Triển lãm Dấu ấn 50 năm: Nét vẽ đến tự do tái hiện hành trình của mỹ thuật kháng chiến Việt Nam, trải dài từ kháng chiến chống Pháp (1945-1954), chống Mỹ (1955-1975), đến ngày toàn thắng vào Sài Gòn. Trong suốt hành trình đó, người họa sĩ vừa là người trực tiếp tham chiến, vừa là "người chép sử" thầm lặng bằng ký họa, màu sắc và cảm xúc.
Mỹ thuật kháng chiến (1945-1976) đánh dấu bước chuyển mình sâu sắc về thẩm mỹ, mục đích và đối tượng tiếp nhận. Vượt khỏi các hệ hình giáo dục thuộc địa, một ngôn ngữ nghệ thuật mới hun đúc trong tinh thần kháng chiến dân tộc được hình thành khi chủ nghĩa hiện thực xã hội lên ngôi. Hội họa dần đề cao tính "dân tộc, đại chúng, khoa học" hơn là những lý tưởng phong kiến hay lãng mạn.
Năm 1943, Đảng ta cho ban hành Đề cương về Văn hóa Việt Nam, đặt nền móng cho lý luận văn hóa cách mạng và thành công với tư tưởng: "Văn hóa soi đường cho quốc dân đi". Với giá trị nhân văn sâu sắc, văn hóa từng bước khẳng định vai trò nòng cốt trong công cuộc kiến thiết, cứu nước, còn giới văn nghệ sĩ là những người lính tiên phong trên mặt trận này. Nếu trước đây, một bức tranh, một quyển sách hay một câu thơ có thể khiến tác giả bị cầm tù thì ngày nay, chính những tác phẩm ấy được nghiên cứu, in ấn, triển lãm và lan tỏa khắp thế giới.
Những tác phẩm được trưng bày tại triển lãm chuyên đề Dấu ấn 50 năm: Nét vẽ đến tự do tuy không mang nặng hình ảnh tàn khốc của chiến tranh, nhưng lại hàm chứa chiều sâu của tinh thần sống còn, đoàn kết và phản kháng. Đó là tiếng nói cá nhân hòa trong lý tưởng chung - một nền văn hóa độc lập, dân chủ, nhân văn, được nuôi dưỡng và hun đúc bằng chính những nét vẽ hướng về tự do.
Một số hình ảnh tại triển lãm:
 |
Ảnh: Bảo tàng Nghệ thuật Quang San - Quang San Art Museum |
Triển lãm Dấu ấn 50 năm: Nét vẽ đến tự do diễn ra đến hết ngày 30/11 tại Bảo tàng Nghệ thuật Quang San - 189B/3 Nguyễn Văn Hưởng, Thảo Điền, Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh. |
Hân My | Báo Văn nghệ