Diễn đàn lý luận

Từ sự chuyển đổi những phong cách sáng tạo

Lý luận phê bình
09:51 | 01/05/2022
Sau khi Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, gần như tất cả các nhà văn, nhà thơ đương thời đều hướng về cách mạng, đều đi theo cách mạng. Hiện tượng này có thể nói là đặc trưng cho văn học Việt Nam, khác với nhiều nền văn học trên thế giới, cũng trong bối cảnh cách mạng. Chỉ nói riêng lĩnh vực thơ ca, đến với cách mạng không chỉ là những nhà thơ thuộc trào lưu văn học cách mạng, như: Tố Hữu, Xuân Thuỷ, Sóng Hồng, Bùi Công Trừng, Lê Đức Thọ, Trần Huy Liệu mà có thể nói là tất cả những gương mặt tiêu biểu của phong trào Thơ mới.
aa

Sau khi Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, gần như tất cả các nhà văn, nhà thơ đương thời đều hướng về cách mạng, đều đi theo cách mạng. Hiện tượng này có thể nói là đặc trưng cho văn học Việt Nam, khác với nhiều nền văn học trên thế giới, cũng trong bối cảnh cách mạng. Chỉ nói riêng lĩnh vực thơ ca, đến với cách mạng không chỉ là những nhà thơ thuộc trào lưu văn học cách mạng, như: Tố Hữu, Xuân Thuỷ, Sóng Hồng, Bùi Công Trừng, Lê Đức Thọ, Trần Huy Liệu... mà có thể nói là tất cả những gương mặt tiêu biểu của phong trào Thơ mới.

Gần như tất cả đều thấy ở cách mạng không chỉ một cuộc đổi đời của dân tộc mà còn là một cuộc hồi sinh của chính số phận mình, trong đó có số phận của thơ ca. Xin chỉ điểm qua một vài tên tuổi tiêu biểu nhất. Trước hết là Xuân Diệu - người lĩnh xướng trong dàn thơ tình yêu, người có khả năng khơi đến tận cùng sự quyến rũ của cái tôi, của cái riêng (Ta là một, là riêng, là thứ nhất…/… Chiếc đảo hồn tôi rợn bốn bề) là người đầu tiên, trong một hào hứng nồng nhiệt, đã có ngay hai bài thơ dài ca ngợi Ngọn quốc kì (Tiên phong số 3, 26 - 12 - 1945) và Hội nghị non sông (Tiên phong số 6, 16-2-1946). Ngọn quốc kì là biểu tượng cho hồn thiêng Tổ quốc và Hội nghị non sông là biểu tượng cho thể chế dân chủ, cho quyền lực của nhân dân. Tổ quốc và Nhân dân, những xúc cảm thiêng liêng về nó làm nên cảm hứng công dân đặc sắc. Đó là hiện tượng chưa hề có dấu ấn báo hiệu nào trong 2 tập Thơ thơ và Gửi hương cho gió. Với Xuân Diệu, tình cảm công dân là một hào hứng nhiệt thành và dâng trào: Việt Nam! Việt Nam! Cờ đỏ sao vàng Những ngực nén hít thở ngày Độc lập Nghìn lực mới bốn phương lên tới tấp Nếp cờ bay chen sóng vỗ bài ca. (Ngọn Quốc kỳ) Trước đó chưa lâu, trong tập Điêu tàn, thế giới thơ Chế Lan Viên còn ngổn ngang những sọ người, xương khô, mồ không, hồn ma..

Cùng với thế giới kinh dị ấy, là một khao khát lẩn tránh cuộc sống và cõi người: Hãy cho tôi một tinh cầu giá lạnh/ Một vì sao trơ trọi cuối trời xa/ Để nơi ấy tháng ngày tôi lẩn tránh/ Những ưu phiền, đau khổ với buồn lo… (Những sợi tơ lòng). Nhưng khi hòa nhập vào cách mạng, Chế Lan Viên đã có dịp trở về cùng cõi đời, với những cảnh tượng khác, không chỉ là nhiều màu sắc mà còn là ấm áp tình đời: Em bỗng đến. Mình hoa nghiêng chén sữa/ Ta đón lấy mình hóa ta uống lửa... (Em bỗng đến). Và Huy Cận trong Giữa lòng thế kỷ (Tiên phong số 15, 16, 17 - 1946) không còn xa với thời cuộc để chìm vào cái chết và biển sầu như trong Lửa thiêng. Nhà thơ đã ở chính “giữa lòng thế kỉ” và nhìn thế kỉ XX như một đối lập của hai mặt, như một phân đôi thành hai nửa: Thế kỉ hai mươi/ Người mang trong lòng người/ Bao nhiêu mầm ung độc/ Bao nhiêu nụ hồng đời…

Với Huy Cận, đây là một cái được về nhận thức, về suy tưởng, qua đó thấy nhà thơ đã có một cuộc chia tay triệt để với cái sầu tưởng như đã thành vĩnh cửu trước đây. Không chỉ hết sầu mà còn là cái vui của “nụ hồng đời” và “hoa nở”, cùng với niềm tin “mùa gây lại vốn người”. Nhưng vui và tin vẫn còn trong dạng suy tưởng trừu tượng mà chưa chuyển được thành cảm xúc cá thể, thành giọng điệu riêng tha thiết, nồng nàn như Xuân Diệu và Tố Hữu... Rõ ràng là một Huy Cận mới, khác, trong tư cách công dân, nhưng lại mất đi rất nhiều những sắc màu, nét dáng, rung cảm rất cụ thể của đời. Và như vậy là cả ở Chế Lan Viên và Huy Cận khi chia tay với những miền kì dị, với cái buồn “sầu vũ trụ”, họ đã trở về với đời, nhưng vẫn cần có thêm thời gian để định hình một hồn thơ mới ở cả hai người. Nguyễn Xuân Sanh sau những bí ẩn của Nhạc và Ngôn từ trong Xuân Thu nhã tập, bỗng đến ngay được với những lời giản dị, nói lên nỗi vui mừng, niềm tin rất cụ thể, gần với cuộc đời trong một bài thơ có cái tên rất... nôm là Gởi các em nhi đồng của năm thứ II Cộng hòa dân chủ (Tiên phong số 11, 15-5-1946). Sự thay đổi trong tâm hồn và nghệ thuật của nhà thơ cũng được thể hiện qua một số bài thơ khác của Nguyễn Xuân Sanh. Từ bỏ dần lối viết bí hiểm, nhà thơ đã đưa cảm hứng về gần với cuộc đời thực trong một niềm khát khao đầy phấn chấn: Ta khát vô biên ngọn sóng vang/ Ta mừng hội gió lúc lên đàng/ Ta hát vô biên trên sách mới/ Và trên thế giới đượm tràng giang…

Cùng thế hệ đó, Lưu Trọng Lư cả một thời dài đắm trong mộng tưởng (Tiếng thu) và trong quá vãng (Nắng mới). Nhà thơ chỉ tìm được một lối thoát êm ái trong “thú đau thương” (Hãy lịm người trong thú đau thương). Hòa vào cách mạng, con người công dân ở nhà thơ đã mạnh mẽ nhập vào dòng đời. Nhưng còn con người thơ, có lẽ do chìm quá sâu vào cõi mộng nên phải chậm lại thêm một thời gian sống nơi chiến khu, nhà thơ mới từ cõi mộng về với cõi thực, với những cảnh thực, tình thực, nhịp điệu thực của đời như trong Ngò cải đơm hoa và O tiếp tế... Tế Hanh, người đến muộn trong phong trào Thơ mới, và đã để lại được trong Hoa niên hình ảnh cụ thể và da diết của những cánh buồm, dòng sông, con đường quê, sân ga... Có lẽ do gắn được với cuộc đời cần lao - làng tôi ở vốn làm nghề chài lưới – nên Tế Hanh không bị ngấm quá nhiều một cái buồn định mệnh. Thế nhưng, người gần đời hơn, người không xa nhân quần lam lũ ấy, lại vẫn không dễ dàng hòa nhập với cách mạng qua những sáng tác “kịp thời”. Đến bài thơ về quê hương lấy chính tên Quảng Ngãi làm đầu đề (Tiên phong số 10, 1-5-1946) với lời thơ, điệu thơ hoàn toàn khác trước, để biểu đạt một cảm xúc mới - gân guốc, một nhận thức mới về cách mạng, theo cách cảm, cách hiểu riêng của tác giả.

Phải nhiều năm sau đó nữa, Tế Hanh mới đến được với sự giản dị hồn nhiên trong Người đàn bà Ninh Thuận. Cung như Anh Thơ - tác giả những bức tranh quê vùng Kinh Bắc trước đó - những bức tranh vắng bóng người, nhưng vẫn lồng trong đó nỗi buồn của con người, một nỗi buồn như ngấm vào tất cả không gian: Sông mênh mông buồn mênh mông/ Đêm dài thăm thẳm buồn trông hướng nào… Vào cách mạng, vào kháng chiến, Anh Thơ sớm trở thành người cán bộ quần chúng. Nhưng cũng như Tế Hanh, nữ thi sĩ được giải Tự lực văn đoàn này còn phải nhiều năm sau mới có thể đến được với hồn thơ mới, không phải nơi thiên nhiên quạnh quẽ, mà là nơi những cảnh ngộ bi thương, mất mát của con người, của những cuộc đời phụ nữ miền núi trong bài thơ Kể chuyện Vũ Lăng…

Cũng như Nguyễn Bính chín hết mình, đi đến tận cùng bản ngã trong một “cái tôi” hướng về phía chân quê, trong mối sầu thành thị, trong nỗi buồn tha hương và trong khắc khoải bảo lưu những dấu ấn văn hóa làng quê… Trên đây chỉ là một số gương mặt thơ khá tiêu biểu trong bước ngoặt lịch sử của dân tộc. Vẫn còn nhiều tác giả khác cần được nói đến trong giai đoạn này, xin được bàn vào một dịp khác. Ở đây chúng tôi chủ ý tập trung khảo sát để nhận diện một cuộc chuyển đổi kì diệu, một bất ngờ lớn lao trong dòng chảy của đời sống văn học nước nhà từ sau cách mạng tháng Tám năm 1945 mà những nhà thơ đã nói đến ở trên là những chứng nhân tiêu biểu nhất. Vì sao những tên tuổi lãng mạn nhất; những người chủ trương triệt để thoát li, quay lưng với hiện thực; những người lấy cô đơn, buồn sầu và truỵ lạc làm cứu cánh... lại có thể là người đến sớm và hào hứng đón nhận ánh sáng cách mạng? Câu trả lời, một nửa quan trọng đã nói ở trên.

Nhưng vẫn còn một nửa khác không thể không nói đến. Đó là những hạt ươm, những mầm sống, những đốm sáng ở đáy sâu tâm hồn, tình cảm một lớp nhà thơ, trong cảnh ngộ và số phận của người dân nô lệ. Bao trùm lên tất cả là một lòng yêu - yêu con người trong bất hạnh, yêu dân tộc trong tình cảnh mất nước, Đặc biệt là tình yêu tiếng Việt, nói như Hoài Thanh: “Họ yêu vô cùng thứ tiếng trong mấy mươi thế kỉ đã chia sẻ vui buồn với cha ông. Họ dồn tình yêu quê hương trong tình yêu tiếng Việt. Tiếng Việt, họ nghĩ, là tấm lụa đã hứng vong hồn những thế hệ qua”. Và như vậy là tất cả những gì ẩn náu tiềm tàng trong đáy sâu ý thức, tình cảm của một thế hệ cuộn mình trong “cái tôi” cô đơn sẽ được cách mạng đánh thức. Sự thức tỉnh đó là hệ quả tự nhiên trong bối cảnh một cuộc cách mạng thuộc loại vĩ đại nhất trong lịch sử dân tộc. Chưa nhiều ý thức, nhưng lại tràn đầy cảm xúc, các nhà thơ đã nhanh chóng nhận ra ý nghĩa lớn lao của thời điểm lịch sử đánh dấu sự hồi sinh của dân tộc.

Cách mạng vừa là nguồn đề tài mới đầy hấp dẫn của thơ ca, vừa là nguồn kích thích sức sáng tạo của các nhà thơ. Để rồi trải qua 9 năm đồng hành cùng cuộc kháng chiến cứu nước của dân tộc, các nhà thơ này đã xếp hàng vào thế hệ đầu tiên của Hội Nhà văn Việt Nam được thành lập năm 1957, là một tổ chức nghề nghiệp của những người cầm bút, góp phần tôn vinh tiếng Việt và làm phong phú thêm chân dung tinh thần của người Việt Nam thân yêu

Nguồn Văn nghệ số 18+19/2022


Thông cáo báo chí số 23, Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội khóa XV

Thông cáo báo chí số 23, Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội khóa XV

Baovannghe.vn - Thứ Sáu, ngày 22/11/2024, Quốc hội tiếp tục ngày làm việc thứ 23 (Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV) tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội.
Quà tặng của chiến tranh - Truyện ngắn của Hoài Hương

Quà tặng của chiến tranh - Truyện ngắn của Hoài Hương

Baovannghe.vn - Chiến dịch thần tốc như một cơn lốc không ngày không đêm, đơn vị vừa đánh vừa hành quân gần như xuyên dọc theo Quốc lộ 13 hướng về Sài Gòn mỗi ngày một gần thêm.
Lĩnh vực báo chí cần có những ưu đãi về thuế

Lĩnh vực báo chí cần có những ưu đãi về thuế

Baovannghe.vn - Quốc hội tiếp tục chương trình làm việc ngày 22/11 với phiên thảo luận tổ về dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) và dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi).
Trôi giữa hương sen nghịch mùa - Truyện ngắn của Đinh Thành Trung

Trôi giữa hương sen nghịch mùa - Truyện ngắn của Đinh Thành Trung

Baovannghe.vn - Mây đen tan. Nắng nhẹ. Hương sen còn sót hòa cùng hương bùn đánh dạt mùi khói xe, đưa nụ cười của hai người đàn ông lấp đầy mi mắt đang nhìn về phía mặt trời.
Nhà thơ Anh Ngọc bình thơ "Thề non nước"

Nhà thơ Anh Ngọc bình thơ "Thề non nước"

Baovannghe.vn - Bài thơ Thề non nước không chỉ là lời tự tình đằm thắm của một tâm hồn thủy chung, tin cậy mà còn cất giấu trong mình một bức tranh thiên nhiên tráng lệ và quyến rũ mê hồn vì một vẻ đẹp như sinh ra bởi con người và cũng chỉ dành để cho con người.