Thuật ngữ “đa văn hóa” gần gũi nhưng không đồng nhất với “liên văn hóa”. Đa văn hóa là sự tiếp xúc của nhiều nền văn hóa, là sự cộng gộp mang tính số học giản đơn, bên ngoài. “Liên văn hóa” không chỉ là sự tiếp xúc mà còn là sự xuyên thấm, tương tác, đối thoại lẫn nhau giữa các nền văn hóa, chú ý tới sự phân tích, chọn lựa, hiệu quả giao tiếp, tiếp thu những tri thức mới tạo ra các giá trị văn hóa mới.
Hiện nay thế giới khuôn các dạng tác giả cơ bản tham gia vào quá trình liên văn hóa, gồm: tác giả nhập cư (đến từ nước khác); tác giả viết bằng ngôn ngữ nước khác không phải ngôn ngữ mẹ đẻ; tác giả sống, trải nghiệm nhiều nền văn hóa; tác giả chịu ảnh hưởng mạnh từ văn hóa nước ngoài; tác giả là người dân tộc thiểu số viết bằng cả hai ngôn ngữ - tiếng mẹ đẻ và tiếng phổ thông.
Vì giao tiếp làm nên văn hóa, cũng đồng thời văn hóa làm nên giao tiếp, do vậy thuật ngữ liên văn hóa (intercultural) thực chất là giao tiếp liên văn hóa (intercultural communication). Người đầu tiên sử dụng khái niệm này là nhà nhân học Edward Hall trong công trình The Silent Language (1959)(1). Về sau nó còn được gọi tên khác là giao tiếp giao thoa văn hoá (cross-cultural communication). Phát triển mạnh từ những năm 70 của thế kỉ XX, liên văn hóa hướng đến lí giải sự kết hợp, giao lưu, tiếp biến giữa các cộng đồng có những phương thức, tập quán, thói quen sống và quan niệm, nhân sinh quan khác nhau biểu hiện ở các khía cạnh quan hệ truyền thống và hiện đại, dân gian và bác học, bản địa cụ thể và nhân loại phổ quát. Liên văn hóa trong một tác giả, tác phẩm cụ thể biểu hiện ở việc học tập, kế thừa, phát triển và nâng cao văn hóa dân tộc, ở tiếp nhận văn hóa có chọn lọc tinh hoa văn hóa thế giới để làm giàu có văn hóa quốc gia; thể hiện trong cả nội dung và hình thức nghệ thuật, trên nhiều cấp độ nhưng tập trung ở biểu tượng, nhân vật và ngôn ngữ.
Hồ Chí Minh là một nhà văn hóa kiệt xuất, một hiện tượng liên văn hóa kết tinh những tinh hoa giá trị văn hóa của phương Đông và phương Tây, của dân tộc và nhân loại, của truyền thống và hiện đại... nên được thế giới hôm nay xem xét ở những biểu hiện trong sự giao tiếp với các nền văn hóa khác. Đối chiếu với các dạng nhà văn liên văn hóa ở trên thì Bác Hồ có ở cả 4 dạng: là tác giả nhập cư (đến từ Việt Nam); là tác giả viết bằng ngôn ngữ nước khác không phải ngôn ngữ mẹ đẻ (tiếng Pháp, Hán, Anh, Nga...); là tác giả sống, trải nghiệm nhiều nền văn hóa (Bác đi 30 năm, tới 54 nước, trải nghiệm sâu sắc nhiều nền văn hóa của phương Đông, phương Tây); là tác giả chịu ảnh hưởng mạnh từ văn hóa nước ngoài (văn hóa Pháp, Trung Quốc, Nga...) Với trường hợp các nhà văn hóa lớn như Hồ Chí Minh thì hình tượng mà họ sáng tạo ra sẽ nói mãi không cùng. Để mở được mã, nhà nghiên cứu phải có chìa khóa vàng được rèn từ mỏ quặng vốn sống, vốn hiểu biết văn hóa, vốn trải nghiệm. Và không thể thiếu chất vàng ròng của tinh thần cần cù, tâm huyết, của cái tâm thật sự trong sáng.
Tổ quốc Việt Nam, dân tộc Việt Nam tự hào có nhà văn hóa kiệt xuất Hồ Chí Minh. Nhân loại tự hào có một danh nhân văn hóa Hồ Chí Minh!
Hồ Chí Minh là hiện tượng liên văn hóa tiêu biểu, đặc sắc, độc đáo ở ngay tiểu sử và thời cuộc “liên văn hóa”. Lên năm tuổi, Nguyễn Sinh Cung theo cha vào Huế; lên bảy tuổi đã học thông sách Luận ngữ, rồi sớm học tiếng Pháp. Như vậy Nguyễn Sinh Cung - Nguyễn Tất Thành đã được tiếp xúc với nhiều vùng/nền văn hóa khác, tinh thần “liên văn hóa” đã có từ rất sớm. Ngày 5/6/1911, người con ưu tú của dân tộc lấy tên Văn Ba rời Cảng Nhà Rồng lên con tàu Đô đốc Latouche - Tréville bắt đầu cuộc hành trình 30 năm. Người thanh niên ấy sau này là Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, theo số liệu mới nhất, đã đi 54 nước, làm 12 nghề khác nhau, thông thạo ít nhất 12 ngoại ngữ(2).
Dưới góc nhìn liên văn hóa hiện đại, thế giới hôm nay nhìn thấy ở Nguyễn Ái Quốc có sự hội tụ và kết tinh tuyệt đẹp ba luồng văn hóa: văn hóa yêu nước Việt Nam; văn hóa hòa bình, bình đẳng, bác ái của nhân loại tiến bộ, đặc biệt là ở các nước Pháp và Mĩ; văn hóa giải phóng con người của chủ nghĩa Mác - Lênin.
Để hiện thực hóa lí tưởng “Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi”, trong khoảng thời gian từ 1917 đến 1940, Nguyễn Ái Quốc đồng thời tiến hành ba cuộc đối thoại với chủ nghĩa thực dân và chế độ phong kiến; với đồng bào An Nam và nhân dân các nước thuộc địa; với các đồng chí của mình. Mục đích, nội dung các cuộc đối thoại cũng rất rõ ràng, chính nghĩa, công lí, nhân tính..., nói chung là vì con người. Lên án, tố cáo, vạch trần tội ác để dừng lại, trước hết là giảm thiểu tính chất của tội ác. Thức tỉnh nô lệ kêu gọi con người ý thức được nhân tính để đòi trả lại nhân tính. Muốn vậy trước hết phải đòi chủ nghĩa thực dân đế quốc trả lại môi trường có nhân tính. Chia sẻ, động viên, kêu gọi (đồng chí), xét đến cùng là nhận chân kẻ thù chung và cùng nhau giải phóng con người.
Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đáp ứng đầy đủ nhất các yếu tố cơ sở của đối thoại văn hóa để Người trở thành con người của đối thoại văn hóa. Chính Người đã khiêm tốn khẳng định: “Học thuyết của Khổng Tử có ưu điểm của nó là sự tu dưỡng đạo đức cá nhân. Tôn giáo Giêsu có ưu điểm của nó là lòng nhân ái cao cả. Chủ nghĩa Mác có ưu điểm là phương pháp biện chứng. Chủ nghĩa Tôn Dật Tiên có ưu điểm là chính sách của nó thích hợp với điều kiện nước ta. Khổng Tử, Giêsu, Mác, Tôn Dật Tiên đều mưu cầu hạnh phúc cho loài người, mưu phúc lợi cho xã hội… Tôi cố gắng làm người học trò nhỏ của các vị ấy.”(3) Cuộc đời hoạt động và trước tác của Bác đã chứng minh Bác học tập, kế thừa, phát triển và vận dụng sáng tạo những tinh hoa tư tưởng của các bậc thầy vào điều kiện hoàn cảnh cách mạng Việt Nam. “Còn những người An Nam chúng ta hãy tự hoàn thiện mình, về mặt tinh thần bằng cách đọc các tác phẩm của Khổng Tử, và về mặt cách mạng thì cần đọc các tác phẩm của Lênin.” Đó chính là biểu hiện của hiện tượng “liên văn hóa” sinh động nhất, sâu sắc nhất.
Tòa lâu đài nhân cách Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh có cái nền móng vững chãi là tình yêu thương, cái khung kết cấu là trí tuệ. Nhờ có nhiều những ô cửa sổ ngoại ngữ nên đón được nhiều luồng gió nhân văn từ khắp chân trời văn hóa nên lâu đài ấy luôn lộng gió thời đại, chan hòa hương thơm và ánh sáng tinh hoa của cả nhân loại. Nhờ vậy Người đã đáp ứng đầy đủ nhất các yếu tố cơ sở để trở thành con người của đối thoại văn hóa. Không phải ngẫu nhiên, ngay sau ngày nước Việt Nam mới ra đời Bác Hồ kiêm nhiệm và hoàn thành cực kì tốt đẹp vai trò Bộ trưởng Ngoại giao. Người đã trở thành hiện thân cũng là hình mẫu của ngoại giao văn hóa. Thế giới hôm nay đồng thanh khẳng định Hồ Chí Minh đi trước thời đại, là người đặt nền móng cũng là tấm gương của đối thoại văn hóa với quan điểm “làm bạn với tất cả các nước dân chủ” và không “gây thù chuốc oán” với một ai, “vĩnh viễn không bao giờ xâm lược nước khác” và cũng “vĩnh viễn không để nước khác xâm lược”.
Lịch sử Việt Nam và thế giới hiện đại đã chứng minh và khẳng định tư tưởng vàng về đối ngoại của Hồ Chí Minh không chỉ là tài sản văn hóa của dân tộc mà còn là tài sản tinh thần của toàn nhân loại. Thể hiện trước hết ở vai trò kết nối những nền văn hóa bằng khát vọng giải phóng và tình yêu thương con người. Sinh thời Đại tướng Võ Nguyên Giáp khẳng định về Bác Hồ: “Sự nghiệp văn hóa quan trọng nhất của Người là đã lãnh đạo toàn dân đánh đuổi giặc ngoại xâm trong thời đại mới, giành lại cho nhân dân những quyền sống của con người, một cuộc sống có văn hóa. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cùng với loài người loại trừ một trở lực to lớn trên con đường tiến lên thế giới văn minh, xóa đi một vết nhơ trong lịch sử là chế độ thuộc địa.”(4) Chỉ là một cá nhân nhưng suy nghĩ, việc làm của Bác mang tầm thời đại, tầm đất nước, dân tộc. Bác thay mặt những người An Nam bị áp bức đối thoại với chủ nghĩa thực dân để đòi quyền sống cho dân tộc và cho những người bị áp bức trên thế giới. Bác kêu gọi cả nhân loại đau khổ thức tỉnh. Bác kêu gọi cả Quốc tế thứ ba hành động vì các dân tộc thuộc địa. Cuộc Hội thảo khoa học quốc tế về Hồ Chí Minh gần đây nhất có tên Hồ Chí Minh và Ấn Độ (Ho Chi Minh and India, ngày 14/5/2022 tại Kolkata)(5). Trước đó tại Mĩ, tháng 10/2019 có Hội thảo Hồ Chí Minh toàn cầu (Global Ho Chi Minh) được tổ chức tại thành phố New York. Các hội thảo đều khẳng định ở Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh có sự hội tụ tuyệt đẹp ba luồng văn hóa: văn hóa yêu nước Việt Nam; văn hóa hòa bình, bình đẳng, bác ái của nhân loại tiến bộ; văn hóa giải phóng con người của chủ nghĩa Mác. Không chỉ là vị anh hùng giải phóng dân tộc, Hồ Chí Minh còn là cầu nối giữa Việt Nam với thế giới và nhân cách của Người còn mang tầm ảnh hưởng toàn cầu. Điều này khẳng định sự tôn trọng của giới học giả thế giới đương đại với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tư tưởng và những giá trị văn hoá cao đẹp của Người đang được cả nhân loại đón nhận.
NGUYỄN THANH TÚ
Nguồn VNQĐ
——————-
1. E.T. Hall, The silent language, New York: Doubleday, 1959.
2. TS Josephine Stenson, giáo sư sử học Trường Đại học Florida Atlantic, Hoa Kì, người đã dành phần lớn thời gian trong cuộc đời nghiên cứu tìm hiểu về Hồ Chí Minh cho biết Bác Hồ thành thạo 12 ngôn ngữ. Xin xem: “Hồ Chí Minh, một nhân cách lớn của thời đại”, Hồn Việt, số 156, tháng 3/2021.
3. Trung tâm Khoa học xã hội và nhân văn Quốc gia - Viện Nghiên cứu tôn giáo, Hồ Chí Minh về vấn đề tôn giáo và tín ngưỡng, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1996, tr.152.
4. Trung tâm Khoa học xã hội và nhân văn Quốc gia - Ủy ban Quốc gia UNESCO của Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh - anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa lớn, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1995, tr.21.
5. Ủy ban Đoàn kết Ấn Độ - Việt Nam phát trực tiếp trên kênh youtube 10h sáng giờ Ấn Độ, 11h30 giờ Việt Nam, ngày 14/5/2022.