Diễn đàn lý luận

Nửa thế kỉ phê bình văn học Việt Nam (1975-2025)

Trịnh Bá Đĩnh
Lý luận phê bình 08:00 | 23/04/2025
Baovannghe.vn - Nửa thế kỉ qua là một chặng đường dài với những biến đổi sâu sắc của thời đại và văn học. Bài báo này nhìn lại sự tiến triển của phê bình 50 năm qua.
aa

Các phương diện mà chúng tôi sẽ đề cập là bối cảnh xã hội và văn học tác động đến phê bình; những giai đoạn chính; các thành phần chính: nhà phê bình và người đọc, tư tưởng, phương pháp và thể loại phê bình. Từ đó sẽ rút ra một số kết luận, nhận xét về quy luật phát triển phê bình văn học Việt Nam. Thuật ngữ phê bình ở đây được dùng theo nghĩa rộng, bao hàm cả phê bình lí luận văn học.

1. Giai đoạn "Đổi mới": Phê bình hệ tư tưởng

Trong khoảng 15 năm sau 1975 phê bình chiếm vị trí rất nổi bật trong đời sống văn học, nhất là giữa thập kỉ 80, thời điểm “Đổi mới”. Xin nêu một sự kiện tiêu biểu cho thấy ý thức về tầm quan trọng của phê bình lúc này. Đó là việc vào cuối năm 1985 đầu năm 1986, Hội Nhà văn Việt Nam lần đầu tiên đã trao tặng giải thưởng cho các tác phẩm lí luận, phê bình và khảo cứu văn học. Trước đây, loại tặng thưởng như vậy chỉ được trao cho sáng tác. Các thế hệ sau chắc sẽ khó hình dung được, tiếng nói của Hội Nhà văn ở các thập kỉ 60 - 80 trong việc đánh giá một tác phẩm. Nó như tiếng nói của vị trọng tài chính, các tặng thưởng được Hội trao như là dấu kiểm định chất lượng cho tác phẩm văn học. Có năm cuốn sách được nhận giải thưởng, một kỉ lục về số lượng: Văn học Việt Nam trên những chặng đường chống phong kiến xâm lược (công trình tập thể), Nhà văn hiện đại của hai tác giả Phan Cự Đệ, Hà Minh Đức, Nhà văn tư tưởng và phong cách của Nguyễn Đăng Mạnh và Gương mặt còn lại: Nguyễn Thi của Nhị Ca. Phê bình văn học khi ấy nằm ở khu vực nhạy cảm nhất của ý thức xã hội, không chỉ thu hút sự quan tâm của người trong nghề, mà còn được hầu như toàn bộ giới trí thức chú ý và bàn luận. Không khí học thuật đặc biệt sôi nổi, các hội thảo, tọa đàm diễn ra thường xuyên, không chỉ ở trung ương mà cả ở các địa phương trong cả nước. Sự “tăng trưởng nóng” gần đạt đến sự “bùng nổ”. Tập trung nhất là ở báo Văn nghệ thuộc Hội Nhà văn và tạp chí Văn học thuộc Viện Văn học. Đây là hai trung tâm của những cuộc trao đổi về phê bình, tập hợp được hầu hết những nhà hoạt động văn nghệ có uy tín. Có thể nêu lên chủ đề của một số cuộc hội thảo và tọa đàm như: tọa đàm Đổi mới tư duy công tác nghiên cứu, lí luận phê bình văn học (tháng 8/1986 - Viện Văn học); tọa đàm “bàn tròn” (tại báo Văn nghệ tháng 8/1987, rồi tiếp theo, tháng 1/1988) trao đổi về một loạt vấn đề như Văn nghệ và chính trị, Tự do sáng tác, Văn học và hiện thực (tháng 8/1988 - Viện Văn học). Quan hệ giữa phê bình và người đọc rất gắn bó và phổ cập. Trên các tuần san, nguyệt san công bố nhiều ý kiến trao đổi lại của bạn đọc trong nước và đôi khi có cả bạn đọc nước ngoài. Căn nguyên sự bùng nổ của lí luận, phê bình bắt nguồn từ bối cảnh xã hội lúc ấy. Ngoài sự cởi mở của đường lối chính trị, sự đổi mới tự thân, phê bình lúc này còn chịu tác động trực tiếp của hai nhân tố nữa. Đó là phong trào “cải tổ” ở Liên Xô và thực tiễn văn học Việt Nam đang thay đổi. Chúng đặt ra hàng loạt vấn đề mới đòi hỏi sự thảo luận tích cực của các nhà phê bình văn học như việc phản ánh “mặt trái” của thực tế xã hội chủ nghĩa, việc nhìn nhận lại lịch sử, về những lối viết mới như hậu hiện đại, dòng ý thức…

Nửa thế kỉ phê bình văn học Việt Nam (1975-2025)
Văn học Việt Nam (1975-2025)

Tinh thần chung của phê bình là phản tư. Thuật ngữ “phản tư” ở đây để chỉ sự tự phản tỉnh, tự phê phán. Những người phê phán cũng chính là những người đã góp phần tạo nên những giá trị mà giờ đây họ thấy cần phải đánh giá lại. Một số giá trị một thời được đề cao, giờ bị coi là nhất thời, thậm chí là giá trị ảo; một số tác phẩm, trước đây bị gạt ra bên lề, giờ được “chiêu tuyết”. Chẳng hạn như các phong trào văn học Thơ Mới, Tự Lực Văn Đoàn, sáng tác của một số nhà văn nhóm Nhân văn Giai phẩm. Sự thay đổi thái độ mới đối với hai phong trào văn học trước 1945 nói trên thể hiện rõ qua hai sự kiện nổi bật: Hội thảo khoa học về Tự Lực Văn Đoàn (1989) do Khoa Văn Trường Đại học Tổng hợp chủ trì và về Phong trào Thơ Mới (1992) do Viện Văn học tổ chức.

Các mục tiêu chính của phê bình lúc này là chỉ ra cơ chế quản lí văn nghệ không còn phù hợp và cổ vũ các hiện tượng văn học mới. Lại Nguyên Ân nhận diện loại nhà văn “cán bộ”, Vương Trí Nhàn cổ vũ trao “cây bút vàng” cho nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, Hoàng Ngọc Hiến nêu vấn đề “chủ nghĩa hiện thực phải đạo” trong văn học Việt Nam. Các bài viết của Lê Ngọc Trà đề nghị nhận thức lại mối quan hệ văn học và chính trị, cái chủ quan trong nội dung tác phẩm với những nhận định như văn học là “tiếng nói về số phận con người, là câu chuyện về đời người”, “lịch sử văn học là lịch sử của tâm hồn nhân loại”, chứ không phải thực tế xã hội bên ngoài (như đấu tranh giai cấp chẳng hạn - TBĐ). Các cuộc thảo luận của giới lí luận, phê bình xoay quanh các chủ đề văn học và chính trị, văn học và hiện thực, vấn đề con người, chức năng của văn học, phương pháp hiện thực xã hội chủ nghĩa. Chúng thuộc bình diện hệ tư tưởng, hoặc thế giới quan của văn chương. Tác giả của các bài viết hầu hết là những nhà lí luận, phê bình văn học được đào tạo bài bản, có ngoại ngữ, bắt nhịp với các vấn đề lí luận đang được thảo luận trong phong trào “cải tổ” ở Nga như Lê Ngọc Trà, Trần Đình Sử, Hoàng Ngọc Hiến... Sang đầu thập kỉ 90, tình hình chính trị, xã hội đã thay đổi. Sự hưng phấn phê phán các phương diện tư tưởng hệ có phần giảm nhiệt, thể loại báo cáo văn kiện, phê bình báo chí giảm vai trò, thậm chí không còn được xem là phê bình văn học. Đã diễn ra một khúc quanh trong đời sống văn nghệ.

2. Trên ranh giới giữa hai thế kỉ XX-XXI: Phê bình học thuật

Sau giai đoạn “phản tư”, phê bình văn học bước sang một giai đoạn khác, mười năm trước và sau mốc thiên niên kỉ, năm 2000. Phê bình đi vào chiều sâu với những vấn đề chuyên môn hơn như về phương pháp luận khoa học, phương pháp phân tích văn bản nghệ thuật cụ thể. Lí do trước hết là vì phê bình từ đây phát triển trong môi trường văn hóa - xã hội đang biến đổi sâu sắc. Đầu thập kỉ 90, Liên Xô và phe xã hội chủ nghĩa tan rã, tính đối kháng hệ tư tưởng lui xuống hàng thứ yếu, thay vào đó tinh thần quốc gia, yêu cầu phát triển kinh tế, giáo dục và khoa học, tăng cường hội nhập quốc tế thành mối quan tâm chính của xã hội. Quá trình tư nhân hóa diễn ra không chỉ trong kinh tế mà cả trong văn hóa. Các nhà xuất bản tư nhân tái xuất hiện sau hơn ba mươi năm trên miền Bắc. Giáo dục phát triển, nhiều trường đại học mới ra đời, trong đó có những trường bán công. Cùng với đó là sự xuất hiện của nhiều tạp chí khoa học chuyên ngành. Trong văn học, thể loại truyện ngắn không còn chiếm vị trí như thời Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Huy Thiệp, thay vào đó là những tiểu thuyết với sự bao quát lớn đời sống xã hội. Xu hướng viết về các đề tài văn hóa và lịch sử dân tộc nổi lên. Đặc biệt là sự bùng nổ của tiểu thuyết lịch sử với những bộ lớn như Hồ Quý Ly của Nguyễn Xuân Khánh, Bão táp triều Trần của Hoàng Quốc Hải... Tiểu thuyết không chỉ hướng về lịch sử xa xưa mà cả lịch sử chưa xa như thời kì “cải cách ruộng đất”. Nói chung, văn chương hướng vào chiều sâu hiện thực, muốn khám phá quy luật cơ bản và đưa ra “các bài học lớn”. Văn nghệ miền Nam giai đoạn 1954-1975, cũng tái xuất, trước hết là lĩnh vực biểu diễn âm nhạc, nổi bật nhất là nhạc Trịnh Công Sơn. Các công trình phê bình cũ cũng được in lại, đọc lại, như của Nguyễn Văn Trung, Thanh Lãng, Đặng Tiến. Những lối viết hiện đại như huyền thoại, dòng ý thức, tiểu thuyết mới cũng được vận dụng vào nghệ thuật tiểu thuyết.

Trong lí luận, phê bình, việc giới thiệu lí thuyết văn học nước ngoài có những biến chuyển, các lí thuyết ngoài Mác-xít được phổ biến. Đầu thập kỉ 90 xuất hiện bản dịch tiếng Việt hai công trình quan trọng của nhà triết học và lí luận văn học M. Bakhtin: Lí luận về thi pháp tiểu thuyết (1992) và Những vấn đề thi pháp Đôxtôiepxki (1993). Đây là những tín hiệu mới thực sự, thậm chí có thể coi là sự kiện có tính chất vạch giai đoạn, bởi vì như ta biết, những công trình này đều được M. Bakhtin viết không hoàn toàn theo tinh thần Mác-xít, do vậy ở Liên Xô chúng chỉ được in lại ở thời kì “tan băng” gắn với hoạt động của N.Khrutsev mà giới văn nghệ ở ta xem là “xét lại”. Chỉ với sự đổi mới, những công trình khoa học này mới được dịch ra tiếng Việt, hơn nữa lại được các dịch giả, những nhà ngữ văn uy tín, khi viết giới thiệu rất tôn vinh. Số phận khác thường của tác giả, tư tưởng khoa học mới mẻ trong các công trình, cả những lời tôn vinh của người giới thiệu đã tác động mạnh đến giới lí luận văn học lúc này đang mong muốn đổi mới học thuật. Phê bình thời kì này về cơ bản có thể gọi là phê bình học thuật. Các vấn đề chuyên môn học thuật được coi trọng hơn cả, các nhà phê bình hầu hết là những học giả có trình độ ngữ văn cao, các chuyên khảo xuất bản ngày càng nhiều, các bài viết được công bố trên các tạp chí chuyên ngành; bạn đọc đa phần là những người hoạt động ngữ văn, những nhà phê bình chuyên nghiệp. Nhiều trường phái học thuật được giới thiệu và vận dụng tiếp cận thực tế văn học Việt Nam. Có thể kể những xu hướng chính:

- Xu hướng thi pháp học: Từ thập kỉ 80 đã có một số cuốn sách phê bình của ta đi theo hướng thi pháp học như Tìm hiểu phong cách của Nguyễn Du trong Truyện Kiều của Phan Ngọc hay Thi pháp thơ Tố Hữu của Trần Đình Sử. Sang thập kỉ 90, thi pháp học tiếp tục được triển khai, phát huy ảnh hưởng của mình, thành một phong trào trong khu vực học viện và các trường đại học.

- Xu hướng ngôn ngữ - kí hiệu học: bao gồm nhiều trường phái như cấu trúc luận, kí hiệu học, tự sự học. Điểm chung của chúng là vận dụng các mô hình ngôn ngữ học (từ F. de Saussure về sau) để phê bình văn học. Các công trình của những nhà cấu trúc luận, kí hiệu học thế giới được giới thiệu khá nhiều ở nước ta như R. Jakobson, R. Barthes, Iu. Lotman... Những người tích cực giới thiệu và vận dụng lối phê bình này là Hoàng Trinh, Đỗ Đức Hiểu, La Khắc Hòa, Trịnh Bá Đĩnh... Sự phát triển đi dần từ nghiên cứu các mô hình ngôn ngữ cơ sở (lời nói tự nhiên) đến “các mô hình nghĩa lớn” (văn hóa, nghệ thuật).

- Xu hướng phê bình sự đọc: Từ thập kỉ 80 đã có nhiều bài báo giới thiệu lí thuyết tiếp nhận của Nguyễn Lai, Nguyễn Thanh Hùng, Huỳnh Vân. Các tác giả này đã có thời gian học tập và nghiên cứu tại Đức, nơi lí thuyết tiếp nhận rất phát triển. Người nghiên cứu chuyên sâu và có hệ thống hơn cả là Trương Đăng Dung với các công trình Từ văn bản đến tác phẩm, Tác phẩm văn học như là quá trình. Lí thuyết tiếp nhận văn học cũng đã được giảng dạy trong nhà trường, trước hết là ở bậc đại học, như trong một số cuốn giáo trình lí luận văn học của Huỳnh Như Phương.

- Xu hướng tâm lí học: Việc giới thiệu các lí thuyết tâm lí học của Vygotski, S. Freud, C. Jung thu hút được sự chú ý. Phê bình phân tâm học của G. Bachelard cũng được giới thiệu. Người có những thành công nhất định trong việc vận dụng tâm lí học vào phê bình văn học Việt Nam là Đỗ Lai Thúy. Nhà phê bình viết về hoài niệm phồn thực của thơ Hồ Xuân Hương, về những ẩn ức trong thơ Hoàng Cầm đưa lại một số nhận thức mới mẻ về văn học.

- Các lí thuyết hậu hiện đại cũng bắt đầu du nhập vào Việt Nam. Đã xuất hiện bản dịch những công trình lí luận về hậu hiện đại của các nhà lí luận phương Tây. Trong văn học và các nghệ thuật khác như hội họa, sân khấu, vũ đạo, luôn thấy vang lên thuật ngữ “hậu hiện đại” ở các nhà phê bình. Người ta “nhận thấy” các yếu tố hậu hiện đại từ sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài cho đến đến các tác giả đương thời như Tạ Duy Anh, Nguyễn Bình Phương, Hồ Anh Thái...

3. Thời đương đại: Phê bình văn hóa

Khoảng 15 năm trở lại đây tình hình phê bình văn học có thay đổi căn bản trong môi trường xã hội và văn học có thay đổi mạnh. Quá trình quốc tế hóa và thị trường hóa các hoạt động văn hóa, văn nghệ diễn ra rất tích cực. Tính thống nhất của văn học nói chung và phê bình văn học suy giảm, tính phân nhóm tăng lên, cá tính phê bình có xu hướng bị triệt tiêu. Lực lượng phê bình có tính phân nhóm cao. Nhiều nhà phê bình văn học đã tham gia một hoặc một số “nhóm phái” nào đó, có xu hướng ủng hộ chỉ những nhà văn trong “vòng tròn” của họ, xa lánh, đôi khi chế giễu, công khai hoặc ẩn ý các đại diện của những “nhóm” khác. Do sự hòa nhập quốc tế, ảnh hưởng của các tư tưởng gọi là “hậu hiện đại” đã tạo ra những khó khăn đáng kể cho hoạt động phê bình. Các phương pháp và nguyên tắc phê bình trước đây tỏ ra bất lực trước văn xuôi mới, mang tính thử nghiệm đầy màu sắc. Thẩm mĩ hậu hiện đại đã chiếm lĩnh phần đáng kể không gian văn học, đã tước đi ở các nhà phê bình tiêu chí đánh giá thông thường, phương pháp và thậm chí cả thuật ngữ thông thường, quen thuộc. Đặc biệt là sự phát triển bùng nổ của truyền thông đại chúng. Phương tiện truyền thông đại chúng nhanh chóng gạt văn học và phê bình văn học khỏi vị trí trung tâm chú ý, chuyển sự quan tâm của độc giả từ tác phẩm văn học và tác phẩm phê bình sang lĩnh vực sự kiện và tin tức thời sự văn học, cả những tin đồn, câu chuyện giật gân về cuộc đời nhà văn hơn là sự phân tích văn bản. Văn học bắt đầu mất một số ý nghĩa trước đây của nó, chẳng hạn ý nghĩa giáo dục hệ tư tưởng chính trị, đồng thời một số chức năng khác lại nổi bật hơn như giải trí, gây chú ý có tính quảng cáo. Hoạt động xuất bản tư nhân phát triển kéo theo yêu cầu quảng cáo, từ đó phê bình giới thiệu sách với đủ hình thức phát triển, xu hướng ca tụng trong phê bình tăng lên.

Một địa điểm mới rất quan trọng là vai trò của internet. Không chỉ các nhà phê bình chuyên nghiệp, mà bất kì ai cũng có thể bày tỏ ý kiến ​​của mình về những gì họ đã đọc và rất nhanh chóng. Nhờ có internet, hoạt động phê bình của độc giả được phục hồi dù chất lượng của hoạt động này không thể gọi là cao.

Dù bị thu hẹp nhiều, song hoạt động chuyên môn về ngữ văn vẫn tồn tại, ở các đại học và viện nghiên cứu. Cũng có một số ít trong giới phê bình văn học không tham gia bất kì “nhóm” nào về nguyên tắc, chỉ đăng bài viết của mình trên các tạp chí có uy tín, cố gắng đưa ra đánh giá khách quan về các hiện tượng văn học. Cùng với điều đó việc phê bình chuyên nghiệp có sự thay đổi về cách tiếp cận tác phẩm văn học, với xu hướng chính là phê bình văn hóa. Điều này thấy cả trong giáo dục lẫn nghiên cứu, phê bình. Chẳng hạn giờ đây trong các khoa văn học ở bậc đại học, ra đời các bộ môn nghệ thuật học. Trong nghiên cứu văn học thấy xuất hiện các xu hướng tiếp cận văn học từ diễn ngôn quyền lực, nữ quyền luận, phê bình sinh thái. Các lí thuyết văn học đã có từ thế kỉ trước cũng mở rộng phạm vi đối tượng nghiên cứu đến biên giới của văn hóa: Từ kí hiệu học ngữ văn đến kí hiệu học văn hóa; từ liên văn bản đến liên văn hóa; từ tự sự học cổ điển đến tân tự sự học. Trong thực tiễn sáng tác, các ranh giới thể loại cũng mờ nhòe: các văn bản hư cấu với các văn bản báo chí, lịch sử, tức là các ghi chép sự thật, đồng bộ liên kết với nhau trong một tác phẩm. Cách nhìn văn học như hiện tượng văn hóa là coi tác phẩm văn học như một hệ thống giá trị quan văn hóa khá phổ biến. Theo đó, trên cơ sở giá trị quan văn hóa và chất liệu ngôn ngữ của thời đại mình, nhà văn sáng tạo ra văn bản nghệ thuật. Văn bản tồn tại ở trạng thái “đông lạnh”, chỉ khi được đọc nó mới “rã đông”, trở nên sống động, thành thế giới nghệ thuật. Nhà văn sáng tạo văn bản nghệ thuật trước hết là để trò chuyện, đối thoại với con người thời đại mình, sau đó với các thời đại. Chính trong chiều kích này, văn bản thành tác phẩm, thành sự giao tiếp văn hóa, văn hóa của nhà văn và của độc giả. Nói chung ngữ cảnh văn hóa trong đó tác phẩm ra đời và được diễn giải được chú trọng. Về chủ đề này, tôi nghĩ rằng có những tác phẩm hầu như chỉ cho thấy một giá trị quan văn hóa. Loại thơ vịnh trong Tao Đàn Hồng Đức thế kỉ XV, chẳng hạn, là như vậy. Tuy nhiên những tác phẩm lớn bao giờ cũng là sự tổng hợp vô số các giá trị quan văn hóa. Như ở Truyện Kiều có giá trị quan văn hóa Nho, Phật, Lão, văn hóa dân gian và bác học, văn hóa Trung Quốc và Việt Nam. Một tác phẩm văn học tồn tại đồng thời trên không gian của nhiều giá trị quan văn hóa, sống đồng thời trên hai thời gian, thời gian nhỏ (hiện nay) và thời gian lớn (lịch đại, thường hằng). Tác phẩm văn học giống như một lăng kính thu thập, tập trung thông tin văn hóa được tích lũy trong nhiều thế kỉ. Bất kì nhà văn lớn nào đều đứng trên vai những người khổng lồ sống trước mình. Nhà văn sáng tác là tiến hành cuộc đối thoại với những vấn đề nóng bỏng của thời cuộc, cả đối thoại với nội tâm với chính mình ở thời điểm tác phẩm sinh ra. Sau đó, nó có thể kết nối thời gian với những thời đại khác, mang tính phổ quát, tham gia vào cuộc đối thoại liên tục giữa các thời đại.

Năm mươi năm qua, phê bình văn học đã biến đổi rất nhiều. Từ một nền phê bình thống nhất dưới sự chi phối của các hội đoàn bán Nhà nước, đến một nền phê bình khá phân tán với nhiều nhóm, phái. Phê bình ‘nhỏ” thay thế phê bình “lớn”: các văn bản phê bình ngày càng ngắn; từ mô tả hệ thống hệ tư tưởng, học thuật của các nhà ngữ văn chuyên nghiệp, chuyển sang lối nhận xét tổng hợp, phê bình văn hóa, kể “những câu chuyện phê bình” hiện nay. Phê bình học thuật, hay gọi là “phê bình tạp chí” bị đẩy ra vùng ngoại vi của đời sống văn học, nhường chỗ cho phê bình đại chúng trên internet. Phê bình ngày càng bị chi phối nhiều hơn bởi kinh tế thị trường, cách mạng công nghệ, quốc tế hóa và đa dạng văn hóa, học thuật.

Hội Nhà văn Nga công bố những cuốn sách phổ biến nhất về Thế chiến II

Hội Nhà văn Nga công bố những cuốn sách phổ biến nhất về Thế chiến II

Ngày 9 tháng 5 năm 2025 đánh dấu kỷ niệm 80 năm chiến thắng trong Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại – cuộc chiến không chỉ thay đổi vận mệnh nước Nga mà còn khắc sâu trong tâm khảm của từng thế hệ người dân Xô viết và hậu Xô viết. Nhân dịp trọng đại này, Hội Nhà văn Nga đã công bố danh sách những tác phẩm văn học về Thế chiến II được độc giả yêu thích và đọc nhiều nhất – một bản đồ ký ức tập thể được định hình qua những trang văn.
Phát động Tháng Nhân đạo cấp quốc gia năm 2025

Phát động Tháng Nhân đạo cấp quốc gia năm 2025

Baovannghe.vn - Sáng 8/5, tại TP Hồ Chí Minh, Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt đã phát động Tháng Nhân đạo cấp quốc gia năm 2025.
“Tư liệu Hán Nôm: sưu tầm, bảo quản, nghiên cứu và khai thác” những vấn đề đặt ra

“Tư liệu Hán Nôm: sưu tầm, bảo quản, nghiên cứu và khai thác” những vấn đề đặt ra

Baovannghe.vn - Ngày 7/5, Viện Thông tin Khoa học xã hội (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) đã tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế “Tư liệu Hán Nôm: sưu tầm, bảo quản, nghiên cứu và khai thác”. Hội thảo có sự tham gia của nhiều học giả, các nhà nghiên cứu đến từ các viện nghiên cứu trong nước và quốc tế.
Đại lễ Vesak Liên hợp quốc lần thứ 21 sẽ được tổ chức tại Trung Quốc

Đại lễ Vesak Liên hợp quốc lần thứ 21 sẽ được tổ chức tại Trung Quốc

Baovannghe.vn - Ngày 8-5, tại Học viện Phật giáo Việt Nam (xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh, thành phố Hồ Chí Minh), Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Ủy ban tổ chức quốc tế Đại lễ Vesak Liên hợp quốc đã long trọng bế mạc Đại lễ Vesak Liên hợp quốc lần thứ 20 năm 2025.
Nghệ An tổ chức triển lãm “Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người”

Nghệ An tổ chức triển lãm “Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người”

Baovannghe.vn - Triển lãm nhằm tôn vinh và tri ân sâu sắc những công lao và cống hiến vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với cách mạng Việt Nam.