1. Vài nét khái lược
Trước khi trình bày, chúng tôi sẽ xác định mốc thời gian bắt đầu thời kì hiện đại của văn học Nhật Bản, được viện dẫn từ Tổng quan lịch sử văn học Nhật Bản của nhà nghiên cứu Nguyễn Nam Trân - tư liệu chúng tôi tham khảo chủ yếu trong bài viết này. Tại đây, tác giả Nguyễn Nam Trân đã đề cập văn học Nhật Bản hiện đại có thể được xác định bắt đầu từ năm 1868, thời điểm diễn ra cuộc Duy tân Minh Trị.
Cách phân kì này dựa trên việc tham khảo nhiều công trình uy tín về lịch sử văn học Nhật Bản của các nhà nghiên cứu trước đó. Trong đó, thời kì hiện đại tiếp tục được phân chia thành hai giai đoạn nhỏ hơn là giai đoạn từ Duy tân Minh Trị đến thời Showa (1868 - 1989), và giai đoạn từ thời Heisei đến nay (từ năm 1989). Trong khi giai đoạn Heisei đến nay chưa được cập nhật nhiều vì còn mới mẻ tại thời điểm bộ sách ra mắt, giai đoạn từ Duy tân Minh Trị đến Showa lại được trình bày kĩ lưỡng, đặc biệt là thời Showa (1926 - 1989) vì đây là thời điểm quan trọng diễn ra chiến tranh Thái Bình Dương (Nhật Bản tham gia Thế chiến thứ hai) - mốc lịch sử quan trọng của nước Nhật hiện đại, và xảy ra cuộc chiếm đóng sau chiến tranh. Những vấn đề xoay quanh các sáng tác về đề tài chiến tranh trong văn học Nhật Bản hiện đại được giới thiệu trong công trình này hầu hết đều nằm trong giai đoạn trên.
Trước chiến tranh, các nhà văn Nhật Bản đã nỗ lực thể hiện vẻ đẹp bản sắc văn hóa và mĩ cảm truyền thống của người Nhật qua các tác phẩm văn chương đa dạng. Song hành với đó, các sáng tác và lí thuyết văn học phương Tây cũng được du nhập, giới thiệu vào Nhật Bản thông qua những trí thức được cử du học và thực hiện hoạt động dịch thuật, trong đó nổi bật như nhà văn Natsume Soseki (văn học Anh) và nhà văn Mori Ogai (văn học Đức).
Trong chiến tranh, diện mạo văn học Nhật Bản hiện đại có nhiều đổi khác và đến sau này, các nhà nghiên cứu nhận định rằng thời kì này là những tháng ngày tăm tối đối với nền văn học Nhật Bản. Các sáng tác văn học Nhật Bản trong thời chiến trở thành công cụ tuyên truyền của chính quyền quân phiệt. Thông qua đó, chính quyền và quân đội Nhật Bản đương thời có thể đưa ra những diễn ngôn về chiến tranh, ảnh hưởng lớn đến tư tưởng, quan điểm của quốc dân. Khi bị chi phối bởi ý thức hệ, văn học Nhật Bản dần rơi vào quãng trầm, đội ngũ nhà văn gặp cảnh khó khăn khi rơi vào khủng hoảng lương tri, thiếu tự do ngôn luận.
Sau chiến tranh, những điều vốn được nhìn nhận là chân lí trong thời chiến (do định hướng và phát ngôn của chính quyền quân phiệt) đã trở thành hư ngụy. Vì vậy, vết thương chiến tranh vẫn hằn sâu trong tâm thức người Nhật, phải đến năm 1970 mới được xem là thời điểm để chấm dứt thời hậu chiến trong văn học Nhật Bản. Các nhà nghiên cứu nhận thấy trong giai đoạn này, tình hình văn đàn Nhật Bản đã phát triển hai khuynh hướng có phần trái ngược: một mặt kế tiếp, mặt khác lại đoạn tuyệt với quá khứ. Trong khuynh hướng “kế tiếp”, các tác giả đương thời nỗ lực gìn giữ những nét truyền thống đã tồn tại lâu đời, có thể nói họ đã kế thừa và nối tiếp những việc làm các tác giả tiền bối thực hiện nhiều năm trước đó. Về nhóm “đoạn tuyệt với quá khứ”, các nhà văn cố gắng cắt đứt, xóa bỏ hoàn toàn những sai lầm đã hình thành trong thời chiến và hướng đến tương lai, như nhận định của nhà nghiên cứu Nguyễn Nam Trân là “đoạn tuyệt để xóa sạch tàn tích của thời quân phiệt và xây dựng nền văn học thích nghi cho xã hội mới”.
Qua các sáng tác viết về chiến tranh, tội ác chiến tranh của chính quyền quân phiệt được tố cáo, những sự thật trong quân đội Nhật Bản từng bị che giấu trong suốt thời chiến cũng dần được hé lộ. Đặc biệt hơn, đó là tiếng nói tố cáo, khai mở hiện thực cất lên từ bộ phận các tác giả chịu ảnh hưởng trước đó của chủ thuyết Đại Đông Á và diễn ngôn về chiến tranh của chính quyền quân phiệt Nhật Bản trong cuộc chiến. Những tác phẩm còn giãi bày được cảm xúc, tinh thần của người Nhật thời hậu chiến khi phải kiếm tìm một điểm tựa tinh thần, niềm tin sau nỗi hổ thẹn và sụp đổ niềm tin vì cuộc chiến.
Vào giai đoạn bị chiếm đóng sau chiến bại, thực tế rằng giới sáng tác và hoạt động xuất bản văn chương vẫn chịu sự kiểm duyệt nhất định của chính quyền chiếm đóng. Vì vậy, từ thời điểm Hiệp ước hòa bình San Francisco có hiệu lực (tháng tư năm 1952), chính thức chấm dứt cuộc chiến giữa Nhật Bản và các nước Đồng minh (nổi bật là Mỹ), kết thúc thời kì bị chiếm đóng, các nhà văn Nhật mới thực sự được tháo bỏ hoàn toàn những giới hạn, được tự do ngôn luận, không còn chịu sự kiểm duyệt gắt gao hay kìm hãm của diễn ngôn, quyền lực nào bên ngoài như thời gian dài trước đó. Lúc này, họ có thể nói những điều họ thật sự nghĩ về chính quyền chiếm đóng trong các tác phẩm, những điều đã làm thay đổi bức tranh toàn cảnh xã hội Nhật Bản rất lớn sau chiến tranh. Đây là một nội dung được phản ánh trong nhiều tác phẩm về chiến tranh của văn học Nhật Bản hiện đại.
Trong Tổng quan lịch sử văn học Nhật Bản, nhà nghiên cứu Nguyễn Nam Trân còn đề cập một đặc điểm khác của các tiểu thuyết Nhật Bản hiện đại về đề tài chiến tranh. Đó là từ năm 1950, nhóm tiểu thuyết này đã hướng đến đối tượng độc giả đại chúng, từ đó có khả năng phát triển mạnh mẽ hơn, cho ra nhiều sáng tác sau khi chiến sự kết thúc và có những cuốn sách bán chạy. Điều này cho thấy tiểu thuyết viết về chiến tranh đã nhận được sự quan tâm, đón nhận của đông đảo độc giả. Như đề cập trước đó, các tác giả viết tiểu thuyết chiến tranh từ thời gian này có thể viết những điều từng không thể nói hay viết trong thời chiến, nội dung các tác phẩm thể hiện được thái độ phê phán, tinh thần phản chiến nhằm nỗ lực thực hiện mong muốn, mục đích ngăn các cuộc chiến có thể bùng lên sau này. Có những nhà văn đã sáng tác dựa trên trải nghiệm tự thân, họ viết những tác phẩm có tính tự thuật, hoặc hư cấu từ trải nghiệm của chính mình trong quá khứ. Với những nhà văn thế hệ sau, những người không phải là chứng nhân trực tiếp của cuộc chiến, họ vẫn có thể xây dựng chi tiết, tình huống, các nhân vật, hình tượng người lính… trong tác phẩm thật sống động từ các tư liệu có thật.
Như vậy, trong chiến tranh, đây là khoảng thời gian ảm đạm của văn học Nhật Bản hiện đại khi chịu sự kìm kẹp và tác động từ giới cầm quyền. Vì thế, giới sáng tác đã có những sai lầm nhất định khiến văn chương, đặc biệt là các tác phẩm viết về chiến tranh bị lợi dụng trở thành công cụ đắc lực để chính quyền quân phiệt tuyên truyền những quan điểm sai lệch, cực đoan xuyên suốt cuộc chiến. Thế nhưng, sau chiến tranh, diện mạo văn học Nhật Bản hiện đại có sự thay đổi rõ rệt liên quan đến những thay đổi mạnh mẽ trong lịch sử, xã hội Nhật Bản thời kì này. Văn đàn trở lại phát triển mạnh mẽ, phong phú hơn như cơn bừng tỉnh sau những tháng ngày mộng mị. Khủng hoảng hiện sinh, khủng hoảng căn cước của con người hiện diện trong văn chương nhiều hơn. Nỗi đau tinh thần không ngừng xuất hiện trong nhiều tác phẩm. Sự hình thành của dòng tiểu thuyết chống bom nguyên tử và các tác phẩm viết về chiến tranh đã không ngừng nhắc lại nỗi đau dân tộc và cất lên mạnh mẽ tiếng nói phản chiến, lên án giới cầm quyền từng thúc đẩy chiến tranh.
2. Một vài tác phẩm tiêu biểu
Mộ đom đóm, Không chiến Zero rực lửa, Ngàn hạc giấy của Sadako đều là những sáng tác văn học Nhật Bản hiện đại viết về chiến tranh, đề cập đến thời kì trong và sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Mặc dù thân phận của các nhân vật trung tâm trong mỗi tác phẩm là khác nhau và nỗi đau, chấn thương họ mang cũng không hoàn toàn đồng nhất, nhưng khi đặt ba tác phẩm kế bên nhau, chúng sẽ tạo thành một bức tranh toàn cảnh bao phủ và hiện diện nhiều số phận con người Nhật Bản khác nhau trong và sau cuộc chiến. Và hơn hết, cả ba tác phẩm đều thể hiện tinh thần phản chiến, khát vọng hòa bình và thông điệp trân trọng giá trị sinh mệnh vốn rất mong manh của con người.
Mộ đom đóm của Nosaka Akiyuki được xuất bản vào năm 1968. Vì lẽ đó, những cảm xúc, biểu hiện chấn thương tinh thần như nỗi đau, ám ảnh tội lỗi, sự mặc cảm và thái độ đối với chính quyền chiếm đóng còn được thể hiện rõ rệt, đầy mạnh mẽ, thậm chí có phần gay gắt. Cùng với thời gian sáng tác, nhà văn Nosaka Akiyuki là một thiếu niên mười lăm tuổi khi nước Nhật bại trận năm 1945 vì vậy ông cũng là một chứng nhân, có khả năng ý thức rõ về cuộc chiến, về thảm họa và sức hủy hoại sâu rộng mà chiến tranh gây ra cho con người nói chung.
Bản thân tác giả dù vượt thoát khỏi những làn mưa bom khủng khiếp cuối cuộc chiến nhưng ông đã đánh mất gia đình, trở thành cô nhi và tự thân nỗ lực bươn chải nhiều nghề để sinh tồn trong thời hậu chiến. Trải nghiệm đắng cay này lại giúp Nosaka Akiyuki thấu hiểu hơn hết những số phận khác nhau sau chiến tranh, đặc biệt là những đứa trẻ cùng thế hệ với mình. Họ là những thiếu niên phải trưởng thành trong một giai đoạn hỗn loạn, thiếu vắng niềm tin vì những chân lí trước đó đã trở thành hư ngụy sau chiến bại; trưởng thành trong nỗi đau mất mát, thiếu thốn cả về vật chất lẫn tình cảm; và trưởng thành trong sự hoài nghi thế giới xung quanh, mang theo kí ức ám ảnh về chiến tranh và nỗi mặc cảm tự ti liên quan đến thời kì bị chiếm đóng. Tất cả những điều đó đi vào từng sáng tác trong tập truyện Mộ đom đóm và các nhân vật trung tâm trong mỗi câu chuyện đều là những đứa trẻ cùng thế hệ với nhà văn, được biết đến với cái tên “thế hệ đổ nát và chợ đen”. Tập truyện như lời thú nhận của một thế hệ chịu tổn thương nhưng cũng gây ra tổn thương cho người khác bởi chiến tranh. Qua đó, nhà văn còn cho độc giả hiểu được nỗ lực sinh tồn của những đứa trẻ ấy và ám ảnh tâm lí, mặc cảm họ phải mang theo có nhiều điểm tương đồng dù số phận khác nhau.
Tiểu thuyết Không chiến Zero rực lửa của Hyakuta Naoki được xuất bản tại Nhật Bản năm 2006, trở thành cuốn sách bán chạy nhất Nhật Bản vào năm 2013. Cũng trong năm đó, Không chiến Zero rực lửa đã được chuyển thể thành phim điện ảnh cùng tên và đạt nhiều giải thưởng, thu hút sự quan tâm của khán giả trong nước. Nhà văn Hyakuta Naoki thuộc thế hệ kế cận thế hệ sinh sống và trưởng thành trong thời chiến, vì vậy sáng tác được thực hiện thông qua việc tiếp cận những tư liệu lịch sử, phỏng vấn các cựu binh Nhật Bản từ góc nhìn của người Nhật thời hậu chiến, góc nhìn phản chiến.
Cuốn tiểu thuyết thể hiện sự tìm hiểu và soi xét lại quá khứ, chỉ ra những tội ác của chính quyền quân phiệt và hải quân đế quốc Nhật Bản. Cùng với đó là đánh giá lại vấn đề xoay quanh những người lính Nhật, con người Nhật thời chiến, chỉ ra những phương diện chưa được biết đến nhiều trong lịch sử, từ đây lí giải nguyên nhân dẫn tới quan điểm và hành động của họ trước diễn ngôn của chính quyền, nhìn nhận họ một cách đa chiều, nhân văn hơn. Không chỉ quan sát từ bên ngoài, tiểu thuyết cung cấp góc nhìn từ bên trong thông qua hình thức tự thuật của các cựu binh, tạo được sự đối sánh với quan điểm phổ biến về các binh lính Nhật Bản. Họ không hoàn toàn là những kẻ cuồng tín chiến đấu mù quáng, phi đội cảm tử không giống nhóm khủng bố cực đoan như đánh giá về sau. Họ vẫn là những con người sống có tình cảm cá nhân sâu sắc, tình yêu với đất nước, gia đình. Họ có tin tưởng phục tùng nhưng cũng có sự hoài nghi, phản kháng nhất định với diễn ngôn và mệnh lệnh trong cuộc chiến của chính quyền, quân đội. Hình tượng người lính trong tiểu thuyết được khắc họa đậm chất người. Và cũng chính những sắc thái tình cảm nhân bản ấy khiến họ phải chịu đựng mâu thuẫn nội tâm gay gắt, nỗi khổ sở tinh thần ám ảnh kéo dài vì chúng đối lập hoàn toàn với quan điểm chiến đấu cực đoan được chủ nghĩa quân phiệt xây dựng và có sức ảnh hưởng thời điểm đó.
Không chiến Zero rực lửa đóng vai trò như cầu nối giữa thế hệ trẻ - những người sinh ra trong hòa bình với thế hệ đi trước - những người đã đi qua chiến tranh để thấy rõ sự khốc liệt và tàn bạo, tổn thương không dễ xóa nhòa mà chiến tranh gây ra cho nhân loại. Từ đó, câu chuyện thể hiện tinh thần phản chiến cùng khát vọng gìn giữ, trân trọng giá trị sinh mệnh, cuộc sống hòa bình đang có. Điều này được truyền tải trong thông điệp nhà văn Hyakuta Naoki gửi đến cho người đọc tác phẩm: “Tôi muốn mọi người phải cảm nhận được sự đáng quý của việc đang được sống trong hiện tại. Hơn nữa, tôi sẽ rất hạnh phúc nếu nhân đây tạo ra cơ hội để mọi người suy ngẫm xem ‘người ta sống vì cái gì, sống vì ai’”.
Tác phẩm Ngàn hạc giấy của Sadako của Sasaki Masahiro là bản tự thuật của tác giả về câu chuyện có thật của người em gái và gia đình mình. Tác giả Sasaki Masahiro và em gái Sasaki Sadako là những đứa trẻ sống trong thời chiến, là chứng nhân và nạn nhân của sự kiện thảm họa bom nguyên tử trong lịch sử Nhật Bản. Trước khi tác phẩm ra đời, hành trình chống chọi với căn bệnh ung thư máu của cô bé Sadako - di họa từ bom nguyên tử - đã được biết đến rộng rãi cả trong và ngoài nước Nhật, câu chuyện của Sadako được xem như một biểu tượng cho khát vọng hòa bình. Thời điểm tác phẩm xuất bản là năm 2013, gần 70 năm sau khi Thế chiến thứ hai kết thúc và bản thân ông trước đó đã dành nhiều năm để đi nhiều nơi tại Nhật Bản và lan tỏa thông điệp về hòa bình, tình yêu thương thông qua câu chuyện của người em gái nhỏ bé nhưng đầy nghị lực của ông.
Tác giả không hề lãng quên vết thương lòng do chiến tranh tạo ra, minh chứng là ông vẫn kể lại chân thực, sống động khoảnh khắc định mệnh khi quả bom nguyên tử rơi xuống thành phố Hiroshima và sức hủy hoại của nó đối với con người nơi đây, để lại những nỗi đau phải mang theo suốt cuộc đời. Ông vẫn kể lại hành trình chiến đấu với bệnh tật của em gái với nỗi dằn vặt khổ sở của ông và cha mẹ khi phải chứng kiến hành trình đau đớn ấy, tuy nhiên, chính nghị lực và tình yêu thương của Sadako đã giúp ông có thể buông bỏ nỗi hận sâu trong lòng, như một phương thức chữa lành. Điều này dường như đã thúc đẩy Masahiro viết nên tác phẩm không chỉ giãi bày chấn thương do chiến tranh mang lại, mà hơn cả là lời nhắc nhở về tình cảm giữa con người với con người, sự thấu hiểu và đồng cảm mới giúp con người có thể gắn kết cộng đồng chứ không phải nhờ chiến tranh, xung đột. Câu chuyện thể hiện khát vọng về một thế giới hòa bình, nơi những đứa trẻ như Sadako có thể được trưởng thành trong an yên khỏe mạnh, trong vòng tay yêu thương của gia đình và sống với ước mơ của riêng mình.
Chi Anh
Nguồn Văn nghệ số 12/2024