Thơ Bút Tre là hiện tượng độc đáo trong đời sống văn nghệ ở nước ta. Bằng văn bản hoặc truyền miệng, thơ Bút Tre đã lan tỏa đến nhiều nơi, qua nhiều thế hệ. Ở đâu đó, khi có sự kiện vui vẻ, người ta thường lấy thơ Bút Tre đọc cho nhau nghe và tất cả cùng cười hả hê. Lai lịch nhà thơ, nhiều người đã biết: Bút Tre là bút danh của ông Đặng Văn Đăng, nguyên Trưởng ty Văn hóa Thông tin tỉnh Phú Thọ. Ông sinh năm 1911 tại xã Đồng Lương, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ; qua đời năm 1987.
Sinh thời, Đặng Văn Đăng đã từng vào công tác Quảng Bình những năm chống Mỹ ác liệt. Có lần đi qua Đèo Ngang, ông ghé thăm một người bạn gái và để lại ở nơi này hai câu thơ:
Nhớ em, anh sợ chi đèo
Ngang qua một chút… rồi vèo đi ngay
Ông đã mang tinh thần lạc quan cách mạng của quân dân Quảng Bình về quê mình phát động phong trào “tiếng hát át tiếng bom”. Ông là người rất ngưỡng mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp, và đã có hai câu thơ nổi tiếng tặng Đại tướng như sau:
Hoan hô Đại tướng Võ Nguyên
Giáp ta thắng trận Điện Biên trở về
Nếu phê bình ông không nghiêm túc, thiếu tôn trọng Đại tướng vì đã bẻ họ tên Đại tướng thành hai dòng thì cũng oan cho ông, vì đây là thơ lục bát, mà thơ lục bát thì cần phải gieo đúng vần “Biên” với “Nguyên”. Thôi thì… đành cứ vậy mà cười trừ, mà nhớ mãi công lao Đại tướng!
Tại Quảng Bình, sau khi Bút Tre qua đời cho tới nay, hậu Bút Tre thỉnh thoảng xuất hiện chỗ này chỗ kia. Là người viết báo, làm thơ, tôi đã đến nhiều nơi trên đất Quảng Bình, đã nhặt nhạnh được nhiều câu thơ hậu Bút Tre khá thú vị.
Nào là:
Quảng Bình là đất Châu Ô
Nhiều anh bộ đội Cụ Hồ qua đây
Thấy con gái bọ hay hay
Ngửi mồm, bắt đợi tới ngày thắng lơi (lợi)
Nào là:
Pháo binh Ngư Thủy đội nư (nữ)
Bắn tàu chiến Mỹ, bây chừ đã gia (già)
Nhà thơ Bút Tre cho biết: Vợ nhạc sĩ Phạm Tuyên là người thôn Quảng Xá, xã Tân Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình. Bà rất có ý nghĩa với cuộc đời và sự nghiệp âm nhạc của Phạm Tuyên. Bút Tre cho rằng:
Trời thương nhạc sĩ Phạm Tuyên
Có vợ thảo hiền quê ở Quảng Binh (Bình)
Quảng Bình không là nơi “chôn nhau cắt rốn” của nhạc sĩ Hoàng Vân, song bài hát Quảng Bình quê ta ơi thấm đẫm tình cảm của ông với mảnh đất này:
Không là nơi nhạc sĩ sinh
Nên Hoàng Vân gọi “Quảng Bình quê ta
ơi!” lên, cả nước cùng ca
Khoan khoan theo nhịp, thật là sướng tai
Ngày nhạc sĩ Trần Hoàn từ Tỉnh ủy Bình Trị Thiên ra Hà Nội nhậm chức Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thông tin, người dân Quảng Bình rất mừng cho ông. Hậu Bút Tre có thơ:
Mừng thay nhạc sĩ Trần Hoàn
Trước làm Tỉnh ủy nay làm Bộ trương (trưởng)
Đường lên Quy Đạt, còn thương
Nhớ về Nhật Lệ, ngược đường Đồng Lê?
(Đường lên Quy Đạt, Nhớ Nhật Lệ, Đường về Đồng Lê là tên ba bài hát của Trần Hoàn)
Không rõ những vần thơ trên có đến tận tai Bộ trưởng Trần Hoàn không, mà trước lúc qua đời một tháng, Bộ trưởng vẫn có mặt với nhà thơ Phạm Tiến Duật đứng hát tại Khách sạn Hữu Nghị (Đồng Hới) trong cuộc vui với anh chị em văn nghệ sĩ Quảng Bình!?
Chuyện kể: Sau giải phóng miền Nam, anh hùng Đại tá Nguyễn Chơn từ chiến trường miền Nam ra Quảng Bình, gặp anh hùng Trần Thị Lý; hai anh hùng bén duyên với nhau thành vợ thành chồng. Bút Tre làm thơ tặng:
Phục Trần Thị Lý anh hùng
Nguyễn Chơn xin được ngủ chung một giường
Trước đó là đám cưới của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường và nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ cũng rất bất ngờ với nhiều người:
Mê văn Hoàng Phủ Ngọc Tường
Lâm Thị Mỹ Dạ bất thường cưới chông (chồng)
Họa sĩ - Anh hùng - Đại tá Lê Duy Ứng hồi nhỏ có tên là Lê Duy Ưng. Trong chiến dịch lịch sử Hồ Chí Minh, ông bị thương hỏng mắt. Thế nhưng với lòng đam mê hội họa và nghị lực làm việc, ông vẫn nặn tượng và vẽ tranh. Hậu Bút Tre hết sức cảm phục ông:
Nhất tài là Lê Duy Ưng
Mắt mù, tay chỉ vẽ chừng vẫn giông (giống)
Những ai đã đi qua sông Gianh thời chống Mỹ, không biết có còn nhớ hình ảnh những chiếc phà không? Nay sông đã có cầu. Bút Tre vui lắm, bèn nhắc nhớ:
Sông Gianh ai đã từng qua
Còn nhớ con phà khi đã có câu (cầu)?
Quảng Bình bây giờ đông đúc khách du lịch đến với Động Thiên Đường và Động Sơn Đoòng, leo dốc có mệt thì dừng lại nghe thơ Bút Tre cho đỡ mệt:
Có đi mới biết Thiên Đường
Đi về lưu luyến, nhớ nường (nàng) cùng leo
Sơn Đoòng động lớn, cảnh tiên
Đó là di sản thiên nhiên thế giời (giới)
Đi động xong, về ngắm cảnh sông Nhật Lệ, nơi Đại thi hào Nguyễn Du ở gần 4 năm làm Cai bạ Quảng Bình, lòng vẫn luôn đau đáu với thân phận nàng Kiều:
Bốn năm Cai bạ Quảng Bình
Tố Như vẫn sống một mình với Kiêu (Kiều)
Chỗ mẹ Suốt anh hùng đưa đò cũng gần nơi Nguyễn Du ngày xưa ở, nay có tượng đài kiêu hãnh đứng cạnh sông Nhật Lệ. Nhà thơ Tố Hữu thương mẹ “tám lần đẻ, mấy lần sa tội tình”, Bút Tre thì tự hào:
Tự hào Mẹ Suốt con đông
Lập công xuất sắc trên dòng Nhật Lê (Lệ)
Từ ngày Đại tướng Võ Nguyên Giáp về yên nghỉ tại Vũng Chùa - Đảo Yến, nườm nượm khách thập phương đến viếng thăm. Hậu Bút Tre cũng theo về, làm thơ ru Đại tướng:
Vũng chùa - Đảo Yến đẹp thay
Sóng ru Bác Giáp ngủ say cạnh biền (biển)
Quảng Bình là mảnh đất gần với miền Nam (thời đất nước bị cắt chia) mà Bác về thăm. Tượng đài Bác đứng nói chuyện đã được dựng tại sân vận động Hồ Chí Minh – Đồng Hới. Lâu nay thì đã có bia lưu niệm nơi Bác ngủ và xuống biển tắm. Thế nên Bút Tre mới đề thơ:
Quảng Bình nhớ Bác về thăm
Lưu dấu nơi nằm, nơi đứng, nơi tăm (tắm)
Có cảm tưởng: nhà thơ Bút Tre (Đặng Văn Đăng) đã nhập hồn, hóa thân vào nhiều người dân Quảng Bình, sinh ra nhiều nhà thơ Bút Tre mới, góp phần tăng thêm tiếng cười vui!
Nguồn Văn nghệ số 40/2020