Chuyện về chiến tranh với muôn vàn khốc liệt, kinh hoàng của những người lính và thường dân.
Bao trùm và xuyên suốt tác phẩm, không gì khác chính là số phận của con người, thường rất mong manh, tròng trành và bất ổn với những rủi may chẳng bao giờ lường trước được trong số phận của dân tộc luôn bị vòng xoáy của chiến tranh, xung đột cùng sự thất thường của thiên nhiên tác động.
Cũng có thể là một tự truyện, cụ thể và sinh động như nó vừa hổn hển bước ra từ quá khứ còn lấm láp bùn đất và khét mùi bom đạn.
Những mảng hiện thực cũng là những “vấn đề” quen thuộc ấy trộn lẫn, đan cài, xoắn bện vào nhau tạo nên cái bề bộn, đậm đặc chất đời sống trần trụi, phô phang, khi chói lói, lúc chìm tối trong cuốn tiểu thuyết dầy gần 500 trang (khổ 14 x 20,5 cm) mang tên Thư về quá khứ của nhà văn Nguyễn Trọng Tân.
Thương xót! Cảm giác chung là thế. Thương xót một làng quê, những phận người bé mọn và đất nước Việt Nam này. Cái hào sảng một thời không được nhấn nhá hay vút cao ở đây; những trang sách rầm rì kể về quá khứ; mỗi mảng hồi ức là một bức thư gửi cho năm tháng cũ càng, khi uất ức, khi cười cợt, khi đắm đuối, khi tiếc nuối... Cuốn tiểu thuyết, đúng như nhà văn tự thành thật giãi bày:
Mỗi mảnh ký ức là một câu chuyện, một lá thư. Thư về quá khứ! Một quá khứ đớn đau, hàm oan, tăm tối!
Một quá khứ phi nhân tính và bao điều phi lý, kỳ quặc, bất nhẫn, dối lừa... mang tên chiến tranh!
Những mảnh vụn ký ức trong lá thư này không vẽ lên hình hài cuộc chiến, nó thủ thỉ kể về nỗi tấy nhức trong trái tim người lính, tiếng thở dài nhớ mẹ giữa đêm sâu, niềm khao khát yêu đương, cả những cái chết lặng lẽ tức tưởi vô danh góc rừng chiều... Chuyện của lính. Những chuyện bình thường trong thời chiến. Bình thường như số phận người lính. Những câu chuyện vẫn vùi sâu dưới đáy ba lô...
Chuyện bắt đầu từ làng Phù Vân, cái làng nhìn từ trên cao chẳng khác gì cái gánh hàng rong. Một làng quê Bắc bộ, nơi được coi là cái nôi của nền văn hóa lúa nước Việt Nam lại không đình chùa miếu điện, không cổng làng, cây đa, giếng nước. Tại sao những “di sản” làng ấy lại không có ở Phù Vân? Một ngôi làng lớn xưa kia mang tên Phù Việt Trang, vốn có đủ đình, chùa, miếu, điện bề thế nổi tiếng linh thiêng. Một làng có truyền thống khoa bảng lừng danh nằm trong địa phận cố đô Châu Phong. Thành hoàng và các vị Sơn thần, Thủy thần của làng từng được nhiều triều đại sắc phong. Thế rồi, những biến động của thế cuộc đã đẩy làng vào tai họa, tan hoang, bĩ cực. Bắt đầu từ vụ Đứa con hoang và cái vạ tru di tam tộc thời Vua Lê - Chúa Trịnh.
Tiếp theo là cái họa “cải cách ruộng đất” xảy ra khi cả nước, trong đó có làng Phù dồn hết sức người, vật lực cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đang gần tới ngày chiến thắng. Thời gian đội cải cách ruộng đất ở làng Phù đã biến cái làng thuần nông, u tối nhưng yên hàn ấy trở nên điên đảo. Bao nhiêu kẻ lười nhác, bợm bãi trở thành chuỗi rễ, cốt cán. Đang đói rách bần hàn đến lõ đít, bỗng trở thành cán bộ cách mạng chúng lên mặt, hách dịch. Chúng gieo rắc thù hận, nghi kỵ giữa những người vốn xưa nay sớm lửa tối đèn có nhau. Chúng phá vỡ nếp sống tốt đẹp nhất được bồi đắp từ bao đời... Bi kịch của làng lại xảy ra từ cái gọi là “tiêu diệt giai cấp bóc lột” đã bị đẩy lên đến độ cực đoan một mất một còn… Bi kịch của làng Phù, cũng chính là bi kịch của đất nước trong giai đoạn này. Đấy là một sai lầm nghiêm trọng trong thực hiện cải cách ruộng đất.
Không chiếm nhiều số trang trong tiểu thuyết nhưng các đoạn kể về làng Phù trong cải cách ruộng đất phải nói là ấn tượng nhất. Có vẻ như tác giả muốn nói hết, không giấu giếm, không e ngại chính kiến của mình về việc này. Tủi nhục oan khuất. Độc ác man rợ. Vô luân, vô đạo. Mọi thứ đảo lộn, quay cuồng trong cái làng Phù thời cải cách ruộng đất. Sự thật quá khứ dường như đã được phơi bày trên từng trang viết. Thư về quá khứ hay là sự chia sẻ với những oan khiên chưa lụi tan, là tiếng chuông nguyện cho một dĩ vãng buồn đau khôn xiết...
Lịch sử làng Phù có lẽ cũng không khác mấy lịch sử dân tộc; buồn nhiều hơn vui. Nỗi khổ chiến tranh chưa dứt thì nỗi khổ thời bình lại chồng chất lên. Không còn bom đạn nhưng vẫn còn đó những cuồng tín, mê muội trong đầu những người cán bộ. Vì thế, thêm một lần nữa người làng Phù lại ngã ngửa về việc làm quái đản của chính quyền địa phương. Mọi người choáng váng nghe tin lãnh đạo xã ra lệnh đập bỏ hết đình, chùa, miếu, điện. Văn hóa truyền thống đã bị xâm hại, tàn phá tận gốc. Nhận thức ấu trĩ, sai lệch về tôn giáo, tín ngưỡng một thời của chúng ta đã dẫn đến những hệ lụy không tốt lành cho xã hội. Quan niệm vô thần lệch lạc đã chẳng coi tôn giáo, tín ngưỡng là nhu cầu của một bộ phận không nhỏ nhân dân. Không có văn hóa, khoa học kỹ thuật thì không bao giờ xây dựng được xã hội tốt đẹp. Trái lại, sự xuống cấp về đạo đức lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên đang làm tổn hại sâu sắc đến truyền thống, danh dự của Đảng. Lòng tin của nhân dân vào Đảng, vào chính quyền bị giảm sút nghiêm trọng.
Chưa hết, đồng đất làng Phù không nuôi nổi con người khi qua mấy năm làm ăn theo mô hình hợp tác xã nông nghiệp bộc lộ nhiều điều không ổn. Cha chung không ai khóc. Con người trở nên lười biếng dối dá. Lãnh đạo thì hách dịch, đổ đốn. Xã viên làm việc bằng hai/ Để cho cán bộ mua đài, mua xe... Với người nông dân, nỗi khổ này chồng lên nỗi khổ khác, trong khi hai miền Bắc - Nam đang còn chia cắt, chiến tranh chuẩn bị lan rộng ra cả nước...
*
Kho ký ức chiến tranh là tài sản đáng giá của các nhà văn lớn tuổi; vốn sống này thế hệ cầm bút trẻ không có. Chính vì thế, đọc các tác phẩm viết về chiến tranh của thế hệ nhà văn kháng chiến ta thấy nó khác rất nhiều với thế hệ nhà văn hòa bình. Thư về quá khứ không dựng lên hình hài của cuộc chiến chống Mỹ cứu nước bằng những kỳ tích lẫy lừng, với các anh hùng dũng sĩ, muôn ánh hào quang chấp chới trên vai tướng lĩnh, binh lính. Chiến tranh qua góc nhìn của nhân vật chính, cựu binh Nguyễn Bá Nhã, một đứa con làng Phù rất đơn sơ trần trụi. Người lính trong tiểu thuyết này không tạc vào thế kỷ bằng “Dáng đứng Việt Nam” mang ý nghĩa biểu tượng cao đẹp của chủ nghĩa anh hùng Cách mạng mà nó cụ thể, có phần nhỏ bé, mong manh trong cuộc chiến. Không phải chiến binh nào cũng ngã xuống nơi hòn tên mũi đạn, có muôn vàn cách chết, kiểu chết đến với họ mỗi ngày, mỗi giờ đôi khi chẳng khác gì một trò đùa của số phận. Cái oan nghiệt của chiến tranh nằm ở chỗ này chăng? Nói chính xác hơn là cái oan nghiệt của kiếp người trong bể khổ trần gian.
Đúng là không ai có thể nghĩ ra, tưởng tượng nổi những“kịch bản chết” như Nhã đã chứng kiến ở Bê Trọc. Cái chết của Hãn: Hòm kíp được nhắc lên... Một tiếng nổ rất lớn... Hai chiến sĩ quân khí bay như hai mảnh bao tải... Ngay trước mặt Nhã, Hãn khựng người buông rơi cuốn sổ tay... Chỉ có một cây đinh bật ra từ vỏ hòm kíp. Nó xuyên vào gáy Hãn... Rất, rất nhiều cái chết kiểu trời ơi đất hỡi như vậy được kể ra trong cuốn tiểu thuyết này với các cái tên như Triển, Đống, Đích, Vệ... hoặc không tên như trường hợp một người lính chết trên võng trong khi chiếc đài bán dẫn vẫn mở oang oang, bốn chàng lính trẻ chết vì mang hỏa tiễn DKB đi đánh cá suối...
Tại sao Nguyễn Trọng Tân lại chọn góc nhìn chiến tranh vụn vặt và hẹp nhỏ như vậy? Cái hiện thực lớn lao, trùng điệp của cuộc chiến tranh nhân dân không còn hấp dẫn ông nữa hay sao? Tôi nghĩ, chắc không phải thế. Có lẽ, nhà văn muốn kể về cuộc chiến một cách trần trụi nhất; ông muốn kể lại những gì mắt đã thấy, tai đã nghe. Và, viết đúng hiện thực cuộc sống của người lính, người dân như nó đã xảy ra. Chiến tranh cũng chỉ là bức tranh có nhiều gam mầu sáng tối khác nhau, vừa dễ hiểu vừa bí ẩn, nhấp nhô bóng người hồn ma, nửa là trần gian nửa là âm phủ, nửa đời sống thực nửa thế giới tâm linh...
Xuyên suốt những trang sách là ám ảnh về số phận con người. Số phận con người là điều tác giả muốn nói nhiều, muốn tô đậm hơn cả trong tiểu thuyết Thư về quá khứ.
Có thể nhiều người cũng nghĩ như Nhã. Những cái chết ở chiến trường phải ngập ngụa trong máu, lửa. Tiếng nổ đùng đoàng. Nhưng giống như người ta nhìn hiện tượng ở tảng băng trôi. Phía sau chiến địa là một hậu cứ mênh mông. Hàng chục ngàn con người đối mặt với thần chết vì muôn vàn lý do. Những cái chết vơ với, như trò đùa... Rất nhiều tai ương không lý giải được, cứ như người đứng đầu âm phủ phô diễn quyền năng chết chóc đầy huyền bí của mình.
Chiến tranh có gương mặt đàn bà là cuộc chiến tranh tàn khốc và đau lòng nhất cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Trên chiến trường B1 (Bê Trọc) có một đoàn nữ gùi. Hàng trăm cô gái trẻ hàng ngày phải sống trong một môi trường nghiệt ngã vượt qua sức chịu đựng của họ. Sự khốc liệt của bom đạn không ghê gớm bằng những khó khăn trong sinh hoạt giới tính. Như tác giả viết: Một cuộc sống trái quy luật. Nhan sắc bị hủy hoại. Tâm sinh lý bị đảo lộn. Làn da xạm bủng. Khuôn hình vóc dáng phải vâm váp lên. Ngực nhỏ dần đi... Chính những người con gái ấy mới là đối tượng bị cuộc chiến này hành hạ khủng khiếp nhất.
Cũng có những mối tình chớm nở nhưng phần lớn không thành. Những trang đẹp nhất, nồng nhất trong tiểu thuyết kể về tình yêu của Nguyễn Bá Nhã với Ngàn Chi. Tình yêu của họ như một món quà Thượng đế tặng cho. Nhưng rồi, sau đó hai người cũng phải chia ly vì nhiệm vụ và Ngàn Chi cũng đã ngã xuống trong cuộc chiến tranh càng đi càng thăm thẳm này.
Phía sau chiến trường là hậu phương mênh mông. Sự hy sinh của những người ở phía sau không kém gì nếu chẳng muốn nói còn lớn hơn tiền tuyến. Cha mẹ, vợ con, người yêu... của các chiến binh phải gồng lên để sống, để làm việc trong những năm tháng ấy. Những bà Mận, bủ The, chị Thứ câm... đã chịu nỗi đau cùng cực trong và sau cuộc chiến dằng dặc. Chúng ta đồng cảm với tác giả: Hai cuộc chiến tranh quét qua làng Phù để lại móng vuốt của nó trên từng mái nhà. Biết bao nhiêu phận người bị nó cào đến tơi tả. Hơn hai mươi liệt sĩ. Gần ba chục thương binh. Chưa kể gần chục dân thường chết vì bom đạn. Người ra trận lành lặn trở về phần đông dặt dẹo. Không nghề ngỗng gì...
Viết về chiến tranh, dù ở góc độ nào, theo tôi cũng cần hướng tới sự chân thật và nhân văn. Chiến tranh qua lâu rồi, đây là lúc ta đủ độ điềm tĩnh và khách quan để nhìn lại nó một cách toàn diện. Những suy ngẫm này của tác giả Thư về quá khứ đáng để cho ta soi xét: Xưa nay nói đến chiến tranh, đến người lính, lắm khi người ta khoác cho họ những tấm áo quá khổ, những tấm áo rực rỡ sắc mầu. Bắt họ đứng vào những hàng lối quá ngay ngắn. Điều đó khiến họ trở thành biểu tượng chứ không còn là họ với muôn điều sinh động tự nhiên của một phận người cụ thể trong hoàn cảnh đặc biệt của chiến tranh...
Có đúng như vậy không? Câu trả lời chắc chắn phải thuộc về những người lính, người dân, người cầm bút đã trải qua các cuộc chiến tranh giải phóng đất nước trong thế kỷ trước. Tuy nhiên, từ phôi liệu hiện thực dữ dội và ngổn ngang nhà văn dựng lên thành tác phẩm bằng cách của riêng mình. Cách gì cũng phải được “bảo hiểm” bằng cái tâm trong sáng của người cầm bút. Trước hết, người viết phải thành thực với chính mình, với đồng đội, với nhân dân, với bao nhiêu người đã ngã xuống. Ngợi ca hay phê phán cũng phải được đảm bảo bằng điều đó nếu không những trang sách của nhà văn rất chóng bị lãng quên.
Nguồn Văn nghệ số 08/2020