Diễn đàn lý luận

VĂN CAO: Thơ là nơi trò chuyện với chính mình…

Lý luận phê bình
08:46 | 15/02/2024
Các giới sáng tác văn nghệ và nghiên cứu phê bình văn nghệ đều có chung nhận định: Văn Cao là một nghệ sĩ đa tài. Nói chính xác hơn, Văn Cao đã tham dự và thành công ở ba lĩnh vực nghệ thuật. Một là âm nhạc, cụ thể là những ca khúc, trong đó có những kiệt tác. Hai là nghệ thuật tạo hình, cụ thể là những bức tranh màu và vô số những minh họa sách báo. Ba là văn học, cụ thể là thơ. Ông có viết truyện, kịch và đã đăng báo, nhưng các sáng tác này chưa được sưu tập tái công bố
aa

Các giới sáng tác văn nghệ và nghiên cứu phê bình văn nghệ đều có chung nhận định: Văn Cao là một nghệ sĩ đa tài.

Nói chính xác hơn, Văn Cao đã tham dự và thành công ở ba lĩnh vực nghệ thuật. Một là âm nhạc, cụ thể là những ca khúc, trong đó có những kiệt tác. Hai là nghệ thuật tạo hình, cụ thể là những bức tranh màu và vô số những minh họa sách báo. Ba là văn học, cụ thể là thơ. Ông có viết truyện, kịch và đã đăng báo, nhưng các sáng tác này chưa được sưu tập tái công bố.

Thực ra số lượng tác phẩm thơ của Văn Cao không nhiều. Ở đâu đấy đã thống kê, tổng cộng Văn Cao có chừng trên 60 bài thơ. Ca khúc của Văn Cao cũng không nhiều, nhưng số tác phẩm sống mãi với thời gian của Văn Cao lại rất đáng kể. Đọc các bài thơ Văn Cao và nghe các ca khúc của ông, ta sẽ cảm thấy thơ và ca khúc ở ông rất gần nhau. Chép lời hát các ca khúc của Văn Cao lên giấy, ta sẽ thấy đó là những bài thơ. Đọc những bài thơ Văn Cao chưa phổ nhạc, ta sẽ có cảm tưởng đó cũng có thể là lời của những ca khúc tiềm năng.

Nhà thơ, nhạc sỹ Văn Cao (1923-1995) Ảnh Lê Quang Châu

Văn Cao và thơ không vần

Ở phương diện thuần túy của thơ, có thể thấy thơ Văn Cao thuộc loại hình thơ tự do, không vần.

Xin nhớ lại, khi xuất hiện phong trào thơ mới tiếng Việt, 1932-1945, người đề xuất “một lối thơ mới” là Phan Khôi (1887-1959) đã nêu hướng đi mới của thơ tiếng Việt là thứ thơ tự do, không quy định số từ, số dòng trong mỗi bài thơ, nhưng có yêu cầu về hiệp vần… Trước thơ Mới, thơ tiếng Việt từng có các thể câu thơ ngũ ngôn (5 từ/chữ), lục ngôn (6 từ/chữ), thất ngôn (7 từ/chữ). Các tác giả thơ mới đã thêm vào đó thể “bát ngôn” (8 từ/chữ), nhưng vẫn giữ quy tắc về vần, với những cách thức hiệp vần rất linh hoạt.

Đầu kháng chiến chống Pháp tại vùng chiến khu Việt Bắc, Nguyễn Đình Thi công bố những sáng tác thơ trong đó đều là những bài thơ tự do không có vần. Chính sự kiện “thơ không vần” của Nguyễn Đình Thi đã khiến nó trở thành đề tài thảo luận tại Hội nghị tranh luận văn nghệ Việt Bắc 1949. Số đông ý kiến phản đối thơ không vần của Nguyễn Đình Thi. Song vẫn có một số ít đồng tình, trong số đó có Văn Cao, Nguyên Hồng, Nguyễn Huy Tưởng (theo biên bản hội nghị). Văn Cao công khai phát biểu tại hội nghị ấy: “Vấn đề là: chính thi sĩ không đạt đạt được hay chính thể thơ không vần không được dùng”?1

Khi Văn Cao mới làm thơ, những bài viết hồi 1939-1942, ông chưa có thơ không vần. Cho đến những bài dài, ở dạng thơ tự sự như Chiếc xe xác đi qua phường Dạ Lạc (1945), Ngoại ô mùa đông 1946 (1948), Bến Ngự trên thương cảng (1955), Những người trên cửa biển (1956), tác giả vẫn sử dụng thơ tự do có vần. Thế nhưng ở những bài ngắn, chỉ gồm vài ba, hay năm bảy dòng thơ, Văn Cao thường sử dụng thơ không vần.

Ví dụ. Khi cần tuyên ngôn:

Giữa sự sống và sự chết

Tôi chọn sự sống

Để bảo vệ sự sống

Tôi chọn sự chết

(Chọn, 1957)

Hay khi bỗng nảy sinh một nhận xét khác lạ:

Tôi đã gặp lại anh

Im lìm như một bức tranh

Người anh dẹt như một con dao

Gây nhiều vết thương cho bạn hữu

Anh mang trong tôi nhiều bộ mặt

Đâu là cái cuối cùng

Chỉ còn hai con mắt

Trắng dã không thể dối lừa

(Về một người bạn, 1960)

Nhưng thơ Văn Cao đương thời kháng chiến ít đăng báo, nên chưa thành đối tượng bàn luận tranh cãi. Chỉ sau này, khi thơ Văn Cao được in thành sách (tập LÁ, Nxb. Tác phẩm mới, 1988), người ta mới nhận rõ. Như vậy, dù Văn Cao để lại không nhiều tác phẩm thơ, ông vẫn có đóng góp đáng kể vào tiến trình thơ tiếng Việt, nhất là đẩy tới sự phát triển của thơ tự do không vần.

Bút pháp Văn Cao

Văn Cao sinh ra và lớn lên tại Hải Phòng vào những năm 1920-1940; đây là một trong hai đô thị lớn ở miền Bắc đương thời, một trong hai trung tâm văn hóa lớn trên đất Bắc đón nhận những luồng văn hóa từ bên ngoài. Những hoạt động nghệ thuật mà Văn Cao được tiếp nhận, cảm thụ, phần đáng kể hẳn là nghệ thuật Âu Tây, từ di sản cổ điển (classicisme) qua lãng mạn (romantisme) rồi hiện thực (realisme) đến đương thời ông, chính là những hiện tượng văn nghệ “hiện đại” (modernisme) dù khá đông người ở thế hệ ông chưa hẳn đã biết đích xác tên gọi của nó…

Văn Cao biết tới văn chương nghệ thuật Pháp qua nhà trường, hẳn là không nhiều, vì ông thôi học khá sớm. Nhưng ông tham dự khá thường xuyên hoạt động của các nhóm nghệ sĩ trẻ, tại Hải Phòng và tại Hà Nội, vừa thưởng thức vừa học hỏi các nghệ thuật, vừa bắt tay sáng tác những tác phẩm của mình, rồi công bố ra công chúng. Có thể dự đoán, ảnh hưởng nhiều tới Văn Cao là những nguồn văn chương, âm nhạc, hội họa đương thời Tây phương hơn là những nguồn đã thành quá khứ. Sáng tác của ông cũng như của nhiều nhà thơ nhà văn Việt Nam đương thời in dấu tinh thần của chủ nghĩa hiện đại hơn là tinh thần văn nghệ lãng mạn hay cổ điển.

Thử dừng lại ở một tác phẩm thơ như Chiếc xe xác đi qua phường Dạ Lạc của Văn Cao, đăng bán nguyệt san Tiên phong của Hội văn hóa cứu quốc Việt Nam số 9 (16/4/1946) mà tòa soạn ghi chú rõ: bài này được viết ngay sau ngày Nhật đảo chính Pháp (9/3/1945). Đây cũng là thời điểm cao trào của nạn đói 1945 ở miền Bắc. Bài thơ của Văn Cao mô tả chiếc xe thu nhặt xác người chết đói trong thành phố đi ra ngoại ô, đi qua dãy phố cô đầu (Thời gian ấy các tiệm hát cô đầu không chỉ có ở Khâm Thiên mà còn ở nhiều phố khác ở nội ngoại thành phố Hà Nội). Chiếc xe chở xác chết, nó biểu trưng sự chết. Nhưng được miêu tả nhiều hơn lại là những gì hai bên phố mà chiếc xe xác đi qua. Nơi những “nhà hát” gồm những ca nhi, những kép đàn, một bên, và một bên là những “quan viên”, những người đàn ông đến nghe hát, mua vui…Cái thế giới của cả chủ lẫn khách làng chơi ấy được vẽ bằng những nét ghê rợn:

Đôi giẫy hồng lâu cửa mở phấn sa

Rũ rượi tóc những hình hài địa ngục

….

Áo thế hoa rũ rượi lượn đêm trường

Từng mỹ thể rạc hơi đèn phù thế

….

Bước gần ta chút nữa thêm gần

Khoảng giữa tuổi xương nghe

loạn trùng hút tủy

Ai hủy đời trai trên tang trống nhỉ?

Hay ác thần gõ quách nạo mồ khuya?

Đảo điên, mê say, thể phách chia lìa

Nghe reo mạnh, chuỗi tiền cười lạnh lẽo!

Tiền rơi! Tiền rơi! Chùm sao huyền diệu

Lấp lánh hằng hà gạo rơi tiền rơi!

Ta lả nhìn cửa sổ mắt mờ rồi

Vàng mấy lá thừa đãi thây phủ chiếu.

Chiếc xe xác và dãy phố “phường dạ lạc”, cả hai đều là thế giới chết. Trong xe xác chỉ đơn giản là gồm những xác người đã chết đói. Các ngôi nhà bên phố lại là một thế giới đang chết, dù vẫn còn đang sống, đang miệt mài trong trụy lạc.

Từ đây, nhà thơ nêu ra nhận định bao quát về “nhân loại Việt” đương thời:

Kiếp người tang tóc

Loạn lạc đòi nơi xương chất lên xương

Một nửa kêu than, ma đói sa trường

Còn một nửa lang thang tìm khoái lạc

Có lối thoát nào cho cái thế giới này không?

Dường như không, nhưng cũng dường như có!

Chiếc quỷ xa qua bốn ngả ê chề

Chở vạn kiếp đi hoang ra khỏi vực

Bài thơ kết bằng cảnh tiếng xe xa dần khi “tiếng gà đầu ô kêu”, có lẽ là tiếng gà gáy sáng!

Chiếc xe xác và phường dạ lạc được Văn Cao miêu tả như một thế giới đang chết, nhưng sự sống vẫn không mất hết, vẫn sẽ tái sinh, vẫn có tiếng gà báo sáng sau khi xe xác đi khuất!

Một ví dụ tiếp theo là bài thơ Ngoại ô mùa đông 1946, đăng lần đầu trên tạp chí Văn nghệ của Hội Văn nghệ Việt Nam (Việt Bắc, s. 2, tháng 4/1948). Đây là bài thơ viết về cuộc chiến đấu của quân dân Hà Nội thời gian đầu kháng chiến, “súng gươm giữ từng đường phố”, nhưng rồi thành phố lại rơi vào tay quân địch. Trong không gian Hà Nội được chọn ở bài thơ này vẫn có “phường dạ lạc”, được nói rõ là Khâm Thiên, Ô Chợ Dừa, khu Văn Miếu, v.v… : “Xưa đây lối xóm cầm ca/ Biêng biếc đèn xanh ngõ khói/ Vạn cổ thôn hào hoa/ Thương nữ kinh kỳ tụ hội/ Đàn đáy lạc âm ba/ Bốn mùa nghiêng mặt hát…”; Một Hà Nội cũ được hình dung gần thực tế đô thị thuộc địa hơn trước: “Những ngã tư đời đau khổ bê tha/ Nơi lầy lụa rác kinh thành chất đống/ Nơi sa dục hôi tanh vùi cửa cống/ Chảy lớp người nghèo khổ lẫn lưu manh / Gái đĩ bồi tiêm cặn bã đô thành…”

Điều đáng kể nhất lúc này là hành động kháng chiến: “Của một phường Hà Nội cổ/ Vàng son che đậy hương thừa/ Bao người bệnh tật thời xưa/ Từng sống rạc rài viễn phố/ Bao người ấy bây giờ/ Súng gươm giữ từng đường phố/ Ngã Tư, Chợ Dừa, Khâm Thiên phá đổ/ Tay thợ thuyền níu giữ xóm thân yêu…”

Đây là cảnh quan một Hà Nội đang bị chiến tranh tàn phá. Đáng chú ý là con mắt nhà thơ lại xoáy vào những tranh tượng, sách vở, văn hóa đang lưu giữ tại đô thị này giờ đây bị đổ nát cùng mọi vật, cũng hy sinh cùng con người Hà Nội kháng chiến: “Đây một tượng Đức Bà/ Đã gẫy lăn từng mảnh/ Đây tử thi bậc thánh/ Đã tan tành sau cuộc đấu tranh qua/ Nirvana mờ dạt bóng Thích Ca/ Mắt truyền giáo trên Hằng Hà cùng tắt/ Chữ Phạn, La tinh nhường màu tô diệt Pháp/ Gió lạnh khi qua viện tàng thư/ Cháy cong queo bìa giữ chút di từ/ Kierkegaard, Heiddeger và Nietzsche/ Sách Lão Trang và mùi thiền kinh Phật…”

Bài thơ Ngoại ô mùa đông 1946 sử dụng rất nhiều chi tiết thực như vừa thấy. Nhưng đó có phải một tác phẩm hiện thực chủ nghĩa không?

Văn Cao miêu tả một cảnh quan thành phố tan hoang trong cuộc chiến, không quên nơi đây xưa kia là gì: “Xưa đây lối xóm cầm ca/ Bốn mùa ngả nghiêng trụy lạc/ Khăn lụa che ngang mày Thét Nhạc/ Gót chân xanh khép giọng Tỳ Bà…”

Những thợ thuyền hay ca nương, kép đàn xưa, nay đều đang cầm vũ khí chống giặc. Cặp mắt nhà thơ dừng lại ở vài hình dáng con người cụ thể: “Em, gái Ngã Tư Sở/ Anh, người thợ Nam Đồng/ (Đêm xênh ca khổ sở/ Đập tan đàn khi nhạc mới mênh mông)/ Xác anh vùi lửa đạn/ Xác em vùi bên anh/ Khói súng mờ bay nhạt cả xóm xanh/ Lửa bừng lên cháy rực phía đô thành…”.

Vậy là những kép đàn, ca nương xưa, lúc này đã là chiến sĩ, chiến đấu hy sinh giữ từng tấc đất thủ đô trước quân xâm lược.

Đoạn kết bài thơ vẫn không rời xa cảnh đổ nát chiến tranh: “Xưa đây lối xóm cầm ca/ Bốn mùa ngả nghiêng sa đọa/ Phường cũ tan tành vùi xóm lá/ Mùa xuân về giữa chiến hào xa…”

Vẫn trong cảnh hiện tại đổ nát chết chóc, song giữa chúng có cả thứ Bốn mùa ngả nghiêng sa đọa, mất nó nhà thơ không buồn. Còn dấu hiệu mùa xuân về thì đang ở những chiến hào trên những chiến trường xa. Bên cạnh cái đổ nát chết chóc hiện tại chỉ thấy điểm thêm một nét xuân nơi xa. Nét chủ đạo ở bài thơ Ngoại ô mùa đông 1946 không phải là chủ nghĩa hiện thực, nó vẫn nghiêng nhiều về các lối biểu trưng, biểu cảm, siêu hiện thực…

*

Văn Cao từng nêu quan niệm theo đó, nhà thơ phải “chủ động thành lập nên thẩm mỹ mới cho người đọc”, ông cũng cho rằng thơ nên chuyển từ thời kỳ chú trọng cảm xúc cảm giác sang thời kỳ chú trọng tư tưởng. Các bài thơ ngắn của ông từ những năm 1960 thường tạo hiệu năng tư tưởng từ những sức căng nén của các so sánh, các liên tưởng, các tượng trưng, chứ không sử dụng các thủ pháp của chủ nghĩa hiện thực…

Vậy Văn Cao có viết thơ theo phong cách hiện thực không? Câu trả lời tất nhiên là có. Tiêu biểu về mặt này là trường ca Những người trên cửa biển, tác phẩm thơ dài nhất so với những tác phẩm thuộc loại dài của ông. Trên dưới 300 dòng thơ của trường ca này là những hình ảnh, những ấn tượng, những suy nghĩ về người và đất Hải Phòng, một nơi chốn mà hầu như các cư dân ban đầu đều là kẻ ngụ cư:

“… Đầu ngọn con sông những lá thuyền trút xuống/ Đoàn lũ tàu đang hồng hộc chạy về đây/ Đổ đầy Hải Phòng tiền rừng bạc biển/ Ngập đường ngập phố/ Ngập kè đá đường goòng/ Hàng vạn người không ruộng cày ra biển/ Từng tấn giấy thống kê không hết vật hết người/ Chúng tôi đếm bằng vai bằng mắt bao năm…”

Chính cảng biển, những con tàu, những kho hàng, những cầu tàu làm nên thành phố, với những dãy nhà phố thợ, những trại lính, những nhà thờ. Những di dân tới đây làm lụng sinh sống, dần dà coi Hải Phòng như quê hương ruột thịt. Và vào thời điểm nhà thơ viết về thành phố cảng thì ông hình dung con người ở đây đang còn khá nhiều nỗi niềm day trở:

Những con người gần ánh sáng chưa quen/ Rúc đầu trở vào bóng tối (…)

Có người tự nhiên tiếc bàn tay đã mất/ Từng đêm nhức đau vết đạn trên mình/

Có người tiếc những mùa xuân qua mất/ Chủ nhật lang thang ngơ ngác giữa kính gương (…)

Bóng tối ngày xưa vẫn còn bảng lảng/ Kẻ thù của chúng ta/ Lặng lẽ tấn công những tâm hồn sa ngã (…)

Nhưng trên hết, thành phố đã về ta! Nhà thơ tin chắc những ngày này là “những ngày báo hiệu mùa xuân”:

Với tôi tất cả / Đều rộng lớn vô cùng / Hải Phòng dựng lên hội họa (…)

Hải Phòng đã dựng lên thơ / Những câu thơ thành sự thật (…)

Tôi yêu Hải Phòng như Việt Nam nhỏ lại

Tôi yêu Việt Nam như tôi biết yêu tôi

Có thể xem Những người trên cửa biển là trường ca hiện thực chủ nghĩa không chỉ vì tác giả hoàn toàn sử dụng các chi tiết thực của đời sống thực, mà còn bởi nhà thơ dù tin vào tương lai phát triển của thành phố cảng, nhưng đã không quên những mặt tối của cuộc sống vẫn còn đó.

Một trường ca khác, Thức tỉnh (viết 1965), theo tôi không thành công. Thế nên, vẫn cần nhận xét rằng, kiểu sử dụng thi liệu, thi cảm hiện thực chủ nghĩa không phải là kiểu được Văn Cao sử dụng nhiều, so với các kiểu biểu tượng, biểu cảm, kể cả lối thể hiện siêu hiện thực.

Cho nên, nhận định về bút pháp chung của Văn Cao trong cả âm nhạc, nghệ thuật tạo hình và văn học, thì xem Văn Cao như nghệ sĩ hiện đại chủ nghĩa là thỏa đáng hơn cả.

*

Văn Cao sáng tác nghệ thuật từ cuối những năm 1930s, cho nên nhạc, họa và thơ Văn Cao đều thuộc chủ nghĩa hiện đại. Cả loạt những bài hát xuất hiện những năm 1939-1942 như Buồn tàn thu, Suối mơ, Thiên thai, Trương Chi, Bến xuân, v.v. đều mang nét trội của một vài trong số các xu hướng hiện đại chủ nghĩa như biểu hiện, tượng trưng, siêu thực. Những bài hát viết sau khi Văn Cao tham gia đoàn thể cách mạng Việt Minh mà người ta đôi khi gọi chung là “hùng ca” như Tiến quân ca, Không quân Việt Nam, Trường ca sông Lô, Tiến về Hà Nội v.v… đều có thể mệnh danh là thuộc xu hướng tiền phong, cũng là một xu hướng nằm trong chủ nghĩa hiện đại. Ngay bài hát cuối cùng của Văn Cao, Mùa xuân đầu tiên (1976), cũng không phải một tác phẩm hiện thực chủ nghĩa mà nên được xem như một dạng của chủ nghĩa biểu hiện hoặc chủ nghĩa tượng trưng…

Tham gia Mặt trận Việt Minh và trở thành người cộng sản, nhiều bài hát của Văn Cao trở thành những tác phẩm nền móng của nền âm nhạc cách mạng Việt Nam, trong số đó, Tiến quân ca đã vinh dự được lựa chọn làm quốc ca của chính thể Việt Nam dân chủ cộng hòa (1945-1976) và Cộng hòa XHCN Việt Nam (từ 1976 đến nay). Đó là một vinh dự rất hiếm hoi, rất xứng đáng và cần được đánh giá rất cao. Tuy không giữ trọng trách gì trong hệ thống quản lý, song với tư cách một nghệ sĩ đảng viên, Văn Cao khi nhận thấy những sai lầm trong chính sách phương hại đến số phận nhiều người dân, đến kinh tế và phong hóa xã hội, ông đã lên tiếng bằng một số sáng tác văn nghệ và chấp nhận những thiệt thòi khi cái nhìn của xã hội còn có những hạn chế. Tuy vậy, từ lương tâm và trách nhiệm của một công dân, một người cộng sản, một nghệ sĩ, ông vẫn thể hiện cái nhìn có trách nhiệm của mình trong một số sáng tác, nhất là thơ trữ tình. Đó là nơi ông trò chuyện với chính mình, đồng thời gửi gắm những tư tưởng phản biện có trách nhiệm trước các vấn đề xã hội. Những phản biện ấy có giá trị, bởi chúng dựa trên những nền tảng đạo lý nhân bản lâu dài của nhân loại chứ không phải dựa vào những lợi ích cục bộ nhất thời…

________

1. “Tranh luận về thơ Nguyễn Đình Thi”, Tạp chí Văn nghệ, [Việt Bắc], s. 17&18 (tháng 11&12/1949). Dẫn theo: Sưu tập VĂN NGHỆ 1948-1954, T. 2: 1949, Hữu Nhuận sưu tầm, Lại Nguyên Ân biên soạn, Nxb. Hội nhà văn, Hà Nội, 1999, tr. 633-649.

Lại Nguyên Ân

Nguồn Văn nghệ số 5+6+7/2024


Thông cáo báo chí số 23, Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội khóa XV

Thông cáo báo chí số 23, Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội khóa XV

Baovannghe.vn - Thứ Sáu, ngày 22/11/2024, Quốc hội tiếp tục ngày làm việc thứ 23 (Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV) tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội.
Quà tặng của chiến tranh - Truyện ngắn của Hoài Hương

Quà tặng của chiến tranh - Truyện ngắn của Hoài Hương

Baovannghe.vn - Chiến dịch thần tốc như một cơn lốc không ngày không đêm, đơn vị vừa đánh vừa hành quân gần như xuyên dọc theo Quốc lộ 13 hướng về Sài Gòn mỗi ngày một gần thêm.
Lĩnh vực báo chí cần có những ưu đãi về thuế

Lĩnh vực báo chí cần có những ưu đãi về thuế

Baovannghe.vn - Quốc hội tiếp tục chương trình làm việc ngày 22/11 với phiên thảo luận tổ về dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) và dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi).
Trôi giữa hương sen nghịch mùa - Truyện ngắn của Đinh Thành Trung

Trôi giữa hương sen nghịch mùa - Truyện ngắn của Đinh Thành Trung

Baovannghe.vn - Mây đen tan. Nắng nhẹ. Hương sen còn sót hòa cùng hương bùn đánh dạt mùi khói xe, đưa nụ cười của hai người đàn ông lấp đầy mi mắt đang nhìn về phía mặt trời.
Nhà thơ Anh Ngọc bình thơ "Thề non nước"

Nhà thơ Anh Ngọc bình thơ "Thề non nước"

Baovannghe.vn - Bài thơ Thề non nước không chỉ là lời tự tình đằm thắm của một tâm hồn thủy chung, tin cậy mà còn cất giấu trong mình một bức tranh thiên nhiên tráng lệ và quyến rũ mê hồn vì một vẻ đẹp như sinh ra bởi con người và cũng chỉ dành để cho con người.