Theo Tiến sĩ Nguyễn Thị Huệ (Đại học Quốc gia Hà Nội), di sản công nghiệp của thành phố Hà Nội là các nhà máy, công xưởng từ thời Pháp thuộc cho tới giai đoạn xây dựng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc. Đây không đơn thuần chỉ là những công trình kiến trúc, mà còn để lại nhiều dấu ấn sâu đậm trong lòng công dân Thủ đô, là minh chứng sống động cho một giai đoạn khó khăn trong lịch sử dân tộc nói chung và Hà Nội nói riêng. Bảo lưu di sản công nghiệp giai đoạn đó là lưu giữ ký ức về con người Hà Nội, về đời sống nói chung và đời sống "thời bao cấp" của người Hà Nội nói riêng.
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Nhà máy bòng đèn phích nước Rạng Đông (Hà Nội, 1964) - Ảnh: Tư liệu |
Nhiều nhà máy, xí nghiệp gắn với lịch sử đấu tranh cách mạng; với giai đoạn đầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; với quá trình đi lên chủ nghĩa xã hội, như: Nhà máy bia Hommel (1890); Nhà máy đèn Bờ Hồ (1892); Nhà máy xe lửa Gia Lâm (1905); Nhà máy điện Yên Phụ (1925); Nhà máy cơ khí Hà Nội (1955); Nhà máy cao su Sao Vàng (1957), Nhà máy thuốc lá Thăng Long (1957), Nhà máy dệt kim Đông Xuân (1959), Nhà máy bóng đèn phích nước Rạng Đông (1961)...
Đến nay, một số nhà máy, xí nghiệp đã không còn, hoặc chuyển đổi mô hình sản xuất, hoặc đổi tên, chuyển địa điểm... nhưng dấu ấn hoạt động và những câu chuyện ngày đó luôn nằm trong ký ức đời sống của người Hà Nội.
Với mục đích giới thiệu một số nhà máy, xí nghiệp giai đoạn trước năm 1975, lưu giữ ký ức về con người Hà Nội một thời; cũng như tuyên truyền, giáo dục sâu rộng đến khách tham quan, đặc biệt là thế hệ trẻ về các giá trị và ý nghĩa to lớn mà các di sản công nghiệp của Thủ đô mang lại, Bảo tàng Hà Nội sẽ tổ chức trưng bày chuyên đề Dấu ấn Di sản công nghiệp.
Trưng bày hứa hẹn sẽ mang đến công chúng những trải nghiệm thú vị, đồng thời nhắc nhở chúng ta về vai trò của nền di sản công nghiệp trong quá trình đổi mới, sáng tạo hiện nay.
Trưng bày Dấu ấn Di sản công nghiệp sẽ mở cửa đón tiếp khách tham quan tại khu trưng bày tàu hỏa thuộc khu trưng bày ngoài nhà Bảo tàng Hà Nội vào ngày 4/12/2024. |
Xuân Phong | Báo Văn nghệ