Tháng 8 năm 2010, Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam khoá 8 đã thành công. Nghị Quyết của đại hội giao cho Ban chấp hành nhiệm kì mới nhiều nhiệm vụ nặng nề, trong đó có nhiệm vụ tiếp tục kiện toàn các cơ quan cấp 2 của Hội, đặc biệt là các cơ quan Báo chí, xuất bản, trong đó trọng tâm là Báo Văn nghệ, nhằm không ngừng nâng cao chất lượng các ấn phẩm xuất bản, báo chí, nâng cao chất lượng phục vụ nhiệm vụ hỗ trợ lao động sáng tạo của Hội Nhà văn và đáp ứng với yêu cầu hoạt động của các cơ quan xuất bản, báo chí trong thời kì mới
Đây là thời kì Báo Văn nghệ đang đứng trước những khó khăn, thử thách mới. Các cơ quan Báo chí trong cả nước đang chuyển dịch rất mạnh để thích ứng với cơ chế thị trường. Trước đó, vào tháng 5-2008, Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam đã ra Quyết định số 64/QĐ- HNV, giao cho Báo Văn nghệ xây dựng kế hoạch để từng bước thực hiện việc “tự chủ, tự chịu trách nhiệm” trên hai lĩnh vực quan trọng là biên chế, tổ chức xây dựng bộ máy và tự chủ, tự cân đối về công tác tài chính, nói một cách dễ hiểu là từng bước thực hiện việc xoá bao cấp. Với đặc thù của một tờ báo chuyên sâu về văn hoá, văn học thì nhiệm vụ này khó khăn gấp bội. Từ thời điểm này, Ban biên tập Báo Văn nghệ bắt đầu từng bước làm quen với khái niệm “tự chủ”, nói theo cách dân dã là “tập cai sữa”. Nhiều vấn đề mới mẻ, khó khăn đặt ra trước ban lãnh đạo tờ báo và trước tất cả những người làm báo ở Báo Văn nghệ.
Trong thời gian bốn năm từ 2008-2012, Ban biên tập và Chi bộ Báo Văn nghệ đã tích cực thực hiện chủ trương kể trên và đã có được những thành quả ban đầu. Tuy vậy, vẫn còn nhiều việc khó khăn nan giải không thể tháo gỡ được trong một sớm một chiều. Tại thời điển này Nhà văn Nguyễn Trí Huân, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam vẫn đang kiêm chức Tổng biên tập Báo Văn nghệ. Phó Tổng biên tập là Nhà văn Thành Đức Trinh Bảo. Tháng 6-2012, xét thấy cần tăng cường lực lượng lãnh đạo cho Báo Văn nghệ trong giai đoạn chuyển đổi khó khăn này nên Đảng Đoàn và Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam, trong kì họp giữa năm 2013 đã quyết định phân công nhiệm vụ và điều động tôi hiện đang là Uỷ viên Đảng Đoàn, Uỷ viên Ban chấp Hành, Trưởng Ban Kiểm tra của Hội Nhà văn Việt Nam về tăng cường cho Ban biên tập Báo Văn nghệ.
Trước khi nhận nhiệm vụ tôi đã có một buổi trò chuyện rất cởi mở với Nhà thơ Hữu Thỉnh, Bí thư Đảng Đoàn, Chủ tịch Hội đồng thời là người đã nhiều năm làm Tổng biên tập Báo Văn nghệ. Với tư cách là người đứng đầu của Đảng Đoàn và của Hội, nhà thơ Hữu Thỉnh vừa giao nhiệm vụ vừa tâm sự, nhắc nhở tôi về những cái khó mà tôi sẽ phải vượt qua khi về công tác ở tờ báo rất quan trọng, có bề dày truyền thống như Báo Văn nghệ. Tôi cũng trình bày với ông những suy nghĩ của mình, nhất là những gì tôi còn tự thấy mình còn hạn chế kể cả những điều còn non yếu trong công tác quản lí và trong nghiệp vụ làm báo. Lúc đó Đảng Đoàn cũng đã có ý định sẽ rút anh Nguyễn Trí Huân về làm nhiệm vụ Thường trực tại cơ quan Hội kiêm thêm Tổng biên tập tờ tạp chí Nhà văn và tác phẩm, nhưng tôi đã nói với Chủ tịch Hữu Thỉnh rằng tôi từng nhiều năm làm việc ở Tạp chí Văn Nghệ quân đội nhưng đối với một tờ báo ra hàng tuần như Báo Văn nghệ tôi còn chưa có kinh nghiệm gì. Vì vậy hãy để anh Huân giúp tôi một thời gian nhất định để làm quen với công việc ở Báo Văn nghệ đã. Nhà thơ Hữu Thỉnh cho rằng yêu cầu đó của tôi là hợp tình hợp lí nên đồng ý để anh Huân kèm tôi thêm một thời gian nữa. Quyết định như vậy, nhưng anh Thỉnh vẫn nhắc “Cậu phải vào việc một cách tích cực ngay. Không thể dựa dẫm vào anh Huân được lâu đâu. Anh ấy còn phải bắt tay vào những công việc nặng nề hơn ở trên này”.
![]() |
Nhà văn Khuất Quang Thụy , nguyên Tổng Biên tập báo Văn nghệ tại lễ kỷ niệm 75 năm Ngày Báo Văn nghệ ra số đầu tiên. Ảnh TL |
Vậy nên tháng 9-2012 tôi chính thức bước vào “Nhà số 17 Trần Quốc Toản” để nhận công tác mới. Trong buổi giao ban đầu tiên, Tổng biên tập Nguyễn Trí Huân giới thiệu tôi “là người sẽ thay tôi làm Tổng biên tập báo Văn nghệ” mặc dù quyết định phân công công tác cho tôi ghi rõ rằng tôi về đây để đảm nhiệm cương vị Phó Tổng biên tập. Tôi đã cố gắng giải thích với anh chị em trong toàn soạn điều đó nhưng anh Huân cũng chỉ cười bảo “Ừ thì phó đã, tôi chưa đi ngay được. Nhưng từ nay nhiều việc, nhất là công tác chuyên môn, anh Thuỵ sẽ thay tôi giải quyết”. Đến khi bố trí chỗ ngồi cho Phó Tổng biên tập mới anh cũng khiến tôi khó xử. Anh đưa tôi vào phòng làm việc của mình, chỉ vào cái bàn làm việc của anh và bảo “Đấy, bây giờ hàng ngày chú ngồi đây mà làm việc. Trên bàn toàn bản thảo cả thôi. Mình đang bước vào giai đoạn kết thúc cuộc thi truyện ngắn để kịp tổng kết trao giải vào dịp kỉ niệm 65 năm Báo Văn nghệ ra số đầu tiên. Chú về thì tập trung giúp tôi lo việc ấy trước”. Tôi vội từ chối, nói rằng đây là phòng làm việc của Thủ trưởng, hãy bố trí cho tôi ngồi đâu đó ngoài kia, gần anh chút là được. Nhưng anh Huân không nghe, và lệnh cho Phòng hành chính kê thêm một cái bàn nữa trong phòng rồi nói: “Đấy, nếu Thuỵ cần bàn riêng thì ngồi đấy là được. Tôi với chú ngồi chung phòng, hàng ngày có việc gì trao đổi ngay với nhau cũng tiện. Thoả thuận thế này, trong thời điểm này chú tập trung lo chuyên môn, gặp gì khó khăn tôi và chú cùng tháo gỡ. Tôi và chị Trinh Bảo tập trung lo chuẩn bị cho kỉ niệm 65 năm ngày Báo Văn nghệ ra số đầu tiên và những việc khác. Được chưa?”
Thế là tôi yên tâm bước vào thực hiện nhiệm vụ mới ở Báo Văn nghệ
Lãnh đạo Báo Văn nghệ lúc này còn có nhà văn Thành Đức Trinh Bảo được Tổng biên tập giao nhiệm vụ giúp Tổng biên tập làm công tác quản trị cơ quan và phụ trách một phần công việc của tờ Phụ san Văn nghệ Trẻ. Công tác tại toà soạn lúc bấy giờ có Ban thư kí do nhà thơ Lương Ngọc An phụ trách. Trưởng ban Văn xuôi là nhà văn Hà Nguyên Huyến, trưởng ban Thơ là nhà thơ Nguyễn Đức Mậu, Trưởng ban Lí Luận phê bình là Nhà văn Nguyễn Chí Hoan, Trưởng ban dịch văn học là nhà văn Lã Thanh Tùng, sau khi bắt tay vào công việc tôi đề nghị anh Tùng giúp tôi thêm về công tác chuẩn bị nội dung cho các số báo (Sau này khi anh Huân đã rời đi tôi tổ chức lại toà soạn thành bốn bộ phận. Anh Lã Thanh Tùng được giao nhiệm vụ là Trưởng ban nội dung, anh Lương Ngọc An là Trưởng ban thứ kí, giao bộ phận kĩ thuật và hoạ sĩ cho Ban thư kí quản lí… Ban Văn nghệ Trẻ ngoài nhà văn Thành Đức Trinh Bảo phụ trách, biên tập viên ban này còn có Nhà văn Phong Điệp trưởng ban, Nhà báo Đăng Dương nhà báo Phạm Thu Hà, nhà báo Kiều Thu Huyền, nhà báo Bích Yến… Trưởng phòng hành chính - tổng hợp là chị Nguyễn Thị Đường, anh Ngô Xuân Bắc là phó phòng… Các văn phòng đại diện khu vực của Báo Văn nghệ vẫn hoạt động có hiệu quả: Văn phòng Bắc Miền Trung do nhà văn Kiều Vượng phụ trách, văn phòng đại diện tại thành phố Hồ Chí Minh do nhà thơ Nguyễn Duy phụ trách, văn Phòng Nam trung bộ và Tây Nguyên nhà thơ Giang Nam vẫn còn trấn giữ được tuy ông đã tuổi cao sức yếu. Giúp việc ông còn có Nhà báo Nguyễn Chính và nhà báo Thế Dũng….
Công việc của tôi trong thời gian “học việc” ở Báo Văn nghệ khá suôn sẻ. Dưới sự chỉ đạo của anh Huân tôi tiến hành các công việc để kết thúc cuộc thi truyện ngắn 2011-2013. Rất mừng là cuộc thi khá thành công. Hội đồng chung khảo đã chọn từ gần một ngàn truyện ngắn đã được Ban sơ khảo tuyển chọn, trong đó những tác phẩm tốt nhất đã được công bố trên Báo Văn nghệ để chọn ra những tác giả xứng đáng nhất trong cuộc thi để trao giải. Tác giả Lê Thanh Kì, một tên tuổi còn mới mẻ trong làng văn, xuất hiện một cách xuất sắc trong cuộc thi này với chùm ba truyện ngắn: Sợi dây; Mồng chín tháng Tám; Bạn khách đã được trao giải nhất. Các tác giả Thu Trân với truyện ngắn Gia phả mùi rơm rạ; Nguyễn Đức Lợi với tác phẩm Ma núi rắn và Vũ Thanh Huyền với tác phẩm Lá bùa bỉ ngạn hoa đã được trao giải nhì của cuộc thi. Chúng tôi cũng lập tức biên tập tuyển chọn để in thành một Tập truyện ngắn chọn lọc của cuộc thi làm sản phẩm đặc biệt chào mừng Kỉ niệm 65 năm ngày Báo Văn nghệ ra số đầu tiên vào đầu năm sau.
*
Ngày 27-4 năm 2013, tại Bảo tàng Văn học Văn học Việt Nam, Báo Văn nghệ tổ chức lễ kỉ niệm 65 năm ra số báo đầu tiên. Từ ngày về Báo Văn nghệ làm Phó Tổng biên tập, tôi đã để nhiều thời gian tìm hiểu về quá trình 65 năm xây dựng và trưởng thành của tờ báo mà mình vừa vinh dự được trở thành một thành viên kế thừa. Tại lễ kỉ niệm, nhiều tên tuổi lớn của nền văn nghệ cách mạng gắn liền với quá trình ra đời và trưởng thành trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ của dân tộc ta đã vang lên một cách đầy tự hào trong bài diễn văn Kỉ niệm do Nhà văn Nguyễn Trí Huân, Phó chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Tổng biên tập báo Văn nghệ trình bày. Cùng với tên tuổi các vị tiền bối là sơ lược chặng đường đầy gian nan thử thách nhưng rất đỗi tự hào trong suốt 65 năm qua. Được lắng nghe những điều đó trong ngày trọng đại như thế này, tôi càng hiểu rõ hơn vinh dự và trách nhiệm mà mình đang được cùng thế hệ các nhà văn, biên tập viên, nhân viên Báo Văn nghệ trong thế hệ hôm nay phải gánh vác. Và thầm hứa rằng, với danh dự và trách nhiệm của một nhà văn và của một người lính, mình sẽ cố gắng xứng đáng với các bậc tiền bối, với các lớp đàn anh đi trước để giữ vững và phát huy truyền thống vẻ vang này.
Sau lễ kỉ niệm, theo sự phân công của Thường trực Hội, Tổng biên tập Nguyễn Trí Huân ngày càng phải gánh nhiều công việc hơn bên cơ quan Hội và đang tiếp nhận cả công việc ở Tạp chí Nhà văn và Tác phẩm. Việc điều hành tờ báo anh từng bước chuyển dần sang vai tôi và Nhà văn Thành Đức Trinh Bảo. Tôi cũng từng bước tập “chịu tải” và càng ngày càng hiểu những khó khăn gì đang chờ mình ở phía trước. Hiểu rõ những khó khăn của tôi, Đảng Đoàn và Ban chấp hành, nhất là Chủ tịch Hội cũng đã nấn ná thêm để cho tôi có thêm thời gian quen dần với công việc. Đến tháng 9 -2013 theo Quyết định số 145/QD-TCNS, Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam đã chính thức bổ nhiệm tôi, Uỷ viên Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam kiêm chức Tổng biên tập Báo Văn nghệ. Lần này thì tôi không thể mè nheo thêm điều gì nữa mà phải lập tức nhận trọng trách mới.
Công việc bàn giao không có gì nhiều vì thực chất anh Huân đã từng bước làm việc này với tôi trong một năm qua. Chỉ còn việc kí các văn bản cần thiết và làm một động tác hết sức tượng trưng là anh cho dẹp cái bàn phụ trong phòng Tổng biên tập đi, dọn hết những gì còn có tính “riêng tư” của mình trong căn phòng này rồi lại chỉ vào cái bàn làm việc anh từng ngồi nhiều năm “Từ nay, chú phải ngồi vào đây mà làm việc rồi. Còn hỏi gì nữa không?” Tôi biết còn rất nhiều câu hỏi cần hỏi anh, nhưng không phải vào lúc này. Chúng tôi bắt tay nhau. Và thế là xong. Từ nay tôi sẽ chính thức phải tự “bay đơn” trong nhiệm vụ khó khăn của mình.
Lúc này có một việc rất khó khăn mà tôi phải ra sớm ra quyết định, đó là số phận của tờ phụ san Văn nghệ Trẻ. Tờ phụ san này ra đời từ khi Nhà thơ Hữu Thỉnh còn giữ chức Tổng biên tập Báo Văn nghệ. Đó là thời kì “bung ra” một cách ngọt ngào của các tờ báo in trong cả nước. Hầu như báo nào cũng có một hai thậm chí nhiều ấn phẩm phụ. Bạn đọc thời kì này cũng hào hứng đọc, nhất là các tờ báo phụ. Nó có gì đó mới mẻ, phá cách so với những tờ báo chính vẫn nghiêm trang từ trước tới nay. Bạn đọc quả là đã quá ngán mọi thứ “cổ cồn cravat” rồi. Những chiếc áo phông, quần jin đã xuống phố. Thời kì đầu khi Phụ San Văn nghệ Trẻ ra đời, cũng được công chúng nhiệt tình đón nhận. Trong làng văn nghệ ở thời điểm đó thì Văn nghệ Trẻ được coi là một hiện tượng báo chí thành công. Nhưng rồi cùng với sự ra đời và phát triển của Internet, báo in bắt đầu “có vấn đề”. Sự tụt giảm số lượng người mua báo diễn ra hàng ngày. Kể cả những tờ phụ trương đình đám nhất cũng bắt đầu lao đao, xây xẩm vì số lượng người mua báo tụt giảm nhanh chóng. Cùng với đó là thị trường Quảng cáo trên báo giấy cũng ngày càng thu hẹp. Hồi mới về báo, sáng nào tôi cũng thấy khi vừa bước chân tới toà soạn, câu hỏi đầu tiên mà Tổng biên tập Nguyễn Trí Huân với anh chị em Phòng hành chính - Trị sự là “Tuần này có mấy trang quảng cáo rồi? Số này phát hành họ báo số lượng bao nhiêu?”. Nếu con số được thông báo mà tệ quá thì Tổng biên tập liền buông một tiếng thở dài nghe mà não nề. Tiếng thở dài ấy ngày càng thấy xuất hiện thường xuyên hơn cho đến khi nó chỉ còn là những cái lắc đầu chán nản của người đứng đầu một cơ qan báo chí đình đám như Báo Văn nghệ. Tình trạng này không chỉ xẩy ra với tờ báo chính mà cũng đã bắt đầu xảy ra ngày càng trầm trọng với tờ Văn nghệ Trẻ. Đã bước vào năm thứ tư Báo Văn nghệ thực hiện cơ chế tự chủ về tài chính, nghĩa là tự tòa soạn phải co kéo làm sao để có thể vừa nuôi báo lại vừa nuôi được đội ngũ những người làm báo và thực hiện các nghĩa vụ tài chính khác với các cơ quan quản lí của Nhà nước. Có một điều có lẽ tôi cũng muốn nói ngay là rất may mắn cho Báo Văn nghệ là trước khi bước vào thời kì “tự chủ tự chịu trách nhiệm” Ban lãnh đạo tiền nhiệm, lúc đó vẫn do Nhà thơ Hữu Thỉnh làm Tổng biên tập, đã kịp xây dựng dự án xây tòa nhà làm việc hiện tại của báo Văn nghệ, đã kiên trì xuyên qua một rừng giấy tờ thủ tục để dự án được thông qua và được cấp vốn để bước vào xây dựng. Nhà văn Nguyễn Trí Huân tiếp nhận và sau đó chủ trì chịu trách nhiệm suốt quá trình hai năm xây dựng toà nhà. Đến cuối năm 2009 toà nhà được khánh thành bàn giao và đưa vào sử dụng. Vào những lúc toà soạn gặp khó khăn về tài chính, Chủ tịch Hội đã cho phép Báo Văn nghệ tận dụng một phần diện tích thừa để cho các cơ quan báo chí truyền thông khác sử dụng chung có trả phí (Một thời gian khá dài Bộ thông tin truyền thông đã cho phép Cục quản lí thông tin điện tử sử dụng chung trụ sở với Báo Văn nghệ, sau này Cơ quan thường trú Đài Phát thanh - Truyền hình thành phố Hồ Chí Minh cũng đặt trụ sở tại đây). Đây chính là một nguồn thu rất đáng kể để Báo Văn nghệ bù lỗ cho việc sản xuất hai tờ báo in vào thời điểm này. Nhưng nguồn thu khiêm tốn đó cũng chỉ đủ co kéo được một thời gian, trong chừng mực hai ấn phẩm chưa thua lỗ tới mức báo động đỏ như vào thời điểm mà tôi đang nói tới. Cũng phải ghi nhận rằng, trước khi bàn giao tờ báo cho tôi, anh Nguyễn Trí Huân cũng đã làm được hai việc đáng kể để thu gọn đội hình, phù hợp với tình hình khó khăn đang chồng chất tại Báo Văn nghệ sau một thời gian thực hiện việc “xoá bao cấp”: Đó là việc cho dừng xuất bản phụ trương Dân tộc & miền núi và dừng xuất bản phụ trương Thơ để Ban chấp hành Hội cho ra đời Tạp chí Thơ do Thường trực Ban chấp hành Hội trực tiếp quản lí. Nhưng còn tờ Phụ san Văn nghệ Trẻ thì anh Huân chưa kịp xử lí. Tôi cũng hiểu tâm trạng anh khi nhận ra sớm muộn cũng phải dừng xuất bản tờ phụ san này nếu tình hình không được cải thiện. Bởi vì đây là một ấn bản thành công, từng một thời gian làm nên cái xanh tươi, mới mẻ cho Báo Văn nghệ. Hơn thế nữa, Nhà thơ Hữu Thỉnh người đã đặt nền móng ban đầu cho tờ Phụ san này, hiện là Chủ tịch Hội, là người từng nhiều năm đau đáu với việc phát triển tờ phụ san này, nay những người kế thừa dù có lí do gì thì cũng cảm thấy khó mở lời với ông nếu không tiếp tục duy trì được ấn phẩm này. Cùng với những người sáng lập, chúng tôi còn cảm thấy có lỗi với đội ngũ những người từng làm cho tờ phụ san Văn nghệ Trẻ và đông đảo bạn đọc, bạn viết.
Tôi đã mất nhiều tháng nhiều ngày trăn trở với những suy nghĩ này. Nhưng sự thật khắc nghiệt không cho phép tôi do dự thêm nữa. Con số báo lỗ hàng tháng mà kế toán cơ quan trình lên khiến tôi và Phó Tổng biên tập Thành Đức Trinh Bảo vô cùng lo lắng. Nếu còn do dự nữa thì chỉ cần nửa năm là số phận của tờ báo chính cũng sẽ bị đe doạ. Hồi đó, anh em trong toà soạn cũng rất xôn xao. Trong những buổi uống trà buổi sáng ở các hành lang toà soạn, hễ cứ tụ tập được vài ba người thì câu trước câu sau đã nói đến việc “tồn tại hay không tồn tại” của Văn nghệ Trẻ. Có người nói với tôi “Lĩ lẽ thì đơn giản thế này thôi, tổng biên tập ơi! Thằng bố đẻ ra thằng con là mong đến lúc nào đó nó có thể ăn nên làm ra để phụng dưỡng mình. Đằng này bây giờ thằng con không nuôi nỗi mình, lại bắt thằng bố cõng thêm thì vô lí đùng đùng! Cho nên đau mấy cũng phải cắt cái đuôi này đi thôi!”. Chị Trinh Bảo lúc đó là bí thư chi bộ, đã có một phiên họp bàn chuyên đề về số phận của phụ san Văn nghệ Trẻ. Anh em trong chi bộ cũng có rất nhiều ý kiến khác nhau, nhưng rồi Chi bộ cũng ra được Nghị quyết: Giao cho Ban biên tập và Tổng biên tập nghiên cứu phương án phù hợp để dừng xuất bản phụ san Văn nghệ Trẻ, bảo đảm tập trung nguồn lực cho việc duy trì hoạt động và làm tốt hơn ấn phẩm chính, là nhiệm vụ chính trị trọng tâm của Báo Văn nghệ trong giai đoạn hiện nay.
![]() |
Tập thể lãnh đạo, phóng viên, nhân viên báo Văn nghệ chụp ảnh lưu niệm cùng đại biểu dự lễ kỷ niệm 75 năm Báo Văn nghệ ra số đầu tiên. Ảnh TL |
Một hôm nhân ngồi chơi với anh em trong nhóm “sản xuất nội dung” của Viettel tôi bỗng nảy ra một ý tưởng và hỏi anh em “Nếu như tôi muốn xây dựng một tờ báo điện tử thì về mặt kĩ thuật và công nghệ các bạn có giúp được tôi không?” - Không ngờ, mấy anh em trong nhóm đều nhiệt tình ủng hộ và hứa sẽ giúp tôi xây dựng “miễn phí” một cost với giao diện thật đẹp và hỗ trợ tôi về mặt kĩ thuật và công nghệ trong giai đoạn chạy thử. Tôi nảy ra ý tưởng đó vì cũng phải nói thêm là cho đến thời điểm này, tôi vẫn đang đảm nhiệm vai trò là người kiêm phụ trách trang thông tin điện tử Vanvn.Net của Hội vì Chủ tịch Hữu Thỉnh chưa tìm được người thay thế tôi. Tôi làm quen với loại hình báo điện tử này từ khi còn là Phó Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Ban đầu Tạp chí Văn nghệ Quân đội điện tử chỉ được thiết kế đơn giản như một trang Web mang tính chất như một trang thông tin điện tử mà thôi nhưng hồi đó trên mạng chưa có trang nào chuyên về văn học nên nó được coi như một thứ gì đó lạ lẫm, mạo hiểm và cũng rất thú vị. Ở thời điểm này, báo điện tử đã chiếm lĩnh không gian mạng và đã tiến được một bước dài trên thị trường báo chí. Vậy đến thời điểm này (năm 2013) mà một tờ báo lớn như báo Văn nghệ vẫn chưa có “một tấc đất cắm dùi” trên không gian mạng thì thật đáng tiếc. Nếu như bây giờ xây dựng được một tờ báo Văn nghệ điện tử và chuyển luôn cả Văn nghệ Trẻ thành một phiên bản điện tử thì rất tốt. Thứ nhất, nó hợp thời vì đã đến lúc báo Văn nghệ phải có mặt trên không gian mạng. Thứ hai nếu có phiên bản điện tử Văn nghệ Trẻ trên mạng thì sẽ thu hút được rất đông đảo các bạn viết, bạn đọc trẻ tham gia. Thứ ba việc chuyển đổi hình thức xuất bản từ báo in sang báo điện tử hoàn toàn khác với việc đình bản hoàn toàn ấn phẩm này. Nếu có phiên bản điện tử nghĩa là Văn nghệ Trẻ vẫn tồn tại và có cơ hội để phát triển
Tôi ấp ủ những ý tưởng ấy và âm thầm chuẩn bị cho sự ra đời của Báo Văn nghệ điện tử và Chuyên trang Văn nghệ Trẻ điện tử. Trong khi đó vẫn phải cùng Ban biên tập chuẩn bị cho việc chấm dứt phiên bản in của Văn nghệ Trẻ. Công việc này cũng không dễ dàng gì. Tới ngày hôm nay tôi vẫn không quên được nỗi buồn se sắt hiện trong ánh mắt của anh chị em trong toà soạn, nhất là những người đang làm việc cho tờ phụ san Văn nghệ Trẻ, trong cái ngày Phụ san Văn nghệ Trẻ (bản in) ra số cuối cùng. Đó là số báo ra ngày 23-3-2014. Trong số báo này, với tư cách Tổng biên tập báo Văn nghệ, tôi đã có vài lời thưa với bạn đọc, bạn viết rằng “Hai mươi năm về trước, Văn nghệ Trẻ (bản in) ra đời với động lực chủ yếu là tạo thêm sân chơi cho giới trẻ trong lĩnh vực văn học nghệ thuật để khơi nguồn sáng tạo, thì hôm nay sau số báo này, Văn nghệ Trẻ sẽ bước vào không gian mạng cùng với mục đích và động lực như vậy. Ban biên tập tuần báo Văn nghệ cùng với Ban biên tập chuyên trang Văn nghệ Trẻ đã mạnh dạn, tự tin lựa chọn bước đi này như một cuộc tìm kiếm vùng đất mới để cùng bạn đọc, bạn viết góp phần vào sự nghiệp xây dựng và chấn hung nền văn hoá nước nhà trong thời đại CNH-HĐH đất nước. Chúng tôi hi vọng bạn đọc, bạn viết, những người từng yêu mến Văn nghệ Trẻ trong hai mươi năm qua sẽ ủng hộ và cùng chúng tôi chấp nhận thử thách này”.
Lời hứa của Ban biên tập Báo Văn nghệ là như vậy, nhưng hoá ra việc cho ra đời một tờ báo điện tử cùng với các chuyên trang của nó không hề dễ dàng. Ban đầu chúng tôi chỉ nghĩ đơn giản là, với nguồn lực hiện có của toà soạn thì bước đầu chỉ nên thiết kế nội dung và thiết kế kĩ thuật cho riêng chuyên san Văn nghệ Trẻ rồi xin cấp giấy phép hoạt động là được. Nhưng không ngờ loay hoay cả năm trời từ thiết kế đến chạy thử nhưng đến khi làm thủ tục xin cấp phép gửi lên Bộ Thông tin và Truyền thông thì bị trả lại hồ sơ vì một lí do rất đơn giản: Báo Văn nghệ là tờ báo in giấy không thể “đẻ” ra được một Chuyên trang điện tử! Muốn xin cấp phép ra chuyên trang điện tử thì trước hết Báo Văn nghệ phải có phiên bản điện tử đã. Có nghĩa là phải có ông bố rồi mới đẻ được ra ông con cùng loại!
Thế là chúng tôi lại phải bắt đầu từ đầu. Xây dựng phiên bản điện tử cho Báo Văn nghệ trước đã. Trong khi Báo Văn nghệ đang còn ngập đầu trong lo toan để vừa nuôi báo vừa nuôi người thì cái việc “trên trời” ấy quả là có gì đó hơi phiêu lưu. Chính vì thế nên ngay cả Chủ tịch Hội, nhà thơ Hữu Thỉnh cũng lo lắng cho chúng tôi, đã có lần ông nói thẳng “Các vị hãy tập trung mà lo cho tờ báo chính đi đã. Báo điện tử tính sau đi. Đừng tham bát bỏ mâm”. Nhưng Ban biên tập và chi bộ Báo Văn nghệ vẫn quyết tâm chấp nhận thử thách
Và cuối cùng thì cái bước đi ban đầu để có một tờ báo Văn nghệ điện tử cùng với phụ trang Văn nghệ Trẻ điện tử cũng hoàn thành. Ngày 20-4-2016 Bộ thông tin Truyền thông đã cấp giấy phép hoạt động trên không gian mạng cho Báo Văn nghệ. Với giấy phép số 207/ GP-BTTTT, Báo Văn nghệ cùng với chuyên trang Văn nghệ Trẻ đã chính thức có mặt trên không gian mạng, đánh dấu một bước tiến mới trong quá trình xây dựng, trưởng thành và phát triển của Báo Văn nghệ.
Báo Văn nghệ điện tử cho đến nay đã vận hành được 7 năm, tuy còn rất khó khăn, đã từng có cả những vấp váp, hình thức và nội dung chưa được như mong muốn, nhưng đã khẳng định được chỗ đứng của mình. Số lượng người đọc Báo Văn nghệ điện tử dĩ nhiên lớn hơn rất nhiều số người mua báo in nhưng điều đó cũng chưa nói lên được điều gì nhiều. Cũng phải nói luôn rằng, do khó khăn về tài chính và nhân sự nên đến nay Báo Văn nghệ điện tử vẫn chưa có Ban biên tập riêng. Tất cả các thành viên toà soạn, bằng cách này hay cách khác đều tham gia vào việc vận hành tờ báo điện tử. Có lẽ điều này ít xảy ra với các tờ báo lớn khác, nhưng trong điều kiện hiện nay phương án này vẫn là khả dĩ nhất đối với Báo Văn nghệ. Tờ báo Văn nghệ điện tử sẽ là tờ báo có vị chí hết sức quan trọng trong tương lai, Ban biên tập chúng tôi vẫn khẳng định như vậy. Hi vọng từ nền móng ban đầu này, Báo Văn nghệ điện tử sẽ cất cánh, gánh vác trọng trách của một diễn đàn văn học nghệ thuật rất quan trọng của đất nước trong tương lai không xa.
*
Ngoài những khó khăn triền miên về vấn đề tài chính, trong thời gian này Báo Văn nghệ cũng đứng trước những thách thức rất lớn về vấn đề nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao cho một tờ báo chuyên sâu về văn hoá - văn học nghệ thuật. Sau khi ngừng xuất bản phụ san Văn nghệ Trẻ bản in, một loạt biên tập viên và nhân viên kĩ thuật đã ra đi vì những lí do khác nhau: như Bích Yến lấy chồng và theo chồng sinh sống ở nước ngoài, Đăng Dương chuyển sang Báo điện tử của Đảng, Ngọc Tú chuyển về một cơ quan thuộc Bộ Y tế, Kiều Huyền xin về công tác tại quê hương Thanh Hoá… Đặc biệt đáng tiếc là sự ra đi của nữ nhà văn Phong Điệp, Trưởng ban biên tập Văn nghệ Trẻ. Một số biên tập viên cũng đến tuổi nghĩ hưu như Phạm Đình Ân hoặc chuyển sang cơ quan khác như Nhà văn Nguyễn Chí Hoan, Trưởng ban lí luận phê bình… Bộ phận lãnh đạo của Báo cũng đang thiếu hụt nhân sự: Phó Tổng biên tập phụ trách hành chính - trị sự Thành Đức Trinh Bảo đã đến tuổi nghỉ hưu nhưng đã được Ban chấp hành Hội cho phép kéo dài thời gian phục vụ, Phó Tổng biên tập giúp Tổng biên tập về công tác chuyên môn cũng chưa có. Ban biên tập và Chi bộ báo Văn nghệ luôn rất tích cực thực hiện công tác cán bộ, nhưng cũng chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ. Mãi đến tháng 9-2015, sau rất nhiều cân nhắc đề nghị của Chi bộ và Tổng biên tập Báo Văn Nghệ, Ban chấp hành mới ra Quyết định số 112/QĐ-HNV kí ngày 23-9-2015 bổ nhiệm Nhà văn Lã Thanh Tùng, Trưởng phòng nội dung của Báo Văn nghệ giữ chức Phó Tổng biên tập báo Văn nghệ. Nhà văn Lã Thanh Tùng từng từng có một thời gian dài làm biên tập viên rồi Trưởng ban Văn học dịch. Trong giai đoạn xây dựng toà nhà 17 Trần Quốc Toản, anh được Tổng biên tập giao cho công việc cùng với Phòng hành chính trực tiếp hỗ trợ và theo dõi quá trình xây dựng toà nhà Trụ sở báo Văn nghệ cho đến khi hoàn thành đưa vào sử dụng.
Ban biên tập tạm thời được kiện toàn nhưng nỗi lo thiếu nguồn cán bộ chủ chốt vẫn luôn hiện hữu với báo Văn nghệ, hầu hết các trưởng ban biên tập đều ngấp nghé hạn tuổi nghỉ hưu. Phó Tổng biên tập Thành Đức Trinh Bảo cũng đã chạm tuổi hưu theo Luật lao động nhưng thể theo đề nghị của Tổng biên tập Báo Văn nghệ, Đảng Đoàn và Ban Chấp hành Hội đã đồng ý cho phép kéo dài thời gian phục vụ với đồng chí Thành Đức Trinh Bảo, đây là điều rất cần thiết vì vào thời điểm này, nhưng khó khăn về tài chính đã xuất hiện sau một thời gian Báo thực hiện cơ chế “xoá bao cấp”. Có thể nói Phó Tổng biên tập Thành Đức Trinh Bảo đã có những nỗ lực và sáng kiến, kiểm soát tiết giảm chi tiêu ở mực thấp nhất để cố gắng cân đối được thu chi. Vào lúc khó khăn nhất, Tổng biên tập đã quyết định “cho nghỉ hưu” cả lái xe và chiếc xe công vụ duy nhất của toà soạn đã sử dụng trong nhiều năm. Quân số chính thức của toà soạn cũng được tinh giảm, những người xin chuyển đi hoặc xin nghỉ sớm nếu hợp lí đều được giải quyết. Nhiều vị trí việc làm trong cơ quan đã bố trí nhân viên kiêm nhiệm chứ không tuyển nhân sự mới nếu không thực sự cần thiết. Những nỗ lực đó đã dần dần tạo ra sự ổn định cho tờ báo. Người ít đi, công việc thì nhiều thêm, nhưng các biên tập viên, nhân viên đang làm việc tại báo Văn nghệ đã thể hiện tình yêu sâu nặng với tờ báo, thể hiện một tinh thần trách nhiệm cao nên trong những thời điểm khó khăn nhất tờ báo vẫn luôn xuất bản đúng kì, không hề lỡ hẹn với bạn đọc, bạn viết.
Nhưng sự ổn định tạm thời đó không duy trì được lâu vì đến ngày 1-9-2017 Ban Chấp hành Hội Nhà văn đã ra Quyết định số 65QĐ/HNV về việc để Nhà văn Thành Đức Trinh Bảo, Phó Tổng biên tập Báo Văn nghệ được nghỉ hưu từ ngày 1-12-2017. Và đến ngày 28/11/2017, Chủ tịch Hội Nhà văn lại kí lệnh điều động số 118/VN về việc điều chuyển Phó Tổng biên tập Báo Văn nghệ Lã Thanh Tùng về công tác tại Ban chuyên đề Hội Nhà văn từ 1-12-2017 do yêu cầu đặc biệt về công tác cán bộ của Hội.
Như vậy là đến cuối năm 2017 báo Văn nghệ lại rơi vào tình trạng thiếu hụt cán bộ lãnh đạo chủ chốt. Dĩ nhiên Đảng Đoàn và Thường vụ Hội Nhà văn đã có những dự tính về công tác cán bộ, nhưng sự thiếu hụt cán bộ lãnh đạo chủ chốt của một tờ báo lớn như báo Văn nghệ là điều rất đáng được quan tâm giải quyết sớm. Trước tình hình đó, chi bộ Báo Văn nghệ đã sớm có Nghị quyết lãnh đạo về công tác tổ chức, công tác cán bộ, tiến hành qui trình để đề cử cán bộ thay thế theo nguồn tại chỗ để nhanh chóng ổn định tình hình. Nhưng thực sự không ngờ việc tìm cán bộ đủ điều kiện thay thế các chức vụ còn thiếu ở báo Văn nghệ lại khó khăn đến thế. Đã bước sang năm thứ 3 của nhiệm kì IX, các uỷ viên Ban Chấp hành Hội nhiệm kì này đều đã bố trí nhiệm vụ không ai có đủ điều kiện để tăng cường cho báo Văn nghệ, nhân sự tại chỗ chưa chín muồi, tìm nguồn từ các cơ quan bên ngoài Hội thì cũng không hội đủ điều kiện. Đảng Đoàn và Ban chấp hành Hội động viên Tổng biên tập và các biên tập viên, nhân viên của báo cố gắng hỗ trợ nhau, kiêm nhiệm công việc để việc chuyên môn không bị ách tắc.
Tình hình thiếu hụt cán bộ chủ chốt tại báo Văn Nghệ chỉ thực sự có hướng giải quyết khi vào cuối tháng 11-2020 (từ Ngày 22-11 đến 25-11 Năm 2020) Đại Hội Đại biểu lần thứ X của Hội Nhà văn Việt Nam được triệu tập và tiến hành thành công.
Ngoài việc Tổng kết đánh giá nhiệm kì công tác thứ IX và đề ra phương hướng hoạt động nhiệm kì X, Đại Hội đã bầu ra Ban Chấp hành và Ban kiểm tra nhiệm kì mới. Thật may mắn báo Văn nghệ, lần đầu tiên trong lịch sử các kì Đại hội của Hội Nhà văn, báo đã có tới ba đồng chí trúng cử vào Ban Chấp hàng khoá X, đó là Nhà văn Khuất Quang Thụy đương nhiệm Tổng biên tập, nhà thơ Lương Ngọc An, Trưởng ban thư kí báo Văn nghệ, và Nhà thơ Phan Hoàng, hiện là cán bộ biên tập công tác tại Văn phòng đại diện của báo Văn nghệ tại thành phố Hồ Chí Minh. Như vậy đã có hướng để bổ sung cán bộ chủ chốt cho Báo Văn nghệ. Sau đại Hội, Đảng Đoàn Hội Nhà văn khoá X cũng được thành lập và bắt tay vào việc kiện toàn cán bộ cho các cơ quan cấp hai. Nhà thơ Phan Hoàng được phân công phụ trách trang thông tin điện tử của Hội. Nhà thơ Lương Ngọc An dự kiến bổ nhiệm chức Phó tổng biên tập phụ trách công tác chuyên môn của Báo Văn nghệ. Tuy vậy nhà thơ Lương Ngọc An còn phải chờ học xong chương trình chính trị cao cấp tại Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh mới hội đủ các điều kiện để được bổ nhiệm. Tuy còn phải tiếp tục theo học, nhưng vì đã được Ban chấp hành phân công nhiệm vụ hỗ trợ Tổng biên tập Báo Văn nghệ trong công tác chuyên môn nên trên thực tế, nhà thơ Lương Ngọc An vừa đi học vừa đảm nhiệm thêm nhiều nhiệm vụ chuyên môn tại toà soạn. Công việc của tờ báo nhờ đó, trôi chảy thuận lợi hơn rất nhiều.
Đến ngày 3-8-2021, theo quyết định số 82/QĐ -TCHV, Nhà thơ Lương Ngọc An, Uỷ viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam, đã chính thức được bổ nhiệm chức vụ Phó Tổng biên tập Báo Văn nghệ. Cùng với việc bổ nhiệm nhà thơ Lương Ngọc An, Ban Chấp hành Hội cũng xây dựng một kế hoạch lâu dài để tiến tới đổi mới toàn diện báo Văn nghệ ngay trong những năm đầu của nhiệm kì mới.
Trong suốt năm 2021 báo Văn nghệ đã bước vào thực hiện chương trình cải cách, đổi mới toàn diện từ nội dung, hình thức đến qui trình, phương thức làm báo. Ban chấp hành đã thành lập Ban chỉ đạo do Chủ tịch Hội Nguyễn Quang Thiều trực tiếp đứng đầu để chỉ đạo và hỗ trợ chương trình cải cách rộng lớn của Báo Văn nghệ. Công cuộc cải cách đổi mới đang tiến hành thuận lợi thì đến tháng 5-2022, vì yêu cầu đặc biệt về công tác tổ chức cán bộ và bảo vệ nội bộ, Nhà thơ Lương Ngọc An, Uỷ viên ban chấp hành, Phó Tổng biên tập Báo Văn Nghệ đã được điều động về công tác tại Văn phòng Cơ quan Hội Nhà văn theo quyết định số 38/QĐ-TCNS. Khi điều động Nhà thơ Lương Ngọc An đi nhận công tác mới, Đảng đoàn và Ban chấp hành Hội Nhà văn đã nhận thức được cái khó của báo Văn nghệ, nhất là đang trong giai đoạn thực hiện chương trình đổi mới, nên đã quyết định phân công Nhà thơ Nguyễn Bình Phương, Phó chủ tịch hội, thành viên Ban chỉ đạo có nhiệm vụ Thường trực thay mặt Ban chỉ đạo cùng Tổng biên tập Báo Văn nghệ tháo gỡ khó khăn, giải quyết một số công việc trong công tác đổi mới toàn diện báo Văn nghệ.
Biết rõ khó khăn của Báo Văn Nghệ, Đảng đoàn và Ban Chấp hành Hội đã tích cực làm công tác tạo nguồn. Đồng chí Nguyễn Hồng Liên, kế toán trưởng của Báo Văn nghệ, đã có bằng quản lí kinh tế và bằng tốt nghiệp Học viện Báo chí Tuyên truyền đã được Đảng Đoàn và Đảng uỷ cơ quan Hội Nhà văn gấp rút cử đi học một lớp đào tạo tập trung tại Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Đến tháng 10- 2022 đồng chí Nguyễn Hồng Liên tốt nghiệp khoá học và theo quyết định số 66/QĐ-TCHV kí ngày 4-10-2022 đã được bổ nhiệm chức vụ Phó Tổng biên tập Phụ trách công tác hành chính quản trị tại Báo Văn nghệ. Nhà thơ Lương Ngọc An, Uỷ viên Ban Chấp hành tuy đã được điều động đi làm nhiệm vụ khác, nhưng được phép của Chủ tịch Hội vẫn tiếp tục hỗ trợ công tác chuyên môn cho Tổng biên tập như một động tác tăng cường của Ban chỉ đạo để thực hiện chương trình đổi mới với báo Văn nghệ. Có thêm phó tổng biên tập chuyên lo công tác quản trị hành chính, Tổng biên tập đã có thêm nhiều thời gian hơn để dành cho công tác chuyên môn, đặc biệt là tập trung vào khâu nâng cao chất lượng nội dung, chất lượng nghệ thuật của cả hai ấn phẩm, báo Văn nghệ bản in và báo Văn nghệ bản điện tử.
Cũng trong thời gian này, Chi bộ Báo Văn nghệ đã có Nghị quyết về lãnh đạo chương trình công tác đặc biệt năm 2023 và khẳng định - Năm 2023 sẽ là Năm kỉ niệm 75 năm Báo Văn nghệ ra số báo đầu tiên, báo Văn nghệ sẽ tổ chức một chuỗi sự kiện để ghi lại dấu mốc lịch sử này, mở đầu sẽ là một sự kiện hướng tới nâng cao chất lượng các tác phẩm sáng tạo được công bố trên báo Văn nghệ - Tổ chức lẽ công bố chuỗi hoạt động hướng tới kỉ niệm 75 năm Báo Văn nghệ (1948- 2023) và phát động cuộc thi Truyện ngắn báo Văn nghệ kéo dài trong hai năm từ tháng 10-2022 đến tháng 10-2024. Đảng Đoàn và Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam đã ủng hộ mạnh mẽ chương trình này và Tập đoàn Thaco - Trường Hải đã quyết định đồng hành với cuộc thi Truyện ngắn của báo Văn nghệ. Cùng với cuộc thi Truyện ngắn, trong năm 2023, Báo Văn nghệ sẽ tổ chức hàng loạt sự kiện như về thăm Xã Gia Điền, Hạ Hòa, Phú Thọ, cái nôi của Văn nghệ kháng chiến, nơi Tạp chí Văn nghệ, tiền thân của Báo Văn nghệ ra số đầu tiên trong khói lửa cuộc kháng chiến chống Pháp; về thăm các đơn vị kết nghĩa với Báo Văn nghệ trong những năm chiến tranh và những năm đầu đổi mới, tổ chức cuộc gặp mặt tri ân các bậc tiền bối và cộng tác viên của báo trong 75 năm xây dựng và trưởng thành ở các vùng miền khác nhau trong cả nước; đặc biệt là một cuộc gặp gỡ tri ân các bậc tiền bối và cộng tác viên ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và thành phố Hồ Chí Minh, tôn vinh những thành tựu của những người sáng lập và vận hành tờ báo Văn nghệ giải phóng, sau ngày thống nhất đất nước đã sáp nhập với Báo Văn nghệ theo tinh thần Bắc Nam thống nhất, Văn nghệ một nhà.
Có thể nói từ năm 2012 đến thời điểm hiện nay, khi Báo Văn nghệ đang hoàn thành những chặng cuối cùng trong năm kỉ niệm 75 năm ra số báo đầu tiên là những năm tháng cực kì gian nan, nhiều thử thách. Có những lúc khó khăn chồng chất, tưởng như không vượt qua nối. Nhưng với tình yêu sâu nặng với tờ báo và trách nhiệm trước hội viên, trước bạn đọc, trước trọng trách của tờ báo trong nhiệm vụ chấn hưng và phát triển văn hóa dân tộc, đội ngũ những người làm báo của báo Văn nghệ còn trụ lại được đến hôm nay trong cơ chế thị trường là cả một kì tích. Một tờ báo không sử dụng một đồng tiền thuế nào của dân nhưng vẫn đều đặn mang lại những giá trị văn hóa gia tăng, hỗ trợ khuyến khích tinh thần sáng tạo của những người cầm bút và của giới văn nghệ sĩ nói chung, tham gia vào diễn đàn văn hoá xã hội bằng tinh thần sáng tạo và tâm huyết, trí tuệ của giới văn nghệ sĩ trí thức với đất nước với nhân dân, với sự nghiệp xây dựng xã hội chủ nghĩa, mà một trong những biểu hiện giá tri phải có là một nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, đủ sức hội nhập và góp phần làm phong phú thêm cho nền văn hoá chung của nhân loại.