Sáng tác

Tháng Tư thương nhớ. Tản văn của Nguyễn Minh Ngọc

Nguyễn Minh Ngọc
Tản văn 10:13 | 24/04/2025
Baovannghe.vn - Đùng cái, giữa trưa ngày 30/4/1975, trong cái nắng hè nồng nã, qua radio, chúng tôi biết tin chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử toàn thắng. Tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện. Đại quân ta từ năm cánh đã tràn vào Sài Gòn và cắm cờ trên nóc dinh Độc Lập…
aa

Vào đúng cái ngày quân ta nổ súng tiến công Buôn Ma Thuột, mở màn chiến dịch Tây Nguyên (3/1975), tôi cùng nhiều bạn bè khối lớp 10 trường cấp 3 Trần Phú (Đức Thọ, Hà Tĩnh) bất ngờ nhận được giấy gọi khám tuyển bộ đội. Mặc dù cân nặng chỉ tròm trèm 42kg, song tôi vẫn nghiễm nhiên trúng tuyển “loại A”. Lúc trở về, ngồi trên ghế nhà trường đã có không ít người viết quyết tâm thư xin được tình nguyện đi đánh giặc. Bấy giờ, bầu không khí chiến sự hừng hực ở miền Nam đang sôi sục từng ngày, từng giờ, khiến lũ học trò chúng tôi quả thật chẳng mấy ai còn tâm địa nào mà nghĩ đến chuyện học hành, thi cử nữa. Không cần phải đợi ai giáo huấn, thảy chúng tôi đều ý thức được trách nhiệm của tuổi trẻ trước thời khắc trọng đại của lịch sử, rằng cần phải làm một việc gì đó. Vậy nên, đám con trai, con gái trúng tuyển đều tự giác răm rắp nghiêm lệnh và hầu như không một trường hợp nào thoái thác, trốn tránh nghĩa vụ thiêng liêng.

Hồi ấy, ở miền Bắc, ngành Giáo dục vẫn áp dụng hệ giáo dục phổ thông 10 năm với 3 cấp học. Chỉ tính riêng một lớp 10G của tôi, có những dãy bàn trống trơn, sĩ số trong lớp vãn tới hơn một phần ba. Chẳng kịp nói lời từ biệt thầy cô và bạn học, từ nơi ở trọ tôi gói ghém áo quần, sách vở, đạp xe vượt hơn 20km về nhà. Buổi tối, dự liên hoan chia tay do chi đoàn thanh niên địa phương tổ chức. Sáng sớm hôm sau, ngày 10/4/1975, tôi đã tức tốc có mặt ở sân vận động của huyện để tập trung. Lứa chúng tôi ngày ấy lắm mộng mơ song ngộc nghệch, văn chương thơ phú thuộc nhiều, yêu bằng tình yêu sách vở trắng trong. Nào đã mấy ai biết đến bàn tay của một người con gái, nói chi đến một nụ hôn. Bảo đi là đi, nhẹ nhàng và đơn giản vậy thôi. Có điều đến tận giây phút phải giã biệt mái trường cấp 3, tôi mới thấm thía cái cảm giác “xếp bút nghiên” là thế nào, nó vừa xao xuyến châng lâng, lại vừa có chút gì đó cơ hồ như tiếc nuối, khó lòng tả xiết. Chưa biết điều gì đang chờ đợi mình ở phía trước, nhưng với cái tuổi mười tám đầy mơ mộng, chúng tôi vẫn hăm hở dấn bước.

Tháng Tư thương nhớ. Tản văn của Nguyễn Minh Ngọc
Các chiến sĩ hành quân. Ảnh Hoàng Hà

Trút bỏ bộ cánh học trò, xúng xính trong bộ quân phục vải Tô Châu sợi đôi mới khựa, chúng tôi lạ lẫm trong mắt nhau, nhất là các bạn gái cùng lớp. Từ nơi tập trung là sân vận động huyện, chúng tôi rồng rắn cuốc bộ dọc theo quốc lộ số 8, vượt phà Linh Cảm để về đơn vị mới. Mới vào khúc dạo đầu, còn hăng, anh nào cũng trổ tài pha trò rôm rả, tiếng cười rung dọc hàng quân, về sau được khoảng chục cây số trở lên thì không khí cứ thế lịm dần. Ròng rã hơn 6 tiếng đồng hồ cuốc bộ, thở ra cả lỗ tai, chúng tôi về đến địa điểm đóng quân. Bữa cơm đầu tiên trong đời lính của chúng tôi được bày ra trên mâm cỏ “xanh mải miết” trong buổi chiều tà. Khẩu phần thức ăn sắp đầy tú hụ trong chiếc đĩa quân dụng ba ngăn, có thịt, có rau muống và đặc biệt “ấn tượng” là món bí ngô vàng chóe. Mồ hôi mồ kê mướt mát, nhễ nhại, miệng khô đắng, người cứ bã bượi nên dù bụng đói meo nhưng tôi không thể nào lùa cho hết bát cơm. Cánh lính cũ bảo ăn món bí ngô sẽ đỡ đau đầu, nhưng tôi vẫn không tài nào nuốt cho nổi. Có lẽ vì thế mà đến tận bây giờ hễ cứ nom thấy món bí đỏ là tôi lại thấy… váng vất cả đầu.

Bấy giờ, Trung đoàn 22B, Sư đoàn 341B - danh hiệu là Sư đoàn Sông Lam có hàng chục tiểu đoàn đứng chân ở vùng bán sơn địa thuộc huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh. Ngày nay, vùng đất ấy nằm dọc cả hai bên đường Hồ Chí Minh, đoạn từ Phố Châu (Hương Sơn) đến huyện mới Vũ Quang, Hà Tĩnh. Trung đoàn làm nhiệm vụ cấp tốc huấn luyện tân binh để bổ sung cho các chiến trường.

Tôi cùng nhiều bạn bè được phân bổ về Đại đội 5 Tiểu đoàn 2, đứng chân ở xã Sơn Hàm. Vừa ổn định xong biên chế tổ chức, đơn vị ngay lập tức bắt tay vào huấn luyện các bài kỹ chiến thuật bộ binh. Chúng tôi lăn lê bò toài, tập bắn súng AK, rồi trung liên, đại liên. Lại tập cả kỹ thuật đánh bộc phá, bắn bia di động, bắn đêm nhìn đèn, thôi thì đủ cả. Rồi tập hành quân mang vác ba lô, súng đạn, cuốc xẻng. Đang tuổi ăn tuổi ngủ, nửa đêm bị dựng dậy bởi lệnh báo động chiến đấu, thế là ai nấy chồm dậy nháo nhào vác ba lô mà chạy. Lắm anh chậm chạp bị cán bộ tiểu đội, trung đội quát mắng đến phát khóc. Thú thực, ngày ấy nhìn mấy tay binh nhất làm tiểu đội trưởng hò hét, quát tháo, lắm lúc chúng tôi sợ “vãi cả linh hồn”.

Nhưng rồi mọi thứ cũng qua đi, bởi tình đồng đội đã gắn kết những con người xa lạ với nhau. Cánh lính trẻ cứ hồn nhiên kháo nhau ai cũng chỉ lo mình quá chậm chân, khéo mà kết thúc chiến tranh đến nơi, có khi đến “ống bơ” cũng không còn để mà lượm. Đùng cái, giữa trưa ngày 30/4/1975, trong cái nắng hè nồng nã, qua radio, chúng tôi biết tin chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử toàn thắng. Tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện. Đại quân ta từ năm cánh đã tràn vào Sài Gòn và cắm cờ trên nóc dinh Độc Lập… Dù không thốt ra bằng lời nhưng hầu hết cánh lính măng tơ ở đại đội tôi, vui thì vui thật song anh nào cũng thầm tiếc giá như chiến dịch kéo dài thêm một hai tuần lễ nữa, thì biết đâu mình sẽ nhận lệnh hành quân “thần tốc” vào Nam và không chừng sẽ có mặt ở Sài Gòn, được dự trận cuối cùng. Cổ nhân bảo làm trai “nhất xanh cỏ, nhì đỏ ngực”, sợ gì. Niềm vui ăm ắp căng tràn ngực trẻ, bỗng vỡ òa trên môi, trên tóc mỗi người dân đất Việt. Âm hưởng của bài ca “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng” của nhạc sĩ Phạm Tuyên vút lên khắp mọi nẻo, hết sức tự nhiên, thiết tha mà xiết bao lắng đọng. Lòng người châng lâng ngỡ như đang bay lên cùng sông núi, hòa quyện trong khúc hoan ca. Hòa bình thật rồi…

Cuối tháng 9/1975, trung đoàn tôi nhận lệnh đi khôi phục tuyến đường sắt Minh Cầm - Tiên An. Các đơn vị thuộc trung đoàn được lệnh đồng loạt dỡ nhà di chuyển ra sông Ngàn Phố kết bè đưa vào Quảng Bình, nhanh chóng ổn định nơi ăn chốn ở để bắt tay vào thực hiện nhiệm vụ nối lại tuyến giao thông huyết mạch từng bị đứt đoạn nhiều năm bởi chiến tranh. Đại đội tôi chia nhau đóng tạm trong các nhà dân, ròng rã gần cả tháng trời, ngày nào chúng tôi cũng vác cột kèo và chở tranh tre nứa lá ra bến sông. Khi công việc hoàn tất, các đơn vị sấp ngửa chuẩn bị lên đường thì đùng cái có đoàn cán bộ của Quân chủng Phòng không - Không quân về nhận quân. Đại đội tôi lại “tan đàn, xẻ nghé”. Tôi cùng một số anh em khác lên tàu hỏa ra Bắc, còn đại bộ phận đơn vị tiếp tục di chuyển vào mạn Quảng Bình. Đến ga Hàng Cỏ, chúng tôi chuyển tiếp đi tàu ngược lên ga Sen Hồ, từ đây có ô tô đơn vị đón về mạn Hiệp Hòa, Hà Bắc (nay là Bắc Giang). Chúng tôi đóng quân trong doanh trại có tên là Trại Cờ được xây cất trên một khu gò cao khá rộng, có nhiều cây xanh, ở ngay cạnh phố Thắng. Nghe nói trước kia nơi đây là khu doanh trại của một đơn vị pháo binh. Điều khiến tôi ngạc nhiên là trong số những người lính bình thường của K.35 ngày ấy có nhiều người mê văn Đỗ Chu như điếu đổ. Họ thuộc vanh vách tên từng thiên truyện của nhà văn tài hoa này, lại biết tường tận cả tên khai sinh của nhà văn là Chu Bá Bình. Một anh lái xe tải của đơn vị tên là Nguyễn Xuân Cang thường kể với tôi rằng đây chính là nơi nhà văn Đỗ Chu cho ra đời những truyện ngắn nổi tiếng như: Mùa cá bột, Hương cỏ mật… Sau này, một đôi lần hiếm hoi có dịp được diện kiến bác Đỗ Chu, tôi đã định bụng hỏi xem hư thực thế nào, nhưng loay hoay rồi lại cứ quên béng đi mất. Vậy nên cứ giữ mãi trong lòng như một kỷ niệm đẹp của quãng đầu đời quân ngũ.

Những năm tháng đóng ở Trại Cờ, phố Thắng, tôi được gặp và làm quen với thành viên đầu tiên của Tạp chí Văn nghệ Quân đội, ấy là nhà văn Xuân Sách cùng gia đình ông. Thủ trưởng đơn vị tôi ngày ấy vốn là một cựu phi công trực thăng, ông rất ngưỡng mộ các nhà văn mặc áo lính đang ngụ trong tại số 4 Lý Nam Đế, Hà Nội. Thấy tôi máu mê sách vở, bất ngờ vào một sáng chủ nhật, sếp diện quân phục chỉnh tề dẫn tôi tới thăm và giới thiệu với nhà văn Xuân Sách. Mới quen biết nhà văn chưa được mấy nả, thì cuối năm 1978, đơn vị tôi được lệnh di chuyển vào cắm ở bìa rừng quốc gia Cúc Phương, Ninh Bình. Đầu năm 1979, tôi được cử đi tiếp nhận vũ khí khí tài của Liên Xô viện trợ cho Quân chủng Không quân ở cảng Chùa Vẽ (Hải Phòng). Giờ đây mỗi khi nhớ lại những ngày đã qua, tôi cứ nghĩ với quân hàm đại tá như hiện nay nếu được giao nhiệm vụ của một chàng trung sĩ cách nay hơn 35 năm trước, chắc không dễ gì làm được. Hẳn là không khí của chiến tranh và nhiệt huyết của tuổi trẻ đã giúp tôi vượt lên tất cả. Suốt hơn ba tháng bám trụ ở thành phố Cảng, một mình tôi xuôi ngược nhận khí tài, thuê xe vận chuyển hàng từ cảng vào ga Hải Phòng, liên hệ với đường sắt chuyển khí tài về Hà Nội và Thanh Hóa, sau đó bàn giao nguyên vẹn cho các đơn vị không quân chiến đấu. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ ở đất Cảng, tôi trở về đơn vị cũ với một trận ốm kịch liệt giữa chốn rừng xanh, núi thẳm.

Bạn bè cùng đại đội với tôi ngày ấy sau khi hoàn thành nhiệm vụ, nhiều người rời quân ngũ trở về tiếp tục con đường học vấn, họ vào đời với những tấm bằng bác sĩ, kỹ sư hàng hải, tiến sĩ khoa học, kiến trúc sư, v.v… Có người là phi công một thời ngang dọc ruổi rong trên bầu trời Tổ quốc. Lại có người mang nghiệp văn chương, hoặc đeo đuổi nghề báo. Nhiều người thành danh trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Song cũng có không ít người lận đận trở về vạch xuất phát ban đầu, “lấy đít trâu làm thước ngắm”. Số đồng đội ngày ấy hiện đang tại ngũ chỉ còn đếm được trên đầu ngón tay. Và thời gian không đợi, dòng chảy thời gian cứ thế lừng lững trôi đi. Mỗi người đều có một số phận riêng, và chúng tôi lạc nhau từ đấy. Vì thế, hội đồng ngũ 1975 của chúng tôi được nhóm họp hằng năm không ngoài mục đích nối dài sợi dây liên lạc, để bè bạn tìm nhau, ôn lại một thời trẻ trai. Dù đã chớm bước vào ngưỡng “lục thập nhi nhĩ thuận”, vậy mà gặp lại nhau vẫn cứ xưng hô “mày tao” ồn ào như thuở nào.

Cho dù đang ở tận phương trời nào đi nữa, những người từng có một thời khoác áo lính vẫn không dễ gì quên được những vết chạm khắc đầu đời hằn sâu trong tâm tưởng. Bây giờ, dẫu những sợi tóc trên mái đầu nhiều anh, chị đã điểm màu sương gió, nhưng tâm hồn cánh lính “cuối thời chiến tranh, đầu thời hòa bình” thì dường như vẫn còn trẻ tráng như tuổi mười tám, đôi mươi thuở nào.

Cảm ơn ký ức tháng Tư! Xin được cảm ơn các thế hệ cha anh đi trước và ngàn lần cảm ơn đất nước! Hoài niệm về những ngày tháng Tư của một “thời hoa đỏ” sẽ mãi vẫn còn tươi ròng…

“Tư liệu Hán Nôm: sưu tầm, bảo quản, nghiên cứu và khai thác” những vấn đề đặt ra

“Tư liệu Hán Nôm: sưu tầm, bảo quản, nghiên cứu và khai thác” những vấn đề đặt ra

Baovannghe.vn - Ngày 7/5, Viện Thông tin Khoa học xã hội (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) đã tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế “Tư liệu Hán Nôm: sưu tầm, bảo quản, nghiên cứu và khai thác”. Hội thảo có sự tham gia của nhiều học giả, các nhà nghiên cứu đến từ các viện nghiên cứu trong nước và quốc tế.
Đại lễ Vesak Liên hợp quốc lần thứ 21 sẽ được tổ chức tại Trung Quốc

Đại lễ Vesak Liên hợp quốc lần thứ 21 sẽ được tổ chức tại Trung Quốc

Baovannghe.vn - Ngày 8-5, tại Học viện Phật giáo Việt Nam (xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh, thành phố Hồ Chí Minh), Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Ủy ban tổ chức quốc tế Đại lễ Vesak Liên hợp quốc đã long trọng bế mạc Đại lễ Vesak Liên hợp quốc lần thứ 20 năm 2025.
Nghệ An tổ chức triển lãm “Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người”

Nghệ An tổ chức triển lãm “Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người”

Baovannghe.vn - Triển lãm nhằm tôn vinh và tri ân sâu sắc những công lao và cống hiến vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với cách mạng Việt Nam.
Đọc truyện: Người tình mã hoá - Truyện ngắn của Mai Văn Phấn

Đọc truyện: Người tình mã hoá - Truyện ngắn của Mai Văn Phấn

Baovannghe.vn - Giọng đọc: Hà Phương; Đồ họa: Thùy Dương
"Văn học đổi mới" trong hệ hình phản ánh

"Văn học đổi mới" trong hệ hình phản ánh

Baovannghe.vn- Một trong những điểm sôi động nhất của đời sống văn học đổi mới là các phát ngôn biểu thị quan niệm của người viết: quan niệm về tự do sáng tác, tự do ngôn luận; về quyền được thể hiện nỗi buồn, viết về cái tiêu cực; về cái mới trong văn học; về sự công khai dân chủ, tinh thần tranh luận đối thoại, về quản lý văn nghệ, quan hệ giữa văn nghệ và chính trị... và quan niệm về cái chân thật, về hiện thực trong văn học nghệ thuật.