Diễn đàn lý luận

Văn học trong đổi mới và hội nhập nhìn từ lực lượng viết

Phong Lê
Lý luận phê bình 09:00 | 05/05/2025
Baovannghe.vn - Nếu có ai hỏi tôi về thành tựu của văn học trong sự nghiệp Đổi mới, tôi sẽ trả lời ngay, không ngần ngại: nhiều, rất nhiều.
aa

Trên tất cả các phương diện của đề tài và chất liệu, của tư tưởng và ý tưởng, của cách nghĩ và cách viết... Nhất là cách viết. Bây giờ câu chuyện “Viết như thế nào?” đang nổi lên hàng đầu thay cho câu chuyện “Viết cho ai?” và “Viết để làm gì?” của nhiều chục năm trước đây.

Thế nhưng cách viết, dẫu có quan trọng đến mấy cũng không phải, hoặc không thể là toàn bộ các yếu tố làm nên sự đổi mới văn học đã có một độ dài ngót 30 năm, nếu tính từ 1986, trong đó có 20 năm gắn với hội nhập. Nhìn lại lịch sử văn học hiện đại (thế kỷ XX) thì sự thay đổi của đời sống xã hội và đời sống văn học là tính từng thập niên một, hoặc dài hơn một chút là từ 10 đến 15 năm. 10 đến 15 năm cho một chuyển đổi, để có một gương mặt khác, hoặc khác hẳn, kể từ Nguyễn Quang Bích, Nguyễn Đình Chiểu sang Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh; từ Nguyễn Khuyến, Tú Xương qua Tản Đà, Trần Tuấn Khải; từ Tương Phố, Đông Hồ đến Xuân Diệu, Hàn Mạc Tử; từ Hồ Biểu Chánh, Hoàng Ngọc Phách đến Vũ Trọng Phụng, Nam Cao... 10 đến 15 năm, từ ký sự của Trần Đăng, Thư nhà của Hồ Phương... đến Sống mãi với thủ đô của Nguyễn Huy Tưởng, Cao điểm cuối cùng của Hữu Mai; từ Xung kích của Nguyễn Đình Thi đến Gia đình má Bảy của Phan Tứ, Dấu chân người lính của Nguyễn Minh Châu... Chống Pháp 9 năm có trên dưới 15 truyện cỡ vừa, một tập thơ Việt Bắc của Tố Hữu và nhiều chục bài thơ lẻ hay như Tây tiến, Bên kia sông Đuống, Màu tím hoa sim... Cả nước chống Mỹ 10 năm với hàng trăm tiểu thuyết và hàng trăm tập thơ hay trên cả hai miền Bắc và Nam. 10 năm trong vật vã chuyển động từ 1975 đến 1986 cũng đã ghi được dấu ấn riêng của nó trong văn học với hàng chục tên sách tên người đáng nhớ...

Tôi nghĩ đến thế hệ Nguyễn Thi, Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Khải, Nguyên Ngọc, Hồ Phương, Xuân Thiều, Nam Hà, Nguyễn Quang Sáng, Thu Bồn, Phạm Ngọc Cảnh... Thế hệ Chu Văn, Đào Vũ, Vũ Tú Nam, Vũ Thị Thường, Nguyễn Kiên, Ma Văn Kháng, Nguyễn Quang Thân, Hoàng Quốc Hải, Lê Văn Thảo... mà sự hiện diện của họ đều góp phần làm nên những dấu ấn đặc sắc trong hành trình văn học nửa sau thế kỷ XX. Và, một thế hệ, do thử thách (hoặc bất trắc) của thời cuộc, phải vào tuổi 70, trong khung cảnh Đổi mới, mới có hoàn cảnh thích hợp để viết như Lê Đạt, Dương Tường, Nguyễn Xuân Khánh, Bùi Ngọc Tấn, Châu Diên,... và do “no dồn đói góp" mà những gì được viết ra ở họ thực là sự chắt lọc của cả một đời suy ngẫm và từng trải.

Văn học trong đổi mới và hội nhập nhìn từ lực lượng viết
Hình ảnh minh họa. Nguồn pinterest

Để ghi cho đủ những tên tác giả có tác phẩm đáng nhớ hoặc có thể nhớ được trong hành trình văn học nửa sau thế kỷ XX thì phải là một danh sách dài.

Sự sống còn, lẽ tồn tại của một nền văn học bao giờ cũng phải được quyết định bởi thế hệ "đương nhiệm”, và do thế mà toàn xã hội phải tập trung chăm sóc cho cải mới, là cái đang sinh thành. Nhưng chớ nghĩ rằng họ sinh ra từ chân không, hoặc từ con số không. Lịch sử, nếu được gọi là lịch sử, bao giờ cũng được xây nên bởi những cuộc chuyển giao trong kế thừa, và như vậy, mỗi thế hệ đều có phần đóng góp rất nên trân trọng của họ.

*

Xét theo lịch sử thì 30 (hoặc 40) năm đã qua, đó là một thay đổi hiếm có, hoặc chưa từng có. Để từ chiến tranh (những hơn 30 năm, ngót 40 năm) chuyển sang hoà bình. Từ đất nước bị chia cắt (hơn 20 năm) đến đất nước thống nhất. Từ giao lưu hẹp đến giao lưu rộng... Những chuyển động như thế phải nói là rất lớn. Lớn, và cũng có tầm một cuộc chuyển giao tựa như chuyển giao từ thế kỷ XIX sang thế kỷ XX, đưa đất nước từ trạng thái phong bế, lạc hậu vào một cuộc Canh tân. Lớn như Cách mạng Tháng Tám 1945 làm thay đổi chế độ. Tiếp tục thành quả của Cách mạng Tháng Tám và hai cuộc kháng chiến, Đổi mới - đó là một cuộc lên đường mới của dân tộc để rút ngắn những so le lịch sử giữa dân tộc và thời đại. Một cuộc lên đường, mới chỉ được khởi động sau khi kết thúc chiến tranh và thế giới tan băng...

Trước một chuyển động lớn như thế trong 30 năm, thì sao văn học lại không thay đổi được? Nó buộc thế và nó phải thế, chứ không thể khác. Không những văn học phải chuyển động mà còn phải góp phần dự báo, phải là người tiền trạm. Cuộc dự báo và những người tiền trạm ấy đã xuất hiện trong suốt thập niên 1980, sau hơn năm kết thúc chiến tranh; và lấn sang nửa đầu thập niên 1990, cho đến 1995, với những tên sách, tên người như Đứng trước biển, Cù lao Tràm của Nguyễn Mạnh Tuấn; Gặp gỡ cuối năm, Cha và con, và... của Nguyễn Khải; Đất trắng của Nguyễn Trọng Oánh; Thời xa vắng của Lê Lựu; Cuốn gia phả để lại của Đoàn Lê; Mùa lá rụng trong vườn, Côi cút giữa cảnh đời của Ma Văn Kháng; Bến quê, Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành của Nguyễn Minh Châu; Tướng về hưu của Nguyễn Huy Thiệp; Ngoài khơi miền đất hứa của Nguyễn Quang Thân; Mảnh đất lắm người nhiều ma của Nguyễn Khắc Trường; Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh; Bến không chồng của Dương Hướng... làm nên khúc dạo đầu thật tưng bừng cho công cuộc Đổi mới, tính cho đến 1995...

Cũng như bất cứ lĩnh vực nào khác của đời sống tinh thần, nói sự phát triển của văn học là nói đến một quá trình, với sự tiếp tục của nhiều thế hệ. Thời nào trong lịch sử cũng thế. Nhưng có điều cần lưu ý, thế kỷ XX, khác với bất cứ thế kỷ nào trước đó, là một thế kỷ có quá nhiều biến động, và là những biến động mang tính nhảy vọt. Nếu ở đầu thế kỷ là cuộc chuyển giao từ mô hình trung đại sang mô hình hiện đại, trong bước ngoặt từ xã hội phong kiến sang xã hội thuộc địa, thì giữa thế kỷ là một cuộc cách mạng và ngót 40 năm chiến tranh nhằm giành trọn vẹn mục tiêu Độc lập, Tự do cho dân tộc; và cuối thế kỷ là một khát vọng Đổi mới, đưa đất nước vào một cuộc hội nhập lớn vào nhân loại, để chuyển lên đường ray của sự phát triển. Trước những biến động lớn như thế văn học không thể đáp ứng bằng một sự phát triển bình thường. Mà phải bằng những nỗ lực lớn mang tính chuyển đổi cách mạng. Để có đủ tiềm lực và hành trang cho một chuyển đổi mang tính cách mạng như thể văn học, cũng như bất cứ lĩnh vức nào khác, kể cả kinh tế, chính trị cần đến những lực lượng trẻ, mà nói trẻ là nói đến những thế hệ trên dưới tuổi 30, thậm chí là 20. Đó là tuổi 20 và ngót 30 của Nguyễn Tuân, Nguyễn Huy Tưởng, Vũ Trọng Phụng, Thạch Lam, Hàn Mặc Tử, Xuân Diệu, Bích Khê, Nam Cao, Nguyên Hồng, Nguyễn Bính, Huy Cận, Chế Lan Viên, Tố Hữu, Tô Hoài, Anh Thơ, Tế Hanh... làm nên thành tựu mang tính nhảy vọt của thời kỳ văn học 1930-1945. Đó cũng là tuổi 20 của Phạm Tiến Duật, Đỗ Chu, Xuân Quỳnh, Bằng Việt, Vũ Quần Phương, Lưu Quang Vũ... Của Triệu Bôn, Nguyễn Thị Ngọc Tú, Vương Anh, Y Phương, Ý Nhi, Phan Thị Thanh Nhàn, Lâm Thị Mỹ Dạ... Của Nguyễn Khoa Điềm, Lê Anh Xuân, Hữu Thỉnh, Thanh Thảo, Nguyễn Duy... Của Nguyễn Đức Mậu, Vương Trọng, Anh Ngọc, Thanh Tùng, Thi Hoàng, Trần Nhuận Minh... Cùng với một “thần đồng" thơ lên 10 là Trần Đăng Khoa... mà làm nên thành tựu văn học thời kỳ 1960-1975. Chuyển sang thời Đổi mới, một thế hệ trẻ như thế là chưa thể xuất hiện ngay, mà phải được chuẩn bị, trong sự tiếp nối của hơn một thế hệ chuyển tiếp, kể từ Nguyễn Khải, Nguyễn Minh Châu, Ma Văn Kháng, Lê Lựu...; qua Nguyễn Khắc Trường, Nguyễn Mạnh Tuấn, Nhật Tuấn, Chu Lai, Lê Minh Khuê, Nguyễn Huy Thiệp, Nguyễn Trí Huân, Trung Trung Đỉnh, Nguyễn Trọng Tạo, Dạ Ngân, Bảo Ninh, Phạm Thị Hoài... Rồi Nguyễn Quang Lập, Võ Thị Hảo, Nguyễn Quang Thiều, Inrasara, Dương Thuấn, Tạ Duy Anh, Hồ Anh Thái, Y Ban, Nguyễn Thị Thu Huệ, Phan Thị Vàng Anh (ở thế hệ này người trẻ nhất đến nay cũng đã vào tuổi trên dưới 50 rồi)... Một thế hệ trẻ ở tuổi ngoài 20, rồi 30, thuộc thế hệ 7X và 8X - để có thể làm nên, hoặc làm chủ gương mặt văn học sau 1995, rồi sau 2000, đó là điều chưa dễ xác định, dẫu những tên tuổi gây ấn tượng trong họ thì lúc nào cũng có, kể từ Nguyễn Việt Hà, Nguyễn Ngọc Tư, Nguyễn Ngọc Thuần, Đỗ Thị Bích Thuý, Phan Triều Hải, Phan Hồn Nhiên, Phan Việt, Nguyễn Đình Tú, Văn Cầm Hải, Vũ Đình Giang, Nguyễn Xuân Thủy, Nguyễn Thế Hoàng Linh, Lưu Sơn Minh, Phan Huyền Thư, Vi Thuỳ Linh, Nguyễn Trương Quý, Meggi Phạm... Thế nhưng, nhìn trên tổng thể thì dường như sự tiếp tục này, trong tư thế một đội ngũ là chưa thật rõ lắm. Họ có thể rất đông đúc, và gây nhiều ồn ào; có thể xuất hiện hàng ngày trên báo, đài trong chủ ý tuyên truyền, quảng bá của hệ thống thông tin đại chúng; có thể gợi lạ, hoặc gây “sốc” cho người đọc, để làm cồn lên dòng chảy đã có; nhưng để làm nên một dòng chảy mới thì chưa hẳn đã có. Đó là điều, theo tôi, làm cho gương mặt văn học Đổi mới trong nửa sau của nó, kể từ sau 1995 đến nay, còn chưa gây được một ấn tượng mạnh mẽ, vượt trội, và thật là tưng bừng, ngoạn mục, trong so sánh với hơn hai mùa gặt lớn của lịch sử, và trong tương quan với thời cuộc.

*

Thời điểm hôm nay, đội ngũ chủ lực của văn đàn, theo tôi, vẫn là thuộc thế hệ 6X và 7X. Nhưng chẳng bao lâu nữa sẽ chuyển sang thế hệ 8X và 9X. Đó là thế hệ mà chiến tranh và chủ nghĩa xã hội, rồi chủ nghĩa xã hội thời hậu chiến, chỉ còn là một hồi quang qua ký ức của người thân và sách vở.

(Trích tham luận)

Văn nghệ, số 21/2014
Quốc hội bàn miễn, hỗ trợ học phí cho trẻ mầm non, học sinh phổ thông

Quốc hội bàn miễn, hỗ trợ học phí cho trẻ mầm non, học sinh phổ thông

Baovannghe.vn - Tiếp tục chương trình kỳ họp, ngày 22/5, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày tờ trình dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo từ 3 - 5 tuổi.
Tác giả “Viết tiếp câu chuyện hoà bình”: Tôi viết nhạc bằng cảm xúc

Tác giả “Viết tiếp câu chuyện hoà bình”: Tôi viết nhạc bằng cảm xúc

Baovannghe.vn - Sau Lễ kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước, bài hát “Viết tiếp câu chuyện hoà bình” trở thành hiện tượng trên 4 tỷ lượt nghe khắp mạng xã hội, thường xuyên góp mặt trong các bảng xếp hạng âm nhạc, trở thành ca khúc “quốc dân”, góp phần lan tỏa tinh thần yêu nước.
Nghiền - Thơ Nguyễn Đăng Khương

Nghiền - Thơ Nguyễn Đăng Khương

Baovannghe.vn- Cổ thụ sân trước nhẩm vết dao tuổi thơ giờ đi đâu/mẹ nói chú cuội vẫn ngồi trên trăng nhặt lá
Tổ chức chuỗi hoạt động kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam

Tổ chức chuỗi hoạt động kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam

Baovannghe.vn - Ngày 21/5, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam đã họp về công tác tổ chức chuỗi hoạt động kỷ niệm. Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo chủ trì buổi làm việc.
Công nghiệp văn hóa, từ khái niệm đến thực hành

Công nghiệp văn hóa, từ khái niệm đến thực hành

Baovannghe.vn - Trong tập tiểu luận Lang thang trong chữ của nhà văn Hồ Anh Thái (NXB Trẻ, 2016) có bài Chữ nghĩa thời thượng trớ trêu, mà giờ đây đọc lại, càng thấy một mối nghi hoặc vấn vương lâu nay thêm có cơ sở để tiếp tục vấn vương nghi hoặc.