Thơ Nôm của Hồ Xuân Hương, mang tính “thanh mà tục, tục mà thanh" rất quen thuộc trong văn học truyền miệng, biểu hiện một cá tính độc đáo sáng tạo trong vận dụng vốn từ dân gian giản dị, đầy hình ảnh, trong đó, từ láy chiếm một vị trí và vai trò cực kỳ quan trọng.
1. TỪ LÁY CHIA THEO TÍNH CHẤT
Những từ láy tạo thanh mà Hồ Xuân Hương dùng không nhiều nhưng rất đắt, rất độc đáo, và thể hiện rất đúng chức năng của nó.
Chức năng của từ láy tạo thanh là miêu tả âm thanh. Đọc những câu thơ có chứa từ láy trong thơ bà, cảm tưởng như đang nghe được từng âm thanh trong đó.
- Thánh thót tàu tiêu mấy giọt mưa
- Xì xòm đáy nước mình nghiêng ngửa
- Đàn còn lựa gảy tính tình tưng
- Phì phạch trong lòng đã sướng chưa
- Giọng hì giọng hỉ giọng hi ha
Đặc biệt, từ láy tạo thanh trong thơ bà còn thể hiện một cái tai nghe sắc bén, mọi âm điệu của sự vật, sự việc lọt qua tai bà đều được thể hiện rất độc đáo trong thơ
- Gió vật sườn non kêu lắc rắc
- Sóng dồn mặt nước vỗ long bong
- Rúc rích thây cha con chuột nhắt
- Vo ve mặc mẹ cái ong bầu
- Luồng gió thông reo vỗ phập phòm
- Giọt nước hữu tình rơi lõm bõm
Về tiểu sử của Hồ Xuân Hương, cho đến nay vẫn còn nhiều điểm gây tranh cãi. Thậm chí có một vài ý kiến còn cho rằng những bài thơ được xem là của Hồ Xuân Hương hiện nay do nhiều người sáng tác, nghĩa là không có ai thực sự là Hồ Xuân Hương. Dựa vào một số tài liệu lưu truyền và những bài thơ được khẳng định là của Hồ Xuân Hương, các nhà nghiên cứu đã tạm thừa nhận một số kết luận bước đầu về tiểu sử của nữ sĩ: Hồ Xuân Hương thuộc dòng dõi họ Hồ ở làng Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Bà sống vào thời kỳ cuối nhà Lê, đầu nhà Nguyễn, tức là khoảng từ năm 1772 đến năm 1822. |
Với thính giác này, Hồ Xuân Hương đã họa lại không chỉ âm thanh mà còn gợi cho người ta liên tưởng tới hình ảnh của sự vật đã tạo ra âm thanh ấy. Tiếng kêu "lắc rắc" của những cành cây trên sườn núi khi gió táp vào, tiếng giọt nước trong động vang lên “lõm bõm", người Việt ai lại không biết cái ong “vo ve", con chuột “rúc rích" hay tiếng quạt “phì phạch”, ... Những từ láy gợi tả âm thanh rất quen thuộc trong kho tàng từ láy Việt của dân gian. Cái độc đáo của Hồ Xuân Hương nằm ngay trong cái dân dã, quen thuộc, quê mùa. Dẫu “nôm na”, nhưng nó lại chính là hồn Việt của người dân, là thứ người ta sử dụng hằng ngày, ăn sâu vào máu thịt và trở thành thói quen. Xuân Hương dám sử dụng những cái quen trong cuộc sống mà làm nên cái lạ trong văn chương là vậy.
Về tính tạo hình, Hồ Xuân Hương cũng thể hiện rất thành công. Tính tạo hình trong thơ bà cũng độc đáo bởi cách miêu tả thật, rõ nét, vẽ lại hình sắc sảo chứ không lướt qua, thoáng ghi, thoáng nhớ kiểu tranh mặc thủy vốn là phương thức quen thuộc của người xưa. Cảnh trong thơ Hồ Xuân Hương là cảnh thật, được tạo dựng lên bởi những từ láy tạo hình sắc nét
- Trai đủ gối hạc khom khom cật
- Gái uốn lưng ong ngửa ngửa lòng
- Cá khe lắng kệ đầu ngơ ngác
- Chim núi nghe kinh có gật gù
- Ngứa gan thằng Cuội đứng lom khom
- Xì xòm đáy nước mình nghiêng ngửa
- Nhấp nhổm bên ghềnh đít vắt ve
- Bố cu lổm ngổm bò trên bụng
Mặc dù từ láy tượng hình trong thơ bà cũng không nhiều, những tượng hình ra tượng hình, đã vẽ là vẽ cho rõ ràng, hiển hiện ngay trên giấy, ngay trong mắt người đọc. Với cách vẽ chân thực ấy, cảnh trong thơ bà không mang cái vẻ tiêu điều, mơ màng như trong thơ của các danh sĩ khác. Bà thành thật, thẳng thắn vẽ lên cái bức tranh mà bà thấy cho người đọc chiêm ngưỡng. Đó là cái khác lạ trong thơ của Xuân Hương. Từ cái cảnh rất thật ấy, ai muốn liên hệ hay hiểu theo cái nghĩa nào là tùy.
Sử dụng từ lấy gợi tả là cách miêu tả nhanh gọn và ấn tượng nhất trong các cách miêu tả của tiếng Việt. Cách miêu tả thông thường phải dùng khá nhiều câu chữ trong khi một từ láy gợi tả có thể đã tạo dựng lên hết cái cảnh mà thi nhân muốn gửi tới người đọc.
Ngõ ngay thăm thẳm tới nhà ông
Giếng tốt thanh thơi rất lạ lùng
Cầu trắng phau phau hai ván ghép
Nước trong leo lẻo một dòng thông
Cỏ gà lún phún leo quanh mép
Cá diếc le te lội giữa dòng
(Cái giếng)
Hồ Xuân Hương không cần nhiều lời vẫn vẽ lên một khung cảnh sắc nét, rõ ràng, ai cũng có thể nhìn thấy, cảm nhận được cái tinh khiết, mát lành của không gian nho nhỏ mà nữ sĩ đã vẽ lên.
Cảnh của Xuân Hương đồng thời cũng thật sống động:
Thắp ngọn đèn lên thấy trắng phau
Con cò mấp máy suốt đêm thâu
Hai chân đạp xuống năng năng nhắc
Một suốt đâm ngang thích thích mau
(Dệt cửi đêm)
Không có cảnh tượng đứng im, chết lặng trong thơ Hồ Xuân Hương. Bất cứ cảnh nào, trong mắt Hồ Xuân Hương cũng động đậy, cũng sống thật, cũng như muốn nhảy ra ngoài trang thơ mà hiện hình trước mắt độc giả.
Trong bàn tay Xuân Hương, từ láy gợi tả đã bộc lộ hết cái khả năng miêu tả cả khung cảnh lẫn tâm trạng.
Chiếc bách buồn về phận nổi nênh
Giữa dòng ngao ngán nỗi lênh đênh
Lưng khoang tình nghĩa mong đầy đặn
Nửa mạn phong ba luống bập bềnh
Chèo lái mặc ai lăm đỗ bến
Buồm lèo thây kẻ rắp xuôi ghềnh
Ấy ai thăm ván cam lòng vậy
Ngàn nỗi ôm đàn những tấp tênh
(Vịnh chiếc bách)
Hình ảnh minh họa. Nguồn pinterest.com |
Thân phận của chiếc bách giữa dòng thật cũng chẳng khác gì đời nữ sĩ, cũng “nổi nênh", cũng “lênh đênh", "bập bềnh" và còn bao nỗi "tấp tênh", ôm hi vọng, ôm mong chờ mà cũng đành “ấy ai thăm ván cam lòng vậy”. Những trang thơ của Hồ Xuân Hương làm sống lại ngôn ngữ của người Việt, thể hiện một khả năng vô cùng tận của tiếng Việt trong thơ ca.
Tính chất thứ tư của từ láy âm là khả năng biểu cảm. Đây là lĩnh vực khá khiêm tốn trong thơ Hồ Xuân Hương. Tuy bà buồn cho thân phận của mình, đôi khi oán trách, hờn tủi, nhưng bà lại biến nó thành tiếng cười trào lộng để tự cười mình, cười đời, vừa mỉa mai, vừa cay đắng nhưng cũng rất ngoan cường, bướng bỉnh.
- Mặt càng đối mặt tình ngao ngán
- Tay chửa rời tay bước ngại ngùng
- Khắc khoải đã đau lòng cái quốc
- Âu sầu thêm xót dạ con ve
- Lòng riêng nghe những ngậm ngùi nhiều
- Vắng tình đây những ngẩn ngơ thay
Dẫu không nhiều, nhưng từ lấy biểu cảm trong thơ bà cũng đã trọn vẹn cái vai trò bộc lộ tâm tư, tình cảm của nó.
2. TỪ LÁY CHIA THEO CẤP ĐỘ
Trong từ láy, người ta còn có thể chia theo khả năng biểu thị của từ. Trong đó có cấp độ giảm nhẹ, song song và tăng dần. Cũng có thể chia theo số lượng từ, như láy đôi, láy ba, láy bốn... Nhưng trong thơ Hồ Xuân Hương chủ yếu là lấy đôi nên sẽ chia theo tính tăng giảm của từ láy. Cũng có một số từ láy ba trong thơ bà như “téo tèo teo", “tính tình tưng", "túng tính tình", nhưng nó quá ít, không gây nổi tiếng vang.
Thế mạnh trong thơ Hồ Xuân Hương là những từ láy song song. Với những từ láy này, Hồ Xuân Hương dễ dàng tạo nên những âm điệu độc đáo trong thơ đồng thời thể hiện một cái nhìn vừa vô tư, vừa tinh nghịch rất Hồ Xuân Hương.
“Ngó ngoáy”, “gầm ghè", "khom khom" “ngửa ngửa”, “phấp phới”, “phau phau “lún phún”, “le te”, “hi ha", "thánh thót”, "lõm bõm", "om om", "cheo leo", "lèo tèo", “lắc rắc", "long bong", "lún phún", "xì xòm”, “lẽo đẽo”, “lênh đênh", "lổm ngồm", "bỏm bẻm”, “phì phèo"...
Cái nhìn thể hiện cách quan sát chặt chẽ, kỹ càng. Đồng thời với nó là thái độ khách quan trước cảnh vật. Những từ láy song song này giúp bà mài giũa những cảnh vật theo những đường nét rõ ràng mà bà thấy.
Bên cạnh tính thật này, Hồ Xuân Hương còn điểm tô thêm cho sự thật bằng những từ láy tăng dần. Những từ này tạo góc cạnh cho sự vật. Đi bên cạnh từ láy song song, nó trở thành một người bạn đường không thể thiếu trong việc tô vẽ thêm cho những góc cạnh của sự vật, sự việc mà Hồ Xuân Hương muốn truyền tải trong trang thơ.
"Lăn lóc”, “thăm thẳm”, leo lẻo", “phì phạch”, “ngao ngán", "ngơ ngác", “văng vẳng”, “lầm lỡ”, “lai láng”, chen chóc”, “hây hẩy”, ...
Cuối cùng là từ láy giảm nhẹ, cũng chiếm một vị trí khá khiêm tốn so với từ láy
song song.
“Mỏng manh”, “nhắn nhe”, “đỉnh đinh “hòm hom”, “dở dom”, “ngại ngùng” “gật gù”, “phập phòm”, “hớ hênh”, “âu sầu”, “khẳng kheo”, “mõm mòm”, lom lom" “ngập ngừng”, “tì tỉ”, “phất phơ”, “ngậm ngùi”,...
Từ láy giảm nhẹ này chủ yếu là để thể hiện tâm trạng của nữ sĩ. Tuy nó chiếm một vị trí không lớn nhưng cũng đã thể hiện được cái tâm tình cô đơn, hờn duyên tủi phận lẫn mong chờ.
Hồ Xuân Hương đã nâng cao giá trị của từ láy cũng như ngôn ngữ Việt. Với thành công của nữ sĩ, “nôm na là cha mách qué" đã bị phủ nhận. Rõ ràng “nôm na” thừa sức sánh vai cùng với những văn tự đầy tính trang nghiêm, cổ kính, chưa kể nó còn linh hoạt hơn, thành thực hơn và chiếm được tình cảm cũng như sự ưu ái của bao người, qua bao vùi dập của thời đại, vẫn tồn tại đến tận ngày nay.