì, tỉnh Lai Châu, nghi thức cúng ma bản của dân tộc Khơ Mú tỉnh Sơn La.
Cũng trong khuôn khổ các hoạt động tháng 4, một số không gian văn hóa, du lịch các địa phương cũng được giới thiệu tới du khách, như văn hóa dân tộc Tày, Nùng tỉnh Cao Bằng, không gian văn hóa hát Then, đàn Tính của đồng bào dân tộc Tày, Nùng tỉnh Cao Bằng, Chương trình dân ca dân vũ “Tự hào con cháu Rồng Tiên” tại “Ngôi nhà chung”; trưng bày, giới thiệu du lịch tỉnh Bình Định với triển lãm ảnh, không gian trưng bày, giới thiệu các sản phẩm du lịch.
Ghi nhận từ BTC, để tăng sức hấp dẫn cho lễ hội tháng Tư, Làng Văn hóa còn có chương trình dân ca dân vũ “Sắc hoa cao nguyên” của đồng bào các dân tộc phía bắc đang hoạt động hàng ngày tại Làng, giao lưu “Tình ca Tây Nguyên”, cùng hoạt động của các nhóm đồng bào đang hoạt động hằng ngày như trải nghiệm kết nối giữa các nhóm đồng bào và du khách, trình diễn các trò chơi dân gian truyền thống, biểu diễn nhạc cụ dân tộc, ẩm thực dân tộc, chương trình du lịch theo gói trải nghiệm, hoạt động phật sự tổ chức theo nghi thức truyền thống Tết Chôl Chnăm Thmây tại chùa Khmer, tái hiện các hoạt động hằng ngày của các dân tộc đang sinh sống tại Làng.