Hôm nay, (31/10), Quốc hội bước vào ngày làm việc đầu tiên của tuần làm việc thứ 2, kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV.
Quốc hội sẽ giám sát tối cao việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.
Tiếp đó, Quốc hội dành 2 ngày làm việc để thảo luận tại hội trường, đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021-2025; kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025; kết quả thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Xen kẽ giữa các nội dung này, cơ quan lập pháp xem xét báo cáo của Chính phủ về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Đà Nẵng; xem xét kết quả rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật theo quy định tại Nghị quyết số 101/2023/QH15 về kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV...
Trong mảng công tác xây dựng pháp luật, cơ quan lập pháp xem xét, cho ý kiến dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi); Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi). Đặc biệt, dự án Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ được Quốc hội dành trọn vẹn ngày làm việc cuối tuần, 4-11, để thảo luận. Do có nhiều nội dung quan trọng nên tất cả các phiên họp được phát thanh, truyền hình trực tiếp.
Trước đó, theo báo cáo của Chính phủ, 9 tháng của năm, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng được thúc đẩy, các cân đối lớn cơ bản được bảo đảm. Tăng trưởng GDP quý III đạt 5,33%, tính chung 9 tháng đạt 4,24%. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 9 tháng tăng 3,16%.
Thị trường tiền tệ, ngoại hối cơ bản ổn định, mặt bằng lãi suất giảm. Xuất nhập khẩu tăng dần qua các tháng và xuất siêu gần 22 tỷ USD trong 9 tháng. An ninh năng lượng, an ninh lương thực được bảo đảm, thị trường lao động phục hồi tích cực.
Về giải ngân vốn đầu tư công, đến hết tháng 9 đạt 51,38% kế hoạch, cao hơn 4,68% so với cùng kỳ, về số tuyệt đối cao hơn khoảng 110.000 tỷ đồng. Vốn FDI thực hiện đạt khoảng 16 tỷ USD, tăng 2,2%. Vốn đầu tư ra nước ngoài cấp mới và điều chỉnh đạt 416,8 triệu USD, tăng 4,6% so với cùng kỳ. Khu vực nông nghiệp tăng 3,38%; dịch vụ tăng 6,3% so với cùng kỳ.
Thu ngân sách nhà nước 9 tháng đạt 75,5% dự toán, ước cả năm đạt và phấn đấu vượt dự toán được giao. Bội chi ngân sách nhà nước và các chỉ tiêu về nợ công được kiểm soát thấp hơn giới hạn và ngưỡng cảnh báo theo Nghị quyết của Quốc hội. Đã thúc đẩy tăng thu, tiết kiệm chi, trích lập quỹ tiền lương đến nay được khoảng 560.000 tỷ đồng, bảo đảm đủ nguồn để cải cách tiền lương trong 3 năm 2024 - 2026.
Những kết quả này được đánh giá là mức khá cao so với nhiều nước trong khu vực cũng như trên thế giới. Vậy nhưng, thực tế, mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5% là không thể. Do đó, vấn đề là cần tiếp tục phân tích làm rõ nguyên nhân của các tồn tại, hạn chế. Đồng thời nhận diện đầy đủ các xu hướng phát triển, các yếu tố ảnh hưởng để có giải pháp căn cơ khắc phục.
PV