Triển lãm “Một thoáng Lưu Công Nhân” là một lát cắt mỏng về cuộc đời và sự nghiệp sáng tác nghệ thuật đồ sộ của danh họa Lưu Công Nhân. Triển lãm đưa khán giả du hành ngược thời gian, từ giai đoạn họa sỹ dưỡng bệnh vào cuối đời tại Đà Lạt với loạt tranh màu nước trên giấy vô cùng tối giản về mảng-hình, trở về thời điểm sự nghiệp vàng son lúc ông trẻ tuổi với loạt sơn dầu trên toan, vừa hiện thực vừa trừu tượng.
Triển lãm “Một thoáng Lưu Công Nhân” sẽ diễn ra tại Annam Gallery, TP. Hồ Chí Minh từ ngày 5.7 - 4.8/2024. |
Cuối năm 2000, sức khỏe sa sút và vận động hạn chế do mắc bệnh Parkinson, Lưu Công Nhân lại chuyển về Đà Lạt dưỡng bệnh và sau đó qua đời tại đây. Ông vẫn vẽ để vơi đi nỗi nhớ nghề vì với ông, “vẽ là sống”, và vẽ cũng chính là cứu cánh tinh thần vào những ngày cuối đời tại giường bệnh hay trên xe lăn. Vào thời điểm này, ông gặp nhiều khó khăn khi vẽ tranh có kích thước lớn, nên loạt tranh màu nước tĩnh vật - đa phần là hoa, trên nền giấy Điệp và giấy Canson này rất đơn giản với đôi nét dựng mảng-hình. Tuy nhiên, người xem tranh cảm nhận rõ, rằng họa sỹ vẫn làm chủ chất liệu rất tốt và chủ động trong nét bút của mình.
Những bức tranh của Lưu Công Nhân có mặt trong triển lãm lần này được Giám tuyển Bùi Thị Phương Thảo và Giám tuyển Hùng Nguyễn tuyển chọn |
Với loạt tranh sơn dầu, các tác phẩm trải dài từ thời kỳ đầu sáng tác của Lưu Công Nhân với những hình ảnh về con người và cảnh quan thời chiến (thập niên 50-60), sau đó là giai đoạn tiếp xúc và chịu ảnh hưởng bởi hội họa trừu tượng Tây phương (khoảng từ năm 1970 đến 1972), giai đoạn họa sỹ sống tại Hội An và vẽ tranh về phố thị cổ kính này (1984-1985), và thời kỳ tập trung vẽ nhiều tranh khỏa thân nữ (thập niên 90).
Lưu Công Nhân (1929-2007) là cựu sinh viên khóa Kháng Chiến (1950-1954) giảng dạy tại chiến khu Việt Bắc của Trường Mỹ thuật Việt Nam, do họa sỹ Tô Ngọc Vân làm hiệu trưởng và trực tiếp giảng dạy. Trong những tháng năm này, Lưu Công Nhân được thầy Tô Ngọc Vân quý mến và dành nhiều tình cảm vì ông sớm bộc lộ tài hoa của mình qua những bài tập và ký họa thực tế, đặc biệt đã đạt tới đỉnh cao kỹ thuật trong việc sử dụng màu nước.
Những bức tranh của Lưu Công Nhân có mặt trong triển lãm lần này được Giám tuyển Bùi Thị Phương Thảo và Giám tuyển Hùng Nguyễn tuyển chọn |
Khác với các họa sỹ cùng thời - thế hệ thiếu thốn đáng kể về vật chất, Lưu Công Nhân là một ngoại lệ. Sau kháng chiến chống Pháp, về lại Hà Nội, ông được xếp vào nhóm họa sỹ sáng tác hưởng biên chế nhà nước; thế nên, ông có sự tự do và thoải mái trong việc đi trực họa ngoài trời ở nhiều địa phương tại Việt Nam. Thêm vào đó, việc gia đình tạo điều kiện để ông có thể tiếp cận và nghiên cứu các tài liệu mỹ thuật nước ngoài nhằm tích lũy tri thức về nghệ thuật đã giúp các tác phẩm của ông thêm phần vững vàng trong bút pháp.
Những bức tranh của Lưu Công Nhân có mặt trong triển lãm được Giám tuyển Bùi Thị Phương Thảo và Giám tuyển Hùng Nguyễn tuyển chọn |
Ngoài ra, ông cũng dành nhiều thời gian để viết thư gửi cho bạn bè và gia đình để chia sẻ suy nghĩ bản thân về nghệ thuật, việc vẽ và nhân cách họa sỹ. Điều này đã giúp cho đời sống tinh thần của ông trở nên phong phú, “hồn nhiên, thơ trẻ hơn trong sự sâu sắc của một người mẫn cảm với tất thảy mọi thứ quanh mình”. Từ đó, tranh ông cũng đậm đà, sâu sắc hơn về mặt ý nghĩa, nội dung.
Những bức tranh của Lưu Công Nhân có mặt trong triển lãm lần này được Giám tuyển Bùi Thị Phương Thảo và Giám tuyển Hùng Nguyễn tuyển chọn |
Nhắc đến tranh của Lưu Công Nhân, đó luôn là hình ảnh một nông thôn Việt Nam - con trâu no đủ gắn bó với người nông dân, đầy chất “tình”, “chất phác, thuần hậu và bình yên” dù trải qua những sự khốc liệt của chiến tranh, hay đó là hình ảnh người phụ nữ “đẹp dung dị mà gợi cảm dưới vành khăn mỏ quạ”, với đôi mắt đen ướt, “hiền lành và thiết tha tình cảm”.
Những bức tranh của Lưu Công Nhân có mặt trong triển lãm lần này được Giám tuyển Bùi Thị Phương Thảo và Giám tuyển Hùng Nguyễn tuyển chọn |