Sáng ngày 24 tháng 4 năm 2025, tại khách sạn Sao Mai (Tp. Thanh Hóa) Hội Văn học Nghệ thuật Thanh Hóa tổ chức Tọa đàm khoa học với chủ đề: Thành tựu Văn học Nghệ thuật Thanh Hóa trong hành trình 50 năm đồng hành và phát triển cùng đất nước1975 - 2025, đồng thời trao giải cuộc thi sáng tác với chủ đề Khát vọng xứ Thanh. Đây là hoạt động có ý nghĩa thiết thực, góp phần tôn vinh những đóng góp quý báu của đội ngũ văn nghệ sĩ tỉnh nhà trong suốt nửa thế kỷ qua.
Tới dự buổi tọa đàm có các đồng chí đại diện các Sở, Ban, Ngành cấp tỉnh, các đồng chí trong Thường trực, Ban Chấp hành, Ban Kiểm tra Hội VHNT Thanh Hóa, các đồng chí nguyên lãnh đạo Hội qua các thời kỳ, các văn nghệ sĩ, các nhà nghiên cứu văn học nghệ thuật cùng phóng viên các cơ quan báo chí trong tỉnh.
![]() |
Họa sỹ Phạm Duy Phương, Chủ tịch Hội VHNT Thanh Hóa phát biểu tổng kết Tọa đàm |
Mục đích của Tọa đàm khoa học là tổng kết, đánh giá đóng góp của VHNT Thanh Hóa 50 năm sau ngày đất nước thống nhất đối với đời sống văn hóa, chính trị, xã hội, an ninh, quốc phòng của tỉnh. Từ đó khẳng định những thành tựu, kết quả đạt được của VHNT Thanh Hóa trong dòng chảy VHNT Việt Nam đương đại, cũng như vị trí, vai trò của VHNT Thanh Hóa đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ hội nhập phát triển. Đồng thời đưa ra những kiến nghị, đề xuất thiết thực về chủ trương, chính sách nhằm phát triển Văn học Nghệ thuật tỉnh nhà trong giai đoạn mới – nhất là sau khi Nghị quyết Trung ương 5 khóa XIII và Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 06/10/2022 về tiếp tục phát triển văn hóa, văn học nghệ thuật trong thời kỳ mới được triển khai thực hiện.
![]() |
Đồng chí Nguyễn Ngọc Túy, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy Thanh Hóa phát biểu |
Phát biểu tại Tọa đàm, đồng chí Nguyễn Ngọc Túy, Phó trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy Thanh Hóa đánh giá cao những thành tích, kết quả đạt được của Hội VHNT Thanh Hóa và toàn thể anh, chị, em văn nghệ sĩ tỉnh nhà vào sự phát triển chung của quê hương Thanh Hóa. Trải qua 50 năm sau ngày đất nước thống nhất, VHNT Thanh Hóa đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ, khẳng định vị thế không chỉ trong lòng nhân dân Thanh Hóa mà còn trên cả nước. Đặc biệt, có 08 tác phẩm đã đạt Giải thưởng Nhà nước và Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học, nghệ thuật... Đồng chí mong muốn tại tọa đàm các văn nghệ sỹ Thanh Hóa tiếp tục đóng góp ý kiến, bổ sung những góc nhìn mới về các giá trị dấn thân vào thực tế cuộc sống để sáng tác những tác phẩm có giá trị, để lại dấu ấn trong dòng chảy văn học nghệ thuật nước nhà; đề xuất các giải pháp để cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành địa phương nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo.
Ban tổ chức nhận được 27 bài tham luận từ các văn nghệ sĩ, các nhà nghiên cứu xoay quanh các vấn đề: Những thành tựu nổi bật, những đóng góp, xu hướng vận động của Văn học Nghệ thuật Thanh Hóa trong 50 năm (1975 - 2025) trong bức tranh chung của Văn học Nghệ thuật Việt Nam; những tác giả, tác phẩm tiêu biểu của VHNT Thanh Hóa; những vấn đề lý luận, thực tiễn, thách thức và giải pháp vì sự phát triển bền vững của nền Văn học Nghệ thuật Thanh Hóa trong 50 năm;…
![]() |
Toàn cảnh Tạo đàm khoa học |
Phát biểu tổng kết tọa đàm khoa học, họa sỹ Phạm Duy Phương, Chủ tịch Hội VHNT Thanh Hóa khẳng đinh: Văn học Nghệ thuật Thanh Hóa trong 50 năm qua đã không ngừng vận động và phát triển mạnh mẽ. Hiếm có một Hội VHNT cấp tỉnh nào trong cả nước có được cấu trúc tổ chức toàn diện và khả năng vận hành đồng bộ, 11 ban chuyên ngành của Hội đều có dấu ấn và đóng góp riêng, tất cả đã cùng nhau kiến tạo nên một không gian văn học nghệ thuật phong phú, nền tảng cho không gian văn hóa xứ Thanh - mảnh đất “địa linh nhân kiệt”. Trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng, mỗi hội viên cần tiếp tục phát huy vai trò là những người chiến sĩ tiên phong trên mặt trận tư tưởng văn hóa; góp phần khơi dậy và lan tỏa những giá trị tốt đẹp của con người xứ Thanh.
Tại tọa đàm Hội VHNT Thanh Hóa tiến hành trao thưởng cho các tác giả đạt giải Cuộc thi vận đông sáng tác văn học nghệ thuật về chủ đề “Khát vọng xứ Thanh” gồm 1 Giải Nhất, 8 Giải Nhì, 5 Giải Ba, 14 Giải Khuyến khích thuộc 09 chuyên ngành: Thơ, Văn Xuôi, Lý luận phê bình, Văn nghệ dân gian, Mỹ thuật, Nhiệp ảnh, Điện ảnh, Âm nhạc, Sân khấu.